Địa danh Ba U

Thứ hai - 11/09/2023 22:41
Ba U ngày xưa là một cánh rừng, đầy cây cỏ hoang dại, như trâm, mù u, năn, lác,… thuộc ba xã Long Định, Tam Hiệp và Tân Lý Đông, huyện Châu Thành. Rừng Ba U còn gọi là rừng Lầu Thầy Kiện (rừng có ngôi nhà lầu của một vị luật sư đã bỏ hoang).

Ba U là địa danh có nhiều cách lý giải khác nhau:

Thứ nhất: địa danh được cấu tạo theo phương thức: Số từ (Ba) + Thực vật (Cây mù u).

Cây mù u: Theo quyển Gia Định thành thông chí: “Cây thủy mai hay Nam mai (tục gọi là cây mù u), lá và hoa như cây mơ, không có gai, quả tròn to bằng ngón chân cái, bên ngoài có vỏ mỏng rồi đến vò cứng, trong có một hạt, hạt  ép dầu hay làm thuốc chữa vết thương gươm giáo, dầu có thể thắp đèn, gián, kiến không ăn, cây thì khẳng khiu, bền và dẻo[1]”. Đây là cây thân gỗ, cao từ 5 - 10 m. Cây mù u được dùng lấy gỗ vì có gỗ cứng và chắc, được dùng trong xây dựng và làm ghe xuồng. Dầu từ hạt mù u được dùng trong các chế phẩm chăm sóc da và tóc,  điều trị bỏng. Dầu mù u thời xưa cũng được dùng để thắp sáng.

Với xuất xứ này, Ba U là nơi tiếp giáp giữa ba làng có nhiều cây mù u.

Thứ hai: địa danh được cấu tạo theo phương thức: Số từ (Ba) + Từ Hán Việt (U: tối tăm). Với xuất xứ này, Ba U là nơi hoang vắng, tối tăm, tiếp giáp giữa ba làng.

Thứ ba: địa danh được cấu tạo theo phương thức: Thứ (Ba) + Tên người (U); là vùng đất có một người mang tên Ba U.

Thứ tư: địa danh được cấu tạo theo phương thức: Vị trí đường bộ (Ngã ba) + Thực vật (Cây mù u); là ngã ba có nhiều cây mù u.

Địa danh Ba U gắn liền với cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Tháng 4-1940, Tỉnh ủy Mỹ Tho xúc tiến mạnh mẽ và toàn diện công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa; trong đó có việc chọn Ba U làm căn cứ chính của cuộc khởi nghĩa; bởi vì vùng này có vị thế hiểm yếu do ở kế cận Đồng Tháp Mười mênh mông, kênh rạch chằng chịt, dễ giữ bí mật; đồng thời, địch gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc tiếp cận và hành quân lùng sục. Người phụ trách xây dựng căn cứ là đồng chí Nguyễn Thị Thập (Nguyễn Thị Ngọc Tốt). Người trực tiếp chỉ huy căn cứ là đồng chí Nguyễn Văn Tân (Lữ Đồng Tân).

Lúc bấy giờ, căn cứ Ba U được chuẩn bị khá quy mô, gồm có 3 khu:

- Khu Marseille (thành phố cảng của nước Pháp): nơi sản xuất vũ khí.

- Khu Paris (thủ đô của nước Pháp): khu hậu cần, dự trữ lương thực, thuốc men, may cờ, in tài liệu.

- Khu Đà Lạt: nơi trực tiếp đón các đồng chí từ ngoài vào dự họp.

Đồng thời, căn cứ Ba U còn là nơi huấn luyện quân sự, đào tạo cán bộ chỉ huy cho lực lượng vũ trang tỉnh.

Vào khoảng 01 giờ sáng, ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở tỉnh Mỹ Tho bùng nổ. Đến 7 giờ sáng, từ căn cứ Ba U, một cánh nghĩa quân do đồng chí Nguyễn Thị Thập chỉ huy phối hợp với lực lượng du kích các xã Thân Cửu Nghĩa, Long An, Trung An mang theo cờ, khẩu hiệu, vũ khí thô sơ, nổi trống mõ, pháo tre tấn công đồn Chợ Bưng (xã Tam Hiệp).

Sau đó, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt. Tuy nhiên, tiếng vang của cuộc khởi nghĩa và căn cứ Ba U đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng Nhân dân Tiền Giang về ý chí đấu tranh kiên cường, dũng cảm, bất khuất của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
 

[1] Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Giáo Dục, trang 34.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,059
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm1,025
  • Hôm nay76,237
  • Tháng hiện tại1,208,884
  • Tổng lượt truy cập34,794,529
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây