Những ngày tù ngục ở Khám đường Mỹ Tho

Chủ nhật - 08/09/2024 22:04
Đồng chí Trần Ái Vân, sinh năm 1944, hiện ngụ tại số 404 đường Ấp Bắc, khu phố 6, phường 5, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Trước khi bị địch bắt, đồng chí được tổ chức phân công là Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đồng chí được tổ chức phân công đi dự cuộc họp Ban Chỉ đạo đấu tranh liên xã bao gồm: xã Thạnh Phú, xã Phước Thạnh, xã Bình Đức và xã Trung An. Trên đường từ xã Thạnh Phú đi đến cuộc họp ở xã Trung An, gặp phải cuộc càn của địch ập vào từ ba phía, rất nhanh, nên không còn cách nào buộc đồng chí phải chôn giấu vũ khí, tài liệu ở mương độn và vào nhà dân cải trang thành người dân hợp pháp, song chẳng may có tên Quyền (trước đây là bộ đội địa phương quân của huyện Châu Thành, nay ra chiêu hồi) đã nhận diện nên đồng chí bị địch bắt. Chúng bắt đầu tra trấn dã man nhằm khai thác tìm đồng đội cũng như vũ khí, tài liệu nhưng không thành công, chúng giải đồng chí Vân về Công an cây khế và tiếp tục tra khảo 07 ngày liền với những trận đòn thừa sống thiếu chết nhưng vẫn không khai thác được gì, nên chúng đành tống giam đồng chí ở Khám đường Mỹ Tho, nhốt vào Phòng giam số 09 từ tháng 9/1962 đến tháng 04/1963.

Khi bị địch bắt, bản thân chưa phải là đảng viên, nhưng đồng chí biết chắc trong Phòng giam số 09 có tổ chức chi bộ đảng - bởi vì thông qua hoạt động của một số chị lớn tuổi như chị Kim Hồng, chị Bảy Hồng, chị Ba Cao, chị Phạm Liên, các chị hăng hái vận động chị em trong phòng giam tích cực hưởng ứng các ngày lễ lớn của cách mạng cũng như chống lại các ngày lễ lớn của địch, chống chào cờ địch,…. Hoạt động của các chị không chỉ trong Phòng giam số 09, mà kể cả các phòng giam khác, bằng cách liên lạc với nhau qua thư từ, thông qua dép người này chuyển sang dép người khác, mỗi khi có dịp được ra khỏi phòng giam, hoặc bỏ vào túi áo mỗi khi mang quần áo ra phơi. Chính các chị đã giáo dục, hướng dẫn tù nhân biết cách đề phòng, cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch nhằm lôi kéo xúi giục làm hại đến cách mạng và phản bội Tổ quốc.

Trong dịp gần đến Tết Nguyên đán năm 1963, tên Giám đốc Khám đường Mỹ Tho tổ chức một buổi diễn thuyết tố cộng, do bọn tâm lý chiến được mời từ bên ngoài vào chủ trì. Chúng tập trung hầu hết tù chính trị vào hội trường lớn của Khám đường, có lực lượng phóng viên báo chí theo để đưa tin. Bọn tâm lý chiến tập trung đả kích chủ trương, đường lối của Đảng ta, nhất là chúng cho rằng Việt cộng chủ trương phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, nhằm ngăn cản sự thống nhất nước nhà. Qua đó, chúng kêu gọi: “Nếu ai đứng lên có ý kiến vạch trần tội ác của Việt cộng thì sẽ được trả tự do ngay hoặc chí ít cũng được giảm án tù”. Cả hội trường im lặng, một khoảng thời gian khá dài, mặc dù bọn chúng luôn nhắc đi nhắc lại lời hứa của mình. Bỗng dưng có một bàn tay giơ lên cao nói: “Tôi có ý kiến”. Tất cả bao nhiêu cặp mắt trong hội trường đều đổ dồn về hướng anh, đó là anh Hai Liêm. Tên chủ trì cuộc diễn thuyết tỏ vẻ rất phấn khởi mời anh Hai Liêm lên bục và ân cần trao micro cho anh. Anh Hai Liêm kính cẩn cuối đầu chào mọi người và đảo mắt nhìn qua một lượt các bạn tù có mặt, anh nói: “Kính thưa tất cả các bạn tù thân mến! Hẳn chúng ta còn nhớ, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ sau hai năm 1954 - 1955 là thống nhất đất nước, non sông sẽ nối liền một dãy, đất nước ta sẽ được độc lập tự do, hòa bình, hạnh phúc. Nhưng trong suốt sáu, bảy năm qua đã cho ta thấy ai là kẻ đã cố tình chia đôi đất nước? Ai phản lại Hiệp định Giơ-ne-vơ?Ai giết hại đồng bào ta? Ai lập ấp chiến lược để gom dân? Ai là kẻ bán nước, buôn dân? Vì đâu có cảnh nồi da, xáo thịt này,….. Anh còn muốn tiếp tục nói, nhưng kẻ địch hốt hoảng chạy đến giật lấy micro, anh cũng quyết giữ lại. Cả hai bên giằng co rất căng thẳng. Song cuối cùng thì chúng bắt trói anh đưa về phòng biệt giam. Các tù nhân chính trị đứng lên ai về phòng đó. Như vậy, buổi diễn thuyết chống cộng của bọn tâm lý chiến coi như bị thất bại cay đắng và còn bị bẽ mặt với lực lượng phóng viên báo chí. Sau cuộc diễn thuyết thất bại, bọn cai ngục càng o ép gắt gao hơn đối với tù nhân chính trị ở Khám đường Mỹ Tho; riêng anh Hai Liêm sau đó bị chúng đày ra Côn Đảo. Đạt được kết quả nêu trên là nhờ chủ trương lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ nhà tù, thông qua việc vận động tù nhân đứng lên đấu tranh trực diện với kẻ thù và do làm tốt công tác địch vận trong nhà tù. Mặc dù sau mỗi cuộc đấu tranh ấy, một số đồng chí bị Phòng An ninh điều tra tra tấn dã man, vì cho rằng là kẻ chủ mưu.

Ở Khám đường Mỹ Tho, địch bố trí công tác tổ chức lãnh đạo, quản lý tù nhân không theo cơ cấu từng tổ mà phân công theo từng phòng, trại,…. Theo cơ cấu tổ chức, tại Phòng giam số 09, Giám đốc nhà tù phân công bà Hai Liễu (là tù hình sự - vợ của một tên cảnh sát ngụy) làm Trưởng phòng, có nhiệm vụ theo dõi chị em tù chính trị, nếu có ai chống đối không chào cờ, không thực hiện theo lệnh của chúng thì bà Liễu có nhiệm vụ báo cáo với giám thị phản ánh lên cấp trên để có đối sách cụ thể. Trước tình thế bà Hai Liễu kết hợp chặt chẽ với cô Hai - giám thị phòng tạo nên áp lực lớn nhằm o ép chị em tù chính trị phải chấp hành mệnh lệnh của tổ chức nhà tù, tù nhân chính trị gặp không ít khó khăn trong công tác vận động đấu tranh. Các chị lớn tuổi họp bàn phân công cho đồng chí Bảy Hồng cũng là đảng viên có nhiệm vụ giáo dục cảm hóa bà Hai Liễu và cô Hai giám thị vì chị Bảy Hồng là người có lý luận sắc bén, nhưng khá mềm mỏng và hết sức tâm lý, dễ tiếp cận với bất kỳ đối tượng nào.

Đồng chí Vân còn nhớ, nhiều lần chị Bảy Hồng nói với bà Liễu: “Liễu ơi! Chúng ta cùng là bạn tù với nhau, đều là những người bị mất tự do hết, ai cũng có hoàn cảnh của mình, ai cũng xa nhà, xa con, mong muốn có ngày sum hợp đoàn tụ gia đình. Vậy trong hoàn cảnh thế này, chúng mình giúp nhau được gì thì giúp; đừng nên làm những điều gì bất lợi cho nhau chỉ thêm phiền lòng, chớ không có lợi ích gì để khi ra tù mình gặp lại nhau còn có tay bắt mặt mừng; nếu ở đây mình sống không tốt với nhau thì sau này dù có gặp lại nhau cũng không còn ý nghĩa gì”.

Đối với cô Hai - giám thị Phòng giam số 09, chị Bảy Hồng phân tích có vẻ lý luận sâu hơn. Chị nói: “Cô Hai, chúng tôi sống có lý tưởng riêng của chúng tôi, cũng như cô sống có ước mơ hoài bão của riêng mình. Chúng tôi chiến đấu cho lý tưởng của riêng mình, nhưng chẳng may sa cơ thất thế bị đối phương bắt vào đây. Cô quản lý chúng tôi, còn chúng tôi chịu sự quản lý của cô, nhưng chúng ta đều là phận gái như nhau và ở trong hoàn cảnh này, nếu như có gì thông cảm được thì hãy thông cảm cho nhau, để sau này khi chúng tôi ra tù, cũng như cô trở về với đời thường, khi được gặp lại nhau, thì chúng ta còn giữ được một vài kỷ niệm nào đó của nhau ở chốn nhà lao này”.

Ngoài việc dùng lý lẽ để đấu tranh thuyết phục, nhằm cảm hóa đối với bà Hai Liễu và cô Hai, chị em còn tìm cách tiếp cận tặng thức ăn, đồ dùng cá nhân cho hai người nhằm tranh thủ cảm tình của hai đối tượng này, dần dần tổ chức trong nhà tù cũng cảm hóa được. Bà Hai Liễu và cô Hai đã gần gũi hơn với chị em tù chính trị, thậm chí thông qua tình cảm này, chị em tù còn nhờ cô Hai mua hộ kim, chỉ, giấy, viết, lưỡi lam (đây là điều cấm kỵ trong nhà tù). Cô Hai cũng vui vẻ nhận lời mua giúp, song yêu cầu phải hết sức cẩn thận. Nhờ những vật dụng này mà chị em tù chính trị đã thêu, may và gởi những sản phẩm từ trong nhà tù về với gia đình, với tổ chức cách mạng bên ngoài, để nói lên ý chí, tình cảm của tù nhân cũng như nhờ có giấy viết mà chị, em vẽ khẩu hiệu, dán cờ cách mạng phục vụ cho các đợt sinh hoạt chính trị. Từ việc tổ chức trong nhà tù, chị Bảy Hồng đã giáo dục cảm hóa được Trưởng phòng giam số 09 và Giám thị phòng giam này. Chính nhờ vậy, mà điều kiện sinh hoạt cũng như công tác vận động anh chị em tù nhân mạnh dạn đứng lên đấu tranh trong Khám đường Mỹ Tho trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Riêng chị Bảy Hồng, quê quán xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, mặc dù bị kẻ địch tra tấn dã man, gây nên nhiều thương tật, nhưng sau khi chị được địch thả ra, chị lại tiếp tục tham gia cách mạng và hi sinh, được công nhận là liệt sĩ.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập434
  • Máy chủ tìm kiếm47
  • Khách viếng thăm387
  • Hôm nay84,686
  • Tháng hiện tại1,631,459
  • Tổng lượt truy cập40,000,835
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây