“Hòa bình được về quê gặp cha mẹ là mừng rồi” là câu nói của Bác Bảy khi kể về cảm xúc của mình thời còn tham gia kháng chiến. Tôi gặp Bác vào những buổi sáng mùa hè tháng 5-2021, Bác giản dị trong chiếc áo thun trắng ngắn tay, quần tây cùng đôi dép giản dị. Dù cánh tay phải không còn, nhưng không gì thế mà làm giảm đi tính nghiêm nghị, nhưng nhanh nhẹn của một chiến sĩ Công an nhân dân một thời.
Với lòng ngưỡng mộ, xúc động, cùng nhiều lần gặp và trò chuyện với Bác được lắng nghe những câu chuyện một thời thanh niên oanh liệt được Bác bồi hồi nhớ lại. Bác rất khiêm tốn, không chịu viết về mình, Bác nói còn rất nhiều người khác có thành tích và đáng viết hơn Bác.
Bác có tên là Nguyễn Văn Đồ, tên thường gọi là Bác Bảy, sinh năm 1943, là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh em, lớn lên ở ấp 4, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy. Đây là nơi nổi tiếng có căn cứ cách mạng vững chắc trong suốt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; là một xã anh hùng, nơi sinh ra những người con kiên cường, bám làng, chống lại sự càn quét của địch trong kháng chiến.
Nhiệt huyết với cách mạng, tham gia kháng chiến hết mình
Với 56 năm tuổi Đảng, Bác Bảy đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tham gia cách mạng năm 1960, lúc đó Bác được 17 tuổi, xung phong tham gia Đội du kích xã làm y tá. Trong 4 năm, từ năm 1963-1967, Bác được lãnh đạo phân công, điều động, giữ nhiều vị trí ở nhiều nơi khác nhau. Tại mỗi nơi, Bác đều thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cuối năm 1963 đầu năm 1964, Bác được điều về Công an huyện công tác, sau đó về Trung ương làm y tá tại Văn phòng An ninh Trung ương Cục miền Nam, rồi cử về Giao liên ngoại vào năm 1966, sau đó, được đổi về chốt Dương Minh Châu. Đến năm 1967, Bác được điều về làm y tá phục vụ cho đơn vị tại Tà Xia (Tây Ninh) để đánh trận càn của địch trong chiến dịch Gian-xơn Xi-ty (Junction City1, 2), với nhiệm vụ vận chuyển hồ sơ về đến nơi an toàn. Bác được phong tặng Dũng sĩ quyết thắng. Lúc đó, Bác vui mừng khôn xiết vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Vào ngày 09-3-1968, Bác được kết nạp Đảng, đây là mốc kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời hoạt động cách mạng, cũng như trong quá trình công tác của Bác, sau đó, Bác cùng đồng đội chuẩn bị cuộc tấn công năm 1968 lịch sử.
Theo Bác, công việc của một y tá là phải chăm sóc sức khỏe tuyến đầu cho anh, em trong đơn vị khi bị bệnh và làm hết tất cả công việc, kể cả ăn uống, giặt quần áo, chăm sóc cho đến khi anh, em được chuyển đi bệnh viện, thì lúc đó mới xong nhiệm vụ. Tuy vất vả, nhưng Bác rất vui, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, vì Tổ quốc, lúc đó, Bác nói không có gì phải gọi là vất vả, được phục vụ cho kháng chiến, được đóng góp công sức của mình cho Đảng, cho đất nước, theo Bác, đó là niềm vinh dự, chính ý chí, sự thôi thúc mong muốn góp phần giải phóng đất nước, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của bản thân, vì cách mạng, vì Đảng, thực hiện nghiêm lời tuyên thệ khi được kết nạp Đảng.
Sau đó, Bác được điều về Văn phòng An ninh Trung ương Cục miền Nam làm bảo vệ cho đến khi bị thương, nên được lãnh đạo phân công làm quản lý ở C42 (Văn phòng Ban có bí số là C42, đóng gần căn cứ của Ban lãnh đạo). Mất mát ập đến, bàn tay phải không còn. Bác phải từ bỏ nghề nghiệp yêu thích vì không thể hành nghề y với bàn tay còn lại.
Khi hỏi vì sao bàn tay phải của Bác bị mất? Bác kể rằng, bàn tay của mình bị mất vào năm 1970, lúc đó, Bác cùng đồng đội được phân công sang Campuchia để hỗ trợ nước bạn. Khi đó, được đơn vị phân công Bác đi làm cải thiện cho đơn vị, bị trái nổ nên bị thương. Từ đó, Bác phải bỏ nghề y, mọi hoạt động sinh hoạt đều phải chuyển sang tay trái. Thời điểm đó, Bác được các bác sĩ hướng dẫn luyện tập dùng tay trái, bằng cách mỗi ngày đưa cho Bác một xấp giấy rèn viết chữ bằng tay còn lại. Nhờ đó, Bác đã quen dần việc dùng tay trái để xử lý công việc. Chính vì thế, Bác tiếp tục được tổ chức tin tưởng phân công công tác vào ngành Công an.
