Tiểu Đoàn Bộ binh 514 trong trận Ấp Bắc

Thứ tư - 28/12/2022 23:34
Khi nhắc đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta không thể nào quên Chiến thắng Ấp Bắc diễn ra ngày 02 tháng 01 năm 1963 tại xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Quang cảnh hội thảo; Nguồn: baoapbac.vn.
Quang cảnh hội thảo; Nguồn: baoapbac.vn.
Trận phòng ngự chống càn Ấp Bắc diễn ra trên địa bàn chủ yếu diễn ra ở khu vực Ấp Bắc, xã Tân Phú. 60 năm trôi qua, những nhân chứng sống ở Ấp Bắc chứng kiến trận đánh lịch sử này hiện giờ không còn được mấy người, do tuổi cao, sức yếu, phần lớn đã qua đời, nhưng câu chuyện về Chiến thắng Ấp Bắc vẫn lưu truyền mãi và là kỷ niệm rất sâu sắc còn in đậm trong trái tim tôi và mỗi người dân nơi đây.

Những trận đánh càn thắng lợi của Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 của tôi trong năm 1961, 1962 đã kịp thời củng cố tinh thần chiến đấu cho bộ đội, xây dựng ý chí “tr lại, đánh càn”, “cắm cọc, phá lưới, bẻ lao”, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Sáng ngày 02 tháng 01 năm 1963, từ hướng Đường 4, 2 đại đội bảo an quân ngụy từ xã Điềm Hy tiến vào xóm Hội Đồng Vàng. Đại đội 1 Tiểu đoàn 261 đánh bại 3 mũi tiến công của địch, tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch. Trung đội công binh thủy bắn chìm 1 chiếc và bắn cháy một số tàu chiến của địch trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Đợt 2, địch điều một trung đội, gồm 5 máy bay trực thăng vũ trang HU-1A yểm trợ cho 10 chiếc trực thăng vận tải CH-21 đổ 2 tiểu đoàn bộ binh xuống phía sau Ấp Bắc với ý định hình thành 2 mũi, tạo thành hình gọng kìm bao vây lực lượng chốt giữ của ta. Sau khi trực thăng chở quân vừa hạ thấp độ cao, Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 bất ngờ nổ súng, bước đầu quân ta đã bắn hạ 3 chiếc trực thăng chở quân CH-21, 2 chiếc HU-1A và bị thương nhiều chiếc khác.

Khoảng 9 giờ, địch cho 4 đại đội bộ binh đánh vào ấp Tân Thới, đi đầu là 1 đại đội, chúng không phát hiện trận địa của ta, nên chúng chủ quan đưa quân qua sông, rồi chia làm 3 mũi, tiến dọc theo 3 bờ ruộng vào trận địa của Trung đội 3 Đại đội 1 Tiểu đoàn 514. Khi địch tiến vào gần trận địa, cách đội hình chiến đấu của ta khoảng 20 mét, quân ta bất ngờ đồng loạt nổ súng mãnh liệt vào đội hình địch. Đội hình của chúng bị rối loạn, chết và bị thương gần hết 1 trung đội.

Bị đánh bất ngờ, nhưng bọn chúng vẫn cố gắng củng cố và gom số quân còn sống sót kết hợp với 1 đại đội khác được tăng viện, chúng lợi dụng địa hình thế đát cao trên bờ mương, đìa, nổ súng dữ dội vào đội hình của ta, hòng đánh chiếm bằng được trận địa của Đại đội 1 Tiểu đoàn 514. Mặc dù chúng có máy bay ném bom yểm trợ và pháo bắn dọn đường, nhưng cả 3 lần tiến công vào trận địa của ta (ấp Tân Thới) đều bị quân ta đánh bật trở ra, chúng đành lợi dụng vào các bờ rạch bắn kiềm chế, không cho ta xung phong lên để thu vũ khí của chúng.

Qua nhiều lần tiến công, nhưng bị tổn thất nặng, mất nhiều máy bay, bọn chỉ huy trận càn quyết định điều thêm 3 tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 7 vào tham chiến. Chờ cho địch lọt vào trận địa mai phục của ta. Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 và du kích đồng loạt nổ súng, diệt nhiều tên địch tại chỗ, số còn lại bỏ chạy về phía sau, đợt tiến công thứ 3 của địch lại bị bẻ gãy. Song, chúng nhất định chưa chịu từ bỏ tiến công, nhờ được pháo binh từ các nơi yểm trợ đắc lực, địch lại tiếp tục tổ chức đợt tiến công lần thứ 4, lần này lực lượng chủ công là 13 chiếc xe thiết giáp lội nước M-113 và 1 tiểu đoàn bộ binh tăng viện. Trong đợt tiến công lần thứ 4 của địch đã bị Đại đội 1 Tiểu đoàn 261 tiêu diệt 2 xe thiết giáp M-113 của kẻ địch và tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch.

Qua 4 đợt tiến công vào Ấp Bắc bị thảm bại, bọn chúng tổ chức đợt tiến công lần thứ 5 trong ngày. Hòng cứu vớt tình thế, chúng tăng cường lực lượng thêm 1 đại đội Cối 106,7mm và 7 máy bay vận tải để tung Tiểu đoàn 8 Dù thuộc lực lượng tổng trù bị vào trận địa để đánh đòn quyết định cuối cùng và bao vây ta ngay trong đêm, không cho lực lượng ta rời khỏi trận địa để sáng hôm sau chờ lực lượng tăng viện và tìm cơ hội tiêu diệt lực lượng ta. Khoảng 16 giờ 30 phút, 14 chiếc máy bay vận tải C-47 bay đến vùng trời xã Tân Phú, sau 2 lần chúng vòng đảo, sang vòng thứ ba thì đổ quân nhảy dù trắng cả bầu trời vào giữa kênh Cộng Hòa, trước mặt trận địa Trung đội 2 và vào khu vực trận địa của Trung đội 1 Đại đội 1 Tiểu đoàn 514. Một số tên lính dù bị gió thổi tạt đưa qua phía Tây cống Bà Kỳ.

Ban Chỉ huy Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 liền hạ lệnh cho toàn đơn vị sẵn sàng đón đánh quân dù, đánh cả khi chúng còn ở trên không và vừa đổ quân xuống đất đứng chân chưa vững. Phần lớn quân dù lọt vào trận địa của Trung đội 1, nhiều tên bị tiêu diệt khi chân chưa kịp tiếp đất. Một số tên rơi ngoài đồng, chúng tập hợp lại, bám vào bờ ruộng tổ chức đánh vào đội hình của ta hòng chi viện cho đồng đội của chúng, nhưng bị Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 ngoan cường đánh bật ra, buộc chúng lùi ra phía ngoài cánh đồng, những tên còn sống sót chạy về hướng Miễu Hội và một số bám vào các bờ ruộng chống trả một cách yếu ớt.

Ở hướng Trung đội 3 Đại đội 1 Tiểu đoàn 514, án ngữ ngay bìa ấp Tân Thới, ta đồng loạt nổ súng tiêu diệt và tiêu hao nhiều sinh lực địch, buộc chúng tháo chạy ra cánh đồng phía trước để co cụm, không dám bén mảng vào khu vực trận địa của Trung đội 3 nữa.

Ở hướng Trung đội 2, số quân dù của địch còn khá đông, nên chúng chia làm ba mũi tiến vào, nhưng cũng bị Trung đội 2 Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 đánh bật ra, đến lần thứ ba, chúng mới chịu co cụm ngoài đồng, không dám tiến công nữa.

Trời vừa chập tối, do thua đau, chúng cay cú, chỉ huy Tiểu đoàn 8 dù địch ngoan cố lợi dụng trời tối để tổ chức đợt tiến công tiếp theo. Chúng cử một toán quân dù bí mật bò trườn theo bờ ruộng tiến vào trận địa của Đại đội 1 Tiểu đoàn 514. Lúc này, một số chiến sĩ ta vừa đưa thương binh về phía sau, khi trở lại công sự thì phát hiện thấy địch chỉ còn cách ta khoảng 10 mét. Quân ta dùng lựu đạn, thủ pháo và súng tiểu liên tiêu diệt địch, số địch còn sống sót bỏ chạy thục mạng về hướng cánh đồng. Đợt tiến công lần thứ tư của quân dù kết thúc nhanh chóng. Trên cả 2 hướng (ấp Tân Thới và Tân Bình) đều im tiếng súng, trên bầu trời Ấp Bắc chỉ còn chiếc máy bay trinh sát L-19 quần đảo trong vô vọng, rồi mất hút. Quân ta nhanh chóng thu dọn chiến trường, thu chiến lợi phẩm, tổ chức xuồng ghe chuyển thương binh, liệt sĩ lui về phía sau an toàn!

Cuộc giao chiến ngoạn mục không cân sức giữa 1 đại đội bộ đội địa phương cấp tỉnh đối đầu với tiểu đoàn quân tinh nhuệ thuộc lực lượng tổng trù bị của quân ngụy Sài Gòn trên chiến trường miền Tây Nam Bộ là điều chưa từng có tiền lệ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Giữa một bên chỉ có vũ khí bộ binh thông thường với một bên được trang bị vũ khí tối tân, có máy bay, xe thiết giáp, tàu chiến dưới sự chi viện tối đa của hỏa lực của không quân và pháo binh, với chiến thuật tân kỳ đầy tham vọng, nhưng cuối cùng chiến thắng vinh quang đã thuộc về phía Quân giải phóng.

Thắng lợi trận Ấp Bắc trở thành biểu tượng có sức lan tỏa lớn, mang ý nghĩa chiến lược to lớn, để lại một số kinh nghiệm quý, thể hiện trên một số vấn đề cơ bản sau đây:

Một là, nghiên cứu đánh giá nắm chắc tình hình địch, kịp thời đề ra cách đánh phù hợp, làm thất bại chiến thuật tân kỳ của địch.

Hai là, làm tốt công tác chuẩn bị là yếu tố góp phần vào thành công của trận đánh. Do ta đã có công tác chuẩn bị từ trước, nhất là về công sự trận địa, hầm hào chiến đấu, ngụy trang bí mật, không thoát ly công sự, chủ động đợi địch đến thật gần mới nổ súng, linh hoạt chuyển từ đánh gần sang tiêu diệt địch từ xa nhằm nâng cao hiệu suất chiến đấu.

Ba là, Chiến thắng Ấp Bắc là thành công của nghệ thuật sử dụng lực lượng “lấy ít địch nhiều”. Dựa vào hệ thống công sự trận địa được xây dựng kiên cố, liên hoàn và ngày càng vững chắc, ngụy trang bí mật, kín đáo. Nhờ đó, đã tạo ra yếu tố bất ngờ trong tác chiến, giúp ta đã đánh bại nhiều đợt tiến công của địch, các đợt đổ bộ bằng máy bay trực thăng, đánh bật nhiều đợt tiến công bằng xe thiết giáp M-113 dẫn dắt bộ binh đi cùng của địch.

Bốn là, Trận Ấp Bắc là thắng lợi điển hình của nghệ thuật phối hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị, binh địch vận, phát huy khả năng sở trường của các thành phần, lực lượng trong tác chiến và các mặt đấu tranh, thực hiện thắng lợi phương châm “hai chân, ba mũi” của quân và dân ta.

Năm là, Chiến thắng Ấp Bắc - Thành công vphát huy nhân tố chính trị - tinh thần, xây dựng quyết tâm chiến đấu cao, tạo sức mạnh tổng hợp “dám đánh, quyết đánh và quyết thắng”.

Đây chính là bài học lớn về phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo sức mạnh vô địch nhằm chiến thắng kẻ thù trong thời kỳ đầu đầy cam go, thử thách của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Chiến thắng Ấp Bắc đã tạo tiếng ở trong và ngoài nước, 1 trận đánh ghi đậm mốc son lịch sử, trở thành bài học cho các thế hệ mai sau về sự mưu trí, lòng quả cảm và tinh thần chiến đấu anh dũng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh - mà cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 Mỹ Tho là một minh chứng, là một trong những đơn vị điển hình trong Chiến thắng Ấp Bắc ngày 02 tháng 01 năm 1963.

Thiếu tá LÊ HỐNG LÂM - Nguyên Tiểu đoàn phó chính trị Tiểu đoàn 514
                                                          

BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập206
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm152
  • Hôm nay67,920
  • Tháng hiện tại440,005
  • Tổng lượt truy cập38,809,381
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây