Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước của nhân dân ta đã để lại biết bao chiến công oanh liệt, sự hy sinh cao cả của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Qua lời kể của cựu tù kháng chiến Thái Ngọc Hổ, sinh năm 1936, là đảng viên, cán bộ cao niên hưu trí, hội viên Hội Người cao tuổi. Hiện ông cư ngụ tại ấp 5, xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, để thấy được truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần kiên trung, bất khuất của nhân dân ta trước quân thù, hun đúc, tô thắm thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Ông Thái Ngọc Hổ xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu lòng yêu nước. Năm 1960, ông tham gia hoạt động cách mạng, được tổ chức giao là du kích mật của xã Đạo Thạnh. Đến tháng 6/1962, ông là Tổ trưởng Tổ vũ khí của xã Đạo Thạnh, đến ngày 12/12/1963, ông được tổ chức bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Ngày 10/4/1964, ông được bổ nhiệm là Chi ủy viên Chi bộ xã Đạo Thạnh, được phân công phụ trách Ban Dân vận của xã. Đến năm 1967, ông được bầu làm Phó Bí thư thường trực của xã, đến năm 1968, ông chính thức được bầu làm Bí thư Chi bộ xã Đạo Thạnh. Tháng 6/1969, địch khui hầm bí mật, ông bị bắt. Địch giải ông Mười Hổ giao cho Tiểu khu (An ninh quân đội) thuộc tỉnh Định Tường. Địch tiếp tục tìm mọi cách tra tấn ông, ông vẫn không khai, bọn chúng tra điện, đổ nước xà bông vào họng, ông vẫn không khai, địch giải ông qua Phòng 3 Trại giam Khám đường Mỹ Tho. Ở nơi này khoảng 04 tuần lễ, được tổ chức chi bộ trại giam động viên, làm công tác tư tưởng và chi bộ trại giam phân công ông làm Phó Bí thư Chi bộ Đảng Trại giam Mỹ Tho, ông Lê Văn Sáu (ông Sáu Thế Hùng) làm Bí thư. Chủ trương của Chi bộ Trại giam lúc bấy giờ là “Chống không cho giặc bắt số cán bộ trại giam đưa đi tra tấn vào ban đêm” và chuẩn bị nội dung, tiến hành tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ kính yêu vào ngày 04/9/1969. Cả Chi bộ đồng lòng, bất chấp sự đàn áp của Ban cai ngục.
Chi bộ Trại giam có radio nhỏ dùng để theo dõi nắm bắt tình hình bên ngoài, nhất là Đài Giải phóng. Đến tháng 1/1970, Ban cai ngục đày 63/92 cán bộ tù nhân đến Trại giam Cần Thơ, trong đó có ông Thái Ngọc Hổ. Khi đến sân bay Trà Nóc, địch đưa tù binh vào trại giam, bị tra tấn, đánh đập dã man, tù nhân phản đối kịch liệt với cai ngục, đòi hỏi cai ngục thực hiện ngay chế độ tù binh quốc tế. Sau cuộc tuyệt thực đấu tranh của tù nhân, Ban cai ngục lục ra danh sách 06 người, trong đó có ông Thái Ngọc Hổ, 06 tù nhân bị tra tấn vô cùng dã man, tất cả không một lời khai báo, cai ngục cho nhốt vào chuồng cọp. Đảng ủy đấu tranh tuyệt thực, đòi hỏi cai ngục trả tự do 06 tù nhân và yêu cầu chúng thực hiện ngay chế độ tù binh quốc tế. Sau gần một tháng, cai ngục đày 105 tù nhân, từ trại giam tù binh Cần Thơ đi nhà tù Phú Quốc, ông Thái Ngọc Hổ ở lại. Đến tháng 9/1970, cai ngục làm nhục tù nhân, chúng bắt tù nhân giặt đồ dơ của vợ, con cai ngục. Đảng ủy đấu tranh quyết liệt không làm theo việc tồi tệ của chúng và đả đảo Thiệu - Kỳ, đả đảo cai ngục, ông Thái Ngọc Hổ bị cai ngục tra tấn dã man, tra điện, tạt nước sôi đến ngất xỉu, ông được đồng chí trong Đảng ủy trại giam chăm sóc tận tình.
Qua 07 ngày đấu tranh quyết tử với cai ngục, chúng ngày càng thâm độc hơn, lọc ra danh sách 03 cán bộ trong Đảng ủy trại giam, trong đó có ông Thái Ngọc Hổ mà cai ngục quả quyết rằng họ cầm đầu mọi cuộc đấu tranh chống lại chúng. Đến cuối tháng 12/1970, cai ngục tiếp tục đày 100 tù binh đi trại giam Phú Quốc, trong đó có ông Thái Ngọc Hổ. Khi tù nhân vừa đến sân bay Phú Quốc, cai ngục đàn áp, đánh đập dã man, chúng lược ra 53 tù nhân, có ông Hổ phải chịu chiêu hồi, ông Hổ chống lại: “Tao thà chết tại đây, chứ không đầu hàng bọn bây”, cai ngục tra tấn ông rất tàn nhẫn, dã man, chúng đánh ông bằng roi cá đuối, ông chửi bọn cai ngục là: “Tao không chiêu hồi, không khuất phục, không đầu hàng bọn bây”. Cai ngục tiếp tục lọc ra 05 tù nhân nữa, có ông Hổ đưa qua trại giam C.5 ở trên đồi, thời tiết rất khắc nghiệt, mỗi phòng 01 người. Ở tại khu trại giam C.5 4 tuần, tổ chức Đảng ủy khu C.5 mới biết ông Thái Ngọc Hổ là Phó Bí thư Đảng ủy Trại giam Cần Thơ. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Đảng ủy trại giam lên kế hoạch tiếp tục đấu tranh với cai ngục đòi dân sinh, dân chủ, đòi Thiệu - Kỳ phải thực hiện chế độ tù binh quốc tế. 15 ngày sau, cai ngục chuyển hết số cán bộ tù nhân trại giam C.5 đến A.5 - Đảng ủy tổ chức đào đường hầm để 26 cán bộ cao cấp thoát khỏi trại giam A.5, tù nhân còn lại bị cai ngục hung hăng, tra tấn tàn bạo, dã man hơn, tra điện, tạt xà bông, tạt nước sôi vào người, có tù nhân bị kiệt sức, Đảng ủy phải đem về chăm sóc, cứu chữa.
Cai ngục chuẩn bị kế hoạch chuyển số tù nhân từ khu trại giam A.5 trở lại khu trại giam C.5. Khi tù nhân về đến trại giam C.5. Đảng ủy tiếp tục đấu tranh với cai ngục. Chúng bắt làm hàng rào, tù nhân chống lại không làm, đấu tranh đòi chúng thực hiện dân sinh, dân chủ, đòi cai ngục thực hiện nghiêm chỉnh chế độ tù nhân quốc tế. Ở giai đoạn này, đấu tranh với bọn cai ngục quyết liệt nhất, tù nhân bắt sống quân cảnh lột hết quần áo đòi chúng phải ngừng ngay sự đàn áp tù nhân và phải thực hiện chế độ tù nhân quốc tế. Cuộc đấu tranh với cai ngục kéo dài đến 15 ngày. Cuối cùng, cuộc đấu tranh được chấp nhận và chúng yêu cầu trả tự do cho lính quân cảnh mà tù nhân canh giữ.
Ngày 23/3/1973, ông Thái Ngọc Hổ và tất cả tù binh được trao trả tại bờ sông Thạch Hãn, tổ chức đón nhận, động viên ông làm công tác tư tưởng và sau đó cử ông đi học ở trường Nguyễn Ái Quốc 4 - Hà Nội. Khi đi học, ông được tổ chức trường Nguyễn Ái Quốc phân công ông là Phó Bí thư và ông Nguyễn Văn Đầy - Tuyên huấn tỉnh Mỹ Tho làm Bí thư Trường Nguyễn Ái Quốc 4. Khi học xong, ông Thái Ngọc Hổ trở về miền Nam, được tổ chức tiếp tục phân công nhiệm vụ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).