Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Bình Giã

Thứ hai - 09/09/2024 03:33
Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã (02/12/1964 – 02/12/2024), Chiến thắng Bình Giã đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, tạo ra thế và lực mới, góp phần thúc đẩy nhanh sự phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Chiến thắng có ý nghĩa chiến lược to lớn, ảnh hưởng sâu rộng ở trong và ngoài nước, khẳng định tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, đặc biệt là lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam trong lãnh đạo và tiến hành chiến tranh cách mạng, nổi bật là:
Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực ta và báo hiệu thất bại của các biện pháp chiến thuật “Trực thăng vận” và “Thiết xa vận” của Mỹ - ngụy trong “Chiến tranh đặc biệt”. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực ta và báo hiệu thất bại của các biện pháp chiến thuật “Trực thăng vận” và “Thiết xa vận” của Mỹ - ngụy trong “Chiến tranh đặc biệt”. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Một là, chiến thắng đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy Miền, cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng và mở ra khả năng mới cho cách mạng miền Nam tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch Bình Giã với mục đích tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá kế hoạch bình định có trọng điểm của địch, phá “ấp chiến lược”, hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng, đẩy mạnh chiến tranh du kích, mở rộng vùng căn cứ, đánh bại chỗ dựa căn bản của quân Mỹ trong chiến lược  “chiến tranh đặc biệt”. Tinh thần ấy được cụ thể hóa bằng ý chí quyết chiến, quyết thắng, quyết đánh bại kẻ thù xâm lược. Cổ vũ quân và dân ta phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của chiến dịch, đẩy địch vào tình trạng ngày càng suy sụp. Đánh giá về chiến dịch, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Trong quá trình chiến tranh giải phóng ở miền Nam đã diễn ra những bước nhảy vọt. Với trận Ấp Bắc năm 1963, địch thấy khó thắng ta, sau chiến dịch Bình Giã địch thấy thua ta”.

Hai là, chiến thắng đã tạo bước ngoặt trong so sánh lực lượng và cục diện chiến trường có lợi cho ta, góp phần quan trọng đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của địch, mở ra những điều kiện quan trọng để tiến lên đánh bại các âm mưu chiến lược của Mỹ - ngụy.

Cuối năm 1962, quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã lên tới 11.300 tên và có 13 đại đội máy bay trực thăng, 5 đại đội máy bay trinh sát, oanh tạc, vận tải, 4 phi đội phản lực chiến đấu với 257 máy bay các loại, 8 đại đội công binh, thông tin và 1 đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt; 331 tàu, xuồng. Đặc biệt, Mỹ đã tăng viện trợ quân sự: năm 1961-1962, có 321,7 triệu USD (80 triệu USD vũ khí); năm1962-1963, lên tới 675 triệu USD (100 triệu USD vũ khí); quân ngụy đã tăng nhanh (năm 1960 là 16 vạn quân chính quy, năm 1962 lên 36,2 vạn quân; lực lượng bảo an năm 1960 là 70.000 tên, năm 1962 lên 174.500 tên; Lực lượng dân vệ gồm 128 đại đội và hơn 1.000 trung đội, 2.000 tiểu đội).

Sau chiến thắng Bình Giã của quân và dân miền Nam, tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường đã thay đổi theo hướng có lợi cho ta. Lực lượng vũ trang giải phóng với ba thứ quân đã lớn mạnh vượt bậc, cụ thể: năm 1963 là 72,6 vạn người (7 trung đoàn chủ lực); năm 1964 quân số đã tăng lên 103,986 vạn người (10 trung đoàn chủ lực). Vùng giải phóng đã mở rộng, chiếm phần lớn lãnh thổ miền Nam, trở thành hậu phương trực tiếp và vững chắc của cách mạng miền Nam. 

Về phía địch, chỗ dựa chủ yếu của “chiến tranh đặc biệt” là nguỵ quân, nguỵ quyền; hệ thống “ấp chiến lược” và thành thị đều bị lung lay tận gốc. Hầu hết các lực lượng vũ trang địa phương của địch bị tan rã, hệ thống “ấp chiến lược” bị sụp đổ đến 4/5, các tầng lớp trung gian ngày càng ngả về xu hướng chống Mỹ, ủng hộ hoà bình, trung lập. Từ tháng 11/1963 - 6/1965, đã xảy ra 14 cuộc đảo chính và phản đảo chính trong chính quyền ngụy quyền Sài Gòn. 

Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch tiến công đầu tiên của bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ, góp phần vào việc chuyển hóa tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường, tạo ra thế và lực mới trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Ba là, chiến thắng Bình Giã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của chủ lực Quân Giải phóng miền Nam, nhất là về nghệ thuật chiến dịch, sử dụng lực lượng, vận dụng cách đánh cũng như các hoạt động tác chiến khác.

Chiến thắng Bình Giã đã hoàn thành xuất sắc 3 mục tiêu: tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị, phá ấp chiến lược; mở rộng vùng giải phóng sát ra biển, xây dựng bến tiếp nhận của Trung ương từ miền Bắc vào miền Nam. Đặc biệt chọn điểm khêu ngòi tiến công Bình Giã, Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đẩy mạnh hoạt động tiến công địch trên khắp chiến trường nhằm căng, kéo, thu hút sự chú ý của chúng về hướng khác, nghi binh, giữ bí mật làm cho địch phán đoán sai ý định của ta, thậm chí còn điều quân ra xa Bình Giã; nhận định chính xác ý đồ tăng viện, ứng cứu, giải tỏa bằng không quân của địch, từ đó chỉ đạo lực lượng phòng không chiến dịch nghiên cứu kỹ tình hình, chủ động có phương án đón lõng đánh máy bay địch, quân đổ bộ. Vì thế, đã tiêu diệt được hầu hết các máy bay của chúng. Thắng lợi đó, khiến Bộ Quốc phòng Mỹ phải thú nhận: “Mối thất vọng của Oa-sinh-tơn đối với tình hình quân sự càng tăng lên khi quân đội Sài Gòn bị một cú thất bại trông thấy trong trận đánh ác liệt ở Bình Giã ”.

Bốn là, chiến thắng Bình Giã đã khẳng định chủ trương đúng đắn về sự cần thiết phải nhanh chóng xây dựng lực lượng vũ trang tập trung, quả đấm chủ lực, để đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”của địch.

Chiến thắng Bình Giã minh chứng sự cần thiết phải nhanh chóng xây dựng bộ đội chủ lực để nâng cao trình độ tác chiến, tổ chức tiến hành các chiến dịch tập trung quy mô lớn hơn trên chiến trường miền Nam. Đại tướng Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam (khi ấy là Thiếu tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng - Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam) đã khẳng định: “Chiến dịch Bình Giã, chúng ta chỉ tung 2 trung đoàn mà địch đã phải chịu thất bại nặng nề. Nếu chúng ta có thêm quân chủ lực, chắc chắn sẽ giành thắng lợi nhanh chóng, vang dội hơn. Vì vậy, thời gian tới cùng với phát triển dân quân, du kích rộng khắp phải đặc biệt chăm lo xây dựng những “quả đấm” chủ lực mạnh có khả năng giáng những đòn tiêu diệt lớn, làm xoay chuyển cục diện chiến trường”. 

Năm là, chiến thắng Bình Giã đã giáng một đòn mạnh mẽ thúc đẩy làm phá sản căn bản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, báo hiệu sự sụp đổ tất yếu của ngụy quyền Sài Gòn và quốcsách “ấp chiến lược”, chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận” của Mỹ - ngụy

Chiến thắng Bình Giã thực sự là đòn quyết định, góp phần làm thất bại quốc sách “ấp chiến lược” vấn đề “xương sống” trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận” của Mỹ - ngụy; đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận ” của Mỹ - ngụy, làm cho chúng không còn tin tưởng nhiều vào chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”. Bình Giã chính là dấu mốc cho sự thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, một bộ phận của chiến lược quân sự toàn cầu “phản ứng linh hoạt” của đế quốc Mỹ áp dụng vào chiến trường miền Nam Việt Nam. 

Cùng với chiến thắng Bình Giã, quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam đã tiến hành các đợt hoạt động tác chiến với quy mô khác nhau, như: An Lão (30/11 - 08/12/1964), Đồng Xoài (10/5 - 22/7/1965), Ba Gia (28/5 - 20/7/1965),…  góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
 

Nguồn: baocaovien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập249
  • Máy chủ tìm kiếm72
  • Khách viếng thăm177
  • Hôm nay40,280
  • Tháng hiện tại797,695
  • Tổng lượt truy cập39,167,071
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây