Căn cứ Lũy pháo đài trong cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Trương Định

Thứ năm - 15/08/2024 23:05
Lũy Pháo Đài là một thành đất có quy mô nhỏ được đắp nhằm để canh giữ vùng đất có tính chiến lược, vị trí quân sự quan trọng của vùng Cửa Tiểu. Nay thuộc ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.
Căn cứ Lũy pháo đài
Căn cứ Lũy pháo đài
Theo sách Đại Nam thực lục, tháng 7 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), Khâm phái Đốc biện Dương Văn Phong và quan tỉnh Định Tường có tờ tấu lên triều đình, đề nghị: “Trong tỉnh có thôn Từ Linh thuộc cửa Tiểu hải và thôn Minh Đức thuộc cửa Đại hải đều ở bãi biển, dân cư khá đông đúc, mà hai thủ sở cũ, số lính còn ít, không đủ canh phòng. Vậy xin lập mỗi thôn một thủ sở để coi giữ, lấy 100 hương dõng ở gần quanh, dồn làm 2 đội, lựa cử suất đội chia ra cai quản và làm công việc phòng thủ”. Đề nghị này được vua Minh Mạng chuẩn y.

Như vậy, đồn Từ linh được ra đời vào năm 1834. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, đồn có chu vi 60 trượng (378 m), cao 5 thước 5 tấc (2,57 m), mở hai cửa. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) và thứ 7 (1847), đồn được sửa chữa lại. Đến năm Tự Đức thứ nhất (1848), quan tỉnh Định Tường tâu xin đặt pháo đài để phòng thủ phía biển. Đề nghị được chuẩn y. Vì thế, dân gian còn gọi đồn Từ Linh là Lũy Pháo đài.

Đầu năm 1859, vua Tự Đức ra lệnh cho Tổng đốc Long Tường (hai tỉnh Vĩnh Long và Định Tường) Trương Văn Uyển cùng với Tuần phủ Định Tường Nguyễn Tường Vĩnh cho quân lính gia cố đồn Từ Linh (Lũy Pháo Đài) ở Cửa Tiểu, như đắp thêm bờ thành, làm lỗ bắn súng và sắm sửa những khí cụ phòng bị đánh giặc.

Sau khi thành Gia Định thất thủ (2/1859), các đồn lũy ở Cửa Tiểu thuộc tỉnh Định Tường đều đặt súng lớn và khí giới, bổ sung quân số đóng giữ. Tuy nhiên, nhà vua cũng chưa yên tâm nên sai Tán lý Nguyễn Duy (em của danh tướng Nguyễn Tri Phương) cùng quan tỉnh Định Tường “xem xét hình thế, sửa sang cho bền chặt chu đáo, tăng cường thêm quân trấn giữ”.

Lúc này, đồn Từ Linh (Lũy Pháo Đài) ở Cửa Tiểu do Bố chính Đỗ Đệ trấn giữ, đã cấp báo cho triều đình biết có tàu của hải quân Pháp đậu ở ngoài khơi: Cửa Tiểu có 01 chiếc tàu máy, Cửa Đại có 2 chiếc tàu máy. Vua Tự Đức sau khi nhận được tin liền khẩn cấp ra lệnh: “Những chỗ lính Tây dương có thể đi qua được, đường thủy thì lấp bằng đá gỗ, lập đồn đặt súng; đường bộ thì cấm hết đò ngang, chia quân phục để ngăn chặn”. Thực hiện mệnh lệnh của nhà vua,  quan tỉnh Định Tường mới đắp thêm cản hàn Cửa Tiểu gần đồn Từ Linh, dân gian gọi là Đập Đá hàn[1].
Sau khi thành Định Tường thất thủ, tháng 4/1861, Trương Định về Tân Hòa (Gò Công) xây dựng căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đồn Từ Linh (Lũy Pháo Đài) được Trương Định cho gia cố thêm vững chắc nhằm bảo vệ căn cứ Gò Công từ hướng biển và sông Cửa Tiểu. Tại đây, Lũy Pháo Đài được trang bị súng thần công loại lớn[2].

Xung quanh Lũy Pháo Đài là thành đất đắp cao, dày, có 6 cạnh cân đối khá đều nhau, thành hình lục lăng (lục giác), trên thành đất trồng me, chính giữa lũy có cây trôm to và giếng nước. Theo hướng đông nam pháo đài có một gò đất cao gọi là gò Thổ Sơn, đường kính 15-20 m, được xem là đài quan sát của nghĩa quân.

Bên ngoài lũy có rừng kè, đước, dừa nước, bần,… dày đặc bao bọc nhằm  ngăn chặn tàu chiến của địch ủi bãi xung phong lên bờ.

Năm 1987, Lũy Pháo Đài được công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 112/VHQĐ ngày 15/6/1987 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Đến năm 2000, di tích được trùng tu, xây thêm nhà bia, gia cố các thành lũy và phục chế 02 khẩu súng thần công. Năm 2010, tiếp tục gia cố các thành lũy, xây dựng đường nội bộ, nạo vét hào chung quanh lũy, xây dựng nhà khách trong khuôn viên di tích. Từ năm 2016, nhân dân và chính quyền địa phương trang trọng tổ chức lễ tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trương Định (lễ hội cấp quốc gia) tại di tích vào hai ngày 19 và 20 tháng 8 dương lịch.

Hiện nay, di tích Lũy Pháo Đài có tổng diện tích 86.098 m², gồm:
- 02 khẩu súng thần công (phục chế)
- Nhà Bia
- Giếng nước.
- Nhà khách.
- Khuôn viên cây xanh, cây kiểng.
 
[1] Đập này đến nay vẫn còn và đã được đánh dấu để tàu thuyền ra vào không bị cản trở. 
[2] Vị trí đặt khẩu thần công trước kia nằm tận ngoài giữa hai hướng cửa thành Tây và Tây Bắc cạnh đầu bờ sông Cửa Tiểu và rạch Đồn chừng 60 m.

Lê Hồng Quân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập215
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm187
  • Hôm nay47,297
  • Tháng hiện tại1,041,829
  • Tổng lượt truy cập36,676,780
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây