Căn cứ Thành ủy Mỹ Tho

Thứ năm - 21/12/2023 03:01
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng và Nhân dân, thành phố (TP) Mỹ Tho là địa bàn chiến lược và là trung tâm của miền Trung Nam bộ. Để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định đối với “Chiến tranh cục bộ”, Hội nghị Khu ủy Khu 8 (tháng 6/1967) đã chọn TP. Mỹ Tho làm trọng điểm tấn công của Khu.

Trong bối cảnh đó, nhằm đảm bảo cho sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời trên chiến trường trọng điểm, theo đề xuất của Khu ủy Khu 8, Trung ương Cục miền Nam đã chuẩn y nâng thị xã Mỹ Tho lên thành phố. Ngày 24/8/1967, Thành ủy Mỹ Tho được thành lập tại xã Thạnh Hưng (huyện Cái Bè) gồm 11 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Thanh Hà (Mười Hà) làm Bí thư Thành ủy. 

Tháng 11/1967, cơ quan Thành ủy được dời về xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy. Sang tháng 12/1967, cơ quan Thành ủy được chuyển về căn cứ xã Đạo Thạnh (TP Mỹ Tho) để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Căn cứ  xã Đạo Thạnh được bao bọc, che chở bởi những vườn cây um tùm, mà nhiều nhất là mận hồng đào. Tại đây, Đội du kích xã đã đào hào chiến đấu, gài lựu đạn, mìn, lập hầm chông, bảng tử địa,… để bảo vệ căn cứ. Tuy nhiên, quan trọng nhất là thế trận lòng dân. Nhân dân xã Đạo Thạnh, vốn có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh bất khuất, đã một lòng đi theo Đảng, ra sức nuôi giấu, đùm bọc, che chở cán bộ cách mạng nói chung và cán bộ, đảng viên Thành ủy Mỹ Tho nói riêng. Hồi ký của đồng chí Nguyễn Thanh Hà viết: “Tới  12 giờ khuya đêm giao thừa, tôi phổ biến cho cán bộ, họp dân, phát động, bữa nay, cùng với bộ đội đi bao vây đồn bót, tấn công chính trị, nên ông già, bà lão có thể về, còn thanh niên nam nữ ở lại đây, cùng bộ đội tấn công và có thể vận chuyển, tải thương, cùng bộ đội chiến đấu. Nghe phổ biến vậy, đồng bào rần rần phấn khởi. Cũng có những ông già, bà lão nói, để tao theo bộ đội. Dân mình cách mạng lắm. Nói đi công tác tải thương, tải đạn là mọi người sẵn sàng ngay, có đội ngũ, theo từng đơn vị xã, ấp đàng hoàng, có tổ chức trật tự”.

Tại căn cứ này, Thành ủy Mỹ Tho đã lãnh đạo và chỉ đạo lực lượng vũ trang do Thành đội quản lý mở những cuộc cuộc tấn công quyết liệt vào địa bàn nội ô, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Căn cứ xã Đạo Thạnh còn là nơi đứng chân của lực lượng vũ trang tỉnh Mỹ Tho (tiểu đoàn 514), của Quân khu 8 (hai trung đoàn 24 và 88, ba tiểu đoàn 261A, 261B, 263; đội đặc công quân khu 70B),… Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, địch điên cuồng tấn công, bắn phá, ném bom căn cứ xã Đạo Thanh. Trước tình thế đó, Thành ủy Mỹ Tho dời căn cứ về xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo.

Đến giữa năm 1969, Thành ủy tổ chức triển khai học tập đến từng chiến sĩ và đoàn thể để thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo và hành động kịp thời, chủ trương bảo vệ địa bàn đứng chân, củng cố lực lượng, tạo thế vững chắc để đánh địch cả về quân sự và chính trị. Để tiếp tục chỉ huy, xây dựng và củng cố phong trào, Thành ủy dời căn cứ về lại xã Đạo Thạnh và xây dựng cơ sở đứng chân tại ấp 3 và ấp 5.

Cuối năm 1969, do Mỹ dùng chất độc khai quang rãi nơi lực lượng cách mạng đóng quân, gây khó khăn cho hoạt động nên Thành ủy tiếp tục dời căn cứ sang xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre  để bảo toàn lực lượng, tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng thành phố. Cơ quan Thành ủy đóng tại căn cứ này đến cuối năm 1972.

Trong những năm 1969 đến 1972, phong trào cách mạng ở TP. Mỹ Tho tuy gặp nhiều khó khăn, phải nhiều lần dời căn cứ; song dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, quân và dân thành phố vẫn kiên quyết tiến công địch trên 3 mũi giáp công: Chính trị, quân sự và binh vận, giữ vững quyền làm chủ ở ngoại ô và tiến công địch ở nội ô, gây cho chúng nhiều thiệt hại về người và vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng.

Sau Hiệp định Paris (01/1973), TP Mỹ Tho được Khu ủy Khu 8 giao về trực thuộc tỉnh Mỹ Tho. Nhiệm vụ của Thành ủy lúc này là lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng vũ trang đánh địch lấn chiếm, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, đẩy mạnh xây dựng 3 thứ quân và lực lượng đấu tranh chính trị, binh vận. Lúc này, do tình hình cách mạng phát triển thuận lợi, nên cơ quan Thành ủy lại được chuyển về căn cứ xã Đạo Thạnh.

Đầu năm 1975, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Thành ủy đã chỉ đạo tăng cường lực lượng vũ trang ở ngoại và nội ô, đẩy mạnh hoạt động quân sự, đấu tranh chính trị và binh vận, gây cho địch nhiều thương vong, hoang mang, rệu rã về tổ chức và tinh thần. Tháng 02/1975, Thành ủy Mỹ Tho chỉ thị cho căn cứ xã Đạo Thạnh chuẩn bị vũ khí, nhu yếu phẩm, băng rôn, cờ hiệu… để sẵn sàng phối hợp với lực lượng đại đội 2 và đại đội 5 thuộc Thành đội,… khi có thời cơ tiến vào giải phóng thành phố Mỹ Tho. Công tác chuẩn bị được gấp rút tiến hành trong không khí nhộn nhịp và niềm vui ngày chiến thắng gần kề.

19 giờ ngày 30/4/1975, TP. Mỹ Tho cơ bản được giải phóng, cùng với cả nước kết thúc sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập220
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm186
  • Hôm nay47,399
  • Tháng hiện tại1,041,931
  • Tổng lượt truy cập36,676,882
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây