Sắt son với Đảng, giữ vững khí tiết cách mạng *

Thứ năm - 28/12/2023 21:40
Đồng chí Lê Văn Trưng, sinh năm 1943 trong một gia đình bần cố nông, ở ấp Tân Thới, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Tháng 2 năm 1955, ông tham gia cách mạng, làm giao liên xã. Ngày 19-5-1961, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.
Đồng chí Lê Văn Trưng.
Đồng chí Lê Văn Trưng.
Năm 1968, ông được cấp ủy phân công làm Trưởng Ban an ninh xã Tân Phú. Ông cùng với Ban an ninh xã đã trừng trị nhiều tên gián điệp, bảo vệ cơ sở cách mạng. Ngày 11-2-1971, địch mở trận càn vào xã Tân Phú, ông cùng đồng chí Ba Thanh - Phó Ban Nông hội xã và đồng chí Chín Đờn - du kích xã xuống hầm bí mật. Đến 16 giờ cùng ngày, ông cùng đồng đội vừa lên khỏi hầm thì lọt vào ổ phục kích của địch, đồng chí Ba Thanh hy sinh, đồng chí Chín Đờn chạy thoát, riêng ông bị địch bắt. Chúng đánh đập ông tàn nhẫn hòng khai thác và tìm ra manh mối. Ông khai là cán bộ tiểu đội trưởng của tiểu đoàn 514C bị thương ở lại cơ sở điều trị, vì trong người ông còn mấy vết thương chưa kịp lành nên chúng tin. Tên chỉ huy gọi điện về cho Ban Chỉ huy báo cáo bắt được một tiểu đội trưởng của tiểu đoàn 514C, bọn chỉ huy ra lệnh đem về khai thác, chúng đưa ông về giam ở Khám đường Mỹ Tho. Đầu tháng 3 năm 1971, chúng giải ông đến Nha Cảnh sát Cần Thơ. Trại giam chật ních tù nhân, phòng giam 2,5 m2 (có hai tầng, tầng trên và tầng dưới), ngồi là đụng nóc phòng giam. Tại đây, ông gặp đồng chí Thiện - cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Gò Công, đồng chí Huỳnh Kim Tây, xã Long Định, đồng chí Tư Tảo, xã Tân Phú,… Mọi người đã liên kết để chống nội quy nhà tù, đòi cải thiện đời sống.

Sáng ngày 19-5-1971, kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, mọi người đấu tranh bằng hình thức cả trại nằm im lặng không ai dậy. Bọn giám thị phát hiện nên cho cảnh sát dã chiến bao vây bên ngoài, chúng điểm danh bắt những người chúng nghi là lãnh đạo, như đồng chí Văn Đạo, đồng chí Thiện và một số tù nhân khác đưa đi biệt giam. Đời sống của tù nhân rất khốn khổ, chúng cho ăn cơm nửa thóc, nửa gạo. Người nào ăn chừa thóc lại chúng áp dụng hình phạt “máu chảy về tim” (trói chân rồi móc vào bờ tường treo ngược 15 phút), người khỏe mấy cũng không chịu nổi 2 phút. Mỗi bữa cơm chỉ ăn 10 phút, ai ăn trễ sẽ bị phạt.

Đến cuối tháng 5 năm 1971, chúng đưa ông ra Tòa án lưu động của Vùng IV chiến thuật ở Cần Thơ, kêu án 5 năm khổ sai. Sau đó, chúng đưa ông về khám lớn Phong Vinh. Nơi đây một phòng chúng nhốt gần 200 người, đêm đến ngủ ngồi, ngủ nằm sấp lớp như cá mòi hộp, cơm nấu như cháo đặc với một muỗng muối bọt, không được tắm giặt nên ghẻ nổi khắp người.

