Ông Nguyễn Ngọc Chấn (người làng Tân Niên Tây) tham gia cuộc khởi nghĩa Trương Định năm 1859, lập nhiều chiến công trong trận sông Tra, trận phục kích Xóm Tre (Bình Thạnh Đông), giồng Sơn Quy và được phong chức Đốc binh. Thành Gò Công thất thủ, ông theo chủ soái rút về Gia Thuận. Ngày 20/8/1864, giặc bao vây căn cứ, Trương Định bị trúng thương nơi đùi và tuốt gươm tuẫn tiết. Đốc binh Chấn bị thương nơi vai vẫn còn đủ sức nhảy đến đỡ chủ soái lên cho tới khi Ngài tắt thở trên tay. Bị giặc bắt tra tấn, mua chuộc không được, chúng đày Đốc binh Chấn ra Côn Đảo. 9 năm sau được trả tự do, ông về quê mở trường dạy học và cùng dân lập đền thờ chủ tướng cùng nghĩa binh hy sinh. Đốc binh Nguyễn Ngọc Chấn mất năm 1907 tại Giồng Tháp, phần mộ tọa lạc xã Tân Tây.
Có hai câu liễn ca ngợi bậc anh hùng nghĩa khí còn truyền khẩu đến nay: “Vĩnh Hựu Tình Chung chơn nghĩa khí/Tân Niên Hòa Quới thị anh hùng”. Tức là, làng Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây) có Đốc binh Tình và Phó Đốc binh Chung phò tá Trương Định chống giặc, hết lòng vì nước vì dân. Sau thất thế, hai ông bị Pháp vây bắt tại Chợ Giồng và xử bắn nơi đó. Nhân dân địa phương thương tiếc dựng miễu thờ cúng hàng năm.
Làng Tân Niên Trung (huyện Gò Công Đông) có hai ông Hòa và Quới, đều theo Trương Định nhiều năm. Ông Hòa chưa tìm được lai lịch. Riêng ông Quới giỏi nghề mộc nên lãnh nhiệm vụ coi đóng cọc cây ngăn tàu Pháp nhiều chặng, từ sông Tra đến sông Gò Công và vàm Sơn Quy. Ông nổi tiếng về sự gan dạ như lặn dưới sông Tra xáp vào tàu giặc để dò xét binh tình, dùng đục sắt đục tàu. Có tin ông bị thương trong trận thất thủ thành Gò Công. Từ đó, không ai nghe biết tăm hơi gì về ông Hòa và ông Quới. Có phải họ đã tử trận, hay bị bắt làm tù binh rồi chết cùng các nghĩa binh vô danh chăng?
Tương tự trường hợp trên, nhiều người trong nghĩa binh Trương Định sau khởi nghĩa thất bại bị giặc bắt, đến nay vẫn chưa rõ gốc gác, hoàn cảnh. Có điểm chung, tất cả đều là những người vì nước quên thân. Như ông đội Mưu, đội Được, đội Sai bị Pháp bắt giam cầm mấy năm, khi tự do thì về làm ruộng. Ông đội Tung bị đày ra Côn đảo rồi chết ngoài ấy. Ông đội Lang bị cầm tù 4 năm, lúc được thả ông về làm ruộng, dựng nhà ở gần mé rừng, dạy học trò rất đông. Nơi ông ở gọi là Xóm mới Đội Lang (Gia Thuận - Vàm Láng),... Một số nghĩa binh trốn thoát vào rừng ẩn náu, quyết không đầu hàng, hợp tác với giặc, trong số đó có ông Niên. Ông và số người đồng chí hướng tìm nơi địa thế hiểm trở, rạch sâu nhiều lối quanh co, đắp đất cất chòi, rào giậu kín đáo để phòng ngự thú rừng. Lúc đầu, quân Pháp còn ruồng rập, quyết bắt cho bằng hết người chống đối. Nhưng về sau chúng thấy không hiệu quả nên thôi. Nhóm ông Niên hàng ngày bắt cua, đặt cá rồi lén ra xóm dân đổi gạo sống qua ngày. Dần dần họ khai phá ruộng cấy lúa, một đời ẩn thân giữa rừng sâu hoang vắng. Con rạch ngày xưa ấy được gọi là rạch Ông Niên (Gia Thuận) cho tới bây giờ,...
(Theo Việt Cúc (1969), Gò Công cảnh cũ người xưa, Tác giả xuất bản; Theo Vân Anh (2015), Cuộc khởi nghĩa Trương Định - Gò Công lưu dấu, Trang thông tin điện tử họ Trương Nghệ Tĩnh).