Đồng chí Lê Văn Mừng - Người con tiêu biểu vùng đất Hậu Mỹ Phú

Thứ ba - 18/04/2023 22:08
Nghe lại những lời kể của những cựu tù kháng chiến năm nào, chúng ta luôn thấy tự hào về dân tộc Việt Nam - dân tộc anh hùng. Những trang sử đấu tranh hào hùng với tinh thần kiên cường, bất khuất của biết bao thế hệ, những người yêu nước và chiến sĩ cách mạng trong nhà tù, trại giam của thực dân đế quốc đã minh chứng cho điều đó. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng tinh thần và lòng nhiệt huyết cách mạng vẫn luôn trào dâng không ngừng. Đó là đồng chí Lê Văn Mừng, sinh năm 1944, tại ấp Mỹ Phú B, xã Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Đồng chí Lê Văn Mừng - Người con tiêu biểu vùng đất Hậu Mỹ Phú.
Đồng chí Lê Văn Mừng - Người con tiêu biểu vùng đất Hậu Mỹ Phú.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông, đông anh em, phải làm thuê kiếm sống. Sớm giác ngộ cách mạng, mới học đến lớp 3, đồng chí Lê Văn Mừng nghỉ học và tham gia cách mạng. Được các bậc cách mạng đàn anh dẫn dắt, đồng chí học tập, rèn luyện về tư tưởng, lập trường vững vàng, được đồng chí, đồng đội, nhân dân thương yêu, tin cậy.

Tháng 2-1962, đồng chí chính thức tham gia cách mạng, cụ thể là tham gia Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Tháng 3-1963, đồng chí được phân công làm thành viên đội du kích xã Hậu Mỹ. Đến tháng 5-1964, Huyện ủy cho thành lập Đội du kích liên xã gồm: xã Hậu Mỹ, xã Hội Cư và xã Hậu Thành do đồng chí Lê Văn Thức (bí danh Chí Công) làm trung đội trưởng. Đội này hoạt động trong khu vực 3 xã nêu trên, nhiệm vụ chủ yếu là đánh phá khu trù mật xã Hậu Mỹ.

Khoảng 7 giờ ngày 22-3-1966, trên đường mang báo cáo từ xã lên huyện, đồng chí phát hiện một toán giặc khoảng hơn 10 tên nhảy dù xuống kênh Cây Trôm (nay là xã Hậu Mỹ Trinh), nhận thấy chắc chắn không thể chạy thoát để bảo vệ tài liệu của tổ chức không lọt vào tay địch, đồng chí vùi tài liệu xuống bùn. Sau đó, chúng bắt đồng chí tra hỏi, chửi bới, đe dọa nhưng đồng chí không khai báo, không để bọn giặc nghi ngờ, (lúc bấy giờ là vào cuối tháng 3 âm lịch) đồng chí nói đi thăm đất cày để chuẩn bị gieo sạ, nhưng bọn giặc không tin, chúng cho 2 tên lính áp tải đồng chí lên trực thăng chở xuống quận Cái Bè, đến nơi chúng để đồng chí ở đó vài giờ rồi áp giải đồng chí đến Chi công an quận giam một tuần lễ.

Khi vừa đến Chi công an quận Cái Bè, 2 tên lính đến bắt đầu tra hỏi, đồng chí Mừng vẫn nói đi thăm đất cày, vừa dứt lời chúng dùng dùi cui đánh túi bụi vào đầu, mình, bả vai, tay, chân và mặt làm đồng chí gãy 3 chiếc răng, máu chảy khắp miệng, vì đau và chảy máu nhiều nên đồng chí ngất đi. Khi tỉnh dậy chúng tiếp tục tra hỏi, cứ thế diễn ra 1 tuần lễ, tuy bị tra tấn nhưng chúng vẫn để người nhà vào thăm nuôi, nhằm lấy thêm thông tin. Tuy nhiên, do không điều tra được gì, nên ngày 28-3-1966, chúng tiếp tục áp giải đồng chí xuống Khám đường Mỹ Tho và giam tại Phòng 1. Khám đường này có nhiều phòng giam để bố trí từng đối tượng tù nhân, mỗi phòng chúng giam cả 100 người, riêng Phòng 1 chúng giam giữ đồng chí Mừng là phòng giam dành cho tù chính trị.

Sau đó, chúng đưa từng đợt 20 người tù chính trị sang Ty Công an Định Tường để tiếp tục tra tấn nhục hình, hỏi cung. Sau đó, chúng lại trả ngược trở về Khám đường Mỹ Tho. Ở đây, những hình thức mà chúng dùng để tra tấn, hỏi cung tù nhân tàn bạo, dã man hơn gấp nhiều lần so với Khám đường Mỹ Tho. Cứ mỗi lần hỏi cung mà không điều tra được gì, tên chỉ huy lại cho đám lính thay đổi hình thức tra tấn nặng hơn, chúng dùng gạch đánh vào lưng, ngực, dùng roi mây bắt nằm sấp xuống nền xi măng, đánh vào gang bàn chân hay dùng dây thừng lớn buộc 2 chân sát lại, treo lơ lửng lên trần nhà rồi đánh đập, dây thừng siết chặt cứa vào cổ chân rướm máu, sau đó chúng đạp vào người, đây là hình thức tra tấn gọi là lận mề gà. Tàn độc hơn, có hôm chúng dùng cả kẹp điện cột vào 2 bàn tay, bàn chân rồi cho điện chập, cứ thế lặp đi lặp lại nhiều lần, đến khi tù nhân không chịu được ngất đi, sau đó chúng dội nước lạnh vào mặt cho tỉnh lại rồi tiếp tục hỏi cung, nếu lời khai trùng khớp như ban đầu thì tiếp tục tra hỏi hay lôi vào phòng giam chờ qua ngày khác tra hỏi tiếp.

Tuy trải qua những ngày tháng gian khổ đau đớn trong trại giam nhưng đồng chí Mừng được anh em trong phòng giam tiếp thêm tinh thần, nghị lực, mặc dù không cùng nơi sinh ra, không máu mủ ruột thịt; nhưng tất cả mọi người có cùng hoàn cảnh bị giam cầm và quan trọng hơn hết là cùng chung lý tưởng cách mạng. Chính vì thế, trong hoàn cảnh khó khăn đó, các chiến sĩ ta đã thể hiện tình yêu thương, giúp đỡ, che chở, đùm bọc nhau trên tinh thần đồng chí, đồng đội. Không cam chịu sự đàn áp của địch, đồng chí Mừng cùng nhiều chiến sĩ khác nhiều lần đấu tranh, kêu gọi anh em biểu tình, tuyệt thực, chống đánh đập, đàn áp, cải thiện chế độ lao tù, sinh hoạt, như ăn uống, thuốc men, vệ sinh,… Do đó, chúng áp giải đồng chí qua Công an chiêu hồi ở Lộ Ma (nay là đường Thái Sanh Hạnh, thành phố Mỹ Tho). Địa điểm này là nơi giam cầm tù chính trị mà địch đã dùng nhiều hình thức tra tấn nhưng vẫn không lấy được thông tin từ Khám đường Mỹ Tho chuyển sang nhằm nhận dạng, xác định đối tượng tù có tham gia cách mạng hay không. Đây là nơi để bọn chiêu hồi sử dụng nhiều chiêu trò hòng mua chuộc, dụ dỗ hay đánh đập, tra tấn với nhiều hình thức tàn bạo hơn bên Ty Công an Định Tường. Trong một ngày, có khi chúng cho bọn giám thị chập điện vào chân, tay, ngực tù nhân đến 2-3 lần, người nào lớn tuổi sức yếu, không chịu nổi mới chỉ chập điện một lần đã ngất đi, có khi chết luôn rồi chúng thủ tiêu. Bức cung đồng chí Mừng không được, chúng bắt ăn cơm với thức ăn đã ôi thiu có ruồi, giòi bò lúc nhúc; nhưng vẫn phải cố gắng ăn để có sức chiến đấu. Có người còn bị kẹp xung điện làm cho giập gãy cả ngón tay, ngón chân,…

Không điều tra được gì, chúng bất lực, phải trả đồng chí Mừng cùng 49 đồng chí khác về Khám đường Mỹ Tho. Sau đó, địch đưa cả 50 tù chính trị đi lao động khổ sai, làm đồn bót ở xã Mỹ Tịnh An (nay thuộc huyện Chợ Gạo). Chúng nhốt tù nhân vào trong một ngôi nhà dân đã bỏ đi, có lính canh gác. Ở đây hàng ngày, chúng bắt tù nhân đi cưa cây dừa. Khoảng 5 ngày sau đó, một số anh em tù lợi dụng sơ hở của địch nên trốn chạy. Chúng phát hiện đuổi bắt, nổ súng bắn dữ dội, có người may mắn chạy thoát, người nào sức yếu không may bị chúng bắt lại thì coi như khó sống, bị tra tấn dã man, thừa sống thiếu chết. Lúc bấy giờ, đồng chí Mừng cũng định chạy trốn nhưng do tình hình một số đồng chí bị bắt trước đó nên giặc có sự đề phòng kỹ hơn, chặt chẽ hơn. Đồng chí Mừng tranh thủ sau giờ ăn cơm trưa, đồng chí thăm dò ý kiến của một số tù nhân khác, bàn bạc lên kế hoạch tìm cách để chạy trốn, mọi người đều thống nhất giải pháp hiệu quả nhất.

Đồng chí Mừng kể: “vài ngày sau, theo kế hoạch đã bàn tính trước, bản thân may mắn cũng biết ca hát chút ít và thăm dò được sở thích mê văn nghệ của tên lính canh, đồng chí hát vài câu vọng cổ và đúng như kế hoạch dự định, tên lính gác tỏ ra thích thú, sau đó đến hỏi: “Bộ mày làm trong đoàn văn công hay sao mà hát hay vậy, để tao về xin đại úy cho tụi bây tổ chức một buổi văn nghệ chơi”. Thế rồi, chúng tôi mượn việc tổ chức đờn ca nhằm lợi dụng lúc sơ hở của giặc lúc mải mê nghe hát. Đồng chí Mừng và 8 đồng chí nữa ra hiệu lẫn nhau lẻn chạy trốn. Khi mọi người đã đi xa, các đồng chí còn ở lại giả vờ mới phát hiện và báo cho đám lính. Sau này, nghe kể lại bọn lính rất tức tối và truy tìm ráo riết, nổ súng bắn loạn xạ. May thời, trời tháng 5 đổ cơn mưa thật lớn, mọi người lợi dụng thời tiết và địa hình kênh rạch chằng chịt, cố gắng chạy trốn thêm 17 người nữa ra vùng giải phóng. Sau đó mọi người gặp lại nhau. Sau 4 ngày đêm cố gắng hết sức chạy trốn, được sự đùm bọc, giúp đỡ tận tình của các anh em cơ sở nên tôi và đồng đội may mắn thoát được và trở về lại địa phương”.

Khi đặt chân về đến địa phương, đồng chí Mừng được đồng chí Nguyễn Văn Tống (Bí danh Bảy Sơn) là Trưởng ban An ninh xã Hậu Mỹ tiếp đón. Sau đó, đồng chí Mừng được phân công nhiệm vụ làm công tác giao liên xã cho đồng chí Đinh Văn Lư (Bí thư xã Hậu Mỹ) và làm dân công tải vũ khí. Đến 30-4-1975 thống nhất đất nước, đồng chí tiếp tục được cấp ủy đảng phân công phụ trách làm Ban Thông tin xã Hậu Mỹ Nam và Bí thư Chi bộ, sau một thời gian công tác tiếp tục được cử làm Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy, rồi chủ nhiệm hợp tác xã mua bán, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, quyền Bí thư xã Hậu Mỹ Nam năm 1984. Dù ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, trong suốt quá trình công tác, đồng chí luôn kiên định lập trường cách mạng, niềm tin vào sự tất thắng, luôn giữ trọn khí tiết của người cộng sản. Khi Ban Liên lạc cựu tù kháng chiến ra đời, đồng chí được Đảng ủy xã Hậu Mỹ Phú và tập thể cựu tù của địa phương tín nhiệm đề xuất làm Trưởng ban Liên lạc cựu tù kháng chiến và hoạt động kể từ đó cho đến nay.

Từ khi bước chân vào hoạt động cách mạng cho đến khi bị địch bắt giam, rồi trốn thoát, bằng niềm tin mãnh liệt đối với lý tưởng cách mạng, đồng chí xứng đáng là tấm gương sáng cho con cháu noi theo về lòng yêu nước và trung kiên với cách mạng. Đồng chí được Đảng, Nhà nước phong tặng: Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng nhì, huy hiệu 30, 40, 45 năm tuổi Đảng và nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện, xã trao tặng. 

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập325
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm75
  • Khách viếng thăm249
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,170,251
  • Tổng lượt truy cập34,755,896
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây