Hồi ức về một thời đấu tranh gian khổ

Thứ sáu - 24/02/2023 04:12
Kiên cường, gan dạ, tuyệt đối trung thành với Đảng và niềm tin tất thắng của cách mạng Việt Nam là những động lực giúp ông Nguyễn Văn Xuyên vượt qua những trận đòn roi, những cực hình tra tấn của bọn giặc và vẫn giữ được khí tiết của người cộng sản cho đến tận hôm nay. Những hồi ức về một thời kỳ đấu tranh gian khổ vẫn còn đọng mãi trong tâm trí ông và đó cũng chính là những bài học quý báu nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Ông Nguyễn Văn Xuyên, sinh năm 1948, hiện cư ngụ ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, là người đã từng bị địch bắt giam, trải qua các nhà lao, những ngày tháng ấy là quãng thời gian ông không bao giờ quên trong cuộc đời của mình bởi những lần cương quyết đấu tranh với kẻ thù và tinh thần đoàn kết, gắn bó với đồng chí, đồng đội, hơn hết là “một lòng, một dạ” tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin tất thắng của cách mạng Việt Nam.

Năm 1966, ông tham gia cách mạng - làm giao liên của xã Mỹ Thành. Ngày 26/3/1967, ông được kết nạp vào Đoàn và là đoàn viên của xã Mỹ Thành. Ngày 27/7/1967, trong một trận càn có tên “Sóng thần Cửu Long”, ông bị giặc bắt ở Rạch Tràm, xã Bình Phú. Bọn địch đưa ông về giam ở Chi khu Cai Lậy và cho bọn chiêu hồi nhận diện. Trước tình huống đó, ông khai mình là du kích ấp, bọn địch dùng nhiều hình thức để tra tấn như đánh roi điện, đổ nước,… nhưng trước sau ông vẫn khai mình là du kích ấp và hoạt động cùng với những người đã chết mà ông biết. Giam được một tuần, bọn địch chuyển ông xuống Khám đường Mỹ Tho và tiếp tục điều tra, xét hỏi nhưng ông vẫn khai y vậy. Khoảng một tuần, chúng đưa ông vào nhốt ở phòng 6 có trên 100 người, tất cả đều là tù binh chiến tranh. Vào buổi sáng, địch bắt ông cùng đồng đội phải đứng nghiêm trong phòng để chào cờ nhưng tất cả mọi người đều kiên quyết không ai chào cờ vì đó là lá cờ của địch.

Đến tháng 8/1968, địch đưa ông cùng đồng đội xuống tàu chuyển sang Vùng 4 Chiến thuật Cần Thơ tại Trại giam tù binh. Ở đó địch đánh đập dữ dội vì mọi người hát bài “Kết đoàn” trước khi rời khỏi Khám đường Mỹ Tho.

Ở Vùng 4 Chiến thuật Cần Thơ, từ 04/8/1968 - 28/8/1968, ông cùng đồng đội  bị đày ra nhà tù Phú Quốc. Bọn chúng đưa đi trên chiếc máy bay C130 khoảng 250 người, là máy bay vận tải của Mỹ. Khi mới xuống máy bay đã bị bọn địch đánh đập dã man. Khi đó, ông bị giam ở phân khu D4 (ở chung với ông còn có ông Nguyễn Văn Dòn và ông Nguyễn Khánh Hồng cũng quê ở Cai Lậy). Sau đó, ông được tổ chức Đảng phân công là Bí thư Chi đoàn Mỹ Tho phân khu D4 (phân khu có khoảng 1.000 tù binh), mỗi tỉnh có tổ chức riêng, Chi đoàn Mỹ Tho trong phân khu D4 có 7 đoàn viên. Khi địch khủng bố, tra tấn, phát cá thối cho tù binh ăn và phải ăn bốc, đồ ăn thì đựng trong nón lá. Ông là người được tổ chức phân công đứng ra phát biểu giữa sân:

“Đề nghị phát quần áo mặc,

Đề nghị cơm nước đàng hoàng

Đề nghị phát cá tươi

Không được đánh đập anh em vô cớ”.

Bởi xác định đó là nhiệm vụ quan trọng nên những gì ông nói đều căn cứ vào Hiến chương của Liên hợp quốc về tù binh chiến tranh. 

Ngày 28/8/1968, địch bắt trình diện, ông nói “Tù phiến cộng (phiến loạn, vô chính phủ) - Nguyễn Văn Xuyên” chứ không phải “Tù binh cộng sản”. Tới tháng 11/1968, bọn địch phát đồ đựng cơm, muỗng và ca nhưng vẫn cho ăn cực khổ. Một số phản động chiêu hồi đánh tù binh rất nhiều. Cuối tháng 11/1968 (âm lịch) Đảng ủy phân khu phân công Chi bộ lên kế hoạch giết 3 thằng chiêu hồi phản động. Tuy nhiên, có một thằng chạy thoát và khai với Phòng điều tra Trại giam, bọn địch bắt hàng trăm người ra đánh đập rất dã man. Được sự phân công tổ chức nên 5 người đứng ra chịu tội, bọn địch chuyển về tòa án quân sự Sài Gòn kêu án 2 người chung thân, ông Bửu bị kêu 5 năm tù, 2 người bị tử hình về tội giết người. Ngày 09/3/1969, bọn địch quyết tìm những người dám đứng ra phát biểu để bắt ra ngoài đánh, bọn chúng bắt 32 người nhưng không tìm được ông, những người bị bắt sau đó đều bị bọn chúng đưa đi biệt giam.

Đến tháng 6/1969, ông bị chuyển sang Phân khu D7 (Trại giam có 12 khu, 4 Phân khu/Khu, Phân khu trên 1000 người). Phong trào đấu tranh lúc này lắng dịu do địch thực hiện kế hoạch bắt chiêu hồi, buộc tù binh phải qua Khu Tân sinh hoạt. Tù binh đấu tranh không đồng ý, bọn địch làm hết khu này đến khu khác và chúng cho rằng Phân khu D7 là những người cứng đầu. Với hình thức làm tờ đơn sẵn, bắt lăn tay, ký tên, lúc đó có một số người mất lập trường chịu không nổi nên đồng ý. Bản thân ông cương quyết không đi mà cùng anh em đấu tranh.

Tháng 8/1969, địch bắt một số tù binh chuyển qua khu khác, ông bị đưa qua Phân khu B7. Đây là thời gian mọi người “chống chiêu hồi, chống bắt làm nô dịch, chống giặt quần áo cho gia đình vợ con chúng và phục vụ quân sự cho địch, chống đánh đập vô cớ”.

Có thể nói, từ năm 1969-1970 là 2 năm gian khổ, bọn địch thẳng tay đàn áp, cho nên về phía ta phải chùng lại bớt và phải đấu tranh thật khéo léo, tránh va chạm nhiều với chúng. Đầu năm 1970, lúc ở Phân khu D7, mọi người đã tuyệt thực đòi địch “không được đánh đập vô cớ và trừng trị tên địch đã bắn tù binh chết khi đang đứng tiểu tại cửa phòng giam”. Tổ an ninh gồm có ông, ông Dòn, ông Dĩ ngăn không cho ai đầu hàng. Mọi người tuyệt thực 7 ngày, không ăn, không uống và chống điểm danh. Trong suốt thời gian này, bản thân ông luôn vững vàng về ý chí, thà chết không đầu hàng địch và cũng luôn động viên mọi người kiên cường không khuất phục. Thấy chúng tôi không ai chịu hạ mình, tới ngày thứ 8, bọn địch hứa sẽ giải quyết, rồi cho quân cảnh vô nấu cháo cho mọi người ăn.

Những năm 1971-1972, tù binh sống thoải mái hơn, không bị bọn địch đánh đập nhiều. Nhưng vào đầu năm 1972, trong một buổi khi đang nấu cơm chiều, địch bắn trái khói làm chết 1 người, bị thương 3 người. Lúc ấy tù binh đòi:

“Chở anh em ra điều trị

Phải thay đổi gạo, thức ăn

Không được giới nghiêm để nấu tới sáng”.

Bọn chúng đồng ý với yêu cầu đó của tù binh. 

Đến năm 1972, phong trào đấu tranh lên cao. Một buổi tối, khi ông đang ngồi quạt, địch kêu ra ngoài nhưng ông không ra. Sáng hôm sau, bọn chúng kêu ra 5 người, thằng giám thị lấy roi cá đuối đánh mỗi người 5 roi. Tới ông thì ông nói: “Tôi không có tội không cúi”, thế là nó đánh đứng vì cho là ông “ngoan cố”. Sau đó chúng giam ông trong chuồng cọp và tiếp tục đánh một chập nữa. Chúng nhốt ông một tuần, phải chịu cảnh mưa nắng giữa sân. Khi có phái đoàn Hồng Thập Tự quốc tế qua thăm, xem đối xử với tù binh ra sao. Lúc này ông được cho vô trong, thằng giám thị thượng sĩ Ký kêu ông mặc áo đàng hoàng nhưng ông không thèm mặc nhằm để phái đoàn thấy được điều tàn bạo mà địch đối xử với tù binh, thế nhưng phái đoàn đã không tới. Bọn địch chửi ông: “Mày là thằng ngoan cố nhất!”. Sau đó ông và tù binh đấu tranh đòi “quyền dân sinh, dân chủ, gạo thóc không bị sạn, đi làm không bị đánh đập”.

Đến ngày 13/3/1973, Mỹ phát mùng, mền, quần áo cho tù binh nhưng không ai nhận hết. Sáng ngày 14/3/1973, Mỹ kêu ra nhưng mọi người nói: “Nếu cắm cờ Mỹ thì chúng tôi không đi!”. Với sự cương quyết đó, Mỹ chấp nhận hạ cờ. Từ sân bay Phú Bài, bọn địch chở mọi người đi khoảng 50 km tới sông Thạch Hãn, khi ấy cổng treo cờ Mỹ, mọi người nhất quyết không đi mà tự quẹt rào đi. Chiếc bo bo nào cũng có cờ Mỹ, mọi người đòi hạ cờ rồi mới đi và lột quần áo bên ngoài, chỉ còn quần cụt, qua nửa sông mọi người nhận chìm bo bo và lội qua sông. Ông còn nhớ ngày 14/3/1973 là đợt trao trả tù binh đầu tiên có 100 người.

Thời gian ông ở tù là 5 năm 8 tháng, trong đó ở nhà tù Phú Quốc 4 năm 8 tháng, bị bọn địch giam cầm từ các phân khu “D4 - D7- B7- A7- A10 - D7 - A9  và tới ngày trao trả”. Sở dĩ cứ 3 - 4 tháng thì chúng chuyển ông và các tù binh như vậy là nhằm tránh việc đào hầm. Trong thời gian đó, ông được tổ chức phân công phát biểu 4 lần (đó là những lúc ông ở Phân khu D4, B7, D7 và A7). Những lần ông phát biểu ý kiến thì xem như là lãnh cái chết, nhưng ông vẫn chấp nhận đương đầu với điều đó và mạnh dạn phát biểu đúng yêu sách đề ra.

Quá trình sống, chiến đấu của mình, ông vinh dự được tặng: “Huân chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Ba”, “Huân chương quyết thắng hạng Nhất”. Vào đợt 19/5/2021, ông vinh dự được Đảng trao tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng. Đây là niềm tự hào không chỉ riêng bản thân ông mà còn là niềm tự hào của cả gia đình. Vì lẽ đó bản thân ông sẽ tiếp tục nêu gương sáng để thế hệ con cháu noi theo, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời đóng góp tích cực vào công tác xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập342
  • Máy chủ tìm kiếm73
  • Khách viếng thăm269
  • Hôm nay66,547
  • Tháng hiện tại1,809,736
  • Tổng lượt truy cập40,179,112
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây