Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5; Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2022 với chủ đề “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta”. Nhằm kêu gọi các ngành, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của môi trường không khói thuốc, tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lào, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; tác hại của sử dụng thuốc lá tới môi trường; các thông tin về tư vấn cai nghiện thuốc lá.
Hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá
Tại Việt Nam, với sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, tổ chức công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, kiểm tra giám sát... công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, năm 2020 tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020, Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà. Theo kết quả khảo sát hành học sinh Toàn cầu tại Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới thực hiện năm 2019, tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019, đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ.
Tại Tiền Giang, thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn toàn tỉnh và bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.
Qua kết quả điều tra đánh giá tình hình sử dụng thuốc lá và thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại tỉnh Tiền Giang năm 2020, bước đầu cho thấy có trên 85% dân số được khảo sát cho rằng hiểu được những tác hại của thuốc lá gây ra các bệnh tim mạch, bệnh đường hô hấp, bệnh ung thư, hệ thống sức khỏe sinh sản; tỷ lệ người hút thuốc lá từ 22,8% (năm 2015) giảm xuống còn 20% (năm 2020); tỷ lệ đối tượng là công chức, viên chức, người lao động có kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá ở mức trên 95%. Đây là kết quả đáng mừng, thể hiện hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá mà Tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện thời gian qua.
Thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học
Đặc biệt, nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến giới trẻ, nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác đồng thời với thuốc lá điện tử nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.
Năm 2019, kết quả điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện tại 21 tỉnh, thành cho thấy, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên 2,6% (năm 2015 tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 0,2%). Nghiên cứu do Viện Chiến lược và chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho kết quả tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 - 12 là 8,35%, độ tuổi học sinh lớp 10 - 12 cao hơn với 12,6%.
Thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, sinh viên. Đồng thời, gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội. Do đó, cần phòng ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng ở những người chưa hút, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên.