Theo đó, Tiền Giang triển khai nhiều hoạt động với mục tiêu huy động sự tham gia của các ngành, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng trên địa bàn tỉnh cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Cụ thể, tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan vi rút, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người. Theo số liệu 10 tháng đầu năm 2022 của Trung tâm phòng, chống dịch bệnh (CDC) Tiền Giang, toàn tỉnh có 6.381 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện (4.415 người trong tỉnh; 1.966 người ngoài tỉnh), trong đó có 2.063 người tiến triển đến giai đoạn AIDS (trong tỉnh 1.819; ngoài tỉnh 244); đã có tổng cộng 1.276 người chết do AIDS. 100% xã/phường, huyện, thị đều có trường hợp nhiễm HIV. Trong số những ca phát hiện mới giai đoạn 5 năm từ 2018 đến nay, hình thái lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất 94,84%, kế đến là qua đường máu (chủ yếu do tiêm chích ma túy chiếm 1,88%, do lây truyền HIV từ mẹ sang con 0,77%, có 2,51% không rõ đường lây truyền. Đa số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện là nam giới, tính từ đầu vụ dịch (năm 1992) đến nay nam chiếm 74,24%, nữ chiếm 25,76%. Từ số liệu thống kê cho thấy đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, Việt Nam chọn chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng” được lãnh đạo các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung quan tâm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức, nhằm huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.