Đào hầm vượt ngục Phú Quốc

Thứ hai - 07/08/2023 23:26
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những năm tháng đấu tranh hào hùng trong lao tù vẫn không thể nào quên đối với cựu tù kháng chiến Ngô Văn Chính.
Cựu tù kháng chiến Ngô Văn Chính.
Cựu tù kháng chiến Ngô Văn Chính.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở vùng căn cứ cách mạng xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy. Năm 15 tuổi, tôi đang đi học văn hóa ở thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ngày ấy, Tiểu đoàn bộ binh 261, Quân khu 8 về đóng quân ở xã tôi.

Ngày bộ đội hành quân ra đi, tôi rủ một đứa cháu nhỏ ở cùng xóm tôi, tên là Bé Phế ôm quần áo bỏ trốn đi theo bộ đội. Khi chạy được một đoạn thì gặp bác Tư hỏi: “Tụi mầy đi đâu vậy Chính?”. Tôi trả lời “Ra thị trấn Cai Lậy đi học văn hóa” và chạy khoảng 500 mét gia nhập vào đơn vị đang hành quân. Đi được khoảng 5 đến 10 phút tôi gặp cha tôi đi ngược chiều. Mấy anh, em trong đơn vị nói với tôi “Bác Năm (cha tôi) kìa Chính!”. Tôi nói “Không sao khi cha đi ngang qua em núp sau lưng các anh, cha sẽ không thấy đâu!”. Đúng vậy, khi cha tôi về đến nhà nghe bà con nói “Thằng Chính nó đi bộ đội rồi bác Năm ơi!”. Cha tôi trả lời: “Nó đi thì đi chớ sao giờ!”.

Khi bộ đội đến điểm đóng quân hai ngày, đồng chí Trung đội trưởng nói “Chú Chính đến tiểu đội 2 hỏi đồng chí Bé Phế sao nó khóc hoài, chứ tôi hỏi nó không trả lời!”. Tôi hỏi “Vì sao mày khóc?”. Nó trả lời: “Tôi nhớ nhà quá!”. Tôi nói: “Mày đòi về nhà sao? Về nhà bà con người ta cười mình. Vì mình đi bộ đội là tự nguyện, chứ có ai bắt buộc mình đi đâu!”. Sau đó nó không khóc nữa.

Ngày hôm sau, địch cho trực thăng HU.1A đổ quân xuống cánh đồng cách tiền duyên khoảng 400 mét. Liền sau đó, nó tiến vào vườn để càn quét. Tiểu đoàn đồng loạt nổ súng tiêu diệt nhiều tên. Địch dừng lại triển khai đội hình tấn công, nhưng đều bị quân ta đánh bật ra. Tôi đề nghị đồng chí tiểu đội trưởng đưa súng cho tôi bắn địch. Tôi bắn được 2-3 viên đạn không biết có trúng địch hay không, chỉ thấy chúng nó té nằm rạp xuống đất. Trận đánh kéo dài đến chiều tối. Ta vẫn giữ vững trận địa, tiêu diệt 450 tên địch, bắn rơi 4 máy bay trực thăng HU.1A, 1 máy bay ném bom F.105. Quân ta hy sinh 12 đồng chí, bị thương 21 đồng chí. Đó là lần tham gia trận đánh đầu tiên của tôi. Sau đó tôi tham gia đánh nhiều trận khác như đánh đồn, tập kích quân địch đóng dã ngoại ngoài đồng, đánh địch càn quét,…

Tháng 12 năm 1967, tôi cùng đồng đội đi nghiên cứu thực địa để chuẩn bị đánh Chi khu quận Cai Lậy. Sau khi làm nhiệm vụ xong về đến xã Mỹ Phước Tây thì bị địch phục kích. Chúng bắn đồng chí Sơn hy sinh tại chỗ, tôi thì bị thương. Chúng điện trực thăng HU.1A chở tôi về nhà thương Mỹ Tho điều trị. Cũng rất may lúc đó tôi được gặp các đồng chí lớn tuổi ở nhà thương trước và dặn dò tôi: “Địch nó có nhiều thủ đoạn để tra tấn xét hỏi, nội dung: Ở đơn vị nào? Vào bộ đội bao lâu? Ai chỉ huy?...”.

Khi địch điều tra, tôi trả lời “Đi bộ đội mới hai, ba ngày lại là chiến sĩ nên tôi không biết nhiều. Tôi chỉ biết đồng chí Sơn dẫn tôi đi công tác đã bị mấy ông bắn chết và một vài anh em ăn cơm chung!”. Mỗi lần địch tra tấn hỏi cung, tôi cũng chỉ trả lời bao nhiêu đó. Cuối cùng, chúng giải tôi về giam ở Khám đường Mỹ Tho.

Tháng 4 năm 1968, địch giải tôi và các anh em tù binh lên trại giam Vùng IV Chiến thuật (khu trại giam Trà Nóc, Cần Thơ) bằng tàu thủy. Khi tập hợp tại sân Khám đường Mỹ Tho, anh em cùng hát bài Đoàn kết. Khi đến nhà tù Cần Thơ, địch đánh đập, đe dọa tù binh rồi mới đưa vào phòng giam.

Đến tháng 8 năm 1968, địch đày tôi và cả trăm anh em tù binh ra nhà tù Phú Quốc. Tù binh vừa bước lên bờ thì bị bọn quân cảnh, lính bảo an đánh tới tấp. Vừa đánh chúng vừa nói “Tụi bây đến đây là con đường cùng, tụi bây có trốn khi đói cũng chạy vào đây xin trung sĩ ơi cho em ăn cơm!”. Sau đó địch đưa tù binh vào phân khu A.4 giam giữ. Chúng tôi liền bắt liên lạc với anh em tù các tỉnh bạn để kịp củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng nhà tù và xây dựng chương trình hoạt động. Nội dung chủ yếu là đấu tranh đòi địch thực hiện đúng chính sách tù binh, nhất là ăn, mặc, không đàn áp đánh đập, không bắt chào cờ.

Đánh bọn quân cảnh
 
Tháng 12 năm 1968, quân cảnh bắt tôi và anh em tù binh lên rừng đốn củi. Qua kiếm củi, anh em nắm được quy luật canh giữ của quân cảnh. Chúng tôi bàn nhau giật súng đánh quân cảnh rồi chạy trốn vào rừng. 18 người chia làm 2 toán thay nhau đốn cây. Toán 1 do tôi làm toán trưởng, kiêm tổ trưởng (1 tổ: từ 2 đến 3 tù nhân) chặt cây. Lực lượng quân cảnh có 18 tên giữ tù trang bị súng AR.15, cứ 3 tù nhân thì có 1 tên quân cảnh canh giữ. Chúng tôi thống nhất: khi cây ngã là tất cả anh em tù nhân cùng nhau đánh bọn quân cảnh. Anh em rời gốc cây tiếp cận để đánh bọn quân cảnh. Tôi cầm cán búa liền đập vào đầu tên quân cảnh nó ngã gục và 2 đồng chí trong tổ ôm nó và bắt trói lại gốc cây, tổ 2 cũng hành động kịp thời bắt sống 1 tên quân cảnh. Nhưng tổ 3 không bắt được tên nào. Bọn quân cảnh liền nổ súng 3 đồng chí trong tổ hy sinh. Chúng tôi chạy khoảng 50 mét, bất ngờ gặp 1 tên quân cảnh mai phục nổ súng bắn nhóm chạy, 7 đồng chí hy sinh và bị thương, 8 đồng chí chạy thoát vào rừng. Tôi bị thương, chúng bắt khiêng về trại giam.

Nửa tháng sau, tôi và anh em trong phòng giam tuyệt thực đấu tranh chống đánh đập, khổ sai tù nhân. Địch đưa bọn quân cảnh vào đàn áp, đánh đập tù binh. Tôi cùng với anh em tù bẻ cây sạp giường ngủ để ẩu đả với chúng. Bọn quân cảnh chạy ra cửa phòng giam, xả súng bắn vào làm chết và bị thương 6 anh em tù nhân.

Mấy hôm sau, ba tên quân cảnh vào phòng bắt tù nhân đi lao động. Tôi cùng các anh em trong phòng đánh, giật súng, bắt trói ba tên quân cảnh để làm con tin, yêu cầu bọn chỉ huy trại giam đến giải quyết yêu sách. Địch đưa bọn giám thị, quân cảnh xuống để đàn áp tù binh. Tôi cùng các anh em xông ra rượt đánh bọn chúng, vừa đồng thanh hô vang: “Đả đảo bọn giám thị! Đả đảo quân cảnh đàn áp đánh đập tù nhân!”. Đến khi bọn chỉ huy trại giam hứa chấp nhận yêu sách của tù nhân, chúng tôi mới thả ba tên quân cảnh.

Trừng trị bọn chiêu hồi
 
Chủ trương của Đảng ủy nhà tù là giáo dục những tên chiêu hồi, phản bội là chính để họ “ăn năn, hối cải” sửa chữa sai lầm và trở về với tập thể, chỉ trừng trị những tên quá ngoan cố để cảnh cáo. Tôi được Đảng ủy nhà tù phân công chỉ huy sử dụng tổ đảng và 1 đồng chí đoàn viên để tiêu diệt nó. Một đêm tối trời tháng 3 năm 1968, ta đồng loạt giết 4 tên chiêu hồi (4 thằng ở các tỉnh khác nhau). Tổ đảng tôi phụ trách diệt tên Sang rất ác ôn làm trong đội trật tự. Nó từng cầm cây đánh đập anh em tù.
Tháng 6 năm 1969, tù nhân toàn trại giam tuyệt thực đấu tranh đòi địch thực hiện đúng các chính sách tù binh. Tên Bé chiêu hồi đã chỉ các tù nhân cầm đầu để địch đánh đập, tra tấn. Đảng ủy nhà tù quyết định tiêu diệt nó, nhưng phải bảo vệ được lực lượng mình. Tôi được phân công dùng thuốc độc trộn vào cháo cho nó ăn, tôi trộn một liều thuốc độc gấp 5-7 lần bình thường nhưng nó vẫn không chết. Cuối cùng nó chạy ra ngoài để đầu hàng bọn giám thị. Tôi liền bắt nó và gọi các đồng chí bên cạnh cùng nhau trừng trị nó.

Tháng 10 năm 1972, Đảng ủy nhà tù giao nhiệm vụ cho tổ đảng của tôi là diệt tên Bảy rất ác ôn từng gây nợ máu cho anh em trong tù. Chúng tôi hành động trong 5 phút, tên Bảy đền mạng. Sau cái chết đột ngột của hai tên chiêu hồi Bé và Bảy, bọn địch tra tấn, hạch sách tù binh. Anh em chúng tôi không ai ra chịu trách nhiệm, cứ đổ thừa là “Hai tù binh đó đói bụng quá và bệnh chết!”.

Đào hầm vượt ngục
 
Thường mỗi đường hầm đào có chiều dài khoảng 150 mét đến 200 mét, chỉ tính từ miệng hầm ở dãy nhà giam gần hàng rào, nắp hầm đan bằng kẽm gai. Tôi được Đảng ủy nhà tù giao nhiệm vụ chỉ huy đội đào hầm vượt ngục. Anh em chúng tôi chia thành nhiều đội để thay phiên đào hầm. Một đội có 6 người, chia ra làm 2 tổ bí mật đào vào ban đêm. Dụng cụ đào hầm chúng tôi tự chế bằng thanh sắt ba cạnh, nắp cà mèn, cán muỗng,… Đường hầm chúng tôi đào chiều dài hơn 200 mét vì phải vượt qua 10 lớp rào và 01 con lộ cho xe chở lính canh gác chạy xung quanh tuần tra, nếu ở nơi khác dài hơn, có đường hầm được đào thông ra tới bờ biển. Chiều ngang đường hầm 60 cm, chiều cao 1,4 mét, sau khi nén đất lại thấp xuống còn khoảng 50 cm chỉ vừa đủ một người bò ra. Chỗ quay người phải đào rộng hơn, làm lỗ thông hơi cho không khí lọt vào để thở, cứ 5 mét làm một cái lỗ thông hơi (lỗ thông hơi đào ở dưới to bằng miệng chén, lên gần mặt đất chỉ nhỏ hơn ngón tay út) ngụy trang thật kỹ nên địch không phát hiện. Miệng hầm nằm ở hai đầu đường hầm. Chúng tôi đan hai tấm vĩ hình tròn bằng kẽm gai làm nắp đậy kín hai miệng hầm lại, phía trên đổ một lớp đất cát rồi san bằng để ngụy trang. Khi địch xôm đụng cọng kẽm gai thì sẽ bị trượt mũi chĩa. Dưới nắp miệng hầm có độn một bao cát để khi địch xôm thấy không có lỗ trống nên chúng không phát hiện miệng hầm.

Đất đảo Phú Quốc cát xốp, đào tới đâu chúng tôi nén đất lại hai bên thành và trên nóc đường hầm đến đó. Đất còn dư thì mang về phòng giam để giấu. Mỗi lần đi tiêu tiểu mang đất ra đổ xuống lỗ tiêu tiểu, hoặc mỗi khi đi điểm danh thì mỗi người lại mang theo một túi đất nhỏ bỏ trong túi quần túi áo, ra đến nơi điểm danh thì đổ xuống trộn lẫn với cát phi tang.

Chúng tôi đào đường hầm vượt ngục khoảng 9 tháng cơ bản hoàn thành. Tổ chức vượt ngục lần đầu có 20 tù nhân, khi tổ đi đầu mới có 2 tù nhân chui ra khỏi miệng thì địch phát hiện bắn chết cả hai. Lực lượng còn lại buộc phải quay trở lại. Sau đó bọn quân cảnh, bọn lính bảo an bao vây trại giam bắt tù binh đánh đập, điều tra: “Thằng nào đào hầm vượt ngục!”. Chúng tra tấn tôi rất dã man. Tôi chấp nhận “Tôi có tham gia đào hầm, hai tù nhân bị mấy ông bắn chết đã rủ tôi cùng đào hầm vượt ngục!”. Chúng tức giận nhốt tôi vào “chuồng cọp” để thị uy.

Cắt hàng rào kẽm gai vượt ngục
 
Ở nhà tù Phú Quốc, địch không xây tường xung quanh như ở nhà giam cấp tỉnh, mà chúng nó rào xung quanh trại giam khoảng 10 lớp rào kẽm gai, gài rất nhiều mìn, lựu đạn, trái sáng. Ở bốn góc trại giam, chúng xây dựng 4 lô cốt bố trí lính thay phiên canh gác ngày đêm; ban đêm xe Jeep chở lính tuần tra xung quanh suốt đêm. Chúng tôi nắm quy luật thay gác, hoặc lúc mưa to gió lớn là lúc địch sơ hở, chúng tôi cắt hàng rào kẽm gai trốn vào rừng. Ở đó có căn cứ kháng chiến của cách mạng huyện đảo Phú Quốc.

Tháng 7 năm 1972, lợi dụng việc lính gác đi chi viện ở Phân khu A.6, chúng tôi cắt hàng rào kẽm gai vượt ngục. Tôi bò ra sau cùng, chịu trách nhiệm lấp hàng rào lại như cũ để địch không phát hiện. Bốn tù binh vừa bò ra khỏi hàng rào cuối cùng thì bị địch phát hiện nổ súng bắn chết. Tôi và 5 tù binh còn kẹt trong hàng rào, bị địch bắt giải lên Ban chỉ huy đánh đập, điều tra: “Thằng nào cả gan cầm đầu cắt hàng rào vượt ngục?”. Chúng tôi trả lời: “Ở tù cực khổ quá nên tìm cách trốn để được sống, còn ở trong tù thì trước sau gì cũng chết. Người này trốn, người khác trốn theo chứ không ai tổ chức cả!”. Mỗi khi địch điều tra, chúng tôi đều trả lời như vậy. Địch đánh đập rồi đem chúng tôi nhốt vào “chuồng cọp”. Riêng tôi, địch định đưa ra Tòa án binh xét xử, bởi vì chúng nó quy kết tôi hai tội danh: một là đánh quân cảnh vượt ngục; hai là cắt hàng rào trại giam vượt ngục. Nhưng chúng chưa kịp đưa tôi ra Tòa án binh thì Hiệp định Pa-ri ký kết, có lệnh trao trả tù binh.

Ngày 27-01-1973, Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Nội dung quan trọng của Hiệp định là hai bên trao trả tù binh và Mỹ rút quân. Tháng 3 năm 1973, địch cho máy bay chở tù binh về sân bay Quảng Trị rồi chuyển tù binh đến bờ sông Thạch Hãn - tỉnh Quảng Trị để trao trả. Chúng tôi xuống xuồng máy để sang bên kia sông là tuyến lửa của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tất cả anh em tù đều ca bài “Đoàn kết” và hô vang khẩu hiệu “Đả đảo chính quyền Nguyễn Văn Thiệu! Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Sau khi xuồng máy đưa qua hai phần ba sông Thạch Hãn, anh em tù bẻ cờ ba que (cờ địch) quăng xuống sông. Lực lượng bộ đội, dân quân du kích miền Bắc chờ đón, vội vàng lội ra mé sông dìu anh em chúng tôi lên bờ nghỉ ngơi. Rồi phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến đón tiếp đón đoàn quân chiến thắng trở về. Chúng tôi được đưa đi nghỉ an dưỡng, điều trị bệnh, học tập. Sau đó trở vào miền Nam tiếp tục chiến đấu, với niềm tin và hy vọng là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Và niềm tin và hy vọng đó đã trở thành hiện thực.

Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng trong tôi vẫn vẹn nguyên niềm tự hào về những tháng năm oanh liệt ngoài chiến trường và chiến đấu thầm lặng trong nhà tù của địch, tự hào với tinh thần đấu tranh bất khuất, ý chí kiên cường của những chiến sĩ cách mạng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập564
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm540
  • Hôm nay56,409
  • Tháng hiện tại1,189,056
  • Tổng lượt truy cập34,774,701
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây