Chiến thắng Ấp Bắc - Bài học về xây dựng lực lượng vũ trang quân khu

Chủ nhật - 01/01/2023 06:28
Sau phong trào Đồng khởi 1959 - 1960, chính quyền Diệm đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Từ giữa năm 1961, Mỹ bắt đầu đưa vào tham chiến ở miền Nam Việt Nam các đơn vị trực thăng của quân đội Mỹ do lính Mỹ sử dụng bao gồm trực thăng vũ trang và trực thăng chở quân. Tiếp theo là các đơn vị biệt kích và nhiều xe thiết giáp lội nước M-113 cùng các loại pháo lớn nhỏ. 

Với những phương tiện chiến đấu mới hiện đại, có sức cơ động nhanh và hỏa lực mạnh cùng với những chiến thuật tân kỳ “trực thăng vận”, “thiết xa vận”. Từ giữa năm 1961 cho đến cuối năm 1962, Mỹ - ngụy đã giành được chủ động trên một số chiến trường, đã hoành hành khắp nơi, gây nhiều tổn thất cho quân và dân ta. Sau thời gian nghiên cứu phân tích, tìm hiểu vũ khí mới và chiến thuật tân kỳ của Mỹ - ngụy; từ thực tế của các trận đánh diễn ra trong năm 1962, từng bước ta đã tìm được cách đối phó có hiệu quả. Trận Ấp Bắc diễn ra vào đúng thời điểm lịch sử khi chiến trường miền Tây Nam Bộ đang xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đồng thời tìm ra một cách đánh mới để có thể đánh bại các chiến thuật tân kỳ với vũ khí hiện đại của Mỹ - ngụy trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” giai đoạn 1961 - 1965.

Sau 1 ngày chiến đấu kiên cường và dũng cảm, mặc dù lực lượng địch gấp nhiều lần nhưng quân và dân ta đã bẻ gãy 5 đợt tiến công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 450 tên địch (có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5 máy bay trực thăng, phá hủy 3 xe thiết giáp M-113, đánh chìm 1 tàu chiến, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của địch. Trên các mặt trận phối hợp, ta đã huy động được 36 đội du kích xã, có tới 20.000 người tham gia đấu tranh chính trị tiến công địch, bao vây 30 đồn, triệt phá 22 “ấp chiến lược”, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy và bị thương 16 xe quân sự của địch; các ngày tiếp sau đó hiệu quả đạt được là rất lớn. Trận Ấp Bắc là một trận chống càn điển hình của sự hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng vũ trang 3 thứ quân; sự lãnh đạo, chỉ đạo và chỉ huy chiến đấu khéo léo tài tình, kiên quyết và linh hoạt, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các mặt đấu tranh: Quân sự, chính trị và binh vận, làm thất bại hoàn toàn cuộc càn quét của địch.

Chiến thắng Ấp Bắc đã để lại những bài học quí giá về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng; nghệ thuật tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh cả về chính trị, quân sự tạo thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên các địa bàn Quân khu. Thể hiện trên một số vấn đề sau đây:

Thứ nhấttăng cường và giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang

Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ nói chung, Chiến thắng Ấp Bắc nói riêng đã chứng minh điều đó. Đảng ta đã luôn đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện đối với lực lượng vũ trang trong mọi tình huống, mọi giai đoạn lịch sử.

Từ bài học kinh nghiệm về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang địa phương trong Chiến thắng Ấp Bắc, đặt ra đối với cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trên địa bàn Quân khu trong công tác xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang địa phương ngày nay, là phải luôn quan tâm xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ các cấp tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, có năng lực trong tổ chức, lãnh đạo chỉ huy; thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo đối với Quân đội. Quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”… Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu thường xuyên chỉ đạo các cơ quan Quân khu phối hợp ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy xây dựng và triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng trong lực lượng vũ trang địa phương, chú trọng xây dựng chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn trong sạch, vững mạnh, làm nòng cốt thực hiện công tác quân sự, quốc phòng ở cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài.

Thứ hai, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu

Vận dụng đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự  Hồ Chí Minh và kế thừa bài học kinh nghiệm trong xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, nhất là xây dựng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ trong tình hình mới, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan Quân sự địa phương cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ và Luật Dự bị động viên; Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua khác, các cuộc vận động trong toàn quân. Đây là giải pháp nền tảng góp phần xây dựng cơ quan Quân sự địa phương các cấp và lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp trên địa bàn Quân khu đủ về số lượng, có chất lượng ngày càng cao, luôn vững mạnh về chính trị, gắn bó máu thịt với Nhân dân làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, thật sự giữ vai trò làm nòng cốt trong giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; có khả năng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về công tác quân sự, quốc phòng và xử trí tốt các tình huống trong khu vực phòng thủ.

Thứ ba, tổ chức lực lượng hợp lý, nâng cao chất lượng huấn luyện phù hợp với vũ khí, trang bị, kỹ thuật hiện có

Trong kháng chiến chống Mỹ, các lực lượng vũ trang ta lúc bấy giờ, tuy chưa được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, song với số lượng vũ khí được trang bị hiện có với cách bố trí sử dụng lực lượng hợp lý cùng cách đánh linh hoạt, khéo léo bằng vũ khí thô sơ, tự tạo như chông, mìn, cạm bẫy... chúng ta đã giành được thắng lợi giòn dã trên khắp chiến trường miền Tây Nam Bộ, trong đó, Chiến thắng Ấp Bắc là một điển hình. Ngày nay, để nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, rèn luyện bộ đội phù hợp với tổ chức, biên chế và vũ khí trang bị hiện có cần quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện trong giai đoạn mới, thực hiện tốt phương châm huấn luyện “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu và phù hợp với địa hình đồng bằng sông nước, sát đối tượng tác chiến và phù hợp với vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có trong biên chế là yếu tố không kém phần quan trọng. Trong huấn luyện, phải quán triệt quan điểm toàn diện, kết hợp giữa huấn luyện với truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn của ông cha, trong đó cách đánh là nội dung quan trọng để không ngừng nâng cao trình độ và khả năng chiến đấu cho các lực lượng.

Thứ tư, nâng cao trình độ, khả năng phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng

Chiến tranh nhân dân địa phương có vai trò to lớn trong việc tiêu hao, tiêu diệt địch, phân tán, chia cắt, căng kéo, kìm giữ địch,... Tuy nhiên, với quy mô tổ chức lực lượng, vũ khí trang bị và khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương có hạn, cho nên không đủ sức để giáng những đòn tiến công quy mô lớn tiêu diệt lớn quân địch. Ngày nay, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai mục tiêu nhiệm vụ và không gian tác chiến rộng lớn, thời gian diễn ra nhanh chóng do đó cần có phương án, kế hoạch sát đúng, xây dựng chế phối hợp phù hợp, sát thực tế địa phương. Trong huấn luyện, diễn tập có sự phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng bộ đội địa phương với bộ đội chủ lực. Muốn vậy, phải đẩy mạnh và phát huy vai trò phối hợp, hiệp đồng giữa bộ đội địa phương, dân quân tự vệ với các đơn vị chủ lực.

Chiến thắng Ấp Bắc là đỉnh cao nghệ thuật phối hợp, hiệp đồng giữa bộ bộ đội chủ lực của Quân khu với đội địa phương, dân quân du kích và quần chúng nhân dân nổi dậy phá áp chiến lược, đánh bại các cuộc hành quân càn quét của địch, mở ra khả năng làm thất bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ - ngụy. Thực tiễn chiến đấu và bài học lịch sử trong Chiến thắng Ấp Bắc là sự minh chứng đúng đắn cho quy luật phát triển của chiến tranh cách mạng ở Việt Nam, từ chiến tranh du kích phát triển, tiến lên chiến tranh chính quy, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trong thế trận chiến tranh nhân dân phát triển, góp phần quyết định thắng lợi trong chiến tranh hiện đại.  

Chiến thắng Ấp Bắc là một chiến công đặc biệt quan trọng không chỉ vì đó là một thắng lợi lớn về nghệ thuật quân sự, mà điều quan trọng hơn nữa là chiến công đó mở ra một cục diện mới, đem lại lòng tin cho chiến sĩ và đồng bào miền Nam để tiến lên giành thắng lợi từng bước, đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Do đó Chiến thắng Ấp Bắc mang ý nghĩa chiến lược to lớn. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, việc nghiên cứu lịch sử và ý nghĩa Chiến thắng Ấp Bắc về xây dựng lực lượng vũ trang quân khu nói riêng và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ giúp cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân ta nâng cao hiểu biết, niềm tự hào về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc; về nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân độc đáo Việt Nam; mà còn thể hiện lòng tri ân đối với các thế hệ cha, anh đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; qua đó, còn góp phần quan trọng củng cố, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, nhiệt huyết cách mạng và niềm tin tất thắng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. 
 

Trung tướng NGUYỄN XUÂN DẮT, Tư lệnh Quân khu 9.

BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập426
  • Máy chủ tìm kiếm42
  • Khách viếng thăm384
  • Hôm nay82,761
  • Tháng hiện tại1,629,534
  • Tổng lượt truy cập39,998,910
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây