Danh họa cách mạng Mai Văn Hiến

Thứ năm - 09/12/2021 02:24
Danh họa Mai Văn Hiến là một tên tuổi sáng giá của mỹ thuật thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954, một trong những người đặt nền móng cho nền nghệ thuật hiện thực cách mạng, đồng thời mở đầu cho một xu hướng nghệ thuật chính thống, là xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa - như sau này các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá.

Danh họa cách mạng Mai Văn Hiến
Ông sinh năm 1923 tại làng Điều Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là các Phường 1, 2, 3, 4, 7, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Năm 1943, ông ra Hà Nội và thi đỗ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1943-1945).

Tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng tại Hà Nội, vẽ tranh cổ động, làm công tác tuyên truyền phục vụ cách mạng. Từ tháng 11-1945 đến tháng 3-1946, ông cùng các họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng và Nguyễn Văn Khanh được Bộ trưởng Bộ Tài Chính Phạm Văn Đồng (sau này là Thủ tướng Chính phủ) chọn giao nhiệm vụ vẽ những tờ giấy bạc đầu tiên cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông chính là tác giả thiết kế tờ giấy bạc 5 đồng.

Tháng 7-1947, ông được điều về Tổng cục chính trị quân đội với nhiệm vụ minh họa, trình bày báo Vệ quốc quân (tiền thân của báo Quân đội Nhân dân) cùng với họa sĩ Dương Bích Liên. Từ đó, ông trở thành người lính, đã tham gia các chiến dịch Đông Bắc (1949), Vùng Mỏ (1951), Giải phóng Tây Bắc (1952), Giải phóng Thượng Lào (1953), chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và đã có rất nhiều ký họa về bộ đội, dân công bằng bút chì, bút sắt, trở thành những tư liệu quý giúp ông sáng tác những tác phẩm sơn dầu nổi tiếng sau này. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, với tư cách phóng viên, họa sĩ báo Quân đội Nhân dân bên cạnh Bộ Tư lệnh, ông có nhiều sáng tác phục vụ chiến sĩ và công tác địch vận.

Tháng 10-1954, hòa bình lập lại, ông được điều động về Hà Nội và công tác tại Phòng Văn nghệ Quân đội, rồi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông tham gia trình bày, minh họa cho tạp chí này và người ta vẫn nhớ bút pháp riêng của ông với nét vẽ khỏe khoắn. Tại Đại hội thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1957, ông được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành khóa I (1957-1983), tham gia Ban tổ chức các triển lãm mỹ thuật toàn quốc từ năm 1954 đến các triển lãm về sau.

Từ tháng 1-1966, ông được điều động về công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam với cương vị Ủy viên thường trực Ban Thường vụ kiêm Trưởng ban đối ngoại. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975), ông được giao thêm nhiệm vụ Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật. Ông vẫn tiếp tục sáng tác tranh, làm minh họa báo, vẽ tranh biếm họa, viết bài cho các báo và tạp chí. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ I của Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, năm 1983, ông nghỉ hưu, nhưng vẫn vẽ liên tục, có tác phẩm ở tất cả các triển lãm lớn và được đánh giá cao.

Các tác phẩm của ông chủ yếu là chất liệu sơn dầu về hình tượng Bác Hồ, bộ đội, về tình quân dân, đặc biệt là về những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp với bút pháp hiện thực đơn giản và tinh tế, hóm hỉnh và đầy tinh thần lạc quan cách mạng, bình dị và sâu sắc, tạo được phong cách riêng, để lại nhiều ấn tượng đậm nét trong lòng công chúng như: Bướm dọc đường; Du kích Đông Bắc; Tiếng hát mùa chiến dịchAnh bộ đội cụ Hồ với nhân dân Tây Bắc.

Ngoài ra, ông còn vẽ nhiều tác phẩm về sinh hoạt, chân dung, phong cảnh đất nước: Đèn khuyaMẹ conChuẩn bị đi họcVăn Miếu. Đồng thời, ông còn vẽ về những kỷ niệm khi công tác ở Hội Mỹ thuật: Bác Hồ xem Triển lãm Mỹ thuậtChân dung họa sĩ Hồng Hải,...

Ông còn nổi tiếng về tranh biếm họa. Phần lớn tranh biếm họa chiến khu (từ năm 1947-1954) của ông đi vào cái rất đời thường, lột tả được những khía cạnh khá hài hước của người chiến sĩ vệ quốc, những người trước đó không lâu còn là người nông dân quê mùa chân chất, đến với kháng chiến bằng một vũ khí duy nhất là lòng yêu nước và căm thù giặc Pháp xâm lược. Còn những người lính viễn chinh Pháp trong tranh biếm họa của ông cũng khá đặc sắc. Ông nhìn nhận họ cũng là con người, người lính đánh thuê. Họ có nỗi thống khổ, có số phận riêng, phải đi đánh thuê ở tận miền nhiệt đới xa xôi ở xứ người, phải chịu cái nóng ghê gớm, cái ẩm ướt, cái hoang dã rờn rợn của vùng nhiệt đới và hơn cả là sự căm ghét của người dân bản địa.

Đặc biệt, trong khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra hết sức ác liệt, theo yêu cầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cần có một tấm huy hiệu mang tính biểu tượng của chiến dịch để cổ vũ, động viên và nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân dân ta, ông cùng với hoạ sĩ Nguyễn Bích vẻ, thiết kế huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Chỉ trong khuôn khổ nhỏ, chiếc huy hiệu đã chứa đựng những hình ảnh khái quát, mang đậm giá trị sâu xa. Đó là hình ảnh người chiến sĩ với chiếc mũ nan đang giương súng chiến đấu với lá cờ đỏ sao vàng in dòng “Quyết chiến Quyết thắng”, bao quanh là quang cảnh núi rừng, thể hiện địa hình chiến đấu hiểm trở của chiến trường Điện Biên Phủ. Trên huy hiệu còn có hình ảnh các khẩu pháo lần đầu tiên xuất trận tại Điện Biên Phủ và lập nên những chiến công xuất sắc. Phía trên có dòng chữ mang tính cổ động một cách ngắn gọn nhưng khái quát “Xuân 1954” - khẳng định quyết tâm ghi dấu chiến thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ vào năm đó. Nền huy hiệu có biểu tượng màu vàng tượng trưng cho mùa lúa chín vàng trên cánh đồng Mường Thanh - cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc và quyết tâm chiến đấu của quân dân ta nhằm đem lại mùa vàng ấm no cho đất nước khi đã sạch bong quân thù. Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” đã được Bác Hồ trao cho những đơn vị và cá nhân lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu để tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.  

Trong quá trình lao động nghệ thuật, ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý: Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật tháng Tám năm 1946; Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1948, Giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1955; Giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1958; Giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng năm 1989: Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng năm 1999; Giải Ba giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1995; Giải Ba Triển lãm Khu vực I (Hà Nội) năm 1999; Giải thưởng Mỹ thuật hội viên cao tuổi của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 cho các tác phẩm: Gặp nhau - Bột màu - 70x90cm (1954); Trước giờ ra thao trường - Sơn dầu - 70x90cm (1955); Những lời dạy bảo - Sơn dầu - 90x150cm (1958); Bướm dọc đường - Sơn dầu - 70x100cm (1984); Du kích Đông Bắc - Sơn dầu - 70x92cm (1989); Anh bộ đội Cụ Hồ với nhân dân Tây Bắc - Sơn dầu - 100x140cm (1998).

Nhắc lại những kỷ niệm với ông, họa sĩ Trần Khánh Chương nói: “Ấn tượng của tôi đối với ông thật thú vị bởi sự bình dị, hóm hỉnh và như người ta vẫn nói, cái mắt và cái mũi như luôn cười. Sau này về công tác ở Hội Mỹ thuật Việt Nam, tôi có nhiều dịp được làm việc với ông và đến thăm ông, đó là một con người sống giản dị, yêu đời, yêu đồng nghiệp, làm việc hết mình trong các lĩnh vực hội họa và tranh biếm họa. Những ngày nằm trên giường bệnh, tôi vẫn thấy ông vẽ tranh”.

Họa sĩ Lý Trực Dũng - người nổi tiếng về tranh biếm họa, đã viết về ông: “Ông có vóc người to cao rất Tây, nhưng giọng nói lúc nào cũng nhỏ nhẹ, từ tốn. Không nghe ai kể Mai Văn Hiến cáu bao giờ, kể cả hai cô con gái của ông. Ông rành rọt kể về những họa sĩ vẽ tranh biếm họa thời kháng chiến như Phan Kế An (Phan Kích), Nguyễn Bích, Nguyễn Địch Dũng, Giang Tô,... Còn về phần mình, ông chỉ lướt qua”.

Năm 2006, do tuổi cao sức yếu lại lâm trọng bệnh, ông mất tại Hà Nội. Trong bài viết “Vĩnh biệt họa sĩ Mai Văn Hiến”, báo Công an Nhân dân viết: “Sinh ra ở tận Mỹ Tho nhưng từ hơn  60 năm nay gắn bó với Hà Nội, họa sĩ Mai Văn Hiến đã là một hình ảnh rất đẹp của làng hội họa đất Thăng Long. Bao giờ cũng vậy, khi những con người như họa sĩ Mai Văn Hiến ra đi vào cõi vĩnh hằng, họ luôn khiến chúng ta thực sự cảm thấy trên mặt đất này đã trống vắng đi cả một phần cuộc đời của mình nữa...”.

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập363
  • Máy chủ tìm kiếm55
  • Khách viếng thăm308
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,674,962
  • Tổng lượt truy cập40,044,338
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây