Ông Trần Quốc Dân, tên thường gọi là Trần Văn Bon (Tư Bon) là một chiến sĩ cộng sản trung kiên, một đời theo cách mạng, vững dạ bền gan chí anh hùng. Ông sinh năm 1945, xã Bình Xuân, tỉnh Gò Công (nay xã Bình Xuân, thuộc thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình có 04 anh em. Thuở nhỏ, ông từng đi ở mướn, ở đợ giữ con, giữ trâu mướn.
Lớn lên trong thời kỳ khói lửa chiến tranh, trên quê hương Bình Xuân là khu căn cứ cách mạng Tỉnh ủy Gò Công. Tỉnh ủy Gò Công quyết định chọn Bình Xuân làm căn cứ địa cách mạng, bởi nơi đây có nhiều kinh rạch, địch khó phát hiện, Nhân dân có truyền thống cách mạng, việc chỉ đạo và liên lạc với các căn cứ khác rất thuận tiện. 10 tuổi đầu, với sự giáo dục của Mặt trận giải phóng và những người kháng chiến đi trước đã phân tích chỉ rõ sự tàn bạo của chế độ thực dân, đế quốc. Ông sớm nhận thức được con đường và việc mình làm là theo cách mạng. Ông tham gia hoạt động trong phong trào Đồng khởi 1960, giải phóng tề ấp, tề xã, lúc này khí thế cách mạng ngày càng sôi sục. Tháng 4/1961, ông được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động tại xã Bình Xuân và được phân công của chi bộ xã làm Ban Cán bộ Đoàn, an ninh ấp. Tích cực với những công việc mà các chú, các anh giao, tháng 02/1961, ông được phân công tham gia Ban Chấp hành Chi đoàn thanh niên xã. Đến năm 1963, ông thoát ly gia nhập bộ đội tập trung, sau đó được bổ sung vào lực lượng địa phương quân ở Gò Công, chức vụ A phó.
Ông Trần Văn Ri là anh cả của ông Trần Quốc Dân kể lại: Ngay khi nhận nhiệm vụ, ông Tư Bon đã tham gia nhiều trận đánh, gây tiếng vang như trận Ong Non, xã Bình Thạnh Đông (nay là xã Bình Đông), hay trận đánh ở Ấp 7, xã Bình Xuân năm 1963. Đặc biệt, chỉ trong vòng 06 tháng, từ tháng 6 đến tháng 12/1964, ông đã có tổng cộng 11 lần đánh trận, trong đó 05 lần đánh tập kích với cương vị Trưởng Bộ binh, 04 lần đánh ác liệt, 02 lần chống càn. Qua các trận đánh này, cuối năm 1964, ông được đưa đi học khóa sĩ quan tại Mỹ Tho. Sau 05 tháng học tập, ông trở về đơn vị cũ tiếp tục chiến đấu. Tháng 6 năm 1967, do yêu cầu công tác, ông Tư Bon được chuyển sang đơn vị mới giữ chức vụ A trưởng. Dù ở cương vị nào, ông cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có lúc sức khỏe kém, bị bệnh phải đưa đi điều dưỡng, nhưng khi vừa ướm hết bệnh, về nhà, ông liền tham gia hoạt động, tiếp tục công tác tại xã Bình Xuân. Tinh thần chiến đấu ấy, nhiệt huyết cách mạng ấy đã được tổ chức ghi nhận. Ngày 05/9/1967, ông Tư Bon (tức đồng chí Trần Quốc Dân) vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Từ đây, ý chí cách mạng, lòng trung kiên của người chiến sĩ cộng sản được tôi luyện trong môi trường mới, có Đảng dẫn lối soi đường, tiếp thêm sức mạnh để chiến đấu bền bỉ hơn, gan dạ hơn.
Sau sự kiện quân và dân ta nổi dậy giải phóng Khám lớn Gò Công, giải thoát 200 cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong Tết Mậu Thân năm 1968, địch đã điên cuồng mở nhiều đợt càn quét dữ dội. Bọn lính bảo an rầm rập giày đinh, giẫm nát từng góc cây, ngọn cỏ của quê hương Bình Xuân. Người Bình Xuân uất hận, đất Bình Xuân sôi sục căm hờn. Những chiến sĩ cách mạng của ta vừa chiến đấu, vừa phải tìm nơi trú ẩn an toàn. Mương rạch, ao, sông, bụi cây đều là nơi ẩn náu của chiến sĩ ta. Cũng gần ngót 20 ngày chiến đấu như thế, chỉ ăn toàn lá cây, không có được một hột cơm trong dạ, bò men theo con rạch, ông Tư Bon về được tới nhà trong cơn đói lả, vừa kịp lùa vội chén cơm lót dạ, thì bọn địch ập tới. Ông chỉ kịp chui vào đống lá dùng để chụm nấu cơm ở nhà bếp ẩn trốn. Bọn địch càn quét, bố ráp, lục lọi, cướp trắng trợn của dân bất cứ thứ gì lấy được, ăn được.
Một tên lính chạy rượt đuôi bắt mấy con gà (để làm mồi sau khi chúng đi bố về),... Bị rượt đuổi, mấy con gà bay tán loạn, rồi đáp ngay vào đống lá nơi ông Tư ẩn nấp. Và rồi ông bị bắt. Đó là vào ngày cuối tháng 4/1968, ngày ấy đã đánh dấu bước ngoặt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, thử thách lòng kiên trung của người chiến sĩ cách mạng. Cuộc đời cách mạng đã tôi luyện cho ông cũng như bao chiến sĩ khác một tinh thần thép, một ý chí kiên định cứng như thép, vững như đồng.
Chú Phạm Văn Khởi, hiện ngụ tại ấp 5, xã Bình Xuân, người ở tù chung với chú Tư Bon ở nhà tù Phú Quốc, bây giờ đã già yếu, lãng tai, lúc nhớ, lúc không, nhưng những gì phải chịu đựng ở nhà tù Phú Quốc, chú Khởi vẫn không quên, chú kể: Tôi ở tù chung với anh Tư Bon, anh Tư ở trước tôi một năm. Trước khi bị đày ra nhà tù Phú Quốc, tôi và anh Tư đều bị chúng đưa từ Khám lớn Gò Công, rồi chuyển lên nhà tù Cần Thơ, thời gian ở đây bị tra tấn, đánh đập dữ lắm, để bắt mình khai, dụ ra chiêu hồi. Ở trại giam Cần Thơ, bọn lính cũng không khai thác được gì, nên chúng đày ra Phú Quốc năm 1968. Ở tù, tôi và anh Tư sinh hoạt Đảng chung, anh Tư là Bí thư phòng. Trong tù, sinh hoạt chi bộ Đảng hàng tuần, hàng tháng đều đặn. Sinh hoạt tư tưởng, quyết chết chớ không khai. Cứ bữa, hai bữa là chúng lôi lên tra tấn. Chúng đánh, toàn là đập vô dần gối đến không đứng lên được. Rồi châm điện đến ngất xỉu. Tỉnh lại thì đánh tiếp. Đánh không xong, chúng đánh đòn tâm lý. Đưa quân cảnh giả dạng tù chính trị mới bị bắt vào để dụ mình ra chiêu hồi. Do có tin mật báo của ta từ bên ngoài vào phát hiện được, nên lật tẩy được âm mưu của chúng. Tù nhân cùng đấu tranh quyết liệt làm cho bọn chúng “cũng nhiều phen thất điên bát đảo”. Ở tù mạng sống mình coi như không, “là sống nay, chết mai”, cái chết trong gan tất. Tôi, anh Tư cũng như nhiều người khác phải sống cảnh không phải kiếp sống con người. Là nơi địa ngục trần gian. Cơm tù thì khi sống, khi thiu là chuyện thường ngày. Trời mưa thì chúng dội nước, nắng thì phơi khô. Chỗ ăn, chỗ tiêu, tiểu cũng là chỗ ngủ, nhiều lúc giòi bò lúc nhúc. Thế nhưng, ý chí cách mạng kiên cường luôn giữ vững. Mọi người ai cũng tâm niệm một câu: “Sống oanh liệt, chết anh hùng”, chứ nhất quyết không tham sống, sợ chết mà đầu hàng địch.
Hiệp định Pa-ri được ký kết, tháng 3/1973, tại bến sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, ông Tư Bon cùng nhiều đồng chí được trao trả tù binh. Chú Khởi kể lại một chi tiết mà ông không quên: Tại cổng trao trả tù binh, bọn địch treo 04 lá cờ Mỹ trên cổng, anh em mình suy nghĩ, nếu đi qua cổng nghĩa là mình phải đi qua dưới cờ của địch như vậy chẳng khác nào là đầu hàng. Nghĩ vậy, tất thảy mọi người đều đi vòng ra ngoài, nhất quyết không đi qua cổng có treo cờ Mỹ. Người chiến sĩ cộng sản trung kiên là vậy, trong từng lời nói, từng hành động, cử chỉ đều suy nghĩ thấu đáo, tinh tường, hiên ngang trước kẻ thù dẫu rằng cái chết luôn “kề bên”.
Sau khi được trao trả, ông Tư Bon được ra Bắc học chính trị, an dưỡng đúng 01 năm và trở về chiến trường miền Nam vào tháng 02/1974, tiếp tục chiến và đóng quân ở chiến khu An Thạnh Thủy, xã Thạnh Nhựt, Gò Công Tây. Tại đây, vào những ngày đầu năm 1975, ông Tư đã bị thương trong một lần bọn địch bắn cối dập vào khu căn cứ. Miểng pháo ghim vào sau lưng đã hành hạ ông suốt ngày tháng còn lại của cuộc đời vì không thể mổ lấy ra được.
Hòa bình lập lại, niềm vui ngày đoàn tụ gia đình, quê hương được nhân lên gấp bội. Thế nhưng, tinh thần người chiến sĩ cộng sản không cho phép ông ngơi nghỉ, tháng 4/1976, ông được cử đi học sĩ quan ở Sóc Trăng. Sau 02 năm ra trường, Quân khu điều chuyển sang Quân khu 9, với quân hàm trung úy, ông tiếp tục hành trình của người lính Bộ đội Cụ Hồ, cùng hành quân giúp bạn ở chiến trường Campuchia. Đến năm 1980, trở về quê hương, công tác tại trường Văn hóa Quân khu 9 ở Giồng Nhỏ, Bình Đức. Đến năm 1987 về hưu ở xã Bình Xuân.
Hơn 10 tuổi đầu đã tham gia cách mạng, chiến đấu không ngưng nghỉ và từng trở về từ nhà tù được “mệnh danh” là địa ngục trần gian. Ông Tư Bon luôn sẵn sàng cống hiến đến sức lực cuối cùng của mình khi quê hương cần. Những ngày về hưu tại quê hương Bình Xuân, với mảnh pháo vẫn còn nằm trong cơ thể, là thương binh hạng 4/4, cùng với di chứng bị tra tấn, đánh đập lúc bị tù đày, tuy sức khỏe suy giảm, nhưng với nhiệt huyết của người cách mạng, khi có yêu cầu, ông vẫn tham gia công tác, làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Xuân từ năm 1994-1996, dìu dắt, giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha, anh. Quá trình cống hiến không mệt mỏi, ông đã được nhận những phần thưởng cao quý: 02 Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng II, III; 03 Huy chương niên hạng I, II, III; 02 Bằng khen hoàn thành nhiệm vụ trong chiến đấu; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Ngày 03/8/2016, cán bộ và nhân dân ấp 5, xã Bình Xuân bùi ngùi, thương tiếc tiễn đưa người cán bộ lão thành cách mạng, người con của quê hương Bình Xuân - anh hùng Trần Quốc Dân về nơi an nghỉ cuối cùng. Gia đình mất đi một người thân yêu, làng xóm mất đi một người láng giềng quen thuộc và Đảng bộ Bình Xuân từ đây mất đi một người đảng viên cộng sản trung kiên. Ông Trần Quốc Dân đã ra đi mãi mãi, yên nghỉ ngàn thu nơi lòng đất mẹ, vĩnh viễn chia lìa vòng tay yêu thương của gia đình sau cơn bạo bệnh. Ông mất đi nhưng những gì ông cống hiến cho quê hương Bình Xuân - xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vẫn còn ghi khắc mãi mãi đến mai sau.
Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).