Đồng chí Lê Văn Phẩm với mặt trận phía nam Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Thứ sáu - 15/04/2022 01:15
Đồng chí Lê Văn Phẩm (1922 - 1990) đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ đất nước hoà bình, độc lập, xây dựng chủ nghĩa xã hội, như Bí thư Tỉnh uỷ Mỹ Tho (1968-1971), Khu uỷ viên Khu 8 (Khu Trung Nam Bộ) kiêm Bí thư Tỉnh uỷ Mỹ Tho (1971-1974), Uỷ viên Ban Thường vụ Khu ủy Khu 8 (1974-1975), Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Tiền Giang (1976-1986). Giữa tháng 4-1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí là Tư lệnh phó Mặt trận Nam Sài Gòn.

Đồng chí Lê Văn Phẩm.
Đồng chí Lê Văn Phẩm.
1. Trong tháng 3/1975, với đà tiến công mạnh mẽ, ta đã kết thúc thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên và chiến  dịch Huế - Đà Nẵng. Thời cơ chiến lược mới đã xuất hiện. Ngày 1/4/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra quyết định thực hiện tổng công kích - tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện hoà bình, thống nhất nước nhà.

Trên địa bàn Khu 8, vào đầu tháng 1/1974, ta đã mở rộng vùng giải phóng ở nhiều khu vực quan trọng; các binh chủng của Quân khu cùng với quần chúng và lực lượng ba mũi (chính trị, quân sự, binh vận) đã áp sát, bao quanh thành phố Mỹ Tho.

Ngày 06/4/1975, đồng chí Huỳnh Châu Sổ, Bí thư Khu ủy Khu 8, đi nhận nhiệm vụ ở Trung ương Cục miền Nam.

Nhiệm vụ của Khu do Trung ương Cục giao là:

- Chia cắt chiến lược, cắt đứt hoàn toàn Lộ 4 (nay là Quốc lộ 1), kênh Chợ Gạo.

- Mở một mũi tiến công từ hướng nam đánh vào Sài Gòn, chiếm Bộ Tư lệnh cảnh sát ngụy, 1 trong 5 mục tiêu then chốt của chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

- Tự lực tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh, huyện, xã và toàn Khu.

Ngày 10/4/1975, tại căn cứ Khu ủy ở Long Trung phía nam Lộ 4 thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, Ban Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy họp quán triệt nhiệm vụ của Trung ương Cục và Quân ủy Miền giao, bàn cách tổ chức lực lượng, phân công triển khai, chỉ đạo các tỉnh. Cuộc họp kết thúc vào ngày 12/4/1975. Hội nghị đã có sự nhất trí cao giữa tấn công quân sự và nổi dậy của quần chúng, tấn công ba mũi quân sự, chính trị, binh vận để tự lực giải phóng các tỉnh, huyện, xã trong toàn Khu; đồng thời, tham gia giải phóng Sài Gòn.

Nghị quyết của Hội nghị được triển khai hết sức khẩn trương. Địch tuy hò hét tử thủ, nhưng sự thất bại của chúng đã rõ ràng. Tinh thần binh sĩ ngụy hoang mang, dao động và có xu hướng tan rã. Từ giữa tháng 4/1975, trên chiến trường Mỹ Tho, các lực lượng của Khu và của Mỹ Tho đã đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài của chúng, áp sát thành phố Mỹ Tho và liên tục đánh địch ở Lộ 4.

Trong lúc toàn Khu 8 đang triển khai toàn diện kế hoạch tổng công kích - tổng khởi nghĩa thì ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn, lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Nhiệm vụ mà Trung ương Cục và Quân ủy Miền giao cho Khu 8 rất quan trọng, nặng nề và nhiều khó khăn. Khu 8 vừa phải tự lực giải phóng tỉnh, huyện, xã trên địa bàn Khu; đồng thời, phải cắt đứt hẳn mạch máu giao thông thủy, bộ nối liền Sài Gòn với miền Tây và khẩn cấp tổ chức một sư đoàn nhẹ vừa hành quân vừa tác chiến, xuyên qua các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc, Bình Chánh thuộc tỉnh Long An đánh vào phía nam Sài Gòn.

2. Thực hiện nghị quyết của Khu uỷ, một sư đoàn nhẹ mang mật danh J50 được thành lập. Nhiệm vụ của đơn vị này là tấn công vào phía nam Sài Gòn và chiếm Bộ Tư lệnh cảnh sát ngụy. Bộ Chỉ huy của J50 gồm các đồng chí Huỳnh Văn Mến, Khu uỷ viên, Phó tư lệnh Quân khu làm Tư lệnh; Võ Văn Thạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy, Phó chính ủy Quân khu làm Chính ủy; Lê Văn Phẩm, Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy làm Phó Tư lệnh; Nguyễn Văn Chiểu, Tỉnh đội trưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An, Phó Tư lệnh.

Từ ngày 12/4/1975, J50 đã bắt đầu hành quân để đảm bảo đúng ngày N có mặt ở bàn đạp xuất phát tiến công. Theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Miền, J50 gồm các trung đoàn 1, 24 và 271, tiểu đoàn pháo mặt đất, tiểu đoàn pháo cao xạ,… Nhưng trung đoàn 1 đang hoạt động ở Bến Tre chưa về kịp, trung đoàn 271 từ Bắc Long An không vượt qua được tuyến ngăn chặn của sư đoàn 22 ngụy trên Lộ 4, đoạn Bến Lức - Thủ Thừa. Do đó, Bộ Chỉ huy J50 đề nghị và được cấp trên chấp thuận là đưa trung đoàn 88 vào đội hình chiến đấu, thay cho trung đoàn 1; hai tiểu đoàn của tỉnh Long An thay cho trung đoàn 271. Như vậy, lực lượng của J50 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh mặt trận phía Nam Sài Gòn có trung đoàn 88, trung đoàn 24, 2 tiểu đoàn tỉnh Long An, tiểu đoàn pháo mặt đất và tiểu đoàn pháo cao xạ. J50 được hình thành trong quá trình hành quân đến mục tiêu. Các đơn vị của J50 đều có bề dày chiến đấu, do những cán bộ dày dạn kinh nghiệm chỉ huy, đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ.

3. Lúc bấy giờ, tình hình địch đang xáo động mạnh. Một số nơi, hệ thống đồn bót, lực lượng phòng vệ dân sự, bộ máy kìm kẹp của địch ở xã, ấp tự tan rã. Thế và lực của cách mạng đang áp đảo địch ở khắp nơi. Nhân dân náo nức chờ lệnh tổng tiến công.

Đồng chí Lê Văn Phẩm với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Khu uỷ Khu 8 phụ trách Khu vực 3, Phó tư lệnh J50 Mặt trận Nam Sài Gòn, đã xuống chiến trường, đến khu vực Chợ Gạo - Mỹ Tho, Châu Thành, Tân An, Tân Trụ - Long An trực tiếp chỉ đạo các huyện tổ chức lực lượng ba mặt (chính trị, quân sự, binh vận) sẵn sàng cùng J50 diệt đồn bót, phá kìm, mở hành lang tiến quân.

Từ giữa tháng 4/1975, quân dân ta đã giải phóng phần lớn huyện Chợ Gạo; diệt 20 đồn bót ở huyện Tân Trụ, giải phóng 4 xã ở huyện Châu Thành, 15 xã ở vùng hạ Tân Trụ, thượng Cần Đước và hạ Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Song song đó, các đơn vị thuộc J50 thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy đã bắt đầu tiến công địch. Trung đoàn 24 đang triển khai đánh chiếm căn cứ Đồng Tâm (huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho) của sư đoàn 7 ngụy thì được lệnh hành quân về nam Long An nhận nhiệm vụ mới.

Đêm 14/4/1975, toàn trung đoàn vượt qua Lộ 4 về đứng chân ở huyện Chợ Gạo sát ranh giới tỉnh Long An.

16 giờ ngày 15/4/1975, Bộ Chỉ huy J50 tổ chức hội nghị giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc tại xã Thạnh Phú Long, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.

Tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thạnh, Chính ủy Bộ Chỉ huy J50, sau khi thông báo vắn tắt tình hình đang diễn ra rất khẩn trương, nêu rõ yêu cầu nhiệm vụ:

- Quân khu 8 có vinh dự tổ chức cánh quân đánh từ Long An vào thẳng vùng ven Sài Gòn ở quận 8; sau đó, sẽ nhận nhiệm vụ tiếp theo.

- Lực lượng bao gồm toàn thể các đơn vị của J50. Nhiệm vụ chung là tiến công thần tốc, mở đường theo trục đường 5B đến rạch Cần Giuộc vào ngày “X” (ngày 27/4/1975). Trung đoàn 24 đảm nhiệm chủ công đi đầu, tiếp sau là Trung đoàn 88 dự bị, sau cùng là các tiểu đoàn của tỉnh Long An.

- Tiến công trong hành tiến là chủ yếu, tiêu diệt, bức rút, bức hàng toàn bộ hệ thống đồn bót trên trục tiến công kể cả các lực lượng địch đi giải tỏa, bảo đảm hành lang an toàn từ phía sau ra phía trước.

- Mục tiêu chủ yếu của Trung đoàn 24 trước mắt là tiêu diệt đánh chiếm chi khu Cần Giuộc. Trung đoàn 88 tiêu diệt chi khu Tân Trụ.

Từ ngày 17/4 - ngày 26/4, lực lượng vũ trang của ta lần lượt đánh chiếm hàng loạt các đồn bót của địch từ huyện Cần Đước sang huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), chỉ còn một số ít đồn ở dọc Lộ 5A và chi khu Cần Giuộc là còn tồn tại.

Tối ngày 27/4, toàn bộ lực lượng của ta đã tập kết ở nam sông Cần Giuộc. Sau hai ngày chuẩn bị kế hoạch cụ thể đánh vào Sài Gòn từ hướng nam, lúc 17 giờ ngày 29/4/1975, các đơn vị thuộc J50 rời khỏi địa hình, hình thành hai cánh quân tiến về phía bắc nhằm hướng cầu Chữ Y và cầu Nhị Thiên Đường (Quận 8). Đúng 5 giờ sáng ngày 30/4/1975, bộ đội nổ súng tiến công. Đến 8 giờ sáng, ta chiếm cầu Nhị Thiên Đường; 8 giờ 30 phút chiếm cầu Chữ Y. Địch ở các nhà cao tầng dùng đại liên bắn mạnh vào cầu Chữ Y và cầu Nhị Thiên Đường hòng ngăn bước tiến của bộ đội ta. Bộ Chỉ huy J50 cho một bộ phận đơn vị ở lại vị trí hai chiếc cầu đánh kìm chân địch; còn đại bộ phận vượt qua hoả lực ngăn chặn, tiến thẳng vào trung tâm thành phố Sài Gòn. 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, các đơn vị J50 đánh chiếm Tổng nha cảnh sát nguỵ. Đến 11 giờ cùng ngày, ta chốt chặn các cổng ra vào, kiểm soát toàn bộ tình hình. Khoảng 1.000 tên địch ở đây vứt bỏ sắc phục cảnh sát giơ tay xin hàng.

Như vậy, vào trưa ngày 30/4/1975, các đơn vị của J50 đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang, góp phần vào việc giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) và cả miền Nam “thành đồng Tổ quốc”. Trong chiến công sáng ngời đó, có sự đóng góp tích cực của đồng chí Lê Văn Phẩm, Ủy viên Ban Thường vụ Khu uỷ Khu 8, Phó Tư lệnh J50 ở Mặt trận Nam Sài Gòn.

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập440
  • Máy chủ tìm kiếm67
  • Khách viếng thăm373
  • Hôm nay49,548
  • Tháng hiện tại1,689,297
  • Tổng lượt truy cập40,058,673
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây