Ban tổ chức hội thảo đã nhận được nhiều tham luận của các tác giả trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do giới hạn về thời gian nên, Ban tổ chức đã chọn 11 tham luận tiêu biểu trình bày tại Hội thảo.
Sau phần báo cáo đề dẫn của tiến sĩ Lê Văn Tý, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp đã trình bày báo cáo “Xác định 1.500 địa danh tỉnh Tiền Giang từ góc độ tiêu chí phân loại”; trong tham luận của mình, tác giả, tiến sĩ Huỳnh Quán Chi, Trường Đại học Tiền Giang cho rằng: “Địa danh Tiền Giang là đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, góp phần giúp người dân Tiền Giang hiểu rõ hơn, yêu hơn về quê hương mình. Tìm hiểu về địa danh góp phần thể hiện tinh thần yêu nước, tự hào về quê hương xứ sở Tiền Giang nói riêng và Việt Nam nói chung. Nó giúp những du khách trong và ngoài nước am hiểu cái hay, cái đẹp của văn hóa địa phương này thông qua các địa danh mà họ đặt chân đến”.
Tiến sĩ Huỳnh Quán Chi cũng cho rằng đề tài khoa học là một công trình thể hiện sự đam mê nghiên cứu, sự am tường văn hóa, vốn sống, sự trải nghiệm địa phương của các tác giả. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Chi đề xuất các tác giả cần cập nhật hình ảnh về tất cả các địa danh để người đọc có thể dễ dàng theo dõi và công trình đạt được chất lượng cao về nội dung nghiên cứu, cũng như giá trị thẩm mỹ. Diễn giả Võ Văn Sơn, giảng viên Trường Đại học Tiền Giang có tham luận “Địa danh tỉnh Tiền Giang từ góc nhìn văn hóa”; các diễn giả khác đã trình bày tham luận về một số địa danh cụ thể trên địa bàn tỉnh, các tham luận này cung cấp thêm thông tin góp phần khẳng định tính xác thực của các địa danh trình bày trong công trình nghiên cứu.
Trong phát biểu tổng kết Hội thảo, Thạc sĩ Châu Thị Mỹ Phương, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm đề tài đã đánh giá cao các tham luận và đề xuất của các diễn giả, nhà nghiên cứu, xem đây là những tư liệu quan trọng góp phần hoàn chỉnh đề tài nghiên cứu trong thời gian tới.