Một vài địa danh mang thành tố “xóm” ở Tiền Giang

Thứ hai - 08/04/2024 22:16
Xóm: là nơi quần tụ những hộ gia đình sinh sống gần nhau, có hoặc không có mối quan hệ họ hàng với nhau.
1. Xóm Ao
Xóm Ao là xóm nhà tọa lạc xung quanh một cái ao, thuộc xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo.
Địa danh này có liên đến chiến thắng “Bảy dũng sĩ Xóm Ao”.  Ngày 15/11/1965, tại Xóm Ao,  07 chiến sĩ quân giải phóng đã kiên cường, anh dũng, mưu trí đánh bại cuộc hành quân càn quét của 3 đại đội bảo an địch, có máy bay và pháo binh yểm trợ, diệt hàng trăm binh lính địch. Từ chiến thắng đó, bà con xã Thanh Bình đặt cho cái tên “Bảy dũng sĩ Xóm Ao” và đã trở thành một địa danh lịch sử.

2. Xóm Chòi
Vào giữa thế kỷ 18, ông Hồ Đắc Lại từ Xứ Truồi - Huế (nay thuộc hai xã Lộc An và Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) di cư vào thôn Mỹ Đông Trung (nay là xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) khẩn hoang, lập nghiệp. Khi mới đến vùng đất mới, do có nhiều thú dữ, nhất là cọp và rắn, nên ông dựng chòi trên cây cao để cư trú. Về sau, người dân đến khai hoang ngày càng nhiều. Từ đó, hình thành nên Xóm Chòi. Ông Hồ Đắc Lại và vợ được dân gian gọi là ông Chòi, bà Chòi.

Địa danh này liên quan đến trận đánh bọn biệt kích quân đội Sài Gòn ngày 26/01/1968 của Tiểu đoàn 514 Tỉnh đội Mỹ Tho. Trận đánh này, ta tiêu diệt khoảng hàng trăm lính địch (trong đó có 05 cố vấn Mỹ), bắn rơi 01 chiếc máy bay trực thăng, thu 100 súng các loại và 07 máy truyền tin PRC25. Chiến thắng Xóm Chòi tạo điều kiện thuận lợi cho lực lương vũ trang huyện Cai Lậy phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

3. Xóm Diệc
Xóm Diệc là nơi có nhiều chim diệc đến sinh sống, tọa lạc tại xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy.
Tại Xóm Diệc, ngày 10/2/1968, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) triển khai Quyết định thành lập Tiểu đoàn 514C với 2 đại đội, gồm 208 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 176 tân binh là du kích, thanh niên nhận từ 2 phía Nam, Bắc huyện Cai Lậy. Ngay sau khi thành lập, ngày 11/2/1968, Tiểu đoàn 514C đối mặt với trận càn quy mô lớn của lính Mỹ có máy bay, pháo binh và xe thiết giáp M.113 yểm trợ. Mặc dù vừa mới ra đời, chưa kịp trang bị đầy đủ vũ khí  nhưng toàn tiểu đoàn đã bám chắc công sự,  chiến đấu kiên cường, bẻ gãy 3 mũi tiến công của quân Mỹ, giữ vững trận địa, tiêu diệt  nhiều sinh lực địch, bắn cháy 1 xe và bắn hư 2 xe M113.

4. Xóm Dầu
Xóm Dầu là nơi có trồng nhiều cây dầu và người dân ở đây làm nghề nấu dầu. Xóm nghề này được Trịnh Hoài Đức nhắc đến trong bài thơ “Mưa đêm ở Mỹ Tho” khi ông  giữ chức Ký lục dinh Trấn Định (Tiền Giang ngày nay) năm 1794.

Tháng 9-1929, tại Xóm Dầu, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng tỉnh Mỹ Tho được thành lập, gồm các đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn Văn Hồng,… do đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn làm Bí thư. Đây là một trong những chi bộ cộng sản đầu tiên ở tỉnh Mỹ Tho. Xóm Dầu ngày nay là Khu phố 7, Phường 3, thành phố Mỹ Tho.

5. Xóm Đào
Xóm Kênh Đào, gọi tắt là Xóm Đào, nằm trên bờ bắc kênh đào Nguyễn Văn Tiếp, có chiều dài gần 2,5 km từ kênh Tây xuống đến cống Bà Rãnh, nay thuộc địa phận xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước.

Xóm Đào có liên quan đến chiến thắng Xóm Đào vào cuối tháng 6/1965. Ngày 29/6/1965, một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 quân đội Sài Gòn được trực thăng đổ quân xuống Xóm Đào, ngay địa bàn đóng quân của tiểu đoàn 261 quân giải phóng. Dự đoán được kế hoạch của quân địch, ngay đêm ngày 28/6/1965, tiểu đoàn 261 và du kích xã đã đào công sự, bố trí trận địa, sẵn sàng chiến đấu. Khoảng 6 giờ ngày 29/6/1965, đợi quân địch đi sát trận địa, quân ta đồng loạt nổ súng diệt ngay bọn đi đầu, bọn đi sau hoảng sợ chạy ra khỏi trận địa để củng cố lực lượng và kêu gọi quân tiếp viện. Sau đó, địch cho pháo binh, máy bay bắn phá hơn một giờ đồng hồ vào trận địa ta. Cả Xóm Đào tràn ngập khói lửa hủy diệt của bom đạn. Lúc này, khu chiến thuật Tiền Giang và Bộ tư lệnh Sư đoàn 7 quân đội Sài Gòn tăng cường thêm lực lượng bộ binh, xe thiết giáp và máy bay chiến đấu yểm trợ, quyết tâm bao vây tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta tại trận Xóm Đào.

Đã có nhiều kinh nghiệm trong tác chiến phòng ngự vòng tròn nên các chiến sĩ nên ta đã bình tĩnh đợi địch đến thật gần công sự mới nổ súng. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức quyết liệt, ta đã đẩy lùi hàng chục cuộc tấn công của địch, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bắn cháy 04 máy bay. Càng chiến đấu, sự kết hợp giữa lực lượng chủ lực và dân quân du kích xã Mỹ Hạnh Đông càng chặt chẽ hơn. Nhân dân Mỹ Hạnh Đông đã không sợ hy sinh, tiếp tế cơm nước đến tận trận địa. Chính sự dũng cảm của các mẹ, các chị đã thôi thúc tinh thần chiến đấu của bộ đội ta.

Đến 17 giờ, lợi dụng lúc địch lo củng cố đội hình, toàn bộ lực lượng của ta rời khỏi công sự, tấn công thẳng vào giữa đội hình của chúng, tiêu diệt gọn 1 đại đội bộ binh, bắt sống hàng chục lính địch, thu hàng trăm khẩu súng, rồi rút lui về vùng căn cứ Ấp Bắc.

Sau chiến thắng Ấp Bắc năm 1963, đây là trận thắng lớn của quân ta, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với địa phương. Chiến thắng Xóm Đào được báo Giải phóng Khu Trung Nam Bộ ca ngợi:
“Ai về xã Mỹ Hạnh Đông,
Mà xem chiến sĩ Hi rôn diệt thù.
Ai về kinh Cũ, Xóm Đào
Mà xem đồng bào đi lượm súng rơi”
(Thơ Nguyễn Xuân Phán)
 

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập297
  • Máy chủ tìm kiếm89
  • Khách viếng thăm208
  • Hôm nay66,835
  • Tháng hiện tại438,920
  • Tổng lượt truy cập38,808,296
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây