Người anh hùng ở Chiến trận Ấp Bắc

Thứ tư - 05/01/2022 06:51
Đó là đồng chí Đặng Minh Nhuận, còn có tên là Đoàn Triết Minh, Nguyễn Bảy, thường gọi Bảy Đen, sinh năm 1932 tại làng Long Châu, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là Phường 3, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) trong một gia đình sinh sống bằng nghề công thương.

Người anh hùng ở Chiến trận Ấp Bắc
Được người chú ruột là Đặng Văn Thiềng giáo dục, giác ngộ lý tưởng cách mạng, năm 1948, lúc mới 16 tuổi, đồng chí tham gia lực lượng võ trang chống Pháp, chiến đấu trên chiến trường Vĩnh Long và lập được nhiều chiến tích xuất sắc.Vì thế, năm 1949, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Năm 1954, đồng chí tập kết ra miền Bắc; sau đó, được cấp trên bố trí vào học Trường Sĩ quan lục quân. Sau khi hoàn thành khóa học với loại Xuất sắc, năm 1958, đồng chí làm công tác biên phòng tại vùng biên giới Việt - Trung.

Năm 1962, mặc dù có vợ và các con còn nhỏ dại, nhưng xuất phát từ lòng nung nấu đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược và bọn tay sai để góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí đã gạt bỏ tình riêng, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, tình nguyện vượt Trường Sơn, trở về miền Nam chiến đấu. Trong quyển Nhật ký, đồng chí nêu quyết tâm: “Phải san bằng mọi bất công, phải xây dựng cuộc sống mới, dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng!”. Trên đường đi, tuy trải qua nhiều gian khổ, nhưng đồng chí vẫn luôn lạc quan, viết nhật ký và làm thơ, phản ánh phẩm chất kiên cường, bất khuất và tinh thần lãng mạn cách mạng của “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Đối với các con, đồng chí luôn dành tình thương yêu sâu đậm. Trong Nhật ký, đồng chí viết: “Bên ngoài thì nói cười cho khuây khỏa để chiến đấu, chớ nhiều đêm nhớ các con, ba rơi nước mắt! Ba hứa với các con sẽ làm tròn nhiệm vụ đảng viên, một cán bộ quân đội, không bao giờ để các con phải nhục vì có một người cha không xứng đáng. Ba mong sau này các con khôn lớn, nếu ba có hy sinh, các con nhớ làm tròn nghĩa vụ của mình đối với quê hương, đất nước. Gửi các con nhiều cái hôn!”.

Cuối năm 1962, đồng chí nhận nhiệm vụ tại chiến trường Khu Trung Nam bộ (Khu 8) với quân hàm trung úy, đại đội trưởng đại đội 1 tiểu đoàn 261 chủ lực Quân khu 8.

Ngày 01 - 01 - 1963, đồng chí chỉ huy bộ đội hành quân về Ấp Bắc (nay thuộc xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) để chuẩn bị tấn công ấp chiến lược Giồng Dứa (nay thuộc xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Dò biết hoạt động của quân ta, ngày 02 - 01 - 1963, địch mở cuộc càn mang tên “Đức Thắng 1/63”, huy động một lực lượng hùng hậu, với trang bị hiện đại, đông hơn bộ đội ta gấp hàng chục lần, gồm 3 tiểu đoàn của sư đoàn 7, 1 chiến đoàn Bảo an tỉnh Định Tường, 1 tiểu đoàn Dù thuộc lực lượng tổng trù bị chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, một số đại đội biệt kích, dân vệ, 3 tàu chiến, 1 chi đoàn xe thiết giáp M.113, 15 máy bay trực thăng đổ quân, 5 máy bay trực thăng chiến đấu, 8 máy bay ném bom, 7 máy bay vận tải, 4 máy bay L.19 thám thính và chỉ huy, 10 khẩu pháo hạng nặng,… mở cuộc tấn công với quy mô lớn vào Ấp Bắc. Lúc bấy giờ, Mỹ đang cho thực hiện chiến thuật tân kì “trực thăng vận” và “thiết xa vận” ở miền Nam, nhằm “bao vây hợp điểm”, “bủa lưới phóng lao” để tiêu diệt bộ đội và du kích của ta. Trong thực tiễn chiến đấu, với chiến thuật này, quân đội Sài Gòn đã gây cho quân giải phóng không ít khó khăn.

Trong ngày này, địch điên cuồng mở 5 cuộc tấn công hết sức ác liệt vào trận địa của đại đội 1 trấn giữ.  Nhưng, dưới sự chỉ huy tài giỏi và dũng cảm của đồng chí, bộ đội ta đã đánh bại tất cả các đợt xung phong của địch. Đến 18 giờ cùng ngày, địch buộc phải rút lui.

Với việc chỉ huy bộ đội trụ lại, bám địch và đánh bọn chúng suốt cả ngày, đồng chí và các chiến sĩ giải phóng quân đã sáng tạo ra một chiến thuật mới là “Cắm cọc phá lưới, bám trụ bẻ lao” nhằm đối phó có hiệu quả chiến thuật “Bủa lưới phóng lao” của địch.

Chiến thắng Ấp Bắc đã làm phá sản chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận”, con át chủ bài trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ ở miền Nam, tạo điều kiện cho phong trào du kích chiến tranh của nhân dân miền Nam được phát triển mạnh mẽ; và nói như Lê Duẩn - cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN - “kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ đã thấy không thể thắng được ta trong chiến tranh đặc biệt”. Tại trận Ấp Bắc, ta diệt và làm bị thương 450 tên địch, trong đó có 9 cố vấn Mỹ; bắn cháy 3 xe M.113; bắn rơi 3 chiếc trực thăng và bắn hỏng 10 chiếc khác.

 Sau chiến công vang dội này, đồng chí còn chỉ huy đơn vị đánh thắng nhiều trận khác trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho, khiến cho quân địch vô cùng khiếp đảm. Ngày 30 - 8 - 1963, đồng chí chỉ huy bộ đội tiến công và tiêu diệt đồn Thạnh Nhựt (nay thuộc huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Nhưng thật không may, đồng chí bị thương nặng và đã anh dũng hy sinh. Trước lúc lìa trần, đồng chí g đã nói lời cuối cùng vô cùng cảm động với đồng đội: “Cho tôi gởi lời thăm đến Bác Hồ. Chúc các đồng chí ở lại mạnh khỏe. Các con, ba đã làm tròn nhiệm vụ”.

Ngày 20-12-1994, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Hiện nay, phần mộ của ông tọa lạc tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tiền Giang. Tên của đồng chí được đặt tên đường ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Tên tuổi và những chiến công sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của đồng chí sống mãi trong trang sử vàng liệt oanh của dân tộc.

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập442
  • Máy chủ tìm kiếm65
  • Khách viếng thăm377
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,678,712
  • Tổng lượt truy cập40,048,088
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây