Rời Lăng Bác, đi một đoạn ngắn, tôi đến ngôi nhà sàn đơn sơ, mộc mạc của Bác. Nhiều du khách nước ngoài rất đổi ngạc nhiên khi thấy vị chủ tịch của một nước mà lại có cuộc sống giản dị, bình thường như mọi người dân trong nước. Bác của chúng ta là như thế! Bác không bao giờ chú trọng đến nơi ăn chốn ở của riêng cá nhân mình. Đối với người, điều quan trọng nhất, là độc lập, tự do của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Cất những bước chân nhè nhẹ lên thang gác nhà Bác, tôi chợt nhớ đến câu nói của Người hồi cuối năm 1945: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng về phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng rau… không dính líu gì đến vòng danh lợi”. Ngôi nhà sàn của Bác không chỉ là ngôi nhà sàn bằng gỗ, lợp ngói, mà từ đó, toát lên một điều cao quí hơn, vĩ đại hơn, như một đoạn viết của thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao!”.
Dạo quanh căn nhà sàn là ao cá, vườn cây do chính Bác nuôi, trồng và chăm sóc. Ao cá rộng 3.300 m2 nuôi nhiều loại cá, như chép, mè, trám cỏ, rô phi … Đứng dưới rặng liễu xanh mướt cành lá, tôi vốc mấy nắm bắp rang ném xuống ao cho cá ăn. Nhìn đàn cá quẩy đuôi tranh mồi làm mặt nước xao động, tôi nhẫm đọc mấy câu thơ của Tố Hữu mà tôi đã thuộc lòng từ hồi còn học trung học:
Con cá rô ơi, chớ có buồn,
Chiều chiều Bác vẫn gọi rô luôn .
Và cùng lúc đó, tiếng của cô thuyết minh viên, với một chất giọng Hà Nội chuẩn, đã theo gió đến bên tai tôi, như lời thủ thỉ, tâm tình: “Chiều chiều, sau giờ làm việc, Bác thường ra cầu ao trước nhà sàn, ngồi cho cá ăn. Trước khi ném thức ăn xuống ao, bác vỗ tay mấy cái, tạo nếp quen cho cá, để gọi cá đến ăn. Khi cá lớn, Bác cho bắt để biếu đồng chí lãnh đạo, các cụ già và tặng các cháu bé. Bác còn cho nhân giống các loại cá từ trong ao của Bác để gửi đến các địa phương, phát triển nghề nuôi cá ở nước ta”.
Đọc thơ Bác, mọi người biết rằng, Bác rất yêu thiên nhiên:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Nhưng có đến vườn cây nhà Bác thì chúng ta mới thấy hết được lòng yêu thiên nhiên của Bác, và đó là một tình yêu mang tính nhân văn sâu đậm:
Ôi ! lòng Bác cứ thương ta,
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa.
Chỉ biết quên mình, cho hết thảy,
Như dòng sông chảy nặng phù sa.
(Thơ Tố Hữu)
Ngôi nhà sàn của Bác nằm giữa vườn cây tươi xanh, tỏa bóng trùm mát rượi. Bác sống sống giữa cỏ cây, hoa lá, chan hòa với thiên nhiên và làm cho thiên nhiên càng thêm tươi đẹp. Và ngược lại, thiên nhiên làm cho cuộc sống của Người thêm phong phú, lạc quan và thanh khiết.
Khuôn viên của vườn rộng 14 ha, có 161 loài cây với hơn 1.000 cây, gồm các loại cây ăn quả (vải, nhãn, táo, bưởi, cam,...), cây cho gỗ và bóng mát (đa, muỗm,…) và hoa (dâm bụt, phong lan, lài, phượng vĩ,…). Trong số cả ngàn cây trong vườn thì phần lớn Bác tự tay trồng và chăm sóc. Không những thế, Bác còn kêu gọi toàn dân trồng cây. Từ năm 1959, Người phát động phong trào “Tết trồng cây” và được toàn dân hưởng ứng nhiệt liệt, nhằm “làm cho nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tưoi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân”. Với việc đề xướng “Tết trồng cây”, có nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng, đó là ý tưởng đi trước thời đại trong việc giữ gìn môi trường thiên nhiên, một trong những quan tâm lớn của toàn cầu hiện nay.
Gần đầu hồi của ngôi nhà sàn có cây vú sữa do đồng bào miền Nam tặng Bác hồi đầu năm 1955. Chính Bác tự tay trồng cây vú sữa này, và mỗi ngày hai lần, trước và sau buổi làm việc, dù bận công việc đến mấy. Bác cũng để dành thời gian chăm sóc cây vú sữa thật chu đáo, Bác tưới nước, vun gốc, bắt sâu cho cây. Mùa đông lo cây không chịu nỗi thời tiết giá lạnh ở miền Bắc, Bác căn dặn những người phục vụ lấy rơm quấn quanh thân cây, lấy mùn tấp vào gốc cây. Mùa mưa bão, Bác nhắc nhở việc chằng chống cho cây khỏi ngã. Qua việc chăm bón cây vú sữa, Bác muốn gởi gắm tình thương yêu vô bờ bến đối với miền Nam “đi trước về sau”, “thành đồng tổ quốc”. Bác trồng cây vú sữa ở gần nơi ở và làm việc là để hằng ngày hoặc mỗi khi đi xa về, Bác được trông thấy cây vú sữa, vốn được xem là biểu tượng của miền Nam. Không lúc nào, Bác nguôi ngoai nỗi nhớ miền Nam. Thật đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà,
Miền Nam mong Bác nỗi mong cha.
Từ khi được Bác trồng đến nay, cây vú sữa đã được 67 tuổi, cành lá sum suê, thân cây đã bạc phếch màu năm tháng và ngọn vẫn vươn lên trời xanh, như là bằng chứng hiển nhiên của tình đoàn kết Bắc - Nam ruột thịt một nhà và tình cảm của Bác đối với miền Nam cũng như tấm lòng của người miền Nam đối với Bác.
Mỗi khi đi công tác ở nước ngoài, Bác thường mang về những giống cây quí do nước bạn tặng, để trồng trong vườn, và qua đó, làm cho hệ thực vật ở nước ta thêm phong phú, đa dạng như hai cây dừa Indonesia được Bác trồng ở cầu ao trước nhả sàn, ba cây cọ dầu đảo Hải Nam (Trung Quốc) được trồng cạnh nhà khách Phủ Chủ tịch, những cây thông dầu hôi châu Mỹ được trồng ở bên bờ ao cá, và rễ của nó nhô lên rất nhiều, liền nhau, có hình giống như ông bụt, nên bác gọi là là cây bụt mọc, vì thế, nhà thơ Tố Hữu mới viết câu thơ: “Bụt mọc dầm chân đứng đợi ai?”. Hoặc như những cây cau châu Phi, giống bưởi Cuba trái to, vỏ mỏng, mọng nước và ngọt, đặc biệt là hai cây xanh bốn mùa được trồng ở cạnh nhà sàn. Có một mẩu chuyện nhỏ về loài cây này. Vào một đêm đông rét mướt, nghe tiếng chổi tre quét đường của người công nhân vệ sinh, Bác thương lắm, suốt đêm không chợp mắt được. Sau đó, có lần viếng nước ngoài, thấy nước bạn có loại cây xanh bốn mùa, ít rụng lá, nhớ đến tiếng chổi tre đêm nào, Bác đề nghị bạn tặng cây và mang về nước trồng, rồi yêu cầu ngành lâm nghiệp nhân giống cây này ra để trồng trên đường phố giúp người công nhân quét đường đỡ đi phần nào sự vất vã. Ôi! Cao cả biết bao tấm lòng thương nước, thương dân của Bác - một vị Anh hùng giải phóng dân tộc, một Danh nhân văn hóa thế giới, nhưng rất gần gũi với đời thường, với quảng đại quần chúng nhân dân. Và chính điều đó tạo nên sự vĩ đại của Bác, của một nhân cách Hồ Chí Minh tuyệt đẹp.
Đối với những loại cây cho quả, như cam, bưởi đến mùa kết trái, Bác thường hái biếu mọi người, nhất là cụ già và trẻ em. Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô Titov khi đến thăm Bác hồi tháng 1-1962, được Bác dẫn ra vườn cam và nhận được cam biếu do tự tay Bác hái. Còn những giống cây quí thì Bác đề nghị ngành lâm nghiệp nhân giống ra để đưa về trồng ở các địa phương, như cây cọ dầu đảo Hải Nam, cây bưởi Cuba,... nhằm phục vụ cho nhu cầu kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân và tạo cảnh quan tươi đẹp cho thiên nhiên.
Thơ thẩn trong vườn cây nhà Bác, tôi mới thấy hết được ý nghĩa thâm thúy của câu nổi tiếng của Bác: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích mười năm trồng người”. Hy vọng rằng, “vườn bảo tồn gien” đặt tại nhà Bác sẽ lai tạo, nhân giống được nhiều loại cây quí hiếm cho gỗ nhiều, cho quả sai, cho hoa đẹp để đất nước ta mãi mãi là mùa xuân.