Thưở nhỏ, ông học tại Collège de Cantho (nay là Trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm, thành phố Cần Thơ) và Lycée Pétrus Ký (nay là Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh). Sau đó, ông thi đậu vào Trường Sư phạm Sài Gòn. Năm 1940, sau khi tốt nghiệp, ông dạy học ở Rạch Giá. Năm 1943, ông chuyển về dạy học tại xã Quới Sơn, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).
Đầu năm 1945, ông tham gia Hội Khuyến học tỉnh Mỹ Tho. Đây là một tổ chức do Đảng lập ra, hoạt động công khai, nhằm tập hợp đội ngũ trí thức yêu nước; nâng cao trình dộ dân trí cho quần chúng, nhất là thanh niên; giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết đấu tranh chống thực dân Pháp và phát xít Nhật, giành độc lập, tự do cho đất nước.
Ngày 19-5-1945, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, ông mở Trường Võ bị Mỹ Tho đặt tại đình An Vĩnh, xã Long An, huyện Châu Thành. Trường có khoảng 100 học viên, quy tụ cán bộ của Đảng và thanh niên yêu nước trong các giới để huấn luyện chính trị, quân sự, phương pháp tập hợp quần chúng,… nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ cho cơ sở, chuẩn bị giành chính quyền khi thời cơ đến. Nội dung huấn luyện chủ yếu là cách sử dụng súng trường, đội hình chiến đấu tiểu đội cá nhân, băng bó cứu thương,… với thời gian huấn luyện 40 ngày.
Ngày 17-8-1945, ông tham dự hội nghị Tỉnh ủy Mỹ Tho. Hội nghị quyết định phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Mỹ Tho và thành lập Ban vận động Việt Minh, gồm có 5 thành viên, trong đó có ông. Khoảng 4 giờ sáng ngày 18-8-1945, ông chỉ huy học viên của Trường Võ bị, được biên chế thành 3 trung đội, tiến vào nội ô thị xã Mỹ Tho, phối hợp với lực lượng bên trong, lực lượng nội ứng của binh sĩ và sự hỗ trợ của quần chúng cách, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thị xã lúc 7 giờ sáng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Mỹ Tho.
Cuối tháng 9-1945, ông được cấp trên tín nhiệm phân công làm Chính trị viên lực lượng Bộ đội Thủ Khoa Huân của tỉnh Mỹ Tho khi vừa mới thành lập. Tháng 10-1945, ông chỉ huy 2 phân đội vũ trang mang tên Lê Lợi tiến đánh quân Pháp quyết liệt ở Cầu Quây, Chợ Cũ (Mỹ Tho), Bến Tranh (Chợ Gạo) nhằm ngăn chận địch đánh phá các địa phương ở phía tây thị xã Mỹ Tho. Sau khi gây cho quân địch nhiều thiệt hại, được lệnh của Xứ ủy Nam Bộ, ông chỉ huy 2 phân đội này di chuyển sang Rạch Miễu (lúc đó thuộc tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) để cùng với Mặt trận An Hóa (lúc đó An Hóa cũng thuộc tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) để đề phòng địch đánh rộng ra tỉnh Bến Tre.
Ngày 18-8-1946, nhằm ngăn cản quân xâm lược Pháp đánh lan rộng ra khắp Nam bộ, ông đã tham gia chỉ huy Bộ đội Thủ Khoa Huân chiến đấu chống địch tại xã Tường Đa, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Tường Đa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Trận đánh diễn ra rất gay go và ác liệt. Mặc dù quân Pháp có ưu thế về quân số và vũ khí; nhưng với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần chiến đấu kiên cường, bộ đội ta đã dũng cảm đánh trả địch rất quyết liệt, gây cho bọn chúng nhiều tổn thất nặng nề.
Trong lúc kịch chiến với quân địch, ông đã anh dũng hi sinh khi mới vừa tròn 30 tuổi. Để ghi nhận và tưởng nhớ công lao của ông đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, Nhà nước đã truy tặng ông Huân chương Chiến công hạng Nhì.