Tháng 6 năm 1971, chúng giải ông về khám Chí Hòa - Sài Gòn và giam ông tại khu C, phòng 02. Tại đây, ông liên hệ với đồng chí Ba Trí, cán bộ Tỉnh ủy Gò Công và đồng chí Tư Hồ ở xã Bình Phú công tác mật nội thành Sài Gòn. Đến ngày 10-9-1971, chúng đày ông và 200 đồng chí ra Côn Đảo. Khi lên xe đi từ khám Chí Hòa đến bến Bạch Đằng, mọi người dùng lưỡi lam rọc vải bạt trùm mui xe, đưa đầu ra hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo ngụy quyền Sài Gòn!... Đồng bào ơi, chính quyền Sài Gòn đày những người yêu nước ra Côn Đảo!”. Đoàn xe áp giải tù nhân biến thành đoàn biểu tình giữa thành phố Sài Gòn. Đến 11 giờ, địch giải tù nhân xuống tàu số 402, còng chân 10 người vào một cây còng luồn. Đúng 18 giờ ngày 11-9-1971, tàu tới cầu tàu Côn Đảo, địch mở còng cho tù nhân lên bờ. Khi mọi người lên bờ, thấy khoảng 30 tên trật tự cầm cây đứng chờ sẵn, chúng chửi mắng, hăm dọa và bắt tù nhân xếp thành hai hàng dẫn về trại giam. Trên đường đi chúng tạo cớ đi không ngay hàng để đánh đập tù nhân. Tất cả tù nhân dừng lại ngồi xuống không đi, la vang khẩu hiệu “Đả đảo quân đàn áp, yêu cầu Ban giám thị trại giam đến giải quyết”! Sau một tiếng đồng hồ giằng co, tên giám thị đến xoa dịu, hứa sẽ giải quyết theo yêu sách của ta đề ra là không đánh đập tù nhân nữa, chúng đưa mọi người về trại 3, phòng 13. Sáng hôm sau, địch bắt tù nhân ra chào cờ, tù nhân dõng dạc tuyên bố: “Không chào cờ, không lao động khổ sai, chúng tôi là người cách mạng, không chấp nhận chào cờ của chính quyền Sài Gòn!”. Chúng khóa cửa trại giam bỏ đói, bỏ khát tù nhân suốt hai tuần.

Đến ngày 28-9-1971, chúng đưa toàn bộ tù nhân nhốt vào “chuồng cọp” trại 7, khu Đ. Tại đây ông cùng đồng chí Kiệt, quê xã Mỹ Hạnh Trung ở chung một “chuồng cọp”. Đêm đến, bọn lính bảo an, bọn trật tự mở “chuồng cọp” bắt tù nhân đánh đập tàn nhẫn. Tiếng la hét, đả đảo đàn áp vang lên suốt đêm trong trại giam.

Tháng 2 năm 1972, chúng giải ông trở lại trại 3, phòng 13. Tại đây, ông liên hệ với tổ chức trong nhà tù, đó là đồng chí Hai Tấn quê ở xã Long Hưng, đồng chí Tống Văn Giao quê ở xã Mỹ Thiện, đồng chí Long quê ở xã Mỹ Hạnh Trung, đồng chí Lê Câu ở miền Trung, anh Thảo quê ở Gò Công,… sinh hoạt bí mật trong phòng giam. Tháng 4 năm 1972, tù nhân toàn trại giam tuyệt thực 3 ngày với yêu sách là đòi cải thiện đời sống, cơm phải cấp đủ ăn, cấp đủ thuốc men để chữa trị bệnh. Tuyệt thực đến ngày thứ 3, trưởng trại giam hứa sẽ giải quyết đầy đủ theo yêu cầu của tù nhân.

Tháng 5 năm 1972, tù nhân ở phòng 16 và phòng nhà bếp của trại 1 dùng đá xanh đập vỡ sọ tên Mười Ô - Trưởng trại, chết tại chỗ. Hắn là tên ác ôn khét tiếng ở Côn Đảo, được chúa đảo tặng cho danh hiệu: “Sát cộng số một trên đất đảo”. Sau vụ giết Mười Ô, chúng bắt thêm 11 người đem lên sở Chuồng Bò nhốt hành hạ, tra tấn đủ mọi cực hình. Cuối cùng, chúng đào hố sâu rồi sỏ dây chì vào nhượng 12 người, cột đứng dưới hố. Chúng đem phân bò lấp xuống, chôn sống hết.

Đến tháng 8 năm 1972, bọn chiêu hồi chỉ điểm phát hiện tổ chức của ta, an ninh xuống phòng 13 bắt ông, đồng chí Lê Câu và đồng chí Thảo đem về trú khu 1 để khai thác vì cho rằng đây là những người cầm đầu trong phòng. Sau 7 ngày không khai thác được gì, cuối cùng chúng đem giấy đến kêu trả tự do. Chúng đưa ông về phòng 17. Tại đây, ông gặp được đồng chí Hai Nhiều và đồng chí Lanh, trong phòng tiếp tục sinh hoạt với tổ chức.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, trước tình hình này, lãnh đạo trong trại quyết định thay đổi phương hướng đấu tranh, đưa yêu sách cao hơn trước như làm chủ hoàn toàn trong phòng, tự do hội họp, sinh hoạt chính trị, văn nghệ; đòi trao trả tù binh; chống chủ trương chiêu hồi của địch và thành lập Đội quyết tử.

Chiều ngày 28-2-1973, tù nhân trong trại giam đều treo khẩu hiệu làm lễ mừng hòa bình. Phòng 14 đang treo băng làm lễ thì tên cai ngục đến không cho, bảo gỡ băng. Mọi người không gỡ mà nói với nó là “Đất nước Việt Nam bị chiến tranh tàn phá, chết chóc đau thương quá rồi. Hòa bình khỏi cảnh tang thương, chết chóc trong đó có gia đình ông, mà ông không muốn hay sao”? Tên cai ngục bí lối đành nói cùng: “Hòa bình ở đất liền, ở đây không có hòa bình, tao tiếp tục ngắt họng tụi bây như ngắt họng cá sặc!”, rồi nó bỏ đi, buổi lễ tiếp tục. Từ ngày 29-2-1973 trở về sau, tù nhân làm chủ hoàn toàn trong phòng giam. Đến tháng 4 năm 1973, bọn chỉ huy trại giam gửi tờ chiêu hồi cho tù nhân: “Các anh chịu chấp nhận là người của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa phải ký vào cam kết. Chúng tôi sẽ đưa về đất liền và phóng thích ngay về với gia đình”! Ai không chịu ký tên chúng đuổi trở về phòng giam, ai chịu ký chúng dẫn vào văn phòng ngay. Tháng 4 năm 1973, chúng đưa cảnh sát dã chiến ở Sài Gòn ra làm hồ sơ từng người. Chúng kêu lên chụp hình gắn hồ sơ nhưng tất cả anh em tù nhân đều chống không chịu chụp hình. Chúng đóng cây chữ thập rồi cột tù nhân vào để chụp hình. Trong khi chúng chụp hình thì tù nhân ngả đầu ngang qua một bên nên bọn chúng không chụp được.

Cuối tháng 4 năm 1973 chúng phải nhượng bộ ta, làm theo yêu cầu của ta là ghi vào chỗ Thành phần là “Nhân viên nhân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam chờ trao trả”. Chúng ghi đầy đủ như vậy tù nhân mới chịu ký vào hồ sơ. Tù nhân tiếp tục xây dựng lực lượng quyết tử ở mỗi phòng giam, mỗi tiểu đội chọn người có sức khỏe, có nghề võ. Tranh thủ lúc chúng thả ra tắm, tù nhân kiếm thanh sắt, dây, gạch, đá bên ngoài đem vô phòng để trang bị khi cần dùng. Mỗi phòng trong trại giam đều có đội quyết tử. Chủ trương của Đảng ủy nhà tù là: “Nếu đất liền cướp chính quyền thì ta tấn công cướp trại, tiến tới cướp chính quyền trên đảo”.

Giữa tháng 8 năm 1973, chúng đưa ông về giam ở nhà tù Hố Nai - Biên Hòa, chúng chia làm 2 khu, mỗi khu khoảng 1.000 người, ông bị giam ở khu C. Vừa ổn định, khoảng 17 giờ chiều, Ban tổ chức trong đoàn họp bàn: “Đây là trại tù binh, bọn này rất ác ôn, nên ta phải ra tay trước để dằn mặt chúng. Sau khi bàn thống nhất kế hoạch, đúng 19 giờ tối toàn bộ lực lượng tập trung theo hành lang hô vang khẩu hiệu: yêu cầu Ban quản đốc trại giam cấp cơm nước cho tù nhân; yêu cầu cấp thuốc trị bệnh. Suốt 4 tháng trời, địch cho mỗi người một bữa ăn chỉ một chén cơm và một muỗng muối bọt, chúng bỏ đói đến mức có người đi không nổi. Hàng ngày, tù nhân  tổ chức một tổ 3 người lấy tôn thiếc cuốn làm ống loa, leo lên nóc trại giam phát loa: Chúng tôi đói quá đồng bào ơi!

Khoảng tháng 10 năm 1973, nhận thấy địch không thực hiện đúng tinh thần Hiệp định nên tổ chức quyết định cho một số tù nhân tổ chức vượt ngục nhưng kế hoạch bất thành. Đến ngày 24-12-1973, đồng chí Hoàng U bị bệnh chết. Đại diện trại giam gặp trực tiếp Giám đốc trại giam báo cáo có người bệnh chết, yêu cầu giám đốc trại giam cung cấp thuốc trị bệnh cho tù nhân thì mới cho lấy xác. Tù nhân quyết giữ xác cho đến khi nào chúng giải quyết yêu sách của ta mới cho lấy xác. Đến chiều ngày 25-12-1973, địch đổ xuống một đại đội quân cảnh bao vây khu C. Bọn quân cảnh bắn vô khu hàng trăm trái phi tiễn và lựu đạn cay, khói mù mịt bao trùm cả khu vực. Sau đó bọn quân cảnh xông vào trại giam, dùng dùi cui, ba trắc đánh ẩu đả với tù nhân để cướp xác đem đi. Trong cuộc hỗn chiến này, tù nhân ngất xỉu trên 30 người vì bị trúng phi tiễn và lựu đạn cay, có một tù nhân nắm đầu thằng quân cảnh, giựt được 1 cái mặt nạ phòng độc. Chiều cùng ngày, tên thiếu tá Tuấn đến xin lại mặt nạ và hứa sẽ giải quyết theo yêu cầu của ta, nhưng hắn chỉ hứa cho qua, thực tế không giải quyết gì cả.

Ngày 11-2-1974, chúng đưa tù nhân về sân bay Lộc Ninh, mọi người được Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Đoàn chiến thắng trở về”, đây là vinh dự lớn của người bị tù đày. Sau đó, mọi người được đi an dưỡng trị bệnh 3 tháng, được phục hồi Đảng tịch và phân công về các đơn vị tiếp tục chiến đấu. Riêng ông được phân công về đơn vị làm Trung đội trưởng Trung đội 3, Đoàn 300 hậu cần chủ lực miền Đông (R) tiếp tục chiến đấu đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông được đơn vị cho phục viên trở về quê nhà. Hiện ông là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Tân Phú, ủy viên Ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

* Tựa do Ban biên tập đặt.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập452
  • Máy chủ tìm kiếm59
  • Khách viếng thăm393
  • Hôm nay81,544
  • Tháng hiện tại1,721,293
  • Tổng lượt truy cập40,090,669
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây