Lời kể của nữ cựu tù kháng chiến đấu tranh chống địch

Thứ hai - 20/11/2023 21:01
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược mặc dù đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những ký ức về một thời chiến tranh ác liệt vẫn còn hiện lên trong tâm trí của bà Dương Thị Đào. Câu chuyện thuật lại dưới đây của nữ cựu tù kháng chiến Dương Thị Đào, sinh năm 1952, quê quán ấp Phước Hòa, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho, là chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày, thương binh ¾ sẽ giúp cho chúng ta thấy được lòng quả cảm, sự hy sinh của biết bao thế hệ cha anh đã không tiếc xương máu để dành lại độc lập cho dân tộc và qua đó sẽ giáo dục cho thế hệ trẻ biết trân quý hơn về giá trị của hòa bình.

…“Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, có truyền thống cách mạng, là một người con gái chân yếu tay mềm, lớn lên trong thời chiến tranh ác liệt, nên tôi đã xác định được con đường của cha ông đã đi trước là đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc. Đến năm 1965, tôi tham gia vào đội du kích xã với nhiệm vụ là trinh sát. Năm 1967, tôi được tổ chức phân công làm Bí thư xã đoàn, kiêm y tá, cuối năm 1968, được phân công thêm nhiệm vụ là Đội phó Đội du kích, năm 1969, được điều động về công tác đơn vị Quân báo Tỉnh đội, với nhiệm vụ cán bộ vị trí bên ngoài và liên lạc các cơ sở trong lòng địch.

Ngày 19-12-1972, tôi được thư Tỉnh đội điều về chỉnh huấn, đến 12 giờ khuya, tôi được đơn vị đưa ra nhà ngoài cơ sở để chuẩn bị sáng hôm sau đi công tác ở Mộc Hóa, Vĩnh Long. Rạng sáng 20-12-1972, bọn biệt kích của thằng Mười Út, huyện Cai Lậy rầm rộ xông vào nhà bắt tôi, khi đó mặc cho cháu Hùng (con tôi) mới lên 2 tuổi gào khóc gọi mẹ thảm thiết, chúng đưa tôi về huyện Cai Lậy, sau đó đợi tên Mười Tân (chiêu hồi) từ Mỹ Tho đến nhận tôi về Ty thẩm vấn.

Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, chúng đưa tôi vào “xà lim”, một giờ sau, chúng đưa tôi lên điều tra. Khi đến phòng điều tra, tôi mới biết là do bọn chiêu hồi chỉ điểm, bắt tôi, chúng bắt tôi phải khai báo các cơ sở bên ngoài, nhưng tôi quyết không khai và trả lời với chúng rằng tôi không biết chữ, làm sao làm “Việt cộng” được.

Điều tra không được, chúng liên tiếp đem tôi ra đánh đập, hành hạ dã man, chúng dùng điện tra tấn tôi đến 12 giờ khuya, làm tôi bất tỉnh, sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm ở bệnh viện đa khoa, hai chân còng trong giường sắt. Ngày hôm sau tôi tỉnh dậy, chúng đưa tôi về Ty tiếp tục điều tra. Tôi bị chúng đánh liệt cả 2 chân và lại tiếp tục đưa lên bệnh viện điều trị tại bệnh viện đa khoa gần một tháng. Sau đó, chúng đưa tôi về giam ở khám đường. Thời gian này tôi liên tục bị bệnh do những trận đòn roi tra tấn của chúng lúc trước. Ở đây tôi được các anh chị trong phòng gần bên động viên và được sự quan tâm giúp đỡ của các đồng chí bên ngoài nên sức khỏe của tôi dần dần hồi phục. Trong phòng tù chính trị của ta, tuy ở trong thế kìm kẹp của chúng, nhưng các anh chị luôn giữ vững tình đoàn kết, có sự chỉ đạo của Đảng trong mọi hình thức để đấu tranh đòi quyền sống và tự do cho chị em phụ nữ trong cuộc đấu tranh ở Khám đường Mỹ Tho. Một thời gian dài được tìm hiểu nhau, đã hình thành một khối đoàn kết chặt chẽ để đấu tranh với kẻ thù giành lại nền độc lập, tự do cho đất nước; giải phóng cho chị em không còn trong thế kìm kẹp của chúng trong nhà lao.

Trong mỗi phòng có trưởng phòng, nhiều tổ trưởng, mỗi tổ có 10 đến 15 chị em; tổ chức xây dựng cuộc sống đoàn kết vững chắc, chan hòa, nhường cơm xẻ áo cho nhau, những chị em không gia đình thăm nuôi và đau yếu thì chị em lành mạnh nuôi nhau.

Ngày 8-3-1973, là ngày Quốc tế phụ nữ, chị em đang tổ chức thì bọn chúng vào, chị em kịp thời dập tắt, chúng điều chị em ra khỏi phòng để học chính trị, các chị em trong phòng không đi, chống lại, chúng đóng cửa phòng không cho nước tắm và cho ăn cơm lường trong vòng một tuần. Các anh bên phòng nam, anh Dương Văn Chính - Trưởng phòng cùng anh em trong phòng như anh Nguyễn Văn Thành, Lưu Văn Xinh, Nguyễn Văn Bé Tư - xã Long An và Phước Thạnh kéo lên văn phòng cải huấn của chúng đấu tranh trả tự do cho phòng nữ được sinh hoạt bình thường. Chúng không đồng ý, anh Dương Văn Chính cùng cả phòng hô khẩu hiệu đả đảo Nguyễn Văn Thiệu, Hồ Chí Minh muôn năm, nhiều lần như vậy, chúng bắt anh lên phòng đánh anh dã man, cả phòng anh kéo nhau đấu tranh, đòi chúng trả anh về phòng. Sau đó chúng đưa cả phòng về Phòng biệt giam số 10 một tháng.

Khi đó phòng các chị em trở lại ổn định, không bị kìm kẹp như lúc trước, sau đó chúng kêu bà Nguyễn Thị Cân, quê ở thị trấn Chợ Gạo lên phòng cải huấn, gặp tên Mười Nhàn đánh cho 2 cây thước me, chúng nói bà Cân là tổ chức đấu tranh, để tạo ra cái cớ đưa bà về phòng theo dõi, trong phòng ai là người cầm đầu.

Đến ngày 19-5-1973, trong phòng tổ chức sinh nhật Bác Hồ, Nguyễn Thị Cân báo cáo cho Phòng Cải huấn Mười Nhàn biết, rồi mời Má Hai trưởng phòng tù chính trị lên gặp Mười Nhàn. Tên Mười Nhàn hỏi: “Dưới phòng bà tổ chức sinh nhật Bác Hồ của bà phải không?”, Má Hai trả lời: “Các chị em nó tổ chức cúng trong phòng cho những người khuất mặt hàng tháng, chứ có sinh nhật gì đâu, ông hiểu lầm rồi”.

Đến sau chị em tổ chức lễ ngày 27-7-1973, Ngày Thương binh liệt sĩ cũng cúng như thế, thì bà Cân lên báo cho Mười Nhàn. Sau đó chị em mới xác định bà Cân làm tay sai cho chúng, chị em trong phòng cô lập bà bằng mọi hình thức. Các đoàn thể phụ nữ giáo dục bà, buộc bà từ bỏ, nếu không, sau này bà về tổ chức kỷ luật và không nhận bà vào tổ chức nào, từ đó bà Cân dần dần từ bỏ, không làm tay sai cho chúng. Từ cuộc đấu tranh này đến cuộc đấu tranh khác, từ bên ngoài lẫn bên trong, chúng thấy tù chính trị ta có thể đoàn kết chặt chẽ, không để lộ ra sơ hở nào cho chúng lợi dụng được, từ đó chúng mới phục tổ chức của ta. Đến ngày 10-12-1973, nhận được tin bên ngoài gửi vào báo chuẩn bị ngày 20-12-1973 được tự do, nhưng phải xem lại giấy tờ khi ra về và chuẩn bị tinh thần trước khi ra về, lúc đó tôi rất lo sẽ xảy ra chuyện theo dự đoán.

Đúng như dự đoán, đến ngày 15-12-1973, chúng đưa tôi về huyện Cái Bè để ký giấy chiêu hồi, chúng lấy con tôi ra để uy hiếp tôi, tôi nhất quyết không ký, tên chiêu hồi Tư Chiến nói: “Nếu mày không ký, tao giao lại cho Mười Tốt đày mày đi Côn Đảo”, tôi trả lời: “Ở tù nay gần một năm có gì phải sợ, tôi không có làm “Việt cộng” như ông mà đày tôi. Tên Tư Chiến nói không được rồi bỏ đi, giao tôi lại cho Phòng băng hai Cả Bé, tên Mười Tốt trưởng phòng nói làm cho dữ được gì. Sau đó, Ty thẩm vấn điện lên: “Các anh trả con bé ngày hôm qua các anh mượn về trên đó, nay phải trả nó về dưới Ty liền, vì nó bệnh tim ở trên đó, lâu có gì các anh chịu trách nhiệm”. Sáng ngày 17-12-1973, chúng đưa tôi về Ty để trả tự do, vì không có chứng cứ hoạt động cách mạng của tôi. Tôi được thư của tổ chức gửi cho tôi đúng ngày 20-12-1973 về tại thẻ 25 (Điềm Hy) có người đón và đưa tôi đi trị bệnh ở Quân y tỉnh một tháng, sau khi ổn định bệnh xong, tôi ra ngoài tiếp tục công tác đến năm 1978 được phục viên về xã.

Từ đó đến nay, để xứng đáng là cựu tù kháng chiến, không lung lay ý chí trước mọi khó khăn gian khổ, tôi tiếp tục tham gia các phong trào cách mạng tại địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội xã nhà.

Trong kháng chiến tôi được nhận các phần thưởng cao quý:
1/ Huân chương kháng chiến hạng Nhì.
2/ Kỷ niệm chương tù đày.
3/ Kỷ niệm chương Báo Quốc phòng.
4/ Kỷ niệm chương Cựu Chiến binh Việt Nam.
5/ Huân chương giải phóng Nhất, Nhì.
6/ 2 Bằng khen của tỉnh.
7/ Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
8/ Nhiều giấy khen của tỉnh, huyện, xã,...”.
                                                     …
Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập424
  • Máy chủ tìm kiếm57
  • Khách viếng thăm367
  • Hôm nay103,440
  • Tháng hiện tại1,743,733
  • Tổng lượt truy cập40,113,109
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây