Điêu khắc gia Nguyễn Hải và tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ sáu - 15/04/2022 05:19
Điêu khắc gia Nguyễn Hải (1933-2012), người con yêu của Tiền Giang, nguyên là chiến sĩ của Tiểu đoàn 307 lừng danh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và trở thành sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, với cảm xúc của một cựu chiến binh hoạt động trên lĩnh vực mỹ thuật đối với chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (Thơ Tố Hữu), ông đã sáng tác mẫu tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ cao 1,2 mét bằng thạch cao; và mẫu tượng đã được trao tặng Giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc, được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2000, tác phẩm được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh; và đến đầu năm 2003, tác phẩm được Trung ương Đảng chọn và quyết định phóng lớn thành tượng đài để đặt trên đỉnh đồi D1, một cứ điểm quan trọng thuộc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp vào thời điểm 1954 và hiện nay tọa lạc tại trung tâm của thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2004).

Tượng đài Điện Biên Phủ.
Tượng đài Điện Biên Phủ.
Về sự kiện này, điêu khắc gia Nguyễn Hải tâm sự rằng, sau một chặng đường dài trên lĩnh vực hoạt động nghệ thuật đã để lại nhiều tượng đài rải khắp nước, ông không ngờ rằng ông lại được trở lại với bức tượng khởi đầu sự nghiệp điêu khắc của ông; và ông lại được sáng tạo không chỉ bằng tâm hồn của một người nghệ sĩ; mà còn bằng ý thức của một công dân đối với niềm tự hào bất diệt về dân tộc mình.

Đầu tháng 8/2003, Hội đồng nghệ thuật tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đã họp phiên thứ năm để duyệt và nghiệm thu phác thảo được phóng lớn theo tỷ lệ 1:1. Tại cuộc họp, các nhà điêu khắc nổi tiếng đều cho rằng, tượng đài của điêu khắc gia Nguyễn Hải là một tượng đài đẹp; giá trị thẫm mỹ và tư tưởng của tượng đài là một điều không thể bàn cãi nữa; và cho đến lúc bấy giờ, chưa có tác phẩm nào vượt qua tác phẩm của Nguyễn Hải về chất Điện Biên kiêu  hùng đã được lồng vào tác phẩm.

Tuy nhiên, phác thảo cũng cần chỉnh sửa lại ở một vài chi tiết nhỏ, như cán cờ cần phải kéo dài xuống; lá cờ phải được đặt trên ba điểm tựa (thay vì hai) để tạo nên sự vững chắc, bởi vì tượng đài được đặt trên đỉnh đồi cao 50 m, áp lực của gió rất lớn; phía cuối lá cờ phải nghiêng hơn nữa; các băng đạn được đeo trước ngực người chiến sĩ cần sửa lại cho thanh thoát hơn, nhưng vẫn phải đảm bảo tính khỏe khoắn, chân thật,…

Đặc biệt, cuộc họp đã được  Đại tướng Võ Nguyên Giáp  đến dự và cho những ý kiến rất quý báu và sâu sắc. Theo Đại tướng, trên lá cờ nhất thiết phải thêm dòng chữ “Quyết chiến, quyết thắng”, vì đây là lá cờ vinh dự được Bác Hồ trao cho quân đội ta trước khi vào chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng chính lá cờ đó đã phất phới tung bay kiêu hãnh trên nóc hầm của tướng de Castries vào chiều ngày 7/5/1954 lịch sử. Đại tướng cũng lưu ý thêm, tượng đài cần phải nói lên tầm vóc vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ, bởi vì đây không chỉ là  chiến thắng của riêng nhân dân ta; mà còn là chiến thắng có tính cách mở đầu của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa trong việc đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới; đồng thời, cũng cần phải xây dựng thêm một hệ thống tượng đài phụ, phù điêu, bia tưởng niệm, v.v… để tạo thành một quần thể tượng đài kỳ vĩ, phản ảnh cuộc kháng chiến mang tính anh hùng ca của nhân dân cả nước trong công cuộc chiến đấu và chiến thắng thực dân Pháp xâm lược.

Sau đó, tượng đài được khởi công xây dựng; và khánh thành vào ngày 30/4/2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.  Tượng có chiều cao 16,6 m, chất liệu bằng đồng thau, trong ruột kết cấu bê tông cốt thép, trọng lượng 220 tấn. Bệ tượng cao 3,6m kết cấu bê tông cốt thép, bên ngoài ốp đá mỹ nghệ, có 3 tầng hình chữ nhật xếp chéo lên nhau, gồm có hai mặt:

Mặt trước là hình tượng của hai anh “bộ đội Cụ Hồ” với một người trong tư thế phất cờ chiến thắng (lá cờ có diện tích 40 m², chính giữa có ngôi sao đường kính 2,8 m); một người bế em bé người Thái tay vẫy hoa đón chào chiến thắng. Tất cả đều ngước nhìn về phía lá cờ Tổ quốc đang phần phật tung bay trên bầu trời khoáng đãng, tự do. Hình tượng đó nói lên niềm khát khao độc lập, tự do của nhân dân ta cũng như quyết tâm của một dân tộc đã không ngại hy sinh, gian khổ trong công cuộc chiến đấu để giành lấy quyền độc lập, tự do ấy.

Mặt sau của tượng đài là một chiến sĩ hiên ngang, đang chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước. Toàn bộ khối tượng được đặt trên một bệ đá được làm giống như nóc hầm của viên bại tướng de Castries, có kích thước 6 m x 8 m.

Hiện nay, du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan Điện Biên Phủ sẽ trông thấy một tượng đài sừng sửng vươn lên trời cao, thể hiện khí phách anh hùng của một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến.

Đối với tỉnh nhà, điêu khắc gia Nguyễn Hải đã có những đóng góp quý báu. Đó là tượng đài Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, tượng đài chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, tượng đài Chiến thắng Ấp Bắc. Ông là một điêu khắc gia tài ba của đất nước, đã làm rạng danh quê hương Tiền Giang.
 

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập250
  • Máy chủ tìm kiếm75
  • Khách viếng thăm175
  • Hôm nay42,863
  • Tháng hiện tại800,278
  • Tổng lượt truy cập39,169,654
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây