Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, cán bộ và nhân dân Mỹ Tho - Gò Công đã đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp nhận hi sinh, nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ cho thực dân, đế quốc. Nhiệm vụ của Đảng lúc này rất nặng nề, phải lãnh đạo nhân dân đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng. Yêu cầu trước hết là phải tuyên truyền giáo dục toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hiểu và thực hiện tốt chủ trương của Đảng. Để thực hiện nhiệm vụ này cần phải có một tổ chức đảm nhiệm việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ. Vì vậy, Ban Tuyên truyền tỉnh Mỹ Tho được thành lập do đồng chí Trương Văn Chấn làm Trưởng ban (1945-1947). Do yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, năm 1947, Ban Tuyên truyền tỉnh đổi thành Ty thông tin do đồng chí Trần Ẩn Chi làm Trưởng ty, đồng chí Trương Văn Chấn là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy.
Đến tháng 10/1950, đồng chí Mai Chí Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho được điều đi nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Trương Văn Chấn được chỉ định là Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Cũng trong năm này, Đảng bộ 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công quyết định đẩy mạnh việc thực hiện chính sách ruộng đất của Chính phủ nhằm tạo sự công bằng về quyền sở hữu ruộng đất và để nhân dân có lương thực bảo đảm về ăn và đóng góp cho kháng chiến. Chính sách ruộng đất được Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và Gò Công cụ thể hóa bằng chủ trương tạm cấp đất rộng rãi trong toàn thể nhân dân, kể cả nông dân trong vùng địch tạm bị chiếm với khẩu hiệu “đoàn kết với trung - bần - cố nông, lôi kéo phú nông, tranh thủ trung lập địa chủ” của Đảng bộ đề ra làm tiền đề cho việc cấp ruộng đất và tập hợp lực lượng cho kháng chiến. Từ thí điểm thắng lợi ở xã Nhị Bình, huyện Châu Thành (tỉnh Mỹ Tho) đã được nhân ra toàn tỉnh Mỹ Tho và tịch thu toàn bộ số ruộng đất của địa chủ đi vắng, vận động số địa chủ có cảm tình với cách mạng giảm 50% mức thu tô hoặc hiến điền. Hội đồng tạm cấp đất đã giải quyết được nhiều vấn đề trong việc đẩy mạnh sản xuất, taọ điều kiện để củng cố lại cơ sở cách mạng trong quần chúng, nhất là vùng tạm bị chiếm.
Có thể thấy, chủ trương tạm cấp đất được nhân dân hoan nghênh và hưởng ứng mạnh mẽ. Diện tích ruộng đất và năng suất trong năm 1950 được tăng lên, đời sống của nông dân trong tỉnh Mỹ Tho được cải thiện. Nông dân gắn với phong trào kháng chiến, tự nguyện đưa hàng ngàn con em tham gia lực lượng vũ trang, làm nghĩa vụ đóng góp cho kháng chiến và phục vụ cho các chiến trường. Chủ trương tạm cấp đất cũng được áp dụng ở những gia đình binh sĩ ngụy nghèo, thật sự đã làm cho họ cảm động và họ biết ơn sâu sắc chính quyền cách mạng. Thậm chí nhiều cha mẹ, vợ con của binh sĩ ngụy đã vào đồn bót vận động chồng, con trở về với cách mạng. Đây là một chủ trương lớn, đúng đắn và thắng lợi không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị và địch vận.
Tháng 3/1951, theo quyết định của Trung ương, Xứ ủy chỉ đạo việc thành lập các tỉnh mới và tổ chức các tỉnh mới thành Phân liên khu miền Đông và Phân liên khu miền Tây. Các tỉnh: Mỹ Tho, Gò Công và một số xã thuộc tỉnh Tân An được sáp nhập lại thành tỉnh Mỹ Tho, thuộc Phân liên khu miền Đông. Lúc này, đồng chí Trương Văn Chấn phụ trách Phó Bí thư liên Tỉnh ủy Mỹ Tho mới (gồm Mỹ Tho, Gò Công, Tân An).
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đồng chí Trương Văn Chấn hoạt động trong phong trào hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn và tham gia hoạt động trong các tổ chức phong trào giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam với những chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ tháng 2/1973 đến năm 1975, đồng chí là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Liên Xô. Năm 1976 đồng chí là Vụ trưởng Bộ ngoại giao.
Đồng chí được khen thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, nhiều huy chương, bằng khen, giấy khen khác. Đồng chí từ trần ngày 24/5/1977.
Mặc dù giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho trong thời gian từ tháng 10/1950 đến tháng 3/1951, nhưng đồng chí Trương Văn Chấn cùng Tỉnh ủy Mỹ Tho tích cực lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh đầy gian khổ để chống lại âm mưu mở rộng vùng chiếm đóng của thực dân Pháp; các lực lượng cách mạng đều không ngừng lớn mạnh, đáp ứng được nhu cầu của cuộc kháng chiến. Đó là sự đoàn kết, kiên quyết kháng chiến dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng ta mà trực tiếp là Đảng bộ Mỹ Tho và Đảng bộ Gò Công.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang