Người chiến sĩ kiên trung

Thứ năm - 16/05/2024 05:35
Hơn 48 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức vẫn còn in đậm trong tâm trí của người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt giam trong ngục tù Mỹ - ngụy như mới hôm qua. Đó là trường hợp của đồng chí Lương Hoàng Minh, sinh năm 1943, ngụ ấp Trung, xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Nhớ lại những tháng năm khốc liệt bị địch giam cầm trong các nhà tù, trại giam của Mỹ - ngụy. Đồng chí kể:

Với lời hiệu triệu của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tháng 11 năm 1963, ông lên đường nhập ngũ vào đơn vị đại đội 5, tiểu đoàn 261 (C5, D261) bộ đội chủ lực T2 (tức Khu 8) thuộc miền Trung Nam Bộ, vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng ngày 10/02/1967.

Để bảo vệ nhân dân và vùng giải phóng, đơn vị của ông tuy quân số ít và súng đạn hạn chế, nhưng đã chặn đánh, chống càn quyết liệt từ 7 giờ đến 15 giờ, tiêu hao nhiều sinh lực địch. Tiểu đội của ông nằm ở tuyến đầu đã kiên cường chiến đấu, đánh bật nhiều đợt tiến lên của bộ binh địch. Một số đồng chí hy sinh. Riêng ông bị một mảnh pháo găm vào đầu, máu từ vết thương chảy ra đầm đìa, ướt cả mặt. Sau khi được băng bó sơ cứu, ông được dân công đưa về tuyến sau. Phát hiện, địch liền chặn đánh, ông bị chúng bắt và tra tấn khai thác tại chỗ. Nhưng, trước sau ông đều nói: “Tôi chỉ là bộ đội, không biết gì cả!”.

Sau đó, địch đưa ông lên trực thăng chở về Mỹ Tho. Một tháng bị giam giữ tại Ban An ninh quân đội và Tiểu khu Định Tường, ông bị chúng đánh đập dã man, buộc phải khai địa điểm đóng quân, số lượng vũ khí và chỉ huy của đơn vị. Địch hành hạ, đày ải thể xác và tinh thần ông bằng những thủ đoạn tra tấn thời trung cổ, ông như chết đi sống lại nhiều lần; nhưng với lòng trung kiên đối với Đảng và nhân dân, ông không tiết lộ bất cứ điều gì có hại cho cách mạng. Bất lực, địch giam ông vào Khám đường tỉnh Định Tường.

Tháng 12 năm 1968, địch đưa khoảng 180 tù binh, trong đó có đồng chí Lương Hoàng Minh, xuống tàu chuyển đến Trại giam tù binh Bình Thủy thuộc Vùng 4 chiến thuật ở tỉnh Phong Dinh (nay là thành phố Cần Thơ). Đến trại giam, tù binh làm thủ tục nhập trại bằng dùi cui, gậy gộc, đấm đá phủ đầu, người nặng thì tét da đầu, mẻ trán, người nhẹ thì sưng mặt, bầm tay. Sau đó, địch đưa đồng chí Minh và một số tù binh khác vào Phòng 27 Khu 2. Trong thời gian ở Khu 2, ông liên hệ với tổ chức Đảng của khu giam tiếp tục sinh hoạt đảng ở chi bộ đồng hương Mỹ Tho, cùng chi bộ lãnh đạo chi đoàn thanh niên và quần chúng cốt cán vận động, tuyên truyền tù binh giữ vững khí tiết, chống lại sự mua chuộc, dụ dỗ của kẻ thù, đấu tranh không đi tạp dịch căn cứ Mỹ ở Bình Thủy và Trà Nóc, chống chào cờ ngụy, đòi cải thiện đời sống tù binh.

Trước sự đấu tranh quyết liệt của tù binh, chúng cho quân cảnh và giám thị bắt 8 đồng chí, trong đó có đồng chí Minh ra Ban Điều hành để tra tấn, xem đây là những người cầm đầu đấu tranh, nên sau khi đánh đập, chúng nhốt vào thùng cát-xô. Đây là thùng sắt, dạng như công-ten-nơ, khoảng 3m², xung quanh là sắt bít bùng, chỉ có vài lỗ thông hơi, trời nắng nóng như lò lửa, đêm thì lạnh buốt, ngột ngạt vô cùng, một ngày mỗi người một chén cơm ăn với muối hột, 8 người một gô nước khoảng 0,5 lít, suốt 7 ngày đêm mới cho vào trại.

Tháng 11 năm 1969, chúng đày đồng chí Minh và khoảng 200 anh em tù binh ra đảo Phú Quốc. Khi xuống máy bay, chúng bắt ngồi xếp hàng ba, tay để lên đầu gối, mặt cúi xuống đất, bọn quân cảnh và bọn trật tự dùng dùi cui, roi đuôi cá đuối, roi mây đánh liên tục từ đầu đến chân coi như là thủ tục ra đảo nhằm dằn mặt, uy hiếp, làm nhục tinh thần ý chí tù binh. Khoảng một giờ sau, xe quân sự GMC chở tù binh đến phân khu A8 trại giam tù binh Phú Quốc, xuống xe thấy quân cảnh đứng chờ sẵn hai hàng. Giám thị gọi tên vào cổng khu giam, dù nhanh hay chậm, anh em tù binh đều bị đánh túi bụi.

Thời gian bị giam cầm ở phân khu A, chúng dùng nhiều thủ đoạn tra tấn tàn bạo, như cưỡng ép chiêu hồi; nhốt vào chuồng cọp, không cho mặc áo, ngày nắng cháy da, đêm thì lạnh buốt thấu xương, sáng lại chế nước muối và tạt nước vôi bột gây đau đớn và lở loét toàn thân. Nhưng anh em tù binh vẫn kiên cường, không nhụt chí trước quân thù. Đầu năm 1970, chúng đưa 30 tù binh qua phân khu B7. Tại đây, có một số tên trật tự ác ôn thường xuyên lùng sục các phòng tù binh, nếu phát hiện anh em tụ họp, chúng báo cáo giám thị bắt tù binh ra đánh đập vô tội vạ, đêm thì bọn giám thị, quân cảnh tuần tra, điểm danh hai, ba lần, đánh đập nhằm khống chế tù binh. Thâm độc hơn, chúng buộc tù binh xây dựng phân khu “Tân sinh hoạt” (thực chất là phân khu chiêu hồi) kiểu mẫu của Khu 7.

Chúng tôi gặp được đồng chí thiếu tá Đồng và đại úy bác sĩ Lê là cán bộ “mùa thu” tập kết ra miền Bắc năm 1954, rồi sau đó trở về miền Nam chiến đấu và bị địch bắt, giam ở nhà tù Phú Quốc. Các chú kể về miền Bắc xã hội chủ nghĩa và nhất là tấm gương kiên trung, bất khuất của Bác Hồ trong thời gian Người bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt giam trong nhà tù ở Quảng Tây (Trung Quốc) từ năm 1942-1943. Từ đó, tù binh rất phấn khởi, tăng thêm niềm tin và sức chiến đấu mới chốn lao tù của địch. Sau đó, chúng đưa tù binh về biệt giam ở Khu 5 một tuần rồi đưa vào Phân khu A5. Tại đây, đồng chí Minh cùng đồng chí Sáu Bửu, đồng chí Chín trong chi ủy chi bộ đồng hương Mỹ Tho tổ chức thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy nhà tù về các nội dung hoạt động trong Phân khu A5 như sau:

Hoạt động của tổ chức Đảng trong nhà tù có nét đặc thù riêng, đó là tuyệt đối giữ bí mật, mọi thông tin đều được quy định bằng ám hiệu, tránh sự theo dõi của giám thị và những kẻ làm tay sai cho địch, việc sinh hoạt rất chặt chẽ, việc truyền đạt cho tổ chức đoàn thanh niên và đội xung kích luôn thận trọng, những anh em tù binh khác bố trí sinh hoạt đơn tuyến.

Nội dung sinh hoạt của tổ chức trong tù là giữ vững lập trường, khí tiết cách mạng, tuyệt đối không khai báo tổ chức, nếu tình huống xấu xảy ra, khi địch khiêu khích cũng không nên tự phát đấu tranh gây thiệt hại cho tất cả anh em trong khu. Khi cần thiết đấu tranh thì có sự thống nhất chung của Đảng ủy, các chi bộ để tạo nên sức mạnh trong đấu tranh giành thắng lợi.

Phải tích trữ lương thực, muối,… cho các cuộc đấu tranh liên tiếp, kéo dài nhiều ngày đòi dân sinh, dân chủ bằng hình thức tuyệt thực.

Các nội dung hoạt động nêu trên đều được quán triệt cho tất cả đảng viên, đoàn viên, đội xung kích và tù binh trong phân khu.

Đầu tháng 02 năm 1972, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy nhà tù, toàn thể tù binh ở Phân khu A5 bước vào cuộc đấu tranh mới, đòi cải thiện chế độ lao tù, chống địch bắt bớ, đánh đập dã man tù nhân. Cuộc đấu tranh tới ngày thứ tư thì giám thị phân khu phát loa gọi tù binh tập hợp ra sân điểm danh. Toàn phân khu đều im lặng, không thực hiện; cho đến ngày thứ sáu, chúng tiếp tục phát loa kêu nhà bếp ra nhận gạo và thực phẩm, nhưng tất cả đều im lặng, chỉ cử đại diện ra trả lời, khi nào Ban Quản đốc nhà tù giải quyết các yêu sách thì tù binh mới nhận gạo và thực phẩm. Cũng trong thời điểm này, tại Phân khu B5, địch phát thực phẩm ươn thối nên tù binh ở đây không nhận, bùng lên cuộc đấu tranh dưới hình thức tuyệt thực.

Đến ngày thứ bảy, lúc 10 giờ ngày 12/02/1972, tên trung tá Dực đến gặp đại diện các phòng nhằm giải quyết các yêu sách của tù binh là:

Giám thị quân cảnh không đựơc bắt bớ, đàn áp binh cớ.

Không được cưỡng ép tù binh qua khu “Tân sinh hoạt” là khu “chiêu hồi”, lý tưởng ai nấy giữ.

Phát gạo đủ không bị mốc, không ươn, khô không mục,…

Trong ba yêu sách trên, tên Dực hứa sẽ giải quyết yêu sách thứ nhất và yêu sách thứ ba; còn yêu sách thứ hai chỉ nói qua loa, chờ lệnh của cấp trên.

Cuộc đấu tranh tuyệt thực nhiều ngày của tù binh tuy có một số bị đánh gây thương tích, ngất xỉu do đói khát, nhưng tất cả đều phấn khởi. Nội bộ tù binh đoàn kết chặt chẽ hơn. Địch giảm việc tra tấn, đánh đập tù binh vô cớ. Đảng ủy nhà tù nhận thấy lúc này tạm thời dừng những cuộc đấu tranh không cần thiết để củng cố lực lượng.

Ngày 16/3/1973, đồng chí Minh được trao trả tại sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị theo Hiệp định Pa-ri. Tháng 01 năm 1974, ông được đưa về đơn vị C2 - D3 - E8 và học quân sự ba tháng chiến thuật bộ binh. Ngày 26/3/1974, ông được trở về miền Nam chiến đấu trong đội hình Đoàn 1089 với hàm trung đội phó, chức trung đội trưởng lục quân. Tháng 9 năm 1974, ông được bổ sung vào đơn vị C5 Tỉnh đội Mỹ Tho; tháng 11 năm 1974, khi đơn vị C6 DKZ được thành lập, với quân hàm thượng sĩ, ông giữ chức vụ trung đội trưởng, tổ trưởng Tổ Đảng kiêm Bí thư chi đoàn. Sau đó, đơn vị của ông tham gia chiến đấu nhiều trận, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Tháng 8 năm 1976, vết thương tái phát, sức khỏe yếu kém, ông giải ngũ, trở về địa phương.

Trải qua hàng chục năm tham gia chiến đấu, bằng lòng nhiệt huyết và tinh thần cách mạng tiến công, đồng chí Minh về địa phương tiếp tục tham gia đóng góp công sức cho sự phát triển của xã nhà, nay là Trưởng Ban liên lạc Cựu tù kháng chiến xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành. Đó là niềm tự hào, phấn khởi nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất, một lòng trung kiên với Đảng và Nhân dân, sự cống hiến hy sinh để cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tiếp nối và phát huy trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập662
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm639
  • Hôm nay80,749
  • Tháng hiện tại1,213,396
  • Tổng lượt truy cập34,799,041
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây