Tìm hiểu về địa danh Rạch Gầm – Xoài Mút

Thứ tư - 01/03/2023 04:29
1. Địa danh Rạch Gầm

Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Rạch Gầm có tên Hán Việt là Sầm Giang. Trịnh Hoài Đức cho biết: “Sầm Giang ở phía bắc hạ lưu Tiền Giang, cách phía tây trấn 28 dặm rưỡi. Bờ đông và tây làm phân giới cho huyện Kiến Hưng và huyện Kiến Đăng. Bờ phía tây có chợ nhỏ, ngược dòng lên đông bắc 7 dặm rưỡi, tại bờ phía nam có chợ Xuân, quán xá trù mật, chảy 2 dặm rưỡi đến ngã ba: ngã phía tây chảy 17 dặm rưỡi hợp với rạch Rau Răm rồi chảyvào hạ lưu sông Tiền Giang; ngã phía bắc chảy 24 dặm đến Giồng Lữ là nơi cùng nguyên, nơi đây có chợ Thuộc Nhiêu, ruộng vườn mầu mỡ, nhân dânchuyên nghề nông tang”.

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Rạch Gầm ở cách huyện Kiến Đăng 29 dặm về phía tây nam, tức hạ lưu sông Tiền, là chỗ chia địa giới hai huyện Kiến Đăng và Kiến Phong, phía tây sông có chợ nhỏ, bờ phía nam có chợ Thung, sông chảy 2 dặm rưỡi đến chỗ ngã ba, ngã phía tây chảy 7 dặm rưỡi thì hợp với sông Trà Liễu, ra hạ lưu sông Tiền; ngả phía bắc chảy 24 dặm đến chỗ nguồn tận cùng của Giồng Chôm”.

Sách Địa phương chí tỉnh Mỹ Tho năm 1902 ghi: “Rạch Gầm dài 11 km, chảy từ làng Hữu Đạo qua tổng Thuận Bình và Lợi Trường. Gần vàm Rạch Gầm, rạch chảy qua một ngôi chợ có tên là chợ Rạch Gầm. Bên trái có rạch Tha La, tự rẽ đôi và làm thành một cù lao giữa hai nhánh của nó. Bên mặt qua chợ Tha La, rạch Ông Hổ, to thêm nhờ rạch Xã Tho, rạch Ngã Tư chảy từ làng Mỹ Thuận Đông bên trái có rạch Bàn Long đã nối Rạch Gầm với Rạch Trà Luột và Rau Răm nhờ rạch Bà Dầu và rạch Ngã Hai”.

Sách Địa chí Tiền Giang năm 2005 viết: “Rạch Gầm (Sầm Giang) cùng với rạch Trà Tân và rạch Bang Lợi nối liền nhau và có hình dạng như chữ U ngược, hai đầu  thông với Sông Tiền: đầu phía tây tại xã Long Trung sau đó đi qua các xã Long Tiên, Mỹ Long (huyện Cai Lậy) và Bàn Long, Vĩnh Kim, Kim Sơn (đầu phía Đông) thuộc huyện Châu Thành. Phần rạch phía tây tên là Trà Tân, đoạn giữa được gọi Bang Lợi và đoạn phía đông mang tên Rạch Gầm. Tổng chiều dài cả 3 rạch là 27.300 m, bề sâu 7m - 8m tại đoạn gần vàm, 4m - 5m ở đoạn giữa. Bề rộng tại cửa Rạch Gầm là 80m, cửa rạch Trà Tân là 50m, chỗ rộng nhất lên đến 100m tại vị trí cách cầu Ô Thước 950m về phía Tây thuộc xã Vĩnh Kim, đoạn hẹp nhất chỉ 25m thuộc xã Long Tiên. Ba rạch có nhiều nhánh khá lớn chạy theo hướng Nam - Bắc như rạch Ông Bảo, kênh/kinh Ông Mười, rạch Mỹ Long...”.

+ Rạch: Do tiếng Khmer: Prêk gọi trại mà ra, có nghĩa là chi lưu của một con sông lớn.

+ Về từ “Gầm” có nhiều cách giải thích khác nhau:

- Cách thứ nhất: Ngày xưa, Rạch Gầm là một vùng đất hoang vu. Thuở đó, khi những người Việt tiền phong đến đây khẩn đất, lập điền, thì chỉ thấy toàn là rừng rậm, cây cối mịt mùng, còn dã thú nhiều không sao kể, nhất là cọp. Tiếng rống của cọp vang dậy cả một vùng, nên những người đi khai hoang đặt tên là rạch Cọp Gầm, rồi về sau, gọi trại thành Rạch Gầm. Theo cách giải thích này, Rạch Gầm là địa danh được cấu tạo theo phươngthức: Rạch + âm thanh của động vật (Cọp Gầm).

- Cách thứ hai: Thuở xưa, tại vùng đất Rạch Gầm ở bên bờ tả ngạn sôngTiền và Phú Túc ở bên bờ hữu ngạn (nay thuộc tỉnh Bến Tre), trời đất tối tăm, mịt mù. Bỗng một đêm nọ, trời mưa như trút nước, sấm chớp nổi lên đùng đùng. Bất chợt, có tiếng gầm từ bờ bên này vang sang bờ bên kia; rồi sau đó, có tiếng hét dội lại, như đối đáp nhau. Đến sáng ra, trời quanh mây tạnh, phong cảnh sáng sủa, tươi tốt. Nhờ vậy, dân chúng làm ăn ngày càng khấm khá, phát đạt. Để ghi lại chuyện này, nhân dân đặt tên cho con rạch ở bờ tả ngạn là rạch Ông Gầm, sau đó gọi tắt là Rạch Gầm, còn con rạch ở bờ hữu ngạn đối diện thuộc cù lao Phú Túc là rạch Bà Hét. Theo cách giải thích này, Rạch Gầm là địa danh được cấu tạo theo phương thức: Rạch + âm thanh của người đàn ông (Ông Gầm).

Với cách giải thích thứ nhất và thứ hai, rạch Gầm là địa danh gọi tắt từ rạch Cọp Gầm hay rạch ông Gầm mà ra. Như vậy, rạch Cọp Gầm hay rạch Ông Gầmlà địa danh có ba âm tiết. Các địa danh loại này thường được lược bỏ âm tiết ở giữa. Đây là hiện tượng thường xảy ra, như cầu Xóm Kiệu - cầu Kiệu (Thành phố Hồ Chí Minh), sông Ông Đốc - sông Đốc (Cà Mau),…

- Cách thứ ba: Ngoài những cách giải thích đã nêu trên, Rạch Gầm còn có một xuất xứ khác. PGS.TS Lê Trung Hoa trong quyển Địa danh Thành phố Hồ Chí Minh, trang 43, có dẫn tư liệu từ quyển Dictionnaire Vietnamien - Chinois -Français (Từ điển Việt Nam - Trung Hoa - Pháp) của E.Gouin, cho biết “Gầm”là biến âm của “gằm” là tên cây. Cũng theo PGS. TS Lê Trung Hoa thì “không biết đó là loại cây gì, bởi vì không thấy tự điển nào định nghĩa”. Theo cách giải thích này, Rạch Gầm là địa danh được cấu tạo theo phươngthức: Rạch + Thực vật (cây gằm).

- Cách thứ tư: Theo tác giả Việt Tuấn trong bài “Rạch Gầm - Xoài Mút” được in trong quyển Các di tích lịch sử - văn hóa quốc gia tại tỉnh Tiền Giang, Rạch Gầm có xuất xứ từ tiếng Khmer: Ca Răm, có nghĩa là Con Cọp. Ca Răm gọi trại thành Gầm. Theo cách giải thích này, Rạch Gầm là địa danh được cấu tạo theo phương thức: Rạch + Động vật (Ca Răm: Con Cọp).

2. Địa danh rạch Xoài Mút

Rạch Xoài Mút có tên chữ Hán là Xuy Miệt. Theo Địa phương chí tỉnh Mỹ Tho năm 1902, rạch Xoài Mút (hay Xoài Hột) có chiều dài 8 km, chảy từ Long Hưng và đổ ra sông Cái (tức sông Tiền) ở tổng Thuận Trị. Bên trái rạch Xoài Mút có rạch Cái Ngang còn gọi là rạch Trung Lương.T rên thực địa, rạch Xoài Mút có 2 nhánh:

- Nhánh phải gọi là Xoài Hột, dài 8km, bắt nguồn từ cầu Đạo Ngạn nối vào Rạch Bảo Định, chảy qua xã Trung An, và đổ ra vàm tại xã Bình Đức. Ở đây có một con rạch nhỏ chảy vô khu vực phường 5, phường 6, thành phố Mỹ Tho, gọi là Rạch Tra Sập (Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ghi là Tra Thập). Con rạch này hiện nay không còn lưu thông được.

- Nhánh trái dài hơn 15km từ xã Tam Hiệp băng qua cầu Rượu, Quốc lộ 1,chảy qua các xã Phước Thạnh, Thạnh Phú và nhập vào nhánh phải. Đoạn này bị lấp vào năm 1964, sau năm 1990 mới đào lại để thoát lũ, nên còn gọi là kênh/kinh Thoát Lũ. Tại xã Tam Hiệp, rạch Xoài Mút nối vào kênh/kinh Phủ Chung chảy qua vùng Chợ Bưng. Các con kênh/kinh, rạch của nhánh trái gồm: rạch Thầy Tùng từ xã Thạnh Phú đến xã Long Hưng, kênh/kinh Xáng Cụt từ Thạnh Phú qua Phước Thạnh đến Long Hưng, nhánh này còn có kênh/kinh Đào chảy qua xã Thạnh Phú và Long Hưng nối vào kênh/kinh Nguyễn Tấn Thành.

Hiện nay, rạch Xoài Mút bị phù sa bồi lấp dần, nên bề ngang chỉ còn rộng khoảng 20m. Rạch Xoài Mút nằm ở khoảng giữa Rạch Gầm và Mỹ Tho. Chính vì thế, ở đây có câu ca dao:

Ầu ơ! Rạch Gầm - Xoài Mút tăm tăm,

Xê xuống chút nữa, tới vàm Mỹ Tho.

Rạch Xoài Mút là địa danh được cấu tạo theo phương thức: Rạch + Thực vật (xoài mút).

3. Về địa danh “Xoài Mút”:

Xưa kia, ở vùng này có nhiều cây xoài rừng, trái nhỏ, hột to, cơm ít, muốn ăn được, sau khi gọt vỏ, phải đưa vào miệng mút. Rồi lần hồi cư dân gọi là Xoài Mút, cũng có người gọi là Xoài Hột. Xoài Mút thường để chỉ tên rạch, Xoài Hột là tên chợ: chợ Xoài Hột thuộc xã Thạnh Phú. Rạch Xoài Mút là rạch chảy qua vùng có nhiều cây xoài rừng, do mỏng cơm, nên khi ăn phải mút.
Hai địa danh này gắn liền với sự kiện lớn lao của dân tộc: chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.

Khoảng tháng 12/1784, quân Xiêm tiến đến sông Tiền, đóng quân từ rạch Trà Lọt (Cái Bè) đến rạch Trà Tân (Cai Lậy), chuẩn bị tấn công Mỹ Tho. Cũng vào thời điểm này, quân Tây Sơn, do Nguyễn Huệ chỉ huy, vượt biển tiến vào Mỹ Tho. Sau khi xem xét tình hình quân địch và địa bàn sông nước, Nguyễn Huệ quyết định chọn đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến rạch Xoài Mút làm trận địa quyết chiến với quân Xiêm. Đoạn sông này dài khoảng 7 km, ở giữa có cù lao Thới Sơn, hai bên bờ sông cây cối um tùm, cách Mỹ Tho khoảng 12 km. Nguyễn Huệ đã cho bố trímột trận địa mai phục lớn ở tại đây. Thủy quân được giấu trong các con rạch. Bộ binh và pháo binh được bố trí trên bờ và trên cù lao ở giữa sông.

Đêm ngày 19 rạng ngày 20/01/1785 (tức đêm mùng 9 rạng ngày mùng 10 tháng Chạp năm Giáp Thìn), nhằm lúc nước thủy triều lên, Nguyễn Huệ cho chiến thuyền tấn công khiêu khích quân địch. Sau một lúc chiến đấu, chiến thuyền Tây Sơn giả vờ thua bỏ chạy. Hai tướng giặc huy động toàn bộ lực lượng đuổi theo và lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn. Sau đợt công kích phủ đầu bằng pháo binh, quân thủy - bộ Tây Sơn đồng loạt xông ra, chia cắt đội hình của quân địch và tấn công vô cùng dũng mãnh. Quân Xiêm hoàn toàn bị rối loạn, không còn khả năng chống trả, đành phải thua trận. Toàn bộ chiến thuyền của giặc bị đánh đắm. Quân Xiêm bị tiêu diệt gần hết; chỉ còn một số ít thoát được theo đường bộ trốn chạy về nước; Nguyễn Ánh cũng theo đám tàn quân chạy sang Xiêm. Sử triều Nguyễn ghi: “Kể từ sau trận Giáp Thìn, người Xiêm sợ quân Tây Sơn như sợ cọp”.

Trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút là một trận đánh mai phục kết hợp với bao vây tiêu diệt. Muốn mai phục được ở một vùng đất có dân như ở Rạch Gầm - Xoài Mút thì vấn đề cốt lõi đầu tiên là nắm được lòng dân. Nơi ẩn náu kín đáo nhất và lợi hại nhất của quân Tây Sơn không phải là địa hình hiểm trở mà chính là lòng dân. Nhân dân Tiền Giang đã một lòng theo Tây Sơn. Điều này được thể hiện qua việc nhân dân hướng dẫn Nguyễn Huệ đi trinh sát địa bàn, cung cấp những chi tiết cần thiết về tình hình sông nước, thủy triều để ông thiết lập trận địa mai phục và lên phương án tác chiến; đồng thời, nhân dân đã giữ bí mật trận địa mai phục đến phút chót khiến quân địch không mải may nghi ngờ. Bên cạnh đó, nhân dân còn đóng góp lương thực, thực phẩm và các vật dụng như dầu mù u, vỏ dừa khô,… để nghĩa quân chiến đấu tiêu diệt giặc Xiêm.

Ở Tiền Giang có câu ca dao:

Gái Mỹ Tho, mày tằm mắt phụng,

Giặc đến nhà chẳng vụng huơ đao.

Câu ca dao trên phản ánh việc phụ nữ nói riêng, nhân dân Tiền Giang nói chung đã tham gia đánh giặc cùng với quân Tây Sơn trong việc bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.

Thắng lợi của trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút không chỉ là thắng lợi của quân Tây Sơn mà còn là thắng lợi của nhân dân Tiền Giang. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, nhân dân Nam bộ, trong đó có nhân dân Tiền Giang, cùng với quân Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo tài ba của Nguyễn Huệ đã đánh bại sự xâm lược hung hãn của bọn phong kiến Xiêm và trừng trị đích đáng hành động “cõng rắn cắn gà nhà” của Nguyễn Ánh; giữ vững nền độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ thành quả khai hoang của nhân dân Nam bộ, tạo điều kiện để vùng đất này sớm trở thành vựa lúa lớn nhất của đất nước.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, một cuộc kháng chiến chống ngoại xâm do giai cấp nông dân đảm nhiệm. Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đánh dấu một bước ngoặc cơ bản, một sự chuyển biến về chất của phong trào nông dân Tây Sơn: từ cuộc đấu tranh giai cấp, phong trào đã nhận lãnh sứ mệnh lịch sử vẻ vang là đi đầu trong cuộc đấu tranh dân tộc. Chính điều này đã làm cho uytín của phong trào Tây Sơn ngày càng được nâng cao trong nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào và nhân dân Bắc hà đánh bại cuộc xâm lược củangót 30 vạn quân Thanh (Trung Quốc) vào năm 1789. Trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút là một trong chiến công lẫy lừng của nhân dân ta.
Bần gie đóm đậu sáng ngời,

Rạch Gầm – Xoài Mút muôn đời oai linh.

(Ca dao)

Bảo Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập205
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm174
  • Hôm nay45,979
  • Tháng hiện tại1,040,511
  • Tổng lượt truy cập36,675,462
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây