Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thành Châu

Thứ hai - 06/03/2023 22:56
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thành Châu, còn gọi là Năm Châu, sinh năm 1906, tại làng Tịnh Hà, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo).

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thành Châu.
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thành Châu.
Thuở nhỏ, ông từng theo học tại Collège de Mytho (nay Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Mỹ Tho) và Trường Lasan Taberd ở Sài Gòn, nên thông thạo Pháp ngữ. Nhờ thế, ông có dịp tiếp cận những trước tác của nền văn học Pháp. Năm 1922, lúc mới 16 tuổi, ông gia nhập gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, chính thức nhập tịch làng nghệ thuật cải lương. Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu viết: “Năm 1922, anh Năm Châu đã là kép chính sáng giá nhất của ban cải lương Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Anh là người tài giỏi, có ý chí và luôn nhìn xa trông rộng, nắm bắt tình thế để ứng biến cho nghề, cho sân khấu một cách thần thông”.

Kể từ ấy, ông cùng một lúc đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau, như quản lý, soạn giả, đạo diễn, diễn viên, đào tạo diễn viên,... Ở phương diện nào, ông đều tỏ ra xuất sắc:

* Về quản lý, ông đã thành lập các gánh Nam Thinh (1933), Ca kịch đoàn Năm Châu (1940 - 1945), Ban Việt kịch Năm Châu (1948 - 1955), sau đó đổi tên thành đoàn Phước Chung (1955 - 1956), đoàn Ánh Chiêu Dương (1967).

* Về soạn giả và đạo diễn, ông đã viết và dựng các vở Giọt lệ cương thường, Vẹn tấm lòng son, Võ Tòng sát tẩu (1926), Ngọn cờ hiệp nữ (Một tấm lòng quê), Tiếng nói của trái tim, Huyền Châu nữ chúa, Tội của ai, Thôi Tử thí Tề quân (1927 - 1933), Người với người (Đóa hoa rừng), Tố Hoa nương, Túy Hoa vương nữ, Trường Hận (1935 - 1936), Hoa cuối mùa, Đêm không ngày (1938 - 1939), Mộng hoa vương, Áo người quân tử, Men rượu hương tình, Chiếc áo thiên nga, Nợ dâu, Tư sinh tử, Thái tử Hàm Liệt, Cách Lan phương tử, Gió ngược chiều, Miếng thịt người, Tuyết băng và bạo lực, Tây Thi gái nước Việt, Hồn bướm mơ tiên (1941 - 1953), Sân khấu về khuya, Ngọn cờ đầu (Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định), Nghêu sò ốc hến (1975 - 1978),…

* Về diễn viên, ông đóng nhiều vai với những loại nhân vật khác nhau, như Đổng Kim Lân (trong San Hậu), Lã Bố (trong Phụng Nghi Đình), Thôi Tử (trong Thôi Tử thí Tề quân), An Lộc Sơn (trong Trường Hận), Tuyệt sĩ (trong Huyền Châu Nữ), Trần Đạt Văn (trong Tư sinh tử), Ngọc (trong Hồn bướm mơ tiên), Hội đồng Thăng (trong Đời Cô Lựu), Năm Bình (trong Men rượu hương tình), Lĩnh Nam (trong Sân khấu về khuya),…

* Về nghệ thuật, ông là một nghệ sĩ rất nghiêm túc. Ông đã từng phát biểu: “Quan niệm về tuồng tích của tôi từ trước đến giờ là cả cuộc đời nào đó, mình thu nhỏ lại để trình diễn có vài ba tiếng đồng hồ trên sân khấu, cho nên cần phải súc tích, cô đọng và nhân vật trong tuồng phải có cá tính khác biệt. Còn về nghệ thuật cải lương, quan niệm của tôi trước sau là một sân khấu thật và đẹp. Vì như vậy, lúc tập tuồng, tôi rất khắt khe với các diễn viên. Tôi bắt anh em đóng vai nào phải ra vai nấy, không được hát cương, phải theo đúng từng lời nói trong tuồng. Ca bản nào cho đúng bản đó. Chớ tôi nghe một vài anh em trẻ ca các bản Nam, Bắc, Oán gần giống như nghe ca vọng cổ, nghe tức muốn bể cái ngực”.

* Về đào tạo diễn viên, năm 1948, khi thành lập Ban Việt kịch Năm Châu, ông mới chính thức bắt đầu vai trò đào tạo diễn viên cải lương. Là người đặt nền móng cho một nền cải lương “thật và đẹp”, ông rất chú trọng đến tri thức và hình ảnh đời sống nghệ sĩ. Sinh hoạt của Ban kịch có lề lối, kỷ cương nghiêm túc. Ông nghiêm khắc đề ra các điều nội quy “cấm nói tục, cờ bạc, hút nghiện”. Ông còn thuê người về dạy chữ cho những nghệ sĩ trong ban kịch của mình. Năm 1962, ông được mời làm giáo sư Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh), giảng dạy bộ môn nghệ thuật cải lương. Với tinh thần “ái sinh truyền đạo”, ông đã đúc kết kinh nghiệm thực tiễn hàng chục năm trên sàn diễn nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực có đức tài cho sân khấu cải lương. Sau 1975, vợ ông - nghệ sĩ Kim Cúc - được mời dạy khóa đào tạo diễn viên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, đã dùng giáo án của ông để tiếp tục sự nghiệp mà ông đã dày công vun đắp.

Là một nghệ sĩ có lòng yêu nước, năm 1948, ông cùng với các ông Trần Hữu Trang (Tư Trang) và Nguyễn Long Vân (Ba Vân) thành lập Ban Việt kịch Năm Châu, nhằm lợi dụng sân khấu để tập hợp văn nghệ sĩ  và  hoạt động yêu nước theo sự chỉ đạo của ông Mai Văn Bộ, Ủy viên Tuyên truyền của Thành hội Liên Việt thành phố Sài Gòn. Ông tuyên bố: “Sân khấu là môi trường hoạt động chính trị của tôi trong mấy chục năm qua. Tôi tôn trọng sân khấu như một thánh đường”. Sau năm 1954, sinh sống và hoạt động nghệ thuật ở vùng địch tạm chiếm, mặc dù bị nhà cầm quyền o ép, mua chuộc đủ cách, ông vẫn giữ vững bản lĩnh và khí tiết của một nghệ sĩ yêu nước chân chính.

Năm 1978, ông mất tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1988, do có những đóng góp quan trọng cho nền nghệ thuật cải lương nước nhà, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập522
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm506
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,156,717
  • Tổng lượt truy cập34,742,362
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây