Anh hùng dân tộc Trương Định - vị tướng trong lòng người Gò Công và nhân dân cả nước

Thứ tư - 14/08/2024 04:33
Trương Định sinh năm 1820 tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi; thuở nhỏ tướng mạo khôi ngô, xuất thân trong một gia đình nhà quan, sớm làm quen với binh thư đồ lược nên tinh thông võ nghệ. Nguyễn Đình Chiểu đã từng ca ngợi: “Pháp binh trăm trận đã làu, võ nghệ mấy ban cũng trải”.
Tượng đài Trương Định tại TP.Gò Công, Tiền Giang.
Tượng đài Trương Định tại TP.Gò Công, Tiền Giang.
Theo Nguyễn Thông trong Lãnh binh Trương Định truyện, ông có “trang mạo khôi ngô, thông hiểu binh thư và bắn giỏi”. Sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Trương Định am hiểu võ nghệ, dũng cảm, mưu lược”. Paulin François Alexandre Vial, nguyên Trưởng đồn kiêm Giám đốc bản xứ sự vụ Gò Công, Giám đốc Nội vụ Nam kỳ, trong quyển Những năm đầu tiên ở Nam kỳ cho biết, ông cao lớn, nước da trắng, dáng người thanh tú.

Năm 1844, cha của ông là Trương Cầm vào tỉnh Gia Định nhận chức Lãnh binh. Ông được đi theo và sau đó, kết hôn với Lê Thị Thưởng, vốn là con gái của một hào phú ở Tân Hòa (Gò Công). Năm 1854, nhờ sự trợ giúp của gia đình bên vợ, ông xuất tiền của, mộ dân lập đồn điền Gia Thuận (nay huyện Gò Công Đông) để khai hoang vùng đất này. Vì thế, ông được triều đình phong chức Phó quản cơ.

NHẬN TƯỚC VỊ “BÌNH TÂY ĐẠI NGUYÊN SOÁI” DO DÂN PHONG

Năm 1854, nhà Nguyễn có chính sách cho phép dân Nam kỳ được phép mộ dân lập đồn điền, Trương Định đã bỏ tiền của, mộ dân nghèo khẩn đất hoang để lập đồn điền và được phong tước Phó quản cơ (thời kỳ này, triều Nguyễn quy định ai mộ được một đội 50 người thì bổ phụ hàm Suất đội, ai mộ đủ một cơ 500 người thì bổ phụ hàm Phó Quản cơ).

Năm 1859, quân Pháp hạ thành Gia Định. Với lòng yêu nước nồng nàn, ông đã chỉ huy dân quân đồn điền Gia Thuận phối hợp với quân triều đình tiến đánh quân địch ở vùng Thuận Kiều và lập được nhiều chiến công. Vì vậy, đến tháng 10-1860, ông và nghĩa sĩ, bao gồm 50 người, được vua Tự Đức “thưởng cho gia trật hoặc kỷ lục, ngân tiền”.

Thành Gia Định thất thủ, Trương Định đem quân đóng ở Thuận Kiều (Chợ Lớn), ông thường đi tiên phong trong các trận đánh, lập nhiều chiến công, như phục kích giết tên đại úy thủy quân lục chiến Barbé của Pháp ngày 7-12-1860 tại chùa Khải Tường (vị trí chùa nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, số 28, đường Võ Văn Tần, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).

Đầu năm 1861, sau trận ở Phú Thọ - Sài Gòn, Trương Định về Gò Công, tích trữ lương thực, rèn đúc vũ khí và chiêu mộ nghĩa quân, vây đánh nhiều đồn giặc Gia Thạnh, Rạch Gầm…

Tháng 4-1861, quân Pháp lần lượt đánh chiếm Mỹ Tho và Gò Công. Với quyết tâm chống quân xâm lược, Trương Định đã chiêu mộ 6.000 nghĩa sĩ dựng cờ khởi nghĩa. Vì thế, ông được triều đình phong chức Quản Cơ rồi thăng lên Phó Lãnh binh tỉnh Gia Định. Bên cạnh đó, ông còn ra sức xây dựng căn cứ kháng chiến Tân Hòa ở Gò Công.

Cuộc khởi nghĩa do Trương Định lãnh đạo có sự liên kết chặt chẽ với nhiều cuộc khởi nghĩa khác, như khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực ở Tân An, Trần Xuân Hòa, Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân ở Ba Giồng,...

Ngày 22-6-1861, nghĩa quân Đỗ Trình Thoại tấn công quân Pháp ở đồn Gò Công. Cuộc tập kích này đã làm tên lính thủy Bodiez phải tử trận, tên trung úy Vial bị đâm trọng thương. Thế nhưng, thủ lãnh Đỗ Trình Thoại đã anh dũng đền nợ nước. Qua ngày hôm sau, để trả thù cho Đỗ Trình Thoại, Trương Định chỉ huy nghĩa quân đánh vào đồn Gò Công, gây cho địch nhiều thiệt hại. 

Trong tháng 9-1861, ông chỉ huy nghĩa quân tiến hành trừng trị những tên tay sai chỉ điểm cho giặc, tiêu biểu là vụ bắt bá hộ Huy ở Đồng Sơn (nay huyện Gò Công Tây) phải đền tội phản quốc.

Sau đó, hoạt động quân sự của nghĩa quân Trương Định đã diễn ra liên tục. Ngày 30-12-1861, tấn công đồn Kỳ Hôn (nay TP. Mỹ Tho). Ngày 10-01-1862, tấn công đồn Gia Thạnh (nay huyện Chợ Gạo); ngày hôm sau, với 10 chiến thuyền, nghĩa quân lại đánh đồn Rạch Gầm (nay huyện Châu Thành).

Từ ngày 28-2 đến 6-3-1862, nghĩa quân Trương Định hoạt động mạnh vùng chợ Cũ - Mỹ Tho. Đầu năm 1862, trận nổi bật của nghĩa quân Trương Định là tấn công Chợ Lớn, thiêu hủy nhiều cơ sở, trong đó có kho đạn của địch. Với những chiến công liên tiếp, Trương Định được thăng chức Phó Lãnh binh Gia Định.

Tháng 3-1862, giặc Pháp tấn công chiếm thành Vĩnh Long, vua Tự Đức hoảng sợ, từ chủ chiến chuyển sang chủ hòa, cử Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định ký Hiệp ước Nhâm Tuất ngày 5-6-1862 cắt 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ (Biên Hòa, Gia Định và Định Tường) cho Pháp đổi lấy thành Vĩnh Long. Triều đình ra lệnh cho Trương Định bãi binh, phong chức Lãnh binh An Hà, buộc phải bãi binh ở Tân Hòa và gấp rút nhận chức mới ở tỉnh An Giang, nhưng nhân dân Gò Công và nghĩa quân đề nghị ông ở lại để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong lúc đang lưỡng lự giữa ý dân và lệnh vua chưa biết ngã về đâu, Trương Định nhận được thư của nghĩa hào huyện Tân Long (Chợ Lớn), tỏ ý muốn cử ông làm chủ soái 3 tỉnh miền Đông để giết giặc. Cảm sự tín nhiệm của những người yêu nước và nhân dân, ông gạt bỏ lệnh của triều đình và nhận tước vị “Bình Tây đại nguyên soái” do dân phong.

ANH DŨNG CHIẾN ĐẤU, TUẪN TIẾT

Dưới ngọn cờ “Bình Tây đại nguyên soái”, ông động viên nhân dân đào hào đắp lũy, bố trí trận địa, xây dựng chiến tuyến phòng giữ những nơi hiểm yếu, mặt Đông ra tận biển, mặt Tây lên đến Gò Công Tây. Hiện nay, những nơi này vẫn còn các di tích như: Chiến lũy pháo đài xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông; lũy trại cá ở xã Tăng Hòa, ao Dinh ở xã Tân Phước và Đám lá tối trời ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông; lũy Đồng Sơn ở xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây; lũy Dung Giang ở xã Bình Đông, Thành phố Gò Công và vịnh đá hàn, nơi nghĩa quân Trương Định lấy đá ngăn sông cửa Tiểu…

Mặt khác, Trương Định chọn những sĩ phu có tâm huyết làm tri phủ, tri huyện ở nhiều nơi thuộc 3 tỉnh miền Đông, ngay cả trong vùng địch đang chiếm đóng, để vận động sức người, sức của phục vụ cho cuộc kháng chiến. Trương Định ra lời hịch rất thống thiết hô hào các tầng lớp nhân dân chiến đấu giết giặc.

Trương Định còn liên kết chặt chẽ với các phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ với các sĩ phu yêu nước: Thủ Khoa Huân ở Mỹ Tho - Chợ Gạo; Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười; Nguyễn Đình Chiểu, Phan Tòng ở Bến Tre; Nguyễn Trung Trực, Phan Đạt ở Tân An; Bùi Quang Diệu, Đỗ Quang ở Cần Giuộc… Do đó, thanh thế và lực lượng của ông ngày càng lớn mạnh, khiến kẻ thù phải lo sợ.

Hòng quật ngã ngọn cờ hiệu triệu của Trương Định, giặc Pháp lại dùng mưu gian. Một mặt chúng thúc giục quan tỉnh Vĩnh Long và Phan Thanh Giản gửi thư xuống lệnh buộc Trương Định bãi binh, nộp khí giới thì chúng mới trả thành Vĩnh Long. Một mặt chúng bắn tin thư chiêu dụ Trương Định đầu hàng. Mặc cho bọn quan triều hèn nhát và bọn giặc Tây xảo quyệt thuyết phục, đe dọa, lập trường của Trương Định vẫn không thay đổi.

Thất bại trong âm mưu chiêu hàng, năm 1862 giặc Pháp hạ lệnh tấn công Sơn Quy - là nơi đóng tổng hành dinh - bằng một lực lượng tập trung khá lớn. Trương Định lập kế hoạch dụ địch vào chỗ đầm lầy, bưng sình, giết được nhiều tên. Tuy nhiên, để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài với giặc, Trương Định vừa bố trí những trận phục kích trên đường tiến quân của giặc, vừa cho quân rút an toàn về “Đám lá tối trời” vùng Phước Thuận (nay thuộc 2 xã Tân Phước và Gia Thuận, huyện Gò Công Đông).

Từ đây, Trương Định đã ra tuyên ngôn với danh nghĩa nhân dân Gò Công khẳng định với giặc là quyết tâm đánh đuổi chúng đến cùng, dù không có vũ khí tối tân thì dùng gậy gộc để đánh giặc. Giặc Pháp bao vây “Đám lá tối trời”, truy kích Trương Định và nghĩa quân.

Thấy được những mặt bất lợi của căn cứ địa Gò Công là đồng bằng bằng phẳng, trống trải dễ bị giặc bao vây tiêu diệt, Trương Định rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Gò Công, chọn Lý Nhơn - Cần Giờ, một vị trí nằm giữa vùng đất phù sa có rừng dừa nước che kín giáp ranh Biên Hòa - Đồng Nai làm đại bản doanh.

Để có thời gian củng cố lực lượng, Trương Định cho phân tán nghĩa quân thành nhiều toán nhỏ. Tuy nhiên, việc xây dựng căn cứ mới gặp nhiều khó khăn, nhất là phải đối phó với thủ đoạn thâm độc của thực dân Pháp.

Sau khi chiếm Gò Công, ngày 12-3-1863, Thiếu tướng của quân đội Pháp là Bonard ra một tờ thông tri, với những nội dung: Xử tử hình người cầm đầu nghĩa quân, tịch thu tài sản, tổng số thuế năm 1862 được thu một lần, giao nộp toàn bộ vũ khí, cưỡng bức nhân dân lao dịch (làm đường, phá hủy đồn lũy của nghĩa quân)…

Để gây ảo tưởng hòa hoãn, hòa bình trong quần chúng nhân dân, Bonard và đại diện Chính phủ Tây Ban Nha tại Sài Gòn là Palanca ra Huế đề nghị triều đình nhà Nguyễn xúc tiến phê chuẩn Hiệp ước 1862 nhận lại thành Vĩnh Long, chuẩn bị sứ bộ sang Pháp chuộc 3 tỉnh miền Đông.

Để đối phó với âm mưu của giặc, Trương Định khẩn trương củng cố lực lượng, mua vũ khí, mộ thêm quân, nhiều toán nghĩa quân đi khắp nơi để vận động quần chúng. Địa bàn hoạt động từ vùng rừng núi Biên Hòa, Tây Ninh đến Sài Gòn, Đồng Tháp Mười… Những bài hịch của ông xuất hiện khắp nơi, ngay cả ở Mỹ Tho. Ông liên hệ chặt chẽ với Thiên Hộ Dương, cử người ra miền Trung mua thuốc đạn.

Thoát cuộc bố ráp truy kích của giặc ở Lý Nhơn, Trương Định trở về “Đám lá tối trời”, một mặt xây dựng lại lực lượng và cơ sở kháng chiến, một mặt truyền hịch đi khắp nơi lên án dã tâm xâm lược của kẻ thù và kêu gọi sĩ phu, mọi người hãy đứng lên, góp công, góp sức, hiến kế giúp ông đánh giặc, đó là Hịch Quản Định tháng 8-1864. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Trương Định, một làn sóng kháng chiến lại sôi nổi ở Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Cần Giuộc, Chợ Lớn, Biên Hòa… làm cho giặc Pháp càng sốt ruột và càng ra sức truy tìm để diệt ông.

Về phía giặc Pháp, chúng liên tiếp áp dụng thủ đoạn thâm độc là cho bọn mật thám, bọn phản bội ráo riết theo dõi mọi hoạt động của nghĩa quân, bằng mọi cách phải phát hiện tung tích của Trương Định. Những mánh khóe gian ác của giặc đã có tác dụng đối với tên Việt gian Huỳnh Văn Tấn khét tiếng lúc bấy giờ, từng là thuộc hạ thân tín của Trương Định.

“Đánh hơi” được Trương Định về xã Phước Lộc (nay là ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) cùng 25 nghĩa quân đóng trong nhà của một người tâm phúc, Huỳnh Văn Tấn cho quân bao vây, đột nhập vào nhà đêm 19 rạng sáng ngày 20-8-1864. Trương Định và những nghĩa quân của ông chống trả quyết liệt. Ông giết được một số tên địch, nhưng bản thân bị thương nặng, biết mình không sống được và quyết không để rơi vào tay giặc, sẵn gươm trong tay, ông điểm mặt tên Tấn rồi đâm vào bụng tự sát.

NHÂN DÂN TRỌNG VỌNG

Hơn 5 năm chiến đấu tính từ ngày giặc Pháp xâm lược nước ta tháng 2-1859 đến ngày Trương Định mất (20-8-1864) chưa phải là dài, nhưng cuộc khởi nghĩa của ông lập nhiều chiến công vang dội trong điều kiện lực lượng so sánh quá chênh lệch giữa ta và địch. Uy danh của Trương Định ngày càng lớn và phong trào khởi nghĩa của ông ở Gò Công lan rộng ra khắp cả nước, xứng đáng là ngọn cờ đầu trong phong trào kháng Pháp ở Nam bộ nửa sau thế kỷ XIX.

Sau khi ông mất, nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã làm bài văn tế và mười hai bài thơ điếu Trương Định, ca ngợi cuộc đời chiến đấu hào hùng và cái chết lẫm liệt của ông. Một Tờ tấu trong danh mục Châu bản triều Nguyễn nhận xét về ông như sau: “Cố Trương Định mộ nghĩa ở Gò Công, chấn động thôn dân, đánh lấy được thảy đều vui mừng, cùng nhau báo cáo. Hoặc cùng nộp đưa tiền bạc, lúa gạo, lấy đó làm quân lương; hoặc quyên nộp đồng sắt, hỏa dược, cứu tế quân nhu. Già trẻ khỏe mạnh ở nhà đều ứng mộ, lòng ham muốn nhanh chóng được giết giặc Tây di”.

Sau khi Trương Định hy sinh (8/1864), nhân dân Gia Thuận đã lập đền thờ ông. Để che mắt giặc Pháp, người dân gọi là Đình Gia Thuận để thờ thần nhưng thực chất là thờ Trương Định.

Đền thờ Trương Định là nơi tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Trương Định, người đã có công khai phá, mở mang vùng đất Gia Thuận - Gò Công và chống thực dân Pháp xâm lược. Trương Định đã trở thành vị thần bảo hộ cuộc sống của người dân trong vùng. Để tỏ lòng tôn kính, người dân Gò Công thường gọi ông là “Trương Công Định”, “Ông Trương”, “Ông Lớn”.

Cổng đền có hai câu đối: “Gò Công Trương chánh khí; Gia Thuận Định trung cang”. Trong khuôn viên trước đền có tượng bán thân Trương Định do Tạp chí Xưa & Nay (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) trao tặng vào năm 2009. Bức tượng nầy do điêu khắc gia Lâm Quang Nới phác thảo dựa vào tư liệu ký họa do Pháp để lại, các nghệ nhân đúc đồng Huế thực hiện khâu kỹ thuật. Đền thờ được xây dựng theo lối kiến trúc đình truyền thống, tại gian giữa có bàn thờ Trương Định và bài trí những di vật, hình ảnh,… có liên quan đến cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo.

Lê Hồng Quân

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập235
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm205
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,648,760
  • Tổng lượt truy cập40,018,136
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây