Ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT lấy ngày 20-11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó đến nay, 4 thập kỷ đã qua, Ngày 20-11 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Giáo dục Việt Nam và gắn liền với truyền thống tôn sư trọng đạo của đất nước ta. 40 năm ngày nhà giáo, một hành trình không quá dài tuy nhiên cũng không phải ngắn. Một mùa hiến chương nữa lại đến trong niềm xúc động của nhiều thế hệ nhà giáo. Có thể nói, với các thế hệ của người Việt Nam, dù ở bất kì hoàn cảnh nào thì 20-11 là dịp để mọi người biết ơn, tri ân sâu sắc đến những thầy cô đã miệt mài cống hiến cho sự nghiệp trồng người, thầm lặng đưa học sinh đến bến bờ tri thức.
Anh Nguyễn Tấn Minh, du học sinh tại Mỹ, cựu học sinh của Trường Trung học phổ thông Chuyên Tiền Giang chia sẻ: “Với những thành quả bản thân có được như ngày hôm nay, bên cạnh biết ơn công lao của ba mẹ, lúc nào tôi cũng biết ơn những thế hệ thầy cô đã dạy dỗ mình. Tôi vẫn nhớ nhất hình ảnh phấn trắng, bảng đen, nhớ tà áo dài của cô, nhớ sự nghiêm khắc của thầy, nhớ ánh mắt dịu dàng của cô. Cứ tới ngày Nhà giáo Việt Nam là dù có bận bịu cách mấy, tôi cũng dành chút thời gian gọi điện, nhắn tin thăm hỏi một số thầy cô cũ. Gặp lại thầy cô cũ qua màn hình điện thoại, thấy mái tóc thầy cô đã bạc đi, lòng tôi lại bồi hồi biết mấy”.
Còn với anh Nguyễn Kim Phượng, cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Trương Định, Thị xã Gò Công chia sẻ, hơn 30 năm qua, dù đã xa mái trường mến yêu thế nhưng những thế hệ học trò của cấp III Trương Định ngày nào vẫn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp về thầy cô, bạn bè. Ngoài những bài học về tri thức, chúng tôi được các thầy cô uốn nắn, rèn giũa về đạo đức, cách sống đẹp, sống có ích cho xã hội.
“Vừa qua, những thế hệ học sinh khóa 31 cấp III Trương Định chúng tôi đã có buổi gặp mặt tao ngộ đầy cảm xúc với các thầy cô ngày đó đã dạy chúng tôi. Buổi gặp mặt như là một thứ duyên khởi của tình bạn, tình thầy trò, tình yêu thương đã gắn kết chúng tôi về với nhau dưới mái trường Trung học phổ thông Trương Định. Và trên hết cho thấy rằng, hình ảnh ngôi trường và thầy cô đã là những "tượng đài" bất diệt trong lòng mỗi thế hệ học trò, đó chính là nguồn cội”, anh Phượng chia sẻ thêm.
Nghề dạy học là nghề thiêng liêng, cao quý thế nhưng cũng lắm biết bao vất vả, nhọc nhằn. Và hơn bao giờ hết, hạnh phúc lớn nhất của người thầy là nhìn thấy những thế hệ học sinh do chính mình đào tạo ra khôn lớn, trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội. Cô Nguyễn Thị Lê, một giáo viên về hưu, ngụ huyện Châu Thành chia sẻ: “Nhớ lại một đời đi dạy thật là biết bao kỷ niệm, được đứng lớp dạy dỗ những cô cậu học trò tuổi mới lớn đầy mộng mơ, hồn nhiên và khát vọng, lúc đó mình như được trẻ lại. Nhớ nhất là những lúc lặng lẽ đọc, tỉ mỉ sửa cho các em từng dấu câu, từng lỗi chính tả, trên từng bài kiểm tra của học trò. Để rồi có những lúc bản thân cảm thấy sao rất bực mình khi đọc những bài viết của một vài em cẩu thả, hành văn yếu nhưng rồi lại đắm chìm trong mạch cảm xúc của nhiều bài văn đầy cảm xúc và sáng tạo của học trò. Sau tất cả, tôi yêu nghề giáo viên, yêu học trò, yêu bảng đen, phấn trắng và nếu được một lần chọn nghề, tôi sẽ vẫn chọn nghề giáo như tôi đã từng chọn trước đó”.
Với cô Lê Thị Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Văn Phèn (huyện Gò Công Tây) chia sẻ: “Đối với tôi, Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày thật đặc biệt. Hơn 30 năm trong nghề, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, tôi thật sự chia sẻ và đồng cảm với các em trước những khó khăn, thiệt thòi của những em học sinh nghèo, có nghị lực vượt khó học tốt. Hơn 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ngành giáo dục đã gặp không biết bao nhiêu khó khăn. Tuy nhiên, những thách thức đó vẫn không làm chùn bước nhiệt huyết của các thầy, cô. Thật sự rất cảm phục biết mấy những thế hệ nhà giáo, ngày đêm thầm lặng bên trang giáo án để đưa học sinh đến với bến bờ tri thức tương lai”.
Là một nhà giáo trẻ, thầy Huỳnh Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (TP.Mỹ Tho) chia sẻ: “Ngày 20-11 là dịp để mỗi nhà giáo nhận thức vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân trong sự nghiệp giáo dục. Đồng thời, để mỗi thế hệ nhà giáo, đặc biệt là các giáo viên trẻ như chúng tôi nhắc nhau luôn cố gắng phấn đấu, học tập và làm theo những điều Bác Hồ dạy đối với nghề giáo; không ngừng trau dồi, học tập, đổi mới trong phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”.
Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhà giáo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt các yêu cầu của quá trình đổi mới. Toàn ngành có trên 19.000 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, nhà giáo tỉnh nhà đã có ý thức chính trị sâu sắc, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tụy với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; rất nhiều giáo viên đã nỗ lực sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, nhiều giáo viên đã không ngại vượt khó, bám trường, bám lớp để cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Một mùa hiến chương nữa lại đến. Với tất cả tấm lòng, xin dành cho những thế hệ thầy cô giáo, những người đã và đang cống hiến cho sự nghiệp trồng người những lời tri ân chân thành và tốt đẹp nhất.