Còn sống là còn đấu tranh

Thứ bảy - 22/04/2023 08:14
Chú Nguyễn Văn Hạnh (tên thường gọi là chú Sáu Hạnh), hiện ngụ ấp Phú Hữu, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Chú là tù binh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - một trong những chiến sĩ cách mạng kiên trung, dám đấu tranh trực diện với quân thù trong những ngày bị giam cầm tại nhà tù Phú Quốc.

Năm 1961, chú Sáu Hạnh tham gia cách mạng khi mới 19 tuổi. Với lòng quả cảm, gan dạ trong chiến đấu, không bao lâu chú được giao giữ chức Đội trưởng đội du kích xã Phú Thạnh Đông (nay là xã Phú Tân). Năm 1967, trong một trận chống càn không cân sức, chú bị bắt. Sau 8 tháng giam giữ tại Cần Thơ, chúng đưa chú ra nhà tù Phú Quốc, nơi được bao bọc dày đặc bởi hàng rào thép gai, bên ngoài thì bọn quân cảnh tuần tra rất nghiêm ngặt. Khi vào nhà tù Phú Quốc, mỗi tù nhân đều trải qua sự đánh đập dã man của bọn cai ngục. Cửa vào khu giam giữ, bọn cai ngục đứng theo hình tam giác, dùng cây dầu vuông đánh mạnh vào các tù nhân khi đi vào cửa theo hình tam giác. Bởi vậy, các tù nhân gọi là “cửa ải tam giác”. Người bị nặng thì ngã quỵ, nhẹ thì mình mẩy tím bầm.

Mỗi khu nhà tù có 10 trại, mỗi trại có 100 tù nhân. Cuộc sống bẩn chật, thiếu thốn. Quần áo 6 tháng 01 bộ, nước sinh hoạt mỗi ngày 02 ca, cơm không đủ no, thức ăn ôi thiu, thường xuyên bị cắt xén,… Trong nhà tù, chú Sáu Hạnh đã cùng với anh em tù nhân đoàn kết đấu tranh, đòi hỏi chế độ ăn uống. Mỗi trại đều có tổ trưởng và tổ phó để lãnh đạo mọi người cùng nhau tuyệt thực, đòi hỏi bọn địch phải đáp ứng yêu cầu về ăn uống, quần áo, tắm giặt,… Trước khi tuyệt thực, chú Sáu Hạnh cùng mọi người chuẩn bị cơm khô, muối hột,…

Giải thích cho chúng tôi nghe về việc sử dụng muối hột trong đấu tranh tuyệt thực với giặc, chú Sáu chậm rãi nói: Chỉ cần ngậm một ít muối hột, uống vào một ngụm nước là có thể chống đói được vài giờ. Cứ thế, nhịn đói được nhiều ngày tuyệt thực, đấu tranh với giặc!

Sau khi tuyệt thực nhiều ngày, địch vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của ta. Chú Sáu cùng với các tù nhân “giả chết” nằm sát rạt hai bên trại tù, chừa lối đi ở giữa. Thấy vậy, bọn quân cảnh ngụy vào kiểm tra. Một tên đang đi giữa lối. Bất ngờ, chú Sáu cùng mọi người bật dậy tóm lấy hắn, trói lại. Ra điều kiện, phải đáp ứng các yêu cầu về chế độ ăn uống, quần áo, tắm giặt cho tù nhân thì mới thả tên này ra. Cuối cùng, địch cũng phải chấp thuận theo yêu cầu của ta.

Nhiều trại tù nhân cùng tuyệt thực một lúc, lại còn “giả chết” để bắt trói quân cảnh ngụy, uy hiếp bọn địch. Chúng biết có người tổ chức lãnh đạo cho nên đã bắt những anh em mà chúng nghi ngờ là lãnh đạo. Trong số đó có chú Sáu Hạnh. Chúng đưa tất cả anh em vào phòng biệt giam và tổ chức bắn hơi cay, hơi ngạt vào trong phòng. Đây là một trong những hình thức tra tấn dã man của địch tại nhà tù Phú Quốc. Bị hơi cay bắn vào trong trại, nhiều tù nhân không chịu nổi, sặc sụa, chảy nước mắt, nước mũi, có người ngất xỉu. Các lần sau, chú Sáu Hạnh cùng anh em tù nhân dùng thùng phuy chứa nước tiểu. Khi bọn giặc bắn hơi cai vào trong trại, mọi người dùng khăn nhúng vào thùng nước tiểu rồi đắp lên mặt, chống hơi cay rất hiệu quả, không ai bảo ai, tất cả mọi người đều làm một cách bình thường. Bởi vì trong mỗi tù binh cũng như chú Sáu Hạnh lúc bấy giờ đều có chung suy nghĩ: “Còn sống là còn đấu tranh” trực diện với quân thù cho đến ngày thắng lợi cuối cùng.

Ngày 13-3-1973, chú Sáu Hạnh cùng các đồng chí khác được trao trả tại Lộc Ninh theo Hiệp định Pa-ri. Ra tù, chú tiếp tục công tác trong Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Gò Công cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975. Sau đó, chú chuyển sang công tác tại Công ty chiếu bóng Tiền Giang đến năm 1980, xin nghỉ về nhà làm kinh tế gia đình.

Hiện nay, vợ chồng chú Sáu Hạnh sống trong căn nhà cấp 4 tuy đơn sơ, giản dị, nhưng ấm êm hạnh phúc cùng con cháu. Trước nhà là thửa ruộng sản xuất theo mô hình tôm lúa của vùng quê ven biển, sau nhà chăn nuôi gà vịt. Đó chính là niềm vui của người tù chính trị năm nào với quyết tâm “Còn sống là còn đấu tranh” với địch. Chú là hội viên Hội Cựu chiến binh gương mẫu, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập438
  • Máy chủ tìm kiếm61
  • Khách viếng thăm377
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,661,084
  • Tổng lượt truy cập40,030,460
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây