Phát huy tinh thần Chiến thắng Ấp Bắc để xây dựng và phát triển tỉnh Tiền Giang

Thứ tư - 28/12/2022 23:07
Từ giữa năm 1961, trước những thắng lợi to lớn của phong trào Đồng khởi của cạc mạng miền Nam, Mỹ, ngụy buộc phải chuyển hướng sang thực hiện chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt”, chúng tập trung vào 3 vấn đề lớn củng cố chính quyền tay sai, tăng cường quân đội và nhân nhiên quân sự và tổ chức, phân chia lại chiến trường. Tháng 8 năm 1962, chúng đưa cái gọi là “Xây dựng nông thôn” thành “Quốc sách Ấp chiến lược”, mà trọng tâm là gom dân vào ấp chiến lược hòng kiểm soát chặt chẽ dân chúng. Mỹ tiếp tục tăng viện trợ cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn cả kinh tế lẫn quân sự, địch đưa thêm cố vấn quân sự, tình báo, gián điệp,... vào miền Nam Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động trên mọi mặt, trong đó có việc triển khai chiến thuật mới “trực thăng vận”, “thiết xa vận” tập trung đánh phá vào các căn cứ cách mạng của ta.

Thực hiện chủ trương của Khu ủy Khu 8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo Ban Quân sự, các lực lượng chính trị, binh vận tỉnh chuẩn bị chiến trường, phối hợp ba mũi giáp công (chính trị, quân sự và binh vận), sẵn sàng đánh thắng các trận càn của địch. Các địa phương trong tỉnh xây dựng lực lượng tại chỗ: Lực lượng dân quân, tự vệ, du kích mật, đặc công, công binh,... Khi diễn ra chống càn ở trận địa chính, lực lượng tại chỗ phối hợp bắn xe quân sự, bắn máy bay, bao vây đồn bốt, phá ấp chiến lược, chủ động hiệp đồng tác chiến trên các tuyến giao thông, ven các khu quân sự, thị xã, thị trấn…

Bên cạnh đó, lực lượng đấu tranh chính trị, binh vận cũng tập luyện để khi xảy ra chiến sự thì tiến hành đấu tranh, kêu khóc, đòi chồng, con, em trở về gia đình nhằm tác động tinh thần binh sĩ địch, làm gián đoạn hoạt động giao thông, vận chuyển, không để địch bắn pháo vào trong các xóm ấp.

Đối với chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của địch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo: Địch chuyển sang “Chiến tranh đặc biệt”, ta phải tiến hành chiến tranh cách mạng để chống chiến tranh đặc biệt. Địch càn quét, ta chống càn quét theo đường lối chiến tranh nhân dân, kết hợp chính trị với vũ trang, sử dụng lực lượng vũ trang ba thứ quân  trên thế trận “xã chiến đấu” tiến công địch. Thực hiện chỉ đạo cấp trên, trong vòng một tháng, Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 đã đánh bại một số cuộc càn quét của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại, như trận chống càn ngày 5 tháng 10 năm 1962 ở Cầu Vông, xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy. Cuối tháng 12 năm 1962, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức hội nghị đánh giá tình hình lập ấp chiến lược của địch và phong trào phá ấp chiến lược của ta. Hội nghị chủ trương phải thường xuyên phá kìm kẹp bằng ba mũi giáp công, khẩn trương tổ chức, xây dựng cơ sở Đảng, lực lượng nòng cốt, lực lượng du kích tự vệ trong các ấp chiến lược. Ngày 01 tháng 01 năm 1963, các đơn vị bộ đội tập trung của tỉnh tập hợp tại Ấp Bắc để chuẩn bị tiến công ấp chiến lược Giồng Dứa (xã Long Định, huyện Châu Thành). Nắm được hoạt động của quân ta, ngày 2 tháng 1 năm 1963, địch huy động một lực lượng lớn gồm 8 tiểu đoàn chủ lực ngụy, có 32 máy bay các loại, 13 xe bọc thép M-113 và 13 tàu chiến, 10 khẩu pháo 105mm, do cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy càn quét vào Ấp Bắc nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng, bảo vệ hệ thống ấp chiến lược mà chúng lập ra dọc theo Đường 4 từ huyện Châu Thành đến huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè.

Sau một ngày kiên cường chiến đấu chống càn, suốt từ 5 giờ sáng đến 20 giờ ngày 2 tháng 1 năm 1963, ta giành thắng lợi vang dội: Ta loại khỏi chiến đấu 450 quân địch (có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5 trực thăng, phá huỷ 3 xe thiết giáp M-113, đánh chìm 1 tàu chiến; đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân càn quét lớn của địch. Ở chiến trường phối hợp, ta huy động 36 đội du kích và 20.000 quần chúng tham gia đấu tranh trực diện, tiến công 30 đồn bốt, phá 22 ấp chiến lược, bắn rơi và bắn hỏng 2 máy bay, bắn cháy 16 xe quân sự.

Chiến thắng Ấp Bắc đã làm thất bại chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của địch, mở đầu cho phong trào đánh bại chiến thuật mới của địch trên toàn chiến trường miền Nam. Đó là chiến công có ý nghĩa chiến lược, mở ra cục diện mới, tạo ra điển hình mới, đem lại lòng tin cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta trên toàn chiến trường miền Nam về khả năng đánh thắng Mỹ về quân sự trong “Chiến tranh đặc biệt”.

Chiến thắng Ấp Bắc làm đảo lộn các chiến thuật, chiến lược của đế quốc Mỹ; làm nhụt ý chí xâm lược của kẻ thù, làm lung lay chế độ tay sai Ngô Đình Diệm, gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa III), tháng 12 năm 1963, khẳng định: “Sau những thất bại nặng nề của kế hoạch Xtalây - Taylor, nhất là sau Chiến thắng Ấp Bắc của quân và dân miền Nam, đế quốc Mỹ đã bắt đầu không tin là chúng sẽ thắng và đã công khai nói lên sự mất tin tưởng đó”. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng cho rằng: “Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta được…”. Chiến thắng Ấp Bắc được Khu ủy Khu 8 tổng kết đánh giá cao và đến tháng 4 năm 1963, Ban Quân sự Miền thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trên toàn miền Nam, tiến tới đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ - ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, ngày 24 tháng 2 năm 1976, tỉnh Tiền Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Mỹ Tho, thành phố Mỹ Tho và tỉnh Gò Công. Phát huy tinh thần Chiến thắng Ấp Bắc, trải qua 11 kỳ Đại hội, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã thực hiện và đạt nhiều thành quả rất tích cực, từ địa phương thuần nông, tỉnh đã phát triển trở thành một địa phương có cơ cấu kinh tế đồng bộ, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hiện nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược và lâu dài; chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cấp bách. Các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai, quán triệt kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của địa phương; đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện sát với điều kiện thực tế ở cơ quan, đơn vị, địa phương; nhất là thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các Quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy sát hợp và hiệu quả; ban hành nghị quyết theo hướng tập trung vào những vấn đề trọng tâm, lĩnh vực đột phá, mang tính chiến lược. Chú trọng công tác tự phê bình và phê bình, xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ.

Về phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Tiền Giang luôn có dự báo, nắm bắt thời cơ, đánh giá sát, đúng tình hình, kịp thời chuyển dịch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương nên hầu hết các ngành, các lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng khá tốt. Đến nay, toàn tỉnh có 136/142 xã đạt xã nông thôn mới; có 3/3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 3/8 huyện đạt huyện nông thôn mới. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ổn định. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt. Hoạt động thương mại - dịch vụ, xuất khẩu đạt kết quả tích cực. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh được chú trọng đầu tư có trọng điểm và ngày càng hoàn thiện; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới; văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, xã hội,... tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cải thiện đáng kể; tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tiếp tục phát huy tinh thần Chiến thắng Ấp Bắc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát huy, vận dụng sáng tạo những bài học quý báu năm xưa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Nhân dân Ấp Bắc - Mỹ anh hùng trong chiến đấu, thì ngày nay nhân dân Tiền Giang anh hùng trong lao động, xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp, hiện đại và văn minh.

VÕ VĂN BÌNH, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang.
 

BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập496
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm483
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,167,914
  • Tổng lượt truy cập34,753,559
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây