Ở huyện Cái Bè có rạch Cổ Cò. Con rạch này có hình thế quanh co, như cổ của con cò, nên được gọi là rạch Cổ Cò, chảy qua các xã An Thái Đông, Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè, nối rạch Cái Cối ở xã An Thái Đông, huyện Cái Bè với kênh/kinh Nguyễn Văn Tiếp B tại xã Mỹ Lợi B cùng huyện, dài 11 km, rộng từ 40 - 60 m, sâu từ 5,7 - 9,6 m, diện tích phục vụ sản xuất nông nghiệp khoảng 1.900 ha.
Địa danh Cổ Cò liên quan đến chiến trận Cổ Cò ngày 22/01/1947.
Qua công tác trinh sát, theo dõi, Bộ Chỉ huy Quân khu 8 của ta biết chắc tiểu đoàn Léon của quân Pháp đang càn quét dài ngày ở huyện Chợ Mới, tỉnh Long Châu Tiền (nay thuộc tỉnh An Giang) sắp kết thúc hành quân sẽ rút về Sài Gòn. Để tiêu diệt tiểu đoàn này, Chi đội 18 (tỉnh Sa Ðéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp); Chi đội 17 (tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc tỉnh Tiền Giang); Đại đội học viên Trường Quân chính Khu 8 tổ chức trận địa phục kích trên lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1), đoạn từ cầu Bà Tồn (huyện Cai Lậy) đến bến phà Mỹ Thuận (nay là cầu Mỹ Thuận, huyện Cái Bè). Ngoài ra còn có lực lượng Quốc vệ đội và du kích các xã An Thái Đông, Hoà Khánh, An Hữu, Hậu Mỹ, Thiên Hộ, Mỹ Thuận (huyện Cái Bè) cùng tham gia.
Đêm 30 Tết Đinh Hợi - 1947, tất cả lực lượng bí mật vào chiếm lĩnh trận địa. 10 giờ sáng mùng 1 Tết (22/01/1947), đoàn xe quân sự chở đầy lính Pháp có xe thiết giáp hộ tống đã lọt vào trận địa phục kích của ta. Các đơn vị vũ trang cách mạng nổ súng đồng loạt xung phong tấn công. Bọn địch bị đánh bất ngờ nên chống trả yếu ớt, bỏ chạy tán loạn. Sau 2 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt tiểu đoàn thiện chiến của Pháp, diệt 170 tên, bắt 15 tên, phá hủy toàn bộ 8 xe thiết giáp, 6 xe vận tải chở quân lương và thực phẩm, thu hơn súng 100 tiểu liên, 15 trung liên, 12 súng ngắn.
Chiến thắng Cổ Cò có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với quân dân Khu 8 nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội Khu 8 và tỉnh Mỹ Tho về trình độ tổ chức chỉ huy, hợp đồng tác chiến đồng bộ giữa bộ đội chủ lực và dân quân du kích địa phương còn non trẻ; quan trọng hơn là góp phần thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích ở địa phương ngày càng phát triển và lan rộng. Bên cạnh đó, chiến thắng này củng cố niềm tin và cổ vũ mạnh mẽ khí thế nổi dậy đấu tranh của nhân dân trên toàn Nam bộ vào đầu mùa xuân năm 1947, là đòn đánh mạnh vào tinh thần của bọn tay sai, khiến chúng hoang mang, lo sợ trước sự lớn mạnh nhanh chóng của lực lượng vũ trang cách mạng. Thắng lợi của trận Cổ Cò đã gây chấn động trên toàn chiến trường Nam bộ.
Chiến thắng Cổ Cò làm cho nhân dân ta liên tưởng đến Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của Hoàng đế Quang Trung, nên có một lão nông sáng tác 4 câu thơ để ca ngợi:
Trận Cổ Cò tưởng nhớ đến Quang Trung,
Việt Nam xưa nay lắm anh hùng.
Mùng một Tết thắng quân xâm lược,
Trên đất này xuất hiện Quang Trung.
Để ghi dấu Chiến thắng Cổ Cò oanh liệt, tỉnh Tiền Giang đã cho xây dựng Di tích chiến thắng này tại km 2019 + 400m Quốc lộ 1, thuộc ấp Thái Hòa, xã An Thái Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Di tích được xây dựng trên khuôn viên rộng trên 3.000m², gồm các hạng mục chính, như Nhà bia, trong đó có tấm bia ghi ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Cổ Cò; bảng vàng ghi công; cụm tượng đài được tạo tác bằng hợp kim đồng cao 3m thể hiện 3 lực lượng gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích cùng tiến công địch; công trình phụ trợ, gồm hàng rào, cây xanh, hoa cảnh,… Di tích Chiến thắng Cổ Cò được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2001.