Bưng Bồn Bồn là địa danh ở xã Mỹ Hạnh Đông và xã Tân Hội, huyện Cai Lậy (nay thuộc thị xã Cai Lậy), rộng khoảng vài héc ta. Bưng là địa danh Việt gốc Khmer được gọi trại mà thành: Bâng. Theo Lê Trung Hoa trong quyển Địa danh ở Thành phố Hồ Chí Minh, bưng có nghĩa là “hồ to, chỉ chỗ đất trũng giữa đồng, đọng nước, có nhiều cây mọc (như đưng, đế, lác, ...”. Gọi là Bưng Bồn Bồn vì tại vùng trũng này, cây rau bồn bồn mọc rất nhiều. Bồn bồn thuộc họ Ráy (Araceae), thích nghi ở vùng đầm lầy, nước ngập quanh năm. Đây là loại rau dại khá ngon, thường dùng làm dưa chua, nấu canh hoặc ăn sống với mắm kho.
Sự kiện lịch sử liên quan đến địa danh bưng Bồn Bồn: Tháng 5-1972, chuẩn bị vào chiến dịch tiến công tổng hợp hè - thu, Quân khu 8 đã tăng cường cho tỉnh Mỹ Tho Tiểu đoàn 2009B và 5 đại đội bộ binh. Khi tới chiến trường Mỹ Tho, Tiểu đoàn 2009B đã phối hợp với Tiểu đoàn 514C bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh nhiều trận, giành được nhiều thắng lợi, trong đó có trận đánh lớn tại bưng Bồn Bồn, làm nên Chiến thắng Bưng Bồn Bồn.
Ngày 16-7-1972, tại huyện Cai Lậy (nay tách thành huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy), Liên đoàn 41 biệt động quân, là lực lượng tinh nhuệ của quân đội Sài Gòn từ Vĩnh Kim xuống đóng tại Gò Lũy (xã Nhị Bình, huyện Châu Thành). Ta phán đoán địch sẽ vào giải tỏa kinh Cũ, nên lệnh cho Tiểu đoàn 514C và Tiểu đoàn 2009B bố trí lực lượng tại cầu Vĩ, bưng Bồn Bồn, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy (nay thuộc thị xã Cai Lậy).
6 giờ ngày 18-7-1972, Liên đoàn 41 biệt động quân đóng ở Tân Phú bắt đầu hành quân nhằm đánh vỗ mặt vào lực lượng ta. Đến 15 giờ cùng ngày, hai cánh quân của chúng đã đến trước đội hình của 2 Tiểu đoàn 514C và 2009B. Bộ đội ta tổ chức đào công sự nhiều tuyến ngoài đồng. 15 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 67 của Liên đoàn biệt động quân 41 cho nhiều mũi đánh thẳng vào đội hình của Tiểu đoàn 514C. Lực lượng ta chờ địch vào sát công sự mới nổ súng. Một số tên đi đầu bị tiêu diệt.
Trên đoạn công sự của trinh sát tiểu đoàn, ta và địch chiến đấu rất quyết liệt. Cùng lúc đó, cối 60 mm và 82 mm của ta bắn dồn dập vào đội hình của các tiểu đoàn 67 và 76 địch. Đại liên cũng đồng loạt nổ súng và bộ binh nhanh chóng xung phong. Ban chỉ huy tiểu đoàn 67 của địch đã bị diệt ngay từ đầu. Bộ phận cuối của tiểu đoàn này buộc phải lui về đóng ở Xóm Bưng.
Cán bộ, chiến sĩ ta đã dũng cảm đánh bật địch ra khỏi các tuyến công sự và đánh mạnh vào bọn địch đang co cụm ở Xóm Bưng, diệt hết cụm này đến cụm khác. Địch bị thiệt hại nặng nề, chống trả yếu ớt rồi tìm đường tháo chạy. Đến 16 giờ 20 phút, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, thu dọn chiến trường.
Trong trận này, ta đã tiêu diệt 480 lính địch (có 3 cố vấn Mỹ), thu 180 súng các loại, 18 máy vô tuyến điện, bắt 18 tù binh. Liên đoàn 41 biệt động quân địch về cơ bản đã bị tiêu diệt. Đây là trận đánh phục kích có hiệu quả chiến đấu cao và có tác dụng thúc đẩy phong trào cách mạng ở địa phương phát triển mạnh.
Chiến thắng Bưng Bồn Bồn có ý nghĩa lịch sử quan trọng, góp phần cùng cả nước tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ra Quyết định công nhận địa điểm Chiến thắng bưng Bồn Bồn là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.