Năm 1940, đồng chí tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tại Cai Lậy. Do địch đàn áp khốc liệt, nên đồng chí phải rời khỏi địa phương, nhưng rồi bị bắt tại Gò Vấp (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Tòa án thực dân kết án đồng chí 20 năm tù và đày đi Côn Đảo. Trong tù, đồng chí giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, kiên quyết không để địch khuất phục.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công (1945), đồng chí và toàn thể tù chính trị được Đảng và chính phủ rước về đất liền vào tháng 10-1945. Mặc dù sức khỏe bị kém do bị địch tra tấn dã man ở trong tù; nhưng đồng chí vẫn hăng hái hoạt động.
Tháng 11-1945, chấp hành sự phân công của Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí về Cái Bè thành lập Huyện ủy Lâm thời, rồi Huyện ủy chính thức (1946), do đồng chí làm Bí thư. Với cương vị này, đồng chí đã cùng với Huyện ủy lãnh đạo và chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân huyện Cái Bè giành được những thắng lợi to lớn trên nhiều mặt, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc vào năm 1954.
Sau hiệp định Genève (1954), đồng chí được cấp trên phân công tập kết ra miền Bắc. Nhưng, với tinh thần cách mạng tiến công, đồng chí xin ở lại miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu chống kẻ thù mới của dân tộc là đế quốc Mỹ. Lúc bấy giờ, địa bàn Cái Bè bị địch đánh phá rất ác liệt. Tuy vậy, đồng chí vẫn kiên cường bám trụ, ra sức xây dựng cơ sở quần chúng và phong trào cách mạng ở địa phương.
Năm 1957, đồng chí được phân công làm Bí thư Huyện ủy Gò Công. Lúc này, ở huyện Gò Công, để thực hiện chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, địch huy động các lực lượng bảo an, dân vệ, công an, do thám dùng mọi thủ đoạn thâm độc và xảo quyệt để đánh vào cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhằm triệt phá cơ sở cách mạng và tiêu diệt phong trào đấu tranh của nhân dân ta. Trước tình hình đó, với tư cách là Bí thư Huyện ủy, đồng chí đã chỉ đạo cho các chi bộ giáo dục cho cán bộ, đảng viên kiên định lập trường, giữ vững khí tiết cách mạng, tạo niềm tin cho quần chúng và chống lại sự khủng bố, đàn áp của kẻ địch. Bên cạnh đó, đồng chí còn chỉ đạo các xã thành lập các tổ tự vệ nhằm tiến hành các hoạt động trừng trị bọn ác ôn và cảnh cáo bọn gián điệp. Nhờ đó, cơ sở cách mạng trên địa bàn huyện được giữ vững; bọn tề điệp co lại, không còn hung hăng như trước; quần chúng tin tưởng vào cách mạng; tạo điều kiện cho phong trào tiến lên. Đầu năm 1959, đồng chí là Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho.
Giữa năm 1959, sức khỏe của đồng chí bị hao mòn dần do hậu quả của những năm tháng bị tù đày dưới chế độ thực dân Pháp và nhất là trong điều kiện sinh sống có quá nhiều khó khăn, gian khổ. Mặc dù được người thân và đồng chí, đồng đội hết lòng chăm sóc, nhưng do bệnh tình quá nặng, đồng chí đã qua đời vào cuối năm 1959. Do có những cống hiến quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập. Tên của đồng chí được đặt cho một trường trung học phổ thông ở thị trấn Cái Bè (Tiền Giang).