Sinh năm 1936 trong một gia đình nghèo, từ nhỏ, ông Trần Văn Mạnh phải đi giữ trâu cho những gia đình giàu có trong vùng. Ông kể: “Khi 13 tuổi anh Năm Khấu (Trần Văn Khấu) ở Nhị Quý là anh em chú bác, có nhờ tôi cảnh giới, khi có người lạ thì báo động cho cán bộ ở Huyện ủy Cai Lậy họp ở hầm bí mật tại Nhị Mỹ, rồi giao nhiệm vụ cất giấu tài liệu cách mạng. Dần dần được sự tin tưởng, tôi còn được giao nhiệm vụ đi bắt liên lạc với cán bộ cách mạng ở trong xã, trong huyện. Coi như tôi tham gia cách mạng từ đó. Nhà nghèo, không được đi học nên không biết chữ nhưng nhờ giữ trâu tôi thông thuộc địa bàn xã Nhị Mỹ, Tân Hội nên dẫn đường cho cán bộ cấp huyện, tỉnh khi đi ngang qua địa bàn an toàn, biết được những địa điểm có hầm bí mật, đồng thời cũng tham gia một số trận đánh làm tiêu hao sinh lực, quấy phá địch...”.
Sau năm 1954, ông được phân công hoạt động ở lại địa phương, xây dựng cơ sở cách mạng. Vốn là một người sáng dạ, ông tìm mọi cách liên lạc bí mật với các cán bộ để gây dựng phong trào; tuyên truyền giáo dục để một số người dân làm lính cho địch đảo ngũ về quê và tham gia du kích địa phương. Những năm tháng ấy, đôi chân của ông đã đi mòn các nẻo đường của xã Nhị Mỹ, Tân Hội. Ngoài ra, ông Mạnh còn tham gia một số trận phục kích lính Mỹ trên lộ Bốn (nay là Quốc lộ 1), tham gia cùng lực lượng cách mạng tiêu diệt những tên ác ôn, chỉ điểm trên địa bàn Nhị Mỹ.
Gan dạ, lập nhiều thành tích trong chiến đấu, nhiệt tình với phong trào cách mạng của địa phương, năm 1964, ông Trần Văn Mạnh đã được kết nạp Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Ông nhớ lại: “Giây phút đứng trước lá cờ Đảng, nhìn lên hình ảnh các lãnh tụ của Đảng lồng lộng, tôi thấy trong lòng mình trào dâng cảm xúc khó tả. Tuyên thệ trước là cờ đảng, tôi tự hứa sẽ nguyện đem hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.
Giai đoạn 1965 - 1966, cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta ngày càng cam go. Nhị Mỹ là xã vùng ven ở Cai Lậy nên địch kiểm tra nghiêm ngặt, sợ ta đánh úp vào cơ quan đầu não của chúng. Ông được tổ chức phân công bám trụ lại địa phương gây dựng và phát triển lực lượng du kích. Đến năm 1968, với cương vị là Chính trị viên Xã đội Nhị Mỹ có nhiều thành tích, ông được cử đi học bổ túc chính trị tại Campuchia rồi sau đó ra dự Đại hội chiến sĩ thi đua tại Hà Nội. Trở về địa phương, ông tiếp tục công tác bí mật, tập hợp bà con không chỉ tăng gia sản xuất lương thực để tiếp tế cho bộ đội, nuôi giấu cán bộ, mà còn làm hầm chông, gài mìn, lựu đạn... đánh địch. Ngoài ra, đơn vị của ông còn tổ chức các trận đánh làm tiêu hao sinh lực, quấy phá địch, góp phần vào chiến thắng chung của Nhân dân ta.
Sau năm 1975, ông Mạnh tiếp tục tham gia công tác chính quyền tại xã Nhị Mỹ phụ trách chế độ chính sách, nhất là những người đã từng tham gia cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Công việc tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu là giải quyết các chế độ, chính sách; tổ chức phát động phong trào toàn Đảng, toàn dân chăm sóc, giúp đỡ những người có công và giúp đỡ những người gặp khó khăn trong cuộc sống.
Tiếp theo đó, ông Trần Văn Mạnh lần lượt giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nhị Mỹ. Dù ở vị trí công tác nào ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên cương vị là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông Mạnh đã có nhiều đóng góp cho các hoạt động công tác Hội và các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Nổi bật là vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều giải pháp thiết thực để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hội viên; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện từ cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Cai Lậy, cho biết: “Bác Mạnh là một người có uy tín, trách nhiệm, mặc dù tuổi cao bác vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân trong tổ dân phố, con cháu trong gia đình nêu cao tinh thần đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những cống hiến trong quá trình hoạt động cách mạng của người đảng viên lão thành cách mạng chính là tấm gương sáng để các con cháu và nhân dân noi theo, góp sức cống hiến cho sự nghiệp chung của Đảng, sự phát triển của quê hương”.
Với những cống hiến to lớn cho phong trào cách mạng cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông Trần Văn Mạnh được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cùng nhiều bằng khen, giấy khen, được trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.