Vào năm 1974, Bác được phân công phụ trách bảo vệ Bệnh xá Ban An ninh R ở Sài Gòn - là Bệnh xá Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, nay là Bệnh viện 30-4, thuộc Bộ Công an. Hai năm sau, đến năm 1976, Bác chuyển công tác về bệnh xá ở Bảy Bàu, tỉnh Tây Ninh (nay là ấp Bảy Bàu, xã Tân Lập, huyện Tân Biên)3.
Cuối năm 1982, Bộ Công an quyết định phân công Bác về công tác tại Công an tỉnh Tiền Giang, với chức vụ Phó Chánh Thanh tra Công an tỉnh cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 1999, với cấp hàm Thượng tá Công an.
Bác chia sẻ có hai kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia kháng chiến là: Thứ nhất, “khi hành quân “vừa đẻ, vừa đi”, có nghĩa là đẻ xong lên võng nằm, mọi người vận chuyển đi hành quân tiếp”; “Hòa bình không chết, gặp cha, mẹ là mừng, đâu có ai nghĩ mình đi để mình trở thành sĩ quan. Tham gia đánh giặc, thì đánh giặc để giành hòa bình, độc lập, không ai nghĩ, không ai biết sẽ có chế độ ưu đãi sau này. Thứ hai, “tưởng chết không, không biết chết ở đâu. Một số đồng chí chết đến giờ vẫn chưa tìm được xác, ở trong rừng chết đâu chôn đó, có làm dấu, nhưng thời gian, chiến tranh đã bị mất dấu, chưa tìm được…”.
Kết hôn với đồng chí cùng tham gia chiến đấu
Kể về người bạn đời sát cánh với Bác trong kháng chiến cũng như gia đình, đó là Hồ Thị Nở, sinh năm 1950, sinh ra và lớn lên tại xã Mỹ Hạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Hai Bác quen nhau vào năm 1968, khi tham gia xuống đường chuẩn bị cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968. Lúc đó, Bác gái làm cấp dưỡng, rồi được bổ sung vào đơn vị Văn phòng An ninh Trung ương, sau đó, được chuyển qua C48, thuộc An ninh Trung ương Cục miền Nam (Tiểu ban Điệp báo (C48) nằm ngay cạnh sông Vàm Cỏ Đông, sát gần biên giới Campuchia, gần cửa khẩu Sa Mát, vùng đất của xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh)4 . Thế là hai Bác kết hôn vào năm 1972. Với cấp bậc là Trung úy, Hồ Thị Nở tiếp tục làm nghề y tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An.
Kể về thành tích, Bác gái được phong tặng 01 Huân chương Kháng chiến hạng ba, 01 Huân chương Quyết thắng hạng ba, 02 Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, cùng nhiều huy hiệu cao quý khác. Đặc biệt, Bác gái là nguyên Cán bộ Điệp báo Ban An ninh R (lúc đó, R là mật danh của Trung ương Cục miền Nam) đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Lực lượng Tình báo chiến lược, thuộc Bộ Công an và Tổng Cục tình báo, được trao tặng kỷ niệm Chương vì sự nghiệp tình báo vào năm 2013.
Giờ đây, với tuổi 81, cái tuổi đáng lẻ phải nghỉ ngơi, nhưng Bác không thích như thế - Bác nói - Bác muốn làm việc cho đến khi nào sức khỏe không cho phép thì thôi. Bác vẫn phụ giúp gia đình làm việc nhà. Vừa nói chuyện, nhưng khách vào gửi xe, lấy xe đưa tiền dư, Bác vẫn minh mẫn “thối” tiền thừa lại cho bà con, cùng hai con quản lý bãi giữ xe máy của mình.
Trong quá quá trình tham gia công tác, Bác Bảy đạt được nhiều thành tích cao, trong đó, có 01 Huân chương Quyết thắng hạng nhất, 01 Huân chương Kháng chiến hạng nhất, 01 Huân chương Chiến công hạng nhất, 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba, 03 Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 1, hạng 2 và hạng 3; 01 Huy chương vì sự nghiệp thanh tra; 01 huy chương Vì an ninh tổ quốc, 01 danh hiệu Dũng sĩ quyết thắng, cùng nhiều huy hiệu cao quý khác.
Với thành tích, sự cống hiến hết mình đồng chí Nguyễn Văn Đồ là một trong số những tấm gương đáng cho thế hệ trẻ noi theo trong công việc, cuộc sống và gia đình.
Là chiến dịch kéo dài 82 ngày của Quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa nhắm vào các căn cứ của lực lượngMặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở Chiến khu C, tức vùng Lò Gò - Xa Mát ngày nay (phía Việt Nam Cộng hòa gọi là Vùng 3 chiến thuật) vào đầu năm 1967.
https://cand.com.vn/lanh-dao-bo-cong-an/thang-bay-tri-an-vung-dat-can-cu-trung-uong-cuc-mien-nam-i740935/
https://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Chien-khu-An-ninh-mien-Nam-thoi-danh-giac-i108093/
https://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Chien-khu-An-ninh-mien-Nam-thoi-danh-giac-i108093/