Một lòng giữ tròn khí tiết

Chủ nhật - 30/06/2024 03:46
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa, khi Đồng khởi năm 1960 thắng lợi, là nông dân quen với ruộng đồng, đồng chí Nguyễn Văn Lý là cựu tù kháng chiến xã Long Hưng, huyện Châu Thành tham gia cách mạng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) ngày 25/6/1965.

Vào sáng mùa đông lạnh buốt, lúc 6 giờ ngày 24/12/1966, địch từ Trung Lương biệt kích vào thôn xóm, với chức vụ Xã đội phó, đồng chícùng đơn vị chiến đấu chống càn quyết liệt trong ba giờ liền. Do vũ khí và lực lượng không cân sức giữa ta và địch, nên đơn vị phân tán ra nhiều nơi, địch dùng hỏa lực bắn phá dữ dội, lúc này máy bay L.19 phát hiện chỉ điểm, bộ binh địch áp sát bao vây, bắn súng phóng lựu M.79 và ném lựu đạn xuống đìa, đồng chí Bảy Dậu hy sinh, đồng chí Lý bất tỉnh và bị địch bắt tra tấn dã man, tên trung úy ngụy móc súng định bắn ông thì hai tên cố vấn Mỹ ngăn lại, không cho bắn với ý đồ đưa về nhà giam để khai thác.
 Địch đưa đồng chí Lý về Chi khu Trung Lương. Suốt ba ngày tra tấn tàn bạo, chết đi sống lại nhiều lần nhằm buộc ông phải khai báo đơn vị và nơi đóng quân của ta. Nhưng ông nén chịu đau đớn, nhất quyết không hé răng nửa lời. Sau đó, địch đưa ông xuống Ty Công an Định Tường tiếp tục tra tấn rất tàn bạo, không trừ những thủ đoạn nào, ép khai báo, chiêu hàng,… Nhưng ông vẫn giữ vững lập trường, kiên quyết giữ bí mật của tổ chức. Địch không khai thác được gì, bảy ngày sau chúng đưa ông qua Trung tâm Cải huấn tỉnh Định Tường (tức Khám đường Mỹ Tho) giam giữ.

Khám đường Mỹ Tho được xây bằng xi măng, xung quanh có hàng rào dây thép gai dày đặc. Mỗi phòng giam có một cửa sắt ra vào, trên có ô thông gió, phòng giam khá tối, lúc nào cũng nóng hầm hập, diện tích khoảng 70 đến 80m², địch giam khoảng 120 người. Một tuần sau, địch đưa ông đi thẩm vấn sáng, chiều nhiều lần với những thủ đoạn tra tấn tàn bạo như thời trung cổ, khiến ông ngất xỉu nhiều lần tại phòng hỏi cung, trước sau ông vẫn một lòng trung thành với cách mạng, không khai báo điều gì có hại cho tổ chức, chúng đưa ông vào Phòng 7 giam giữ. Một hôm tên Giỏi - Trưởng phòng hà hiếp, bắt tù binh chào cờ, ông và các tù binh phản đối không chào cờ, tên Giỏi báo giám thị đưa 13 tù binh, trong đó có ông ra phòng điều hành Giám thị, chúng đánh mỗi người 20 roi, cắt cơm một ngày.

Thời gian ông bị địch giam giữ ở Khám đường Mỹ Tho, sáng chúng cho mỗi người tù một chén cháo trắng loãng với muối hột, trưa và chiều cơm gạo lứt với cá biển ươn kho muối hoặc canh cải loãng nước nhiều hơn cái, nước uống một ngày một lon gô, đối xử rất hà khắc. Sinh hoạt rất tồi tệ, ba ngày cho tù nhân tắm giặt một lần. Tháng 2 năm 1967, chúng đưa 86 tù binh xuống tàu đến trại giam tù binh Bình Thủy (Cần Thơ). Hơn một năm giam cầm ở Khám đường Mỹ Tho, thời gian không dài nhưng đủ trui rèn ý chí để đối diện với những ngày gian khó tiếp theo.

Khi đến trại giam Bình Thủy, địch đưa tù binh đến Ban điều hành làm thủ tục bằng những trận đòn vô nhân đạo, chúng nói rằng, đó là thủ tục ban đầu rồi đưa ông vào Phòng 13 Khu 1. Khoảng một tháng sau, ông liên hệ được với tổ chức mới, sinh hoạt Đảng ở Chi bộ đồng hương Mỹ Tho. Hàng ngày, Tổng đại diện Trại giam phân công tổ cắt vỏ xe làm dép cho tù binh. Một hôm chúng đưa 10 tù binh qua sân bay Bình Thủy làm tạp dịch, bắt tù binh dọn vệ sinh chỗ ở và doanh trại. Tuy nhiên, tù binh không chịu làm, chúng bắt thụt dầu, ai nấy đau cả bắp đùi, ngày hôm sau vẫn đưa đi làm tiếp. Tù binh phản đối là đi không nổi vì chân đau nhói, giám thị bắt 10 tù binh nhốt vào xà lim, đây là cái “thùng sắt” cao khoảng 1,5m với diện tích khoảng 3m² đóng cửa sắt bít bùng, trên chỉ khui một vuông chừng 0,2 tấc, nắng nóng rực, bảy ngày đêm, mỗi ngày cho ăn hai chén cơm với muối và một gô nước uống. Một hôm, Chi bộ lãnh đạo tập thể toàn trại đấu tranh chống đánh đập tra tấn, đòi nhu yếu phẩm cho tù binh,…

Đến Tết Mậu Thân năm 1968, quân ta tấn công sân bay Bình Thủy, pháo bắn vang rền, đạn bay đỏ rực, kho xăng địch cháy ngùn ngụt. Đảng ủy và Chi bộ lãnh đạo phá trại. Bọn giám thị phóng loa nói tù binh tỉnh ở đây, khi giải phóng đến sẽ mở cửa cho ra, không được làm loạn và hăm dọa trực thăng Mỹ sẽ hủy diệt tù binh. Ngày 02/02/1968, chúng đày tù binh ra đảo Phú Quốc.

Vừa xuống máy bay, nhìn thấy hàng chục tên quân cảnh đứng chờ sẵn, tay cầm ba trắc, dùi cui đánh phủ đầu tù binh mới đến. Chúng đưa mọi người vào phân khu B3, số đông bị đánh đập rất dã man, mỗi sáng ra sân điểm danh, tên trung sĩ Sang bắt tù binh thụt dầu hàng trăm lần, đánh đá vô tội vạ, bắt tù binh lên đồi đốn củi, khiêng phân, bắt tù binh phải chạy theo chúng, khi tù binh té ngã chúng đánh đập rất dã man.

Tháng 3 năm 1969, tên trung sĩ Vân và 6 tên quân cảnh vào phân khu bắt 18 tù binh đi tạp dịch. Lấy cớ tù binh chống đối không đi tạp dịch lấy củi, bọn giám thị vừa đánh vừa hỏi ai lãnh đạo đấu tranh. Đảng bộ, Chi bộ lãnh đạo bạo động vừa gõ ca men, vỗ vách tôn hô lớn “đả đảo” gây tiến động lớn trong khu nhà giam, đòi trả tù binh vào khu. Tên thiếu tá Thức, Trưởng khu 3, không thực hiện lại thách thức đưa 18 tù binh vào biệt giam, mỗi người phải lãnh 50 cây hoặc roi cá đuối. Thâm độc hơn, chúng nói nếu không chịu nổi thì phải cầm cây đánh đồng đội mình.

Cuối năm 1969, chúng chia lẻ và đưa tù binh đi các phân khu. Đồng chí Lý và 150 tù binh bị chúng đưa vào phân khu B6. Ở đây có đội trật tự canh giữ, khi tù binh trại khác đưa đến hoặc trong đất liền đưa ra thì chúng đánh phủ đầu, đánh không thương tiếc. Mỗi ngày chúng điểm danh 3 lần, đêm điểm danh từ 2 đến 3 lần. Có hôm chúng đưa cả trật tự phân khu D6 (là khu “Tân sinh hoạt”) qua trấn áp, đánh đập. Chúng khống chế tù binh nhẹ dạ ly khai, chiêu hồi nhằm biến phân khu B6 làm phân khu “Tân sinh hoạt” thứ 2 của khu 6. Có khoảng 300 tù binh chống đối, không chịu ở khu “Tân sinh hoạt”, chúng cho bọn trật tự đánh dã man, ai cũng bị thương tích. Sau đó chúng chia lẻ tù binh đi các khu khác nhau, đồng chí Lý và khoảng 60 tù binh bị đưa qua phân khu B10. Tại đây đồng chí Lý được tù binh đề cử vào bộ phận làm bếp.

Mỗi ngày, ông đến kho nhận lương thực và thực phẩm. Có một hôm, chúng cấp gạo ít hơn hàng ngày, thực phẩm hư thối, cá quá ươn, ông cùng đồng chí Tuấn ở Bình Định và đồng chí Nhân ở Gia Định không nhận nên cả 3 người đều bị giám thị bắt đánh đập tra hỏi ai chủ trương, Chi bộ trong khu gồm những ai? Mọi người không tiết lộ tổ chức nên bị chúng đánh đập tàn nhẫn đến nỗi ba người phải lết mới đi được, sau đó bọn chúng nhốt vào chuồng cọp. Đảng ủy, Chi bộ lãnh đạo đấu tranh tuyệt thực, đòi trả anh em về trại, cấp gạo đủ ăn, thực phẩm không hôi thối, cá không ươn, không đánh đập tù binh vô cớ. Cả phân khu tuyệt thực 5 ngày, địch không điểm danh tù binh được, sợ tù binh đào đường hầm trốn thoát. Đến ngày thứ sáu, chúng đưa bọn quân cảnh đến, ném trái cay vào phân khu rồi xông vào bắt cóc tù binh. Trong tình thế đó, Đảng ủy, Chi bộ lãnh đạo đội cảm tử hô vang “xung phong”, đồng loạt vây bắt 2 tên quân cảnh là trung sĩ Hải và trung sĩ Hoàng, buộc bọn chỉ huy đến giải quyết. Tên chỉ huy trưởng trại giam trung tá Bùi Bằng Dực chấp thuận giải quyết. Trong sáu ngày kiên cường chiến đấu với địch, các yêu sách của tù binh phân khu B10 được đáp ứng.

Khoảng tháng 3 năm 1972, bọn giám thị tập hợp tù binh trong khu ra sân điểm danh, chúng cho quân cảnh vào lục tìm tài liệu. Tuy không phát hiện được gì, nhưng bọn giám thị vẫn phạt tù binh thụt dầu; số anh em không thụt nổi, ngồi lại bị chúng đưa ra phòng điều hành điều tra, đánh đập, dụ dỗ chiêu hồi. Sau đó, chúng đưa 13 tù binh qua khu “Tân sinh hoạt” D10 để cho bọn trật tự đánh đập buộc phải ở khu “Tân sinh hoạt”.

Trước tình hình đó, Đảng ủy, Chi bộ lãnh đạo đấu tranh đòi người. Sáng hôm sau, tổng đại diện đánh kẻng điểm danh. Tất cả 9 phòng đều im lặng không thực hiện, chúng gọi đại diện các phòng cũng không thấy ai, toàn trại bắt đầu tuyệt thực suốt 3 ngày. Ngày thứ tư, giám thị gọi tổng đại diện cho tù binh nhà bếp ra nhận gạo, củi và thực phẩm. Tất cả đều im lặng, chỉ cử đại diện ra trả lời, khi nào trả 13 tù binh về khu thì mới nhận. Ngày hôm sau, chúng đưa 9 tù binh trở về phân khu. Trong 5 ngày đấu tranh tuyệt thực với yêu cầu đòi trả người bị bắt qua khu “Tân sinh hoạt” và không được cưỡng ép tù binh chiêu hồi là một thắng lợi lớn không đổ xương máu.

Hiệp định Pa-ri được ký kết (27/01/1973), Đảng ủy, Chi bộ lãnh đạo không nhận thức ăn, quần áo của địch. Ngày 13/3/1973, đồng chí Nguyễn Văn Lý cùng 100 tù binh có sự giám sát của 30 tên quân cảnh được đưa đến sân bay Lộc Ninh, tỉnh Bình Long (nay là tỉnh Bình Phước). Khi máy bay hạ cánh, nhìn thấy cờ đỏ sao vàng và cờ giải phóng bay phấp phới, mọi người mới thật sự tin rằng mình được về với Đảng, với gia đình. Những năm tháng khổ đau nơi địa ngục trần gian của Mỹ - ngụy luôn ám ảnh trong giấc ngủ của người tù Phú Quốc - những người một lòng kiên trung với Đảng, với Nhân dân và là niềm tự hào, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm, trung kiên nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập252
  • Máy chủ tìm kiếm72
  • Khách viếng thăm180
  • Hôm nay65,099
  • Tháng hiện tại437,184
  • Tổng lượt truy cập38,806,560
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây