Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương tổng luận Hội thảo khoa học: Dấu ấn lịch sử của Khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX

Thứ sáu - 16/08/2024 10:47
Sáng ngày 16-8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh: “Dấu ấn lịch sử của Khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX” nhân kỷ niệm 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864 - 20/8/2024).
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Qua 42 bài tham luận gửi đến Hội thảo và các đại biểu trình bày trực tiếp tại Hội thảo, đồng chí Châu Thị Mỹ Phương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chủ trì Hội thảo phát biểu tổng luận Hội thảo như sau:

1. Bối cảnh tình hình Việt Nam từ khi thực dân Pháp xâm lược đến trước Khởi nghĩa Trương Định

 Ngày 01/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công bán đảo Sơn Trà, đánh chiếm Đà Nẵng, chính thức mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tháng 02/1859, quân Pháp kéo vào đánh chiếm Gia Định, nhân dân ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái hưởng ứng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ngày càng mạnh mẽ. Nhưng trong lúc khí thế chống Pháp của các sĩ phu, văn thân yêu nước và nhân dân đang dâng cao thì triều đình nhà Nguyễn lại bạc nhược, không dám hành động, chủ trương hòa hoãn với Pháp, ký  Hòa ước Nhâm Tuất vào ngày 05/6/1862, cắt ba tỉnh Nam kỳ cho thực dân Pháp và chịu bồi thường chiến phí. Tháng 6/1867, quân Pháp còn mở rộng chiến tranh xâm lược, kéo quân đánh chiếm và sáp nhập 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ vào “Nam kỳ thuộc Pháp”.

Năm 1873, từ Nam kỳ, quân Pháp kéo ra xâm lược phía Bắc Việt Nam lần thứ nhất, đánh chiếm một số tỉnh Bắc kỳ và đánh thành Hà Nội. Nhân dân ta đã anh dũng đấu tranh chống thực dân Pháp rất quyết liệt, nhưng triều đình nhà Nguyễn vẫn không tranh thủ sức mạnh đó mà lại bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt quân Pháp, ươn hèn, chủ động ký với Pháp Hiệp ước Giáp Tuất (1874), cắt toàn bộ 6 tỉnh Nam kỳ cho Pháp, công nhận cho Pháp quyền đi lại, buôn bán và kiểm soát tình hình ở miền Bắc và trên toàn đất nước Việt Nam.

Đối với vùng đất Nam kỳ, trước khi thực dân Pháp xâm lược, đây là vùng kinh tế phát triển trên nền tảng cơ sở của một nền nông nghiệp trồng lúa nước, kết hợp với các nghề thủ công, đánh bắt thủy hải sản và khai thác lâm sản, mang đậm đặc trưng của nông thôn miệt vườn vùng sông nước. Cho đến nửa cuối thể kỷ XIX, xã hội Nam kỳ vẫn còn mang đậm nét xã hội phong kiến với hai giai cấp cơ bản là giai cấp địa chủ và nông dân. Sau khi Pháp cho quân tiến công xâm lược vào vùng đất Nam kỳ, thiết lập hệ thống cai trị, tiến hành cuộc khai thác thuộc địa, thì đi liền với sự du nhập của văn minh phương Tây vào vùng đất Nam kỳ đã dần xuất hiện các yếu tố của xã hội thực dân. Đó là sự ra đời của giới tư bản thực dân Pháp nắm quyền cai trị, cùng với một bộ phận quan lại phong kiến tay sai làm việc trong bộ máy chính quyền thực dân, cùng với đó đã xuất hiện giai cấp công nhân và tầng lớp tiểu tư sản. Kể từ đó, xã hội Nam kỳ có sự chuyển biến với sự phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc. Như vậy, mặc dù trong bối cảnh không thuận lợi của Việt Nam lúc bấy giờ nhưng Trương Định vẫn giương cao ngọn cờ chống thực dân Pháp xâm lược. Tất cả là vì quốc gia, dân tộc. Ông đã tập hợp và được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Đó là do tài năng và đức độ của ông.

2. Cuộc Khởi nghĩa Trương Định và sự tác động đối với phong trào kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ

Cuộc Khởi nghĩa Trương Định có ảnh hưởng rộng lớn nhất lúc bấy giờ. Tháng 02/1859, khi quân Pháp tấn công thành Gia Định, Trương Định đã đưa cơ binh của đồn điền mình lên đóng tại Thuận Kiều, phối hợp cùng quan quân triều đình chống giặc. Nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Trương Định đã chiến đấu vô cùng anh dũng, giành được nhiều chiến công trong vùng từ Gò Cây Mai đến Thị Nghè.

Tháng 3/1860, Nguyễn Tri Phương được triều đình điều động từ mặt trận Đà Nẵng vào phụ trách mặt trận Gia Định, ông đã chủ động đưa quân đến phối hợp tác chiến. Tháng 02/1861, phòng tuyến Chí Hòa bị vỡ, đại đồn thất thủ, Trương Định đưa đội nghĩa quân của ông về hoạt động ở Tân Hòa, Gò Công, lập căn cứ kháng chiến với mục đích chiến đấu lâu dài.

Căn cứ Tân Hòa có quy mô và vị trí thuận lợi về nhiều mặt, nhất là đã thu hút được sự ủng hộ của nhân dân các vùng xung quanh và trở thành trung tâm hội quân của nhiều lực lượng chống Pháp, trong đó có nhiều sĩ phu, văn thân, quan lại của triều đình có tinh thần yêu nước chống Pháp. Tiêu biểu như: Án sát Đỗ Quang, Tri phủ Nguyễn Thành Ý, Tri huyện Đỗ Đình Thoại, Tri huyện Âu Dương Lân, Phủ Cậu Trần Xuân Hòa, Nguyễn Đình Chiểu, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Tri huyện Lưu Tấn Thiện, Thư lại Lê Quan Quyền, Cử nhân Phan Văn Đạt, Cử nhân Phan Văn Trị, Trịnh Quang Nghi, Lê Cao Dũng, Hồ Huấn Nghiệp, Võ Duy Dương… Nhiều người còn chiêu mộ được một số lớn dân dũng nhằm bổ sung cho đội ngũ nghĩa quân của Trương Định. Sách Đại Nam thực lục chép: “Phó Quản cơ Gia Định là Trương Định… chiêu mộ những thủ đồng có nhiều người đi theo… Tri phủ Phúc Tuy là Nguyễn Thành Ý, Tùy phủ là Phan Trung mỗi người đề mộ được 2 cơ, hợp cộng 4.000 người, lại đương tiếp tục mộ, kể ước tới hàng vạn”. Tính đến cuối năm 1861, lực lượng nghĩa quân của Trương Định đã lên tới hàng vạn người, kể cả một số Hoa kiều.

Trương Định đã cùng các chỉ huy vận động nhân dân ở các địa phương xây dựng đồn lũy, đào hào, chặn sông, đắp chướng ngại vật trên các tuyến đường quân Pháp hành quân để ngăn chặn giặc; đồng thời nghĩa quân ra sức chuẩn bị, tích trữ lương thảo, các lò rèn hoạt động suốt ngày đêm để sản xuất vũ khí, đúc súng ống; tổ chức luyện tập chiến thuật, kỹ thuật tác chiến và lên kế hoạch chuẩn bị tiến công giặc. Nghĩa quân còn liên lạc với một số thương nhân Hoa kiều mua súng đạn của nước ngoài. Sự liên kết giữa các cuộc khởi nghĩa với nhau đã làm cho hàng ngũ của nghĩa quân ngày càng thêm mạnh, quân số ngày càng tăng, nhất là các đội nghĩa quân của Phạm Tuấn Phát ở Tân An, Bùi Huy Diệu ở Cần Đước, Nguyễn Văn Trung ở Tân Thành.

Từ ngày 16/12/1862, nghĩa quân Trương Định tấn công đồng loạt các đồn bót địch ở khắp các địa phương thuộc Gia Định, Biên Hòa, Đồng Nai, Đồn Rạch Tra trên đường từ Sài Gòn đi Tây Ninh cũng bị nghĩa quân tấn công, viên đồn trưởng người Pháp bị giết, vũ khí đạn dược bị nghĩa quân tịch thu. Ba pháo thuyền của địch trên sông Vàm Cỏ Đông bị đánh theo chiến thuật của trận đánh tàu trên sông Nhật Tảo. Hoặc các trận đánh của nghĩa quân tấn công các huyện lỵ ở Bà Rịa; 5.000 nghĩa quân tấn công địch ở Gò Đen; 1.000 nghĩa quân đánh đồn Thuộc Nhiêu. Các trận đánh này đã gây tiếng vang lớn, tạo uy thế cho nghĩa quân Trương Định, nhiều vùng đất bị quân Pháp chiếm đóng trước đó đã thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân Trương Định. Đầu năm 1863, quân Pháp có thêm viện binh đã bắt đầu mở các cuộc tấn công vào các căn cứ chủ chốt của nghĩa quân Trương Định, mở đầu là trận tấn công vào căn cứ Sơn Quy, song tại đây quân Pháp đã bị nghĩa quân lợi dụng địa hình đầm lầy, dụ địch vào trận địa đã bố trí sẵn, làm cho chúng bị thiệt hại nặng nề, buộc phải rút lui. Ngày 25/02/1863, quân Pháp mở đợt tấn công lớn đánh vào căn cứ Tân Hòa theo 3 mũi. Trước sức mạnh của quân Pháp, Trương Định hạ lệnh cho các nghĩa quân ở vùng Tân Long, Bình Dương, Bình Long, Biên Hòa,... tấn công các cứ điểm của quân Pháp ở đó để chia lửa với căn cứ Tân Hòa. Nghĩa quân đã anh dũng chiến đấu chống trả các đợt tấn công của quân Pháp ròng rã suốt 3 ngày liền, sau khi 2 chỉ huy là Đặng Kim Chung và Lưu Bảo Đường trúng đạn hi sinh, vũ khí đạn dược cũng bị hao hụt, không đáp ứng đủ nhu cầu chiến đấu, nghĩa quân quyết định rút lui khỏi căn cứ để bảo toàn lực lượng. Ngày 28/02/1863, quân Pháp chiếm được căn cứ Tân Hòa. Trương Định rút quân về lập căn cứ mới ở Phước Lộc, kiểm soát vùng rừng sát thuộc các tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Đồng Tháp Mười và vùng bưng Tầm Lạc thuộc tổng Cầu An Hạ. Mặc dù căn cứ Gò Công đã bị quân Pháp chiếm, song nghĩa quân Trương Định lúc đó vẫn còn gần 1.000 người và vẫn không ngừng hoạt động ở các nơi, nghĩa quân vừa chiến đấu vừa tiếp tục củng cố lực lượng, tuyển thêm binh sĩ, chuẩn bị khí giới, đạn dược.

Ngày 25/9/1863, quân Pháp tiếp tục mở đợt tấn công mới vào Lý Nhân nơi mà Trương Định đang có mặt ở đó. Khi quân Pháp kéo đến, nghĩa quân vừa chống trả, vừa lui về căn cứ Tân Phước nằm ven sông Soài Rạp, nơi có vị thế hiểm yếu dễ dàng bảo vệ hơn. Nhưng do sự phản bội của tên tay sai đầu hàng quân Pháp là Huỳnh Văn Tấn dẫn đường cho quân Pháp lọt vào căn cứ. Nghĩa quân chiến đấu vô cùng anh dũng, nhưng đến sáng ngày 20/8/1864, Trương Định bị trúng đạn gãy xương sống, không muốn để giặc bắt, ông đã rút gươm tự sát. Chủ tướng Trương Định hi sinh lúc 44 tuổi.

Về ảnh hưởng của Khởi nghĩa Trương Định đến phong trào kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ:

Sau khi Trương Định hi sinh, phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam kỳ gặp khó khăn nhiều hơn, nhưng không vì thế mà chấm dứt  hoạt động. Một số nghĩa quân đã kéo lên Đồng Tháp Mười lập căn cứ, tuyển mộ thêm binh sĩ, tích trữ thêm lương thảo, rèn thêm gươm giáo, tích thêm súng đạn, nhân lúc quân Pháp sơ hở kéo ra tấn công các căn cứ quân Pháp ở Mỹ Tho, Tân An, Chợ Lớn,... Một số khác kéo quân về tăng cường cho các căn cứ Giao Loan giáp Bình Thuận.

Sau khi 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ bị mất vào tay thực dân Pháp, phong trào kháng chiến chống Pháp trong nhân dân tiếp tục phát triển mạnh. Một số sĩ phu, văn thân yêu nước chống Pháp đã ra vùng Bình Thuận lập ra căn cứ Tánh Linh để mưu cuộc kháng chiến lâu dài. Một số khác tập hợp dưới ngọn cờ của Nguyễn Hữu Huân, sau khi bị đi đày trở về, đã đẩy mạnh hoạt động khắp các vùng Gò Công, Tân An, Chợ Gạo, Bình Dương, hoặc tham gia vào nghĩa quân của Võ Duy Dương hoạt động trong vùng Đồng Tháp Mười - Tây Ninh, liên minh với nhà sư yêu nước Pu Kom Pô (người Campuchia) để chống Pháp từ năm 1866 đến năm 1868.

Trong suốt 20 năm cuối thế kỷ XIX, ở Nam kỳ vẫn liên tiếp diễn ra các cuộc khởi nghĩa chống Pháp vô cùng quyết liệt như: khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá năm 1867; Nguyễn Hữu Huân ở Tân An, Mỹ Tho năm 1875; Thân Văn Nhíp ở Mỹ Tho; Đỗ Thừa Long, Đỗ Thừa Tự ở Tân An, Rạch Giá năm 1868; Phan Tòng ở Bến Tre, Giồng Gạch những năm 1869 - 1870; Lê Công Thành, Phạm Văn Thành ở Bãi Thưa giữa các tỉnh Hà Tiên, Rạch Giá, Châu Đốc, Long Xuyên năm 1873; Nguyễn Xuân Phụng, Đoàn Công Bửu ở Trà Vinh năm 1874; Lê Tấn Kế, Trần Bình ở Ba Động (Trà Vinh) năm 1875; Phan Văn Hớn (Quân Hớn) và Nguyễn Văn Bường (Đề Bường) ở Bà Điểm, Hóc Môn năm 1885,... Các cuộc khởi nghĩa đã diễn ra liên tiếp, rất mạnh mẽ, các cuộc khởi nghĩa đã ít nhiều chịu ảnh hưởng và tác động to lớn từ Khởi nghĩa Trương Định. Điều này đã khẳng định được ý nghĩa to lớn và tác động của Khởi nghĩa Trương Định đối với phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam kỳ trong nửa sau thế kỷ XIX.

3. Tình cảm của người dân Việt Nam nói chung, nhân dân Tiền Giang, người dân Quảng Ngãi nói riêng đối với Anh hùng dân tộc Trương Định.

Anh hùng dân tộc Trương Định - người con ưu tú của dân tộc ta đã nằm lại trên mảnh đất Gò Công, để lại trong nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân Tiền Giang, nhân dân Quảng Ngãi nói riêng niềm tiếc thương và sự kính trọng vô hạn - tấm gương kiên trung, bất khuất, một đời chiến đấu vì nước, vì dân, sống oanh liệt, chết vẻ vang mà ông và nghĩa quân của ông đã để lại cho hậu thế. Bằng sự chỉ huy tài tình, với lý tưởng cao đẹp, những đức tính quý báu và hành động quả cảm đã làm rạng rỡ vùng đất Gò Công, vùng đất Tiền Giang. Cuộc khởi nghĩa ở Gò Công trở thành trung tâm của phong trào kháng chiến rộng lớn của nhân dân ta ở lục tỉnh Nam kỳ. Tinh thần Trương Định và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo đã được nhân dân Tiền Giang phát huy trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và trong bảo vệ, xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy sự nghiệp cứu nước chưa thành, ước nguyện cứu dân chưa đạt được, nhưng Trương Định đã để lại tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, về tinh thần kiên trung, bất khuất, về phẩm chất thắng không kiêu, bại không nản, tiền tài, danh vọng, uy vũ không thể khuất phục, quyết chiến đấu đến cùng vì quyền lợi tối thượng của quốc gia, của dân tộc.

Tất cả những điều đó được minh họa trong tham luận: “Những hình thức tôn vinh gắn với Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định”; tham luận “Phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa về khởi nghĩa Trương Định trong chương trình giáo dục địa phương ở tỉnh Tiền Giang”; tham luận “Tình cảm của người dân Tiền Giang đối với Anh hùng dân tộc Trương Định qua văn học”; tham luận “ Việc thờ cúng, xây đền thờ anh hùng Trương Định ở Quãng Ngãi”… Có thể nói rằng, tất cả những tham luận nói trên như là một kết cấu vĩ thanh về tình cảm của Nhân dân Tiền Giang, Nhân dân Quảng Ngãi đối với vị Anh hùng dân tộc Trương Định.

4. Phát huy tinh thần của cuộc khởi nghĩa Trương Định trong xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước

Ngày nay, tinh thần hào khí cuộc Khởi nghĩa Trương Định nói riêng, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc qua các thời kỳ lịch sử nói chung mãi mãi là niềm tự hào đối với mỗi người dân Việt Nam trong và ngoài nước. Các văn thân, sĩ phu yêu nước, những người đứng đầu các cuộc đấu tranh, tiêu biểu đầu tiên là Anh hùng dân tộc Trương Định đã dựa vào nhân dân, tin tưởng vào sức mạnh và ý chí mãnh liệt của nhân dân, trở thành ngọn cờ quy tụ, đoàn kết các tầng lớp nhân dân kháng chiến chống quân Pháp xâm lược. Khởi nghĩa Trương Định đã khơi dậy truyền thống yêu nước quật cường, nhân dân khắp cả nước đấu tranh kháng quân Pháp, bảo vệ độc lập, tự do.

Qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1858 - 1896, mà khởi đầu là cuộc kháng Pháp dưới sự lãnh đạo của Anh hùng dân tộc Trương Định để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc về quy tụ, cố kết nhân tâm, khơi dậy khát vọng độc lập, tự do, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ bờ cõi trên đất liền cũng như hải đảo, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc ngày nay. Từ bài học lịch sử này qua cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Trương Định tiếp tục khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc; xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa. Ở  trong nước, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, vận hội mới, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới của an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống có nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.

Từ bài học lịch sử cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược với Khởi nghĩa Trương Định, thực tiễn 94 năm (1930 - 2024) lãnh đạo cách mạng nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục làm tròn sứ mệnh cao cả của mình trước dân tộc, Tổ quốc, là ngọn cờ tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; trong đó chú trọng phát huy nội lực, kiên định quan hệ đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đảng ta đã lãnh đạo, củng cố, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước từ đánh giặc “toàn dân”, “toàn diện” thành phát triển mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở đồng thuận xã hội, là đường lối chiến lược của cách mạng nước ta nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.

Tỉnh Tiền Giang, tỉnh Quảng Ngãi luôn phát huy tinh thần yêu nước qua Khởi nghĩa Trương Định đối với xây dựng bảo vệ quê hương, Tổ quốc ngày nay gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, củng cố “thế trận lòng dân”, thực hiện hiệu quả công tác dân vận “quân dân như cá với nước”, “quân với dân một ý chí”… đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích chính đáng của Nhân dân lên trên hết.

Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi - nơi sinh ra người anh hùng dân tộc. Tiền Giang - vùng đất đã nuôi dưỡng, tạo nên người anh hùng Trương Định sẽ luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng, phát triển bền vững trong thời gian tới.

5. Ngoài ra, các tác giả cũng đã nghiên cứu, phát hiện một số nội dung, tư liệu mới liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp và cuộc khởi nghĩa Trương Định, Ban Tổ chức Hội thảo ghi nhận và tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Đến giờ này, Hội thảo khoa học “Dấu ấn lịch sử của khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX” đã hoàn thành các nội dung, yêu cầu đề ra. Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Trương Định, chúng ta càng tự hào hơn về các thế hệ cha, ông đi trước luôn một lòng vì nước vì dân. Trong niềm tự hào ấy, mỗi người chúng ta hãy sống, làm việc để xứng đáng với những người đi trước, để làm tròn trách nhiệm và tình cảm với Nhân dân, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao cho.
 

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập230
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm191
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,648,852
  • Tổng lượt truy cập40,018,228
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây