Hướng dẫn biên soạn Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ địa phương

Thứ năm - 12/05/2022 23:56
I. KHÁI NIỆM

1. Sự kiện lịch sử

Sự kiện lịch sử bao gồm hiện tượng, biến cố xảy ra trong quá khứ được ghi lại bằng tư liệu, do hoạt động nhận thức của con người, nhận thức này mang dấu vết của ý thức xã hội.

Hướng dẫn biên soạn Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ địa phương
2. Sự kiện lịch sử Đảng bộ địa phương

Bao gồm những sự kiện lịch sử quan trọng, phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ địa phương, những phong trào cách mạng của quần chúng trong việc thực hiện các chủ trương Đảng bộ...; những sự kiện đó đã được thẩm tra, bảo đảm độ chính xác. Biên niên sự kiện lịch sử được biên soạn nhằm ghi chép những sự kiện theo thứ tự thời gian.

Một sự kiện lịch sử Đảng gồm 3 yếu tố:
+ Là sự việc đã diễn ra theo trình tự thời gian và trên một không gian được xác định;
+ Phản ánh nội dung lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng của quần chúng ở một thời kỳ, một thời điểm lịch sử cụ thể;
+ Ảnh hưởng, tác động của sự kiện đó đối với lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng ở địa phương và đối với lịch sử toàn Đảng, in dấu ấn trong lịch sử và góp phần thúc đẩy sự phát triển của cách mạng.

3. Phân loại sự kiện lịch sử

Việc phân loại sự kiện lịch sử được dựa vào các đặc trưng chủ yếu như nội dung, cơ cấu và ý nghĩa; có thể tham khảo ba cách phân loại sự kiện như sau:

* Cách thứ nhất: Phân loại dựa theo nội dung của sự kiện lịch sử
- Sự kiện kinh tế: phản ánh những biến cố, hiện tượng và quá trình của lịch sử phát triển kinh tế;
- Sự kiện chính trị: phản ánh những biến cố, hiện tượng về quá trình lịch sử phát triển chính trị, đấu tranh giai cấp, chiến tranh, cách mạng…;
- Sự kiện quân sự: các chiến dịch, trận đánh về quân sự;
- Sự kiện ngoại giao...

* Cách thứ hai: Phân loại dựa theo cấu tạo của sự kiện, do kết cấu và đặc điểm về không gian và thời gian của biến cố, hiện tượng lịch sử quy định; cách phân loại này chia sự kiện ra thành hai loại:
- Sự kiện đơn giản: phản ánh hành động hay biến cố cụ thể được xác định ở một điểm nhất định, trong một thời gian ngắn nào đó;
- Sự kiện phức tạp: miêu tả biến cố được hoàn thành trong khoảng thời gian và không gian rộng lớn, có tính chất đa dạng, toàn diện.
* Cách thứ ba: Phân loại dựa theo ý nghĩa của sự kiện lịch sử; theo cách phân loại này, sự kiện lịch sử có thể chia ra ba loại:
- Sự kiện cơ bản: là sự kiện phản ánh những biến cố, hiện tượng, những quy luật chi phối một phạm vi nhất định của quá trình xã hội, những nét đặc biệt vừa điển hình của quá trình này, có ảnh hưởng đến sự phát triển của thời kỳ sau;
- Sự kiện không cơ bản: là sự kiện khôi phục những biến cố, hiện tượng không có ý nghĩa quan trọng, thứ yếu trong một quá trình lịch sử và ít để lại dấu vết gì sâu sắc trong sự phát triển sau này.

4. Biên niên sử

Biên niên sử (BNS) là ghi chép các sự kiện lịch sử theo trình tự thời gian, biên niên sử có thể tuyển tập theo một năm, một thập kỷ, một thế kỷ hay một thiên niên kỷ.
Ví dụ: cho 1 năm vừa qua là "biên niên sử năm 2016", cho 10 năm vừa qua là "biên niên sử thập niên 90"(tính từ năm 1990-1999) hay cho 100 năm qua là "biên niên sử thế kỷ 20"(tính từ năm 1900-1999),...
"Biên niên sử" có thể được ghi chép lại tất cả mọi thông tin không phân biệt thể loại như: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội,... Tuy nhiên, vẫn có thể ghi chép cho từng thể loại riêng, như BNS chuyên về chính trị, BNS chuyên về kinh tế, hoặc chuyên về một danh nhân lịch sử, như Hồ Chí Minh- Biên niên tiểu sử.

5. Một số bộ biên sử tiêu biểu

5.1. Đại Việt sử ký là bộ biên niên sử đầu tiên của nước Việt Nam do Lê Văn Hưu đời Trần soạn ra, gồm 30 quyển, chép lịch sử Việt Nam từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng. Bộ sử nay không còn nữa (có lẽ đã bị đem về Trung Quốc vào thời thuộc Minh), nhưng Ngô Sĩ Liên thời Lê đã tham khảo để soạn ra bộ Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó có trích một số lời bình của Lê Văn Hưu đối với các nhân vật.
Sau khi hoàn thành bộ sử năm 1272, Lê Văn Hưu đem dâng vua Trần Thành Tông, được ban thưởng rất hậu

5.2. Đại Việt sử ký toàn thư 

Ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời đại truyền thuyết Kinh Dương Vương năm 2879 TCN đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê. Bộ sử này được khắc in toàn bộ và phát hành lần đầu tiên vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hoà năm thứ 18, triều vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697. Nó là bộ biên niên sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, do nhiều đời sử quan trong Sử quán triều Hậu Lê biên soạn, tiêu biểu: Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ, Lê Hy, Nguyễn Quý Đức,…

5.3. Đại Nam thực lục

Ghi chép các sự kiện từ khi chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến đời vua Khải Định (1925) do Quốc sử quán triều Nguyễn Nguyễn biên soạn.
* Phần đầu của Đại Nam thực lục gọi là Đại Nam thực lục Tiền biên (gồm 12 quyển) ghi chép các sự kiện lịch sử của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng trong từ Nguyễn Hoàng (1558) đến hết đời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1777).
Đại Nam thực lục tiền biên do các sử quan thời Minh Mạng và Thiệu Trị là: Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cẩn (tức Võ Xuân Cẩn), Hà Duy Phiên, ... biên soạn.
* Phần thứ hai là Đại Nam thực lục chính biên (gồm 587 quyển), viết về triều đại các  vua nhà Nguyễn, đây là phần chính yếu của bộ biên niên sử này.
Đại Nam Thực lục Chính biên ghi chép các sự kiện lịch sử từ khi Nguyễn Ánh làm chúa (1778) đến đời Đồng Khánh (1887), và sau này được viết thêm đến đời vua Khải Định (1925).

5.4. Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam - Tập 1 và tập 2,Do Viện Lịch sử Đảng biên soạn, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội ấn hành, 2007 và 2008.
5.5. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (10 tập)
Do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng biên soạn, NXB Chính trị quốc gia ấn hành năm 2016.
 
Tập 1. Giới thiệu khái quát về thân thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quá trình học tập, hoạt động của Người từ thời niên thiếu đến năm 1929.
Tập 2. Giới thiệu những sự kiện cơ bản về những hoạt động trong cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, từ đầu năm 1930, khi thành lập Đảng, đến tháng 9-1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Tập 3. Ghi lại những sự kiện hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu tiên nước Việt Nam giành lại độc lập 2-9-1945 đến ngày bắt đầu Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946.
Tập 4. Ghi lại những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bốn năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ ngày 19-12-1946 đến hết năm 1950.
Tập 5. Ghi lại những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trải rộng khắp núi rừng Chiến khu Việt Bắc và kéo dài trong bốn năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1951 đến 1954.
Tập 6. Giới thiệu những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 1-1-1955 đến ngày 31-12-1957.
Tập 7. Ghi lại các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đầu năm 1958 đến hết 1960.
Tập 8. Ghi lại những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ba năm từ 1961 đến 1963.
Tập 9. Ghi lại những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1964 đến 1966.
Tập 10. Giới thiệu với bạn đọc ba năm cuối cùng trong cuộc đời của một vĩ nhân đã dành trọn vẹn 79 mùa xuân vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân và hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc, từ ngày 1-1-1967 đến ngày 2-9-1969

II. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH BIÊN SOẠN BIÊN NIÊN

1. Thu thập tài liệu

+ Những tài liệu cơ bản để viết Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ:
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ;
- Nghị quyết, quyết định, kết luận, quy chế, quy định, thông báo, báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ;
- Nghị quyết, quyết định, kết luận, quy định, thông báo, báo cáo của Ban Thường vụ;
- Các văn bản chỉ đạo của cấp trên đối với địa phương;
- Tất cả tài liệu thuộc Ban chấp hành, Ban Thường vụ, các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương liên quan đến hoạt động của cấp ủy địa phương;
- Báo cáo tổng kết hàng năm của Đảng bộ, của các tổ chức chính trị - xã hội;
- Những phong trào cách mạng tiêu biểu, những tập thể, cá nhân điển hình, xuất sắc trên các lĩnh vực...
Các tài liệu trên là những tài liệu không thể thiếu trong nghiên cứu lịch sử Đảng. Các tài liệu này giúp người nghiên cứu hiểu về quá trình hình thành các chủ trương (nghị quyết) của Đảng bộ, hiểu được các phong trào cách mạng, sự đóng góp của mỗi thành viên, giúp người nghiên cứu thể hiện cụ thể, chính xác khi viết các sự kiện.
+ Nơi khai thác tư liệu:
- Văn phòng cấp ủy, Ủy ban nhân dân các cấp; Thư viện tỉnh, huyện; Bảo tàng tỉnh, Tỉnh đội, các trung tâm lưu trữ...
- Lưu trữ cá nhân hoặc qua lời kể, hồi ký của các đồng chí lãnh đạo địa phương, các nhân chứng lịch sử qua các thời kỳ.
- Sách, báo, tạp chí (như Báo Ấp Bắc, các tạp chí có bài viết liên quan đến địa phương)...

2. Lập danh mục sự kiện

STT
Ngày, tháng, năm xảy ra sự kiện
Tên sự kiện
Nguồn tư liệu (xuất xứ)

Chú ý:
- Chỉ sử dụng những tài liệu khi đã xác minh một cách khoa học;
- Các sự kiện sắp xếp theo trình tự thời gian;
- Lựa chọn các sự kiện quan trọng, sự kiện chính có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến lịch sử của Đảng bộ của địa phương; bỏ những sự kiện vụn vặt, ảnh hưởng không nhiều và phạm vi ảnh hưởng hẹp.

3. Phương pháp viết biên niên

- Viết biên niên sự kiện lịch sử là một công việc chuẩn bị có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến chất lượng các ấn phẩm lịch sử.
- Viết biên niên sự kiện phải đầy đủ các nội dung chính như: bối cảnh lịch sử (nếu có), thời gian, địa điểm, nội dung, kết quả, ý nghĩa, tác dụng; đồng thời, phải bảo đảm chính xác, khách quan.
- Nội dung trình bày phải khái quát, ngắn gọn, chứa đựng nhiều thông tin để tra cứu; các sự kiện cần phản ánh một cách khách quan, có đến đâu viết đến đó, không thêm bớt, không bình luận sự kiện; tuy nhiên, đối với những sự kiện đã có những kết luận, đánh giá chính thức thì nên đưa vào.
- Các sự kiện được trình bày theo thứ tự thời gian (ngày…tháng…năm...) xảy ra sự kiện;
Đặt tên sự kiện phải phản ánh được sự lãnh đạo của Đảng bộ.

Ví dụ:
Ngày 30/6/1995
Hội nghị lần thứ.... Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa ...)
hoặc:
Ngày 05/7/1995
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số....(ghi số Nghị quyết) về công tác quân sự địa phương
Chúng ta không thể đặt tiêu đề như sau: Nghị quyết của Ban Thường
vụ Tỉnh ủy về công tác quân sự địa phương
Nếu đặt tiêu đề như trên thì không khoa học, không đúng sự kiện; vì chủ thể không phải là Nghị quyết.
Đối với những sự kiện có thời gian gần nhau (trong vòng một tháng) nhưng có cùng nội dung, có thể gộp lại thành một sự kiện để cho người đọc dễ theo dõi, tránh lập lại sự kiện, song các sự kiện diễn ra sau phải ghi rõ ngày. Nếu trong một ngày có nhiều sự kiện khác nhau diễn ra thì trình bày riêng từng sự kiện, không gộp lại.
- Cách ghi xuất xứ (nguồn) tài liệu: Để người đọc dễ dàng tìm kiếm và tra cứu, dưới nội dung sự kiện cần ghi rõ nguồn tư liệu lưu trữ ở đâu; đối với các tư liệu lấy từ báo phải ghi rõ tên báo, số báo, ngày… tháng… năm…;
 
- Yêu cầu nội dung Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ phải bảo đảm nguyên tắc tính đảng và nguyên tắc tính khoa học:
+ Nguyên tắc tính đảng đòi hỏi người nghiên cứu phải thực hiện đúng định hướng tư tưởng – chính trị của Đảng; phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
+ Nguyên tắc tính khoa học đòi hỏi cuốn Biên niên sự kiện phải bảo đảm tính chính xác nguồn tư liệu; các sự kiện, nhận định đưa ra phải đúng, chân thực.
- Vấn đề kỹ thuật cần chú ý trong quá trình biên soạn biên niên
Ngày…tháng… năm…và tên các sự kiện phải để trên cùng và được in đậm. Phần mô tả sự kiện in thường. Phần xuất xứ các sự kiện để dưới cùng, in nghiêng.
Ví dụ:
Ngày 17/3/2004
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết về việc kê khai tài sản đối với những người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp
Nghị quyết nhất mạnh: Khi ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, người ứng cử phải kê khai tài sản của mình. Mục đích của việc kê khai tài sản là nhằm công khai, minh bạch về tài sản, tạo điiều kiện để cử tri tham gia giám sát đại biểu của mình. Nghị quyết cũng nêu rõ các loại tài sản phải kê khai và người kê khai phải chịu trách nhiệm về nội dung kê khai của mình.
Nguồn: Báo Nhân dân, số 2345, ngày 19/3/2004

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập408
  • Máy chủ tìm kiếm53
  • Khách viếng thăm355
  • Hôm nay53,265
  • Tháng hiện tại1,693,014
  • Tổng lượt truy cập40,062,390
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây