Giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng khi rơi vào tay địch

Thứ ba - 29/10/2024 05:21
Đó là ông Nguyễn Thành Luân (Bảy Lù) sinh năm 1950. Quê quán xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông. Gia đình ông là gia đìnhtruyền thống cách mạng, có cha, một chú và ba anh trai đều là liệt sĩ. Mẹ là bà Võ Thị Y sinh năm 1911, được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”. Cuối năm 1961, xã Tân Bình Điền (Tân Điền) được giải phóng, mở rộng vùng căn cứ. Lúc bấy giờ ông Nguyễn Văn Đợi, cha của ông Nguyễn Thành Luân là chi ủy viên của xã, ông cùng lãnh đạo chi bộ quyết tâm bao vây, bứt rút, bức hàng các đồn bót. Du kích, dân quân thay nhau bao vây, bắn tỉa. Để đối phó, địch tập trung chi viện một trung đội dân vệ xuống tăng cường do tên Tổng Bường chỉ huy càn quét, cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ, đàn áp nhân dân trong xã và ông đã hi sinh năm 1961.

Hàng ngày, chàng thanh thiếu niên Nguyễn Thành Luân phải chứng kiến cảnh đàn áp dã man của giặc. Với truyền thống cách mạng của gia đình, của cha, chú và các anh, chị, ông Nguyễn Thành Luân thoát ly tham gia cách mạng tháng 5/1967, lúc bấy giờ ông mới 17 tuổi. Ngày 12/5/1969 ông được vinh dự kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), ông được phân công phân đoàn trưởng, trưởng kho thuốc quân y tỉnh Gò Công, đồng thời là y tá quân y tỉnh Gò Công. Cùng với nhiệm vụ cứu thương trên chiến trường, ông còn làm tốt công tác chữa bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác y tế giai đoạn này không chỉ là mặt trận kháng chiến, mà còn là một mặt trận đấu tranh chống lại bệnh tật, đem lại sức khỏe cho nhân dân, vì cuộc sống an lành hạnh phúc của nhân dân vùng giải phóng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), đội ngũ quân y Gò Công trải qua nhiều giai đoạn khó khăn do cuộc chiến ngày càng khốc liệt, địch đẩy mạnh dồn dân bắt lính, mở rộng nhiều cuộc càn quét, tấn công vào hạ tầng cơ sở ta ở vùng nông thôn, chúng thực hiện chiến dịch “vết dầu loang”, đóng quân chiếm vùng giải phóng, hành quân đến đâu, chúng cho xây dựng đồn bót, tổ chức các toán bình định nông thôn, các phân chi khu cảnh sát, phượng hoàng cùng với chiến dịch “tìm và diệt” các cơ sở cách mạng trong xóm ấp. Sinh hoạt và công tác cán bộ, chiến sĩ rất khó khăn, thuốc cấp cứu không đủ, thương binh cũng phải nằm dưới hầm bí mật, các công tác sinh hoạt phải hoạt động về đêm.

Cuối năm 1969, quân khu bổ sung cho Gò Công một số cán bộ và lực lượng vũ trang. Lúc này căn cứ Tỉnh ủy Gò Công chuyển về hoạt động vùng Bình Ninh, An Thạnh Thủy thuộc huyện Chợ Gạo. Để mở rộng vùng căn cứ, các chi bộ, dân quân tự vệ mật lần lượt bám địa bàn hoạt động, trong đó có quân dân y của Tỉnh đội theo phương châm tạo thế và lực cho cuộc chiến đấu lâu dài. Trong các trận càn dài ngày, có cả máy bay, tàu chiến yểm trợ càn quét, cán bộ, chiến sĩ ta đã chiến đấu và được nhân dân che chở, vượt vòng vây của địch, thoát ra ngoài. Một số đồng chí bị địch bắt, trong đó có đồng chí Nguyễn Thành Luân bị thương nặng, chúng đưa đồng chí về giam ở Mỹ Tho, sau đó chuyển đến Cần Thơ rồi trại giam Phú Quốc.

Khi đến trại giam Phú Quốc, âm mưu thâm độc của địch là tra tấn dã man những người mới nhập trại, tùy từng lúc, từng nơi mà “thủ tục nhập trại” có thể bị đánh chày vồ vào mắt cá hoặc thước bảng vào ngực, cùi chỏ, trước mắt chúng làm giảm chí khí đấu tranh của những người cách mạng đã sa cơ để trả thù những thiệt hại của chúng trên chiến trường, có khi chỉ đơn giản đánh đập, tra tấn tù binh là để giải trí khi bọn chúng uống rượu say,… Tàn ác nhất ở trại giam Phú Quốc, tù binh nào cũng biết là thượng sĩ Nhu, trung sĩ Khoan, giám thị trưởng Đinh Trọng Kính và nhiều hung thần khác trong lực lượng quân cảnh. Mỗi ngày chúng cho ăn 02 bữa cơm với cá có giòi hoặc muối hột làm cho tù binh bị suy nhược cơ thể, còn da bọc xương, chúng hành hạ, tra tấn tù binh còn hơn con vật nhằm “chuyển hướng tư tưởng” dụ dỗ, cưỡng ép chiêu hồi vào khu Tân sinh hoạt. Tuy nhiên, phần lớn các buồng giam tại trại giam Phú Quốc đều có sự lãnh đạo bí mật của Đảng.

Đến tháng 5/1972, đồng chí Nguyễn Thành Luân được chi bộ nhà lao phân công Tổ trưởng Tổ Đảng chi bộ nhà lao Phú Quốc, đến tháng 03/1973 đồng chí được trao trả tù binh theo Hiệp định Pa-ri và ra miền Bắc an dưỡng. Tháng 10/1974, đồng chí trở về miền Nam tiếp tục chiến đấu.

Trải qua những cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất trong các nhà tù, sau một thời gian học tập, bồi dưỡng ở khu, đồng chí Nguyễn Thành Luân được phân công về Tỉnh đội Gò Công. Đây là một nguồn bổ sung cán bộ dày dạn thử thách, quyết tâm chiến đấu tạo thêm sức mạnh cho lực lượng cách mạng ở Gò Công trên đường tiến công mạnh mẽ. Với những chiến công vang dội, tính đến 9 giờ ngày 01/5/1975, cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Gò Công. Ngày 02/5/1975, Ủy ban quân quản tỉnh Gò Công ra mắt nhân dân tại thị xã Gò Công. Sự kiện trên đánh dấu chiến thắng của công cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ và nhân dân Gò Công đã hoàn thành thắng lợi cuối cùng.

Sau ngày giải phóng, đồng chí Nguyễn Thành Luân được Đảng, Nhà nước giao giữ nhiều nhiệm vụ cho đến ngày nghỉ hưu. Quá trình tham gia cách mạng, đồng chí được Nhà nước tặng 03 huân chương giải phóng, 01 huân chương Kháng chiến hạng 3 và nhiều bằng khen của Trung ương, tỉnh Tiền Giang, huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, là thương binh 2/4, bị nhiễm chất độc da cam. Hiện nay đồng chí về nghỉ hưu tại Khu phố 3, Phường 5, thành phố Gò Công.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập283
  • Máy chủ tìm kiếm116
  • Khách viếng thăm167
  • Hôm nay73,672
  • Tháng hiện tại533,943
  • Tổng lượt truy cập38,903,319
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây