1. Vài nét về lịch sử đình Long Hưng
Đình được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XX. Theo cán bộ cách mạng lão thành Cao Văn Sáu, quê ở Long Hưng, trong bài viết Tổ chức làng xã và hương chức hội tề được in trong quyển Đất Long Hưng, “đình Long Hưng ở trên bờ kinh Nguyễn Tấn Thành, được cất trên khoảnh đất công điền ven bờ kinh rộng độ 01 ha, mặt quay ra dòng kinh. Có một ông từ, cha truyền con nối gìn giữ nhang khói và hưởng hoa lợi trên mảnh đất đó. Trước năm 1945, xung quanh có cây sao, cây dầu lâu năm cao lớn tạo ra vẻ thâm nghiêm và cổ kính.
Về kiến trúc, đình Long Hưng cất theo kiểu ba căn. Đình gồm ba bộ phận là chánh điện, võ ca và nhà khói. Chánh điện liền với võ ca, còn nhà khói thì tách riêng ra. Chánh điện có diện tích 10 m x 10 m, lót gạch tàu, lợp ngói âm dương, trên nóc có hình lưỡng long tranh châu, xung quanh là vách gỗ. Có giá trị nhất là mấy cây cột căm xe to cả ôm. Giữa chánh điện là bàn thờ chánh, trên bàn thờ là tấm biển, trên đó có chữ Thần bằng ốc xà cừ. Trước bàn thờ có hai cặp hạc và hai dàn đao kiếm. Hai bên chánh điện có một số bàn thờ nhỏ để thờ các vị thần khác. Ngày thường có một tấm trướng che kín bàn thờ và chỉ kéo lên khi có cúng đình. Liền với chánh điện là võ ca cũng được xây cất theo kiểu tứ trụ và là nơi hát bội biểu diễn. Võ ca gồm một sân khấu bằng gỗ và một khán đài đủ cho 300 - 400 người xem. Nhà khói là nhà bếp nơi nấu nướng”.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), có lần đình bị đốt cháy. Dân làng tự nguyện quyên góp tiền bạc, công sức và nhặt nhạnh những vật liệu chưa bị cháy để xây dựng lại một ngôi đình nhỏ hơn, mặt quay về hướng ngược lại với đình trước kia. Năm 1967, đình bị sập hoàn toàn do gỗ bị mối mọt và tàu Mỹ từ dưới kinh Nguyễn Tấn Thành bắn lên. Năm 1971, bà con chung sức, tiền của dựng lại bằng tre lá.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đình được nhiều lần sửa chữa nhỏ. Năm 1997, nhân dân trong xã làm lại phần chánh điện để thờ cúng Thành hoàng và liệt sĩ của xã. Theo đó, chánh điện được làm theo dạng tứ trụ như lúc ban đầu, cột gỗ kê trên tán cổ bông, đường kính cột 25cm, kèo vỏ đậu, mái lợp ngói âm dương, xung quanh có tường gạch bao bọc, nền lót gạch Tàu, bên trong làm nhiều bàn thờ bằng xi - măng để thờ Tổ quốc và các anh hùng, liệt sĩ của xã nhà.
Năm 1991, võ ca phía trước được làm thêm cột bê tông, mái lợp phibrô xi- măng, nền tráng xi - măng, phía trước không có cửa, chỉ có hai đầu hồi nhà xây gạch. Đến năm 1996, sau khi đình được công nhận là Di tích cấp quốc gia, tỉnh Tiền Giang cho xây thành ngôi đình mới, trên diện tích gần 130m2 . Ngôi đình lợp ngói âm dương, bốn cột chánh bằng gỗ quý, chung quanh có tường gạch bao bọc, gồm có chánh điện và nhà võ ca. Đình thờ vị Thành hoàng bổn cảnh và Tả quân Lê Văn Duyệt, một đại công thần của triều Nguyễn, quê ở Long Hưng; tượng và bức chân dung của ông được tôn trí ở chánh điện; tại đây, còn có bộ ván gồm hai tấm được làm bằng gỗ quý, tương truyền mỗi khi ra đình, Lê Văn Duyệt thường ngủ trên bộ ván này. Ngoài ra, tại chánh điện còn có nhiều bức hoành phi, câu đối, bao lam tuyệt đẹp.
Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 –23/11/2005), tỉnh Tiền Giang đã tiến hành nâng cấp, mở rộng đình Long Hưng, tạo thành một quần thể kiến trúc rất khang trang, bề thế, bao gồm ngôi đình ở vị trí trung tâm; bên phải đình là Nhà trưng bày hiện vật lịch sử về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 và ngôi nhà cổ Nam bộ thờ bà Nguyễn Thị Thập - một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở tỉnh Mỹ Tho, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; bên trái đình là nhà bia ghi tên 614 liệt sĩ của xã; trong đó có 02 liệt sĩ được nhà nước công nhận Anh hùng lực lượng vũ trang là Lê Thị Hồng Gấm và Hồ Văn Nhánh. Xung quanh khu di tích có nhiều cây xanh, kiểng cổ quý hiếm, hoa tươi nở bốn mùa; đặc biệt, tại đây vẫn còn cây bàng cổ thụ, nơi mà lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên của nước ta được cắm trên đó trong những ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.
Đình Long Hưng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Quốc gia theo Quyết định số 65/QĐBT ngày 16/1/1995.
Mỗi năm, đình có lệ cúng: cúng kỳ yên ngày 16/2 âm lịch, cúng hạ điền ngày 16/4 âm lịch, cúng Ông (Lê Văn Duyệt) ngày 1/8 âm lịch, cúng thượng điền ngày 16/11 âm lịch. Bên cạnh đó, hàng năm, vào ngày 23/11, cùng với cả nước kỷ niệm ngày Nam kỳ khởi nhĩa, nhân dân xã Long Hưng tổ chức lễ hội tại đình. Vào những năm chẵn, lễ hội được tổ chức quy mô lớn, có cắm trại, mít tinh, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, thi nữ công gia chánh, chưng nghi,…
2. Sự kiện lịch sử liên quan đến địa danh đình Long Hưng
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Ở Việt Nam, thực dân Pháp cấu kết với phát xít Nhật tăng cường đàn áp, bóc lột nhân dân ta. Từ đó, mâu thuẫn giữa dân tộc ta với bọn thực dân – phát xít đã trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Tháng 3/1940, thực dân Pháp bắt lính tập trung về Mỹ Tho đưa đi Sài Gòn để đi đánh Xiêm (Thái Lan). Được tin này, hàng trăm bà mẹ, trẻ em và người già ra đường từ Mỹ Tho đến Trung Lương, đòi chồng, đòi con, nhiều người đã lăn ra đường cản không cho xe chạy. Trước tình hình đó, thực hiện Nghị quyết lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương Đảng (tháng 11/1939) và Nghị quyết của Xứ ủy Nam kỳ (tháng 4/1940), Tỉnh ủy Mỹ Tho tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa sắp tới, như:
- Lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống bắt lính đưa ra mặt trận đánh nhau với Xiêm;
- Khôi phục và phát triển cơ sở Đảng; tập hợp quần chúng vào các hội phản đế trong Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương;
- Xây dựng lực lượng vũ trang, căn cứ cách mạng ở rừng Ba U; thành lập Ủy ban khởi nghĩa và Ban chỉ huy quân sự tỉnh.
Thực hiện mệnh lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, đúng 1 giờ ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở tỉnh Mỹ Tho bùng nổ. Đình Long Hưng được Ủy ban khởi nghĩa tỉnh chọn làm trụ sở. Tại đây, lần đầu tiên trên cả nước, lá cờ đỏ sao vàng được treo trên cây bàng ở sân đình. Đồng thời, cũng lần đầu tiên, danh xưng “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc” được viết trên một tấm biểu ngữ treo tại mặt tiền ngôi đình.
Trong cao trào khởi nghĩa diễn ra vô cùng sôi nổi và quyết liệt, tại đình Long Hưng, ngay ngày 23/11/1940, trước sự chứng kiến 3.000 đồng bào, Ban chỉ huy quân sự tỉnh Mỹ Tho được thành lập ngày 12/8/1940 do đồng chí Nguyễn Hữu Thường, Thường vụ Tỉnh ủy làm Chỉ huy trưởng. Ban Chỉ huy quân sự tỉnh gồm 4 ban: Ban tham mưu: đồng chí Nguyễn Hữu Thường, Tham mưu trưởng; Ban quân nhu: đồng chí Nguyễn Văn Tân, Trưởng ban; Ban quân báo: đồng chí Trần Bá Thọ, Trưởng ban; Ban phá hoại: do 2 đồng chí Nguyễn Văn Ghè và Lê Văn Quới phụ trách. Tỉnh Mỹ Tho là tỉnh đầu tiên trên cả nước thành lập lực lượng vũ trang cách mạng.
(Sau này, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5/1941) đã quyết định chọn lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh ở giữa làm quốc kỳ và nước ta sau khi giành được độc lập sẽ mang tên Việt Nam dân chủ cộng hòa.) Chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho ra mắt nhân dân. Đây là chính quyền cách mạng cấp tỉnh được thành lập đầu tiên trên cả nước. Đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh được cử làm Chủ tịch tỉnh, phụ trách chung; đồng chí Nguyễn Thị Thập phụ trách thường trực; đồng chí Nguyễn Hữu Thường phụ trách quân sự.
Cũng ở tại đình Long Hưng, trong những ngày diễn ra cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, Tòa án nhân dân tỉnh Mỹ Tho đã được thành lập. Mặc dù tổ chức và hoạt động chưa được quy củ; nhưng đó thực sự là Tòa án cách mạng cấp tỉnh đầu tiên ở nước ta. Hội đồng Tòa án đã căn cứ vào các chính sách cụ thể của Xứ ủy đề ra trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ; cụ thể là “khoan hồng với người lầm lạc; bảo vệ quyền lợi nhân dân; tôn trọng tự do tín ngưỡng; hủy bỏ các khế ước giao kèo có tính chất áp bức nhân dân; tịch thu địa bạ của bọn địa chủ phản động để luận tội và kết án”, Tòa án nhân dân tỉnh Mỹ Tho đã thực hiện đúng chính sách của Đảng đề ra trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, thể hiện rõ sự công bằng và nhân đạo. Hoạt động xét xử công khai của Tòa án cách mạng có sự tham dự của đông đảo quần chúng và người dân lần đầu tiên trong đời mình được trực tiếp tham gia luận tội đã thể hiện rõ tính dân chủ của chính quyền cách mạng. Các phiên tòa đều như những buổi huấn luyện chính trị, có tác dụng tốt và có ảnh hưởng lâu dài đến những giai đoạn cách mạng sau này.
Trước việc cuộc khởi nghĩa ngày càng lan rộng, thực dân Pháp điên cuồng đàn áp, khủng bố, đánh phá cơ sở cách mạng. Trong 3 ngày, từ ngày 23 đến ngày 25/11/1940, toàn tỉnh Mỹ Tho đã có 75/114 xã nổi dậy giành quyền làm chủ. Nếu chỉ tính các huyện trên đất liền, số xã nổi dậy chiếm tỷ lệ 75% (70/93 xã). Trong quá trình khởi nghĩa, đội du kích đã đánh chiếm 11 đồn bót, diệt 23 tên, thu được 34 súng, bảo vệ tốt việc chia lúa cho tá điền và dân nghèo, bảo vệ tốt các phiên tòa cách mạng xử trị bọn ác ôn, đánh phá làm hư hỏng gần 20 cầu sắt và cầu đúc, hạ cây, hàn kinh, hàn sông, phá hàng trăm cột dây thép (điện thoại). Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở tỉnh Mỹ Tho chứng tỏ tinh thần yêu nước, sẵn sàng đứng lên chiến đấu chống quân thù của các tầng lớp nhân dân ở tỉnh nhà, nhất là quần chúng công - nông lao khổ. Đình Long Hưng được xem là biểu tượng hào hùng, đậm chất tráng ca và sử thi của nhân dân Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), trường tồn cùng lịch sử dân tộc.