Tấm gương chiến đấu kiên cường của cán bộ Tuyên huấn - Nhà giáo Phạm Văn Út

Thứ năm - 24/11/2022 02:21
Đồng chí Phạm Văn Út có bí danh là Sáu Bé sinh năm 1923 tại làng Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Thuở nhỏ, đồng chí thông minh, chăm học và học giỏi, từng là học sinh Collège de Mytho (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Mỹ Tho) và Lycée Pétrus Ký (nay là Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 1944, sau khi có bằng tú tài toàn phần, đồng chí thi đậu cùng lúc hai trường Đại học Luật và Đại học Y khoa thuộc Viện Đại học Đông Dương đặt tại Hà Nội. Đồng chí đã chọn trường y vì đồng chí nghĩ rằng, sau này trở thành bác sĩ sẽ có điều kiện để giúp đỡ đồng bào; còn học luật thì sẽ làm quan, phục vụ cho chính quyền thống trị của thực dân Pháp.

Học được một năm thì Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra và giành được thắng lợi rực rỡ. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, đồng chí “xếp bút nghiên”, trở về Nam hoạt động trong phong trào sinh viên - học sinh. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Nam bộ (23-9-1945), đồng chí rời thành thị ra vùng bưng biền tham gia kháng chiến, nhằm góp phần vào công cuộc bảo vệ nền độc lập của đất nước.

Năm 1954, đồng chí tập kết ra Bắc; được Nhà nước phân công làm Hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam số 6 (Hải Phòng). Trong những năm công tác ở đây, đồng chí đã đem hết nhiệt tình và năng lực chuyên môn của mình để chăm sóc, dạy dỗ con em quê hương miền Nam thành những cán bộ cách mạng có đủ đức, tài, phục vụ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 12-1964, đồng chí được cử làm Chi trưởng Chi 2 (bao gồm cán bộ, giáo viên của ngành giáo dục), lên đường vượt Trường Sơn trở về miền Nam đánh Mỹ và tay sai. Trên đường đi, tuy có lúc bị bệnh nặng và phải liên tục xuyên rừng, leo núi, vượt đèo đầy gian khổ và nguy hiểm, nhưng đồng chí vẫn không nản lòng, kiên quyết vượt qua những khó khăn, thử thách, đưa đoàn do mình phụ trách đến căn cứ của Trung ương Cục miền Nam an toàn vào trung tuần tháng 3-1965.

Tháng 4-1965, đồng chí dẫn đầu một đoàn cán bộ giáo dục về Tiểu ban Giáo dục Khu 8 công tác. Tại đây, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền giáo dục cách mạng ở Khu 8.

Năm 1968, đồng chí là Ủy viên Ban Tuyên huấn kiêm Trưởng Tiểu ban giáo dục Khu 8. Lúc này, tình hình trên chiến trường diễn ra rất căng thẳng; địch tăng cường phản kích hết sức ác liệt. Tuy vậy, đồng chí vẫn bám sát địa bàn, chỉ đạo ngành giáo dục Khu 8 vừa tự tổ chức đánh địch càn quét, vừa ra sức duy trì, củng cố hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên và học sinh, thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn, gian khổ đến đâu, cũng phải ra sức dạy tốt, học tốt”. Bản thân đồng chí luôn sống giản dị, cởi mở, đoàn kết, khiêm tốn, hết lòng vì đồng nghiệp và học trò thân yêu.

Cuối năm 1969, đồng chí đi công tác thực tế ở chiến trường Mỹ Tho. Ngày 11-11-1969, khi đến xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, gặp địch bất ngờ đổ quân càn quét, đồng chí cùng với hai đồng đội xuống hầm bí mật. Bọn chúng tung lực lượng tiến hành lùng sục tìm hầm và bắt được đồng chí. Dù bị nhục hình tra tấn dã man, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất. Bất lực trước ý chí gang thép của một cán bộ Tuyên huấn và nhà giáo cách mạng, bọn chúng đã bắn chết đồng chí. Vì nước, đồng chí đã hy sinh anh dũng vào lúc 46 tuổi.

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập264
  • Máy chủ tìm kiếm42
  • Khách viếng thăm222
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,647,702
  • Tổng lượt truy cập40,017,078
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây