Các địa điểm liên quan cuộc khởi nghĩa Trương Định ở huyện Gò Công Đông
Song Lan
2024-08-03T03:39:49-04:00
2024-08-03T03:39:49-04:00
https://tuyengiaotiengiang.vnpttiengiang.vn/dat-va-nguoi-tien-giang/cac-dia-diem-lien-quan-cuoc-khoi-nghia-truong-dinh-o-huyen-go-cong-dong-4934.html
/themes/phubinh_theme/images/no_image.gif
Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang
https://tuyengiaotiengiang.vnpttiengiang.vn/uploads/screenshot_1_5.png
Thứ năm - 01/08/2024 04:02
Đám lá tối trời:
Đám Lá Tối Trời ở Ấp 1, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, có diện tích 143.071 m². Thời xưa là nơi cô tịch, hoang vắng, vì bao bọc nhiều lớp rừng cây dà, cây cóc, dừa nước, cây bần,… mọc chen chúc, tàng cây cao bóng rợp che khuất ánh sáng. Ban ngày vào vùng ấy như đêm tối nên gọi là “đám lá tối trời”.
Năm 1863, quân Pháp chiếm Gò Công. Trương Định cùng nghĩa quân lui về đây làm căn cứ chống giặc vì đây là nơi hiểm yếu. Đây là nơi Trương Định đã viết hịch kêu gọi nhân dân và sĩ phu góp công, góp sức chống Pháp.
Trong quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, Nguyễn Liêng Phong viết:
Tiếng đồn đám lá tối trời,
Có ông Trương Định trải phơi gan vàng.
Hiềm vì cơ chưởng nam minh,
Lưỡi gươm đâm bụng liều mình như chơi.
Nên hư số hệ ở trời,
Khá đem thành bại luận người hùng anh.
Ao Dinh:
Ao Dinh tọa lạc tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, cách trung tâm thị xã Gò Công 13 km. Tại đây, vào thời xưa có một vuông đất gọi là vuông Dinh, thuộc đất dