Nhà giáo - Liệt sĩ Nguyễn Văn Tiếp

Thứ năm - 17/11/2022 21:16
Nguyễn Văn Tiếp sinh năm 1900 làng Long Phú, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn cũ (nay là xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trong một gia đình trí thức yêu nước.

Thưở nhỏ, ông được gia đình cho lên Sài Gòn học tập. Do điều kiện tiếp xúc với sách, báo tiến bộ và chịu sự tác động của phong trào đấu tranh chống chính quyền thực dân Pháp, nên ông sớm có tư tưởng yêu nước và cách mạng. Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, ông làm giáo viên trường tiểu học Thanh Hà (Bến Lức). Trong khoảng thời gian này, ông tích cực tham gia các phong trào yêu nước đang diễn ra sôi nổi ở Nam bộ, như phong trào Hội kín Nguyễn An Ninh, phong trào đấu tranh đòi chính quyền Pháp trả tự do nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925), phong trào để tang và truy điệu chí sĩ Phan Châu Trinh (1926),…Sau đó, ông bị Pháp bắt và giam ở Cần Thơ; nhưng do không có chứng cớ nên bọn chúng đành phải thả ông ra.
 
Năm 1929, ông gia nhập tổ chức An Nam Cộng sản Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 2/1930), ông được cử làm Bí thư chi bộ làng Long Phú (tháng 4/1930). Tháng 5/1930, ông chỉ huy hàng trăm nông dân tiến vào quận lỵ Trung Quận (nay là thị trấn Bến Lức) đấu tranh đòi giảm sưu thuế. Sau cuộc biểu tình này, ông bị thực dân Pháp bắt và xử án tù chung thân đày Côn Đảo.
 
Cuối năm 1936, do áp lực của phong trào cách mạng trong cả nước và của Mặt trận Nhân dân ở Pháp, ông cùng với nhiều tù chính trị khác được trả tự do. Vừa mới ra tù, ông lại lao vào hoạt động cách mạng. Tháng 11/1940, ông tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tại quê nhà. Cuộc khởi nghĩa bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Một lần nữa, ông bị địch bắt; rồi sau đó, lãnh án khổ sai chung thân tại Côn Đảo.
 
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông và những người tù cộng sản được Đảng rước về đất liền.  Lúc này, thực dân Pháp đang lăm le quay trở lại xâm lược Nam bộ. Với tinh thần tiến công cách mạng, không cho phép mình được nghỉ ngơi , ông hăng hái hoạt động và chấp hành nghiêm chỉnh mọi sự phân công của tổ chức.
 
Tháng 10/1945, ông được cấp trên tin tưởng cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh tỉnh Mỹ Tho kiêm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam bộ và Xứ ủy viên Xứ ủy Nam bộ. Với trọng trách đó, ông là người lãnh đạo và chỉ đạo phong trào kháng chiến của nhân dân tỉnh Mỹ Tho nói riêng và Khu 8 nói chung ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tháng 5/1947, trong khi đang chủ trì một cuộc họp quan trọng của tỉnh Mỹ Tho trong vùng căn cứ Đồng Tháp Mười, ông bị bệnh bất ngờ và không qua khỏi, hưởng dương 47 tuổi.
 
Để ghi nhớ công lao của ông, theo đề nghị của Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh tỉnh Mỹ Tho, Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam bộ đã lấy tên của ông đặt cho một con kênh/kinh từ Đồng Tháp Mười đổ ra sông Tiền, thay cho tên kênh/kinh Tổng đốc Lộc. Đó là kênh/kinh Nguyễn Văn Tiếp, một con kênh/kinh có tầm quan trọng về nhiều mặt đối với khu vực Đồng Tháp Mười. Đồng thời, một tiểu đoàn chủ lực thuộc trung đoàn 308 của Quân khu 8 cũng được mang tên ông. Ngoài ra, tên ông còn được đặt tên trường trung học phổ thông ở xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang; tên đường tại các huyện Bến Lức, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng và thành phố Tân An, tỉnh Long An.
 
Hiện nay, phần mộ của ông tọa lạc tại Ấp Bắc, xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập237
  • Máy chủ tìm kiếm57
  • Khách viếng thăm180
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,649,334
  • Tổng lượt truy cập40,018,710
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây