Bình Tây phó soái Trần Tuấn (1814 - 1886)

Thứ năm - 15/08/2024 05:03
Trần Tuấn còn có các tên Phan Chánh, Phan Cư Chánh, Phan Trung, tự là Tử Đan, hiệu Bút Phong, sinh năm 1814, tại thôn Tấn Lộc, tổng Kinh Dinh, huyện An Phước, phủ Ninh Thuận (nay thuộc phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Từ nhỏ, ông nổi tiếng khẳng khái, có chí khí, giỏi văn thơ. Năm 1841, ông thi đỗ cử nhân, được triều đình bổ làm Tri huyện Tân Thạnh thuộc phủ Hòa Thạnh, tỉnh Gia Định (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Tháng 8/1861, ông chiêu mộ được 1.000 người, gia nhập nghĩa quân Trương Định ở căn cứ Tân Hòa (Gò Công). Tại đây, ông được Bộ chỉ huy nghĩa quân tôn phong làm Bình Tây phó soái, cùng với Bình Tây đại nguyên soái Trương Định lãnh đạo nghĩa quân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tạo nên những chiến công hiển hách.

Sau khi Trương Định mất (ngày 20-8-1864), ông di chuyển đến Giao Loan thuộc tổng Bình Lâm Thượng, huyện Long Khánh, tỉnh Biên Hòa (vùng giáp ranh giữa tỉnh Biên Hòa và tỉnh Bình Thuận) tiếp tục cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Tại căn cứ mới, ông chiêu tập nghĩa sĩ, chia quân làm đồn điền, tích trữ lương thực, mua sắm vũ khí, chuẩn bị khởi nghĩa.

Trước sự lớn mạnh của phong trào, tháng 02-1865, thực dân Pháp vô cùng lo sợ, yêu cầu quan Tuần vũ tỉnh Bình Thuận giải tán nghĩa quân và bắt ông giao cho bọn chúng xử lý. Trước yêu sách ngang ngược đó, triều đình nhà Nguyễn một mặt ra lệnh cho ông rút quân, một mặt cử người đi dàn xếp với thực dân Pháp. Tuy nhiên, ông nhất quyết không bãi binh. Do đó, thực dân Pháp đã huy động lực lượng hùng hậu tấn công Giao Loan. Với ý chí quyết tâm đánh giặc, ông đã chỉ huy nghĩa quân kiên cường đánh trả. Tuy nhiên, do thế giặc quá mạnh, nghĩa quân buộc phải tan hàng.

Sau đó, ông nhận lệnh trở về kinh đô Huế làm Thị độc học sĩ, sung chức  Điền nông sứ tỉnh Khánh Hòa để lo việc khẩn hoang. Theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện, ông đã cùng với Doanh điền sứ tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Phương, đốc suất người dân đào “một con kênh có tên là Đồng Mới, dài 1.023 trượng, làm cho hơn hai nghìn mẫu ruộng có nước cày cấy, dân được tiện lợi”. Đồng thời, ông còn ra sức giúp đỡ những sĩ phu và người dân ở Nam kỳ, do chống Pháp, theo phong trào “tỵ địa”, ra các tỉnh Nam Trung Kỳ sinh sống. Ngoài ra, ông còn tổ chức thu thập  thông tin về tình hình quân địch, mua sắm trang thiết bị, tàu chiến, quyên góp, tích trữ vũ khí, lương thực, chuẩn bị cho việc giải phóng Nam kỳ khi có thời cơ.

Năm 1873, theo yêu cầu của vua  Tự Đức, ông đã tiến cử các ông Phan Tiến, Trà Quý Bình, Đoàn Tiến Thiện, Nguyễn Trạch và Phan Liêm, vốn là những người tài đức, để triều đình sử dụng.  

Năm 1879, ông được chọn về triều dự lễ thất tuần đại khánh của Hoàng thái hậu Từ Dụ. Nghe tiếng ông, vua Tự Đức cho vời ông vào cung điện hỏi han nhiều việc. Dưới đây là cuộc hỏi chuyện của vua Tự Đức đối với ông được trích từ trong Châu bản triều Nguyễn:

- Hỏi: Tuổi tác (khanh) bao nhiêu? Lâu ngày trẫm không gặp, nay đã già nhưng còn khỏe hay đã yếu rồi?

- Trả lời: Năm Canh Tuất này thần đã 66 tuổi, vốn có bệnh, nên đã suy yếu.

- Hỏi: Nay ở Khánh Hòa, (khanh) còn làm việc gì nữa hay chỉ chuyên việc ruộng nương thôi?

- Trả lời: Thần chỉ chuyên việc nông tang, duy có những người Nam kỳ tỵ địa theo, thần cũng lưu tâm ủy lạo họ.

- Hỏi: Nay tại Khánh Hòa tình hình thế nào, những người Nam kỳ theo đến đó nhiều hay ít, họ làm gì?

- Trả lời: Hiện người Nam kỳ trú tại Khánh Hòa và Bình Thuận hơn 170 người, còn thì phân tán đông tây tứ cố, thần không rõ hết được. Số theo thần là 200 người, hiện đang cày cấy.

- Hỏi: Khi nhà nước hữu sự, (khanh) từng theo Trương Định, chí đó đáng khen, trẫm hằng nhớ đến. Nay tuổi già, đã nguội lạnh tấm lòng đó chưa?

- Trả lời: Thần tuy làm ruộng nhưng lòng đâu dám nguội lạnh. Những người Nam kỳ tỵ địa đến đây cũng đều một lòng nhớ cựu triều.

- Hỏi: Lúc trẻ (khanh) học với Phan Thanh Giản phải không? Chí hướng hai người (giữa Phan Thanh Giản và Trương Định) vốn có khác nhau phải không?

- Trả lời: Thần có học với Phan Thanh Giản, nhưng đối với tình thế lúc bấy giờ, thần trộm nghĩ làm như Trương Định mới đúng, nên thần theo Trương Định.

Năm 1878, ông được thăng Thị lang bộ Hộ, nhưng vẫn sung làm Điền nông sứ tỉnh Khánh Hòa như cũ. Năm 1883, ông được triệu về làm quan ở kinh đô Huế. Năm 1884, do tuổi cao sức yếu và chán nản cảnh nhà vua ươn hèn trước thực dân Pháp, nội bộ triều thần mâu thuẫn, tranh giành quyền lợi, hàng ngũ quan lại khiếp nhược, nên ông xin từ quan về quê nhà. Năm 1886, ông bị bệnh mất.

Ông là một vị quan yêu nước, trung nghĩa, khẳng khái, nhiệt huyết và có lòng nhân ái, lúc nào cũng đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên hàng đầu, mẫn cán, tận tụy với công việc. Năm 1889, vua Thành Thái sắc phong ông làm thần Thành hoàng được thờ ở một số đình làng tại tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận hiện nay.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập237
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm201
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,647,655
  • Tổng lượt truy cập40,017,031
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây