Nhà văn Sơn Nam với việc nghiên cứu lịch sử Tiền Giang

Thứ tư - 13/04/2022 00:06
Lâu nay, mọi người đều có chung một kết luận, Sơn Nam là nhà văn hay nhà “Nam bộ học”. Nhưng theo tôi, Ông còn là nhà sử học, bởi vì chỉ riêng hai tác phẩm “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” và “Miền Nam đầu thế kỷ XX: Thiên địa hội và Cuộc Minh Tân”; Ông xứng đáng được tôn vinh như thế.

Đối với việc nghiên cứu lịch sử Tiền Giang, nhất là trong giai đoạn dưới thời nhà Nguyễn và đầu thế kỷ XX, hai tác phẩm ấy được xem là tài liệu tham khảo vô cùng quý giá, nếu không nói là sách “gối đầu giường”.

Quả thật, “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” là tác phẩm đầu tiên đề cập đến công cuộc khai hoang Nam bộ, trong đó có Tiền Giang, của lưu dân người Việt trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX và đầu thế kỷ XX, đặt nền móng cho những nghiên cứu tiếp theo mà về sau những nghiên cứu đó ngày càng đồ sộ, phong phú và đa dạng. Trong tác phẩm này, Ông là nhà nghiên cứu đầu tiên đã:

Xác định vùng đất Nam bộ trước khi người Việt đến khai hoang là một vùng đất hoàn toàn hoang vu, đầy thú dữ.

Đưa ra danh xưng “những người Việt tiền phong” để chỉ ông bà ta từ miền Bắc, miền Trung vào Nam bộ khẩn hoang, lập ấp;

Đề cập đến tính cách của con người Nam bộ: yêu nước, trọng nhân nghĩa, phóng khoáng, hiếu khách, năng động, sáng tạo, bộc trực, thằng thắn, v.v…

Khởi xướng ra việc nghiên cứu Khu vực học, một ngành học mà hiện đại đang được các nhà nghiên cứu quốc tế quan tâm, khi định vị những trung tâm, những đầu tàu để thúc đẩy cả khu vực phát triển, như trung tâm Cù lao Phố làm nòng cốt cho vùng Biên Hòa, trung tâm Bến Nghé - Sài Gòn làm nòng cốt cho vùng Gia Định, trung tâm Ba Giồng làm nòng cốt cho vùng Định Tường, trung tâm Long Hồ làm nòng cốt cho vùng Vĩnh Long, An Giang,…

Xác định vị trí của 9 kho thu thuế mà chúa Nguyễn cho thành lập ở Nam bộ năm 1741: Tân Thạnh, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Hoàng Lạp ở Biên Hòa, Tam Lạch ở Mỹ Tho, Bả Canh ở Cao Lãnh (tài liệu gần đây cho biết ở Chợ Gạo, Tiền Giang cũng có địa danh mang tên Bả Canh), Giản Thảo ở Sài Gòn, Quy An, Quy Hóa có lẽ ở cù lao An Hóa, Bến Tre.

Đánh giá trung thực, khách quan và đúng đắn về vai trò quyết định của người Việt trong việc khai hoang Nam bộ, còn người Hoa chỉ có vai trò thứ yếu, mặc dù họ đã lập ra Mỹ Tho đại phố và Nông Nại đại phố (tức Cù lao Phố  - Biên Hòa).

Xác định kinh Bảo Định được đào năm 1705 là kinh đào đầu tiên ở Nam bộ cũng như giá trị an ninh quốc phòng, thủy lợi và giao thông thủy của con kinh này.

 Nêu bật tác dụng về nhiều mặt của các con kinh Vĩnh Tế và Thoại Hà ở biên giới tây nam của đất nước.

Quyển sử thứ hai “Miền Nam đầu thế kỷ XX: Thiên địa hội và Cuộc Minh Tân” của Ông là một đóng góp khác. Trước khi sử phẩm này được ra đời vào năm 1971, hầu như các nhà nghiên cứu lịch sử đều cho rằng, phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Nam kỳ đã chấm dứt vào năm 1875 gắn liền với cuộc khởi nghĩa lần thứ 3 của Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân bị giặc Pháp đàn áp dã man và người Pháp đã bình định hẳn Nam kỳ.

Tuy nhiên, trải qua một quá trình dày công sưu tầm tư liệu từ kho lưu trữ và các thư viện, Ông đã chứng minh rằng, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước của nhân dân Nam kỳ vẫn tiếp tục nổ ra vô cùng mạnh mẽ với phong trào Hội kín Thiên địa hội và phong trào Minh Tân. Trong quyển “Miền Nam đầu thế kỷ XX: Thiên địa hội và Cuộc Minh Tân”, ông đã phục dựng lại bối cảnh lịch sử của thời kỳ đó, nguyên nhân ra đời, diễn tiến, kết quả và ý nghĩa lịch sử của phong trào Thiên địa hội và Minh Tân. Ông lý giải phong trào Minh Tân (Minh đức Tân dân) là sự kết nối giữa phong trào Đông Du và phong trào Duy Tân với chủ trương cải cách xã hội, chấn hưng dân trí, bồi dưỡng dân khí và phát triển công thương, cạnh tranh với tư bản Pháp và tư bản Hoa kiều nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập cho đất nước. Đặc biệt, Ông đã đánh giá vai trò tích cực của tầng lớp trên trong xã hội Nam kỳ đương thời: “Vào những năm mà cuộc Minh Tân phát khởi, mức sống của điền chủ ở miền Nam đang lên cao, điền chủ bực trung hoặc bực đại có mức sống khỏe hơn một thương gia. Nếu dư tiền, người điền chủ cứ đầu tư vào công việc mua bán đất. Đất là bất động sản, nằm đó, không bị hao mòn, điền chủ không bận tâm mệt trí hằng ngày như người chuyên mua bán. Tương lai người điền chủ vào những năm ấy quá sáng sủa. Ở Hậu Giang còn hàng chục vạn mẫu đất đang chờ đón; họ cứ chạy chọt khéo léo là dễ dàng trở thành đại điền chủ. Do đó, mấy ông điền chủ, Phó tổng, Cai tổng chịu tham gia việc Minh Tân, chú ý đến thương mãi và công nghệ là do động cơ yêu nước hơn là ham làm giàu. Họ làm vì tự ái dân tộc, vì muốn đánh đổ thực dân Pháp, muốn cho đồng bang tự cường”.

Thông qua quyển sách, Ông nhấn mạnh, tuy chỉ kéo dài được hai năm, nhưng những hoạt động sôi nổi và tích cực của phong trào Minh Tân đã thể hiện lòng yêu nước của nhân dân ta nói chung và  bộ phận tư sản dân tộc nói riêng. Đồng thời, nó đã tạo cơ sở xã hội thuận lợi cho các phong trào yêu nước ở Việt Nam tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và quan điểm cách mạng của Hồ Chí Minh vào những năm tiếp theo.

Lúc bấy giờ, phong trào Thiên địa hội và Minh Tân phát triển mạnh ở Sài Gòn và Mỹ Tho; nên quyển sách của ông có tác dụng to lớn trong việc nghiên cứu lịch sử Tiền Giang hồi đầu thế kỷ XX.

Ngoài hai quyển sách vừa nêu, Ông còn viết một số sách biên khảo khác, như phong trào Duy Tân ở Bắc, Trung, Nam; Bến Nghé xưa, Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh hoạt xưa và Văn minh miệt vườn, Đất Gia Định xưa, Đình miếu và Lễ hội dân gian miền Nam, Nói về miền Nam, Cá tính miền Nam, Tìm hiểu đất Hậu Giang,… Những quyển sách này có nhiều giá trị, nhất là giá trị về phong tục học, như cách sử dụng phãng để phát cỏ, các loại ghe ở Nam bộ, các kiểu nước ở Nam bộ, như nước lớn, nước rong, nước ròng, nước ươn, nước kiệt, nước chụp, nước giựt, nước bò,…; lễ hội dân gian Nam bộ. Đặc biệt, Ông là người đề xướng ra khái niệm “văn minh miệt vườn” và cho rằng, hai huyện Cai Lậy và Cái Bè của tỉnh Tiền Giang là điển hình của “văn minh miệt vườn”.

Tóm lại, với tư cách là nhà sử học, ông Sơn Nam là người đặt nền tảng tuy ban đầu; nhưng rất vững chắc cho việc nghiên cứu lịch sử Nam bộ, trong đó có Tiền Giang.

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập417
  • Máy chủ tìm kiếm69
  • Khách viếng thăm348
  • Hôm nay48,283
  • Tháng hiện tại1,688,032
  • Tổng lượt truy cập40,057,408
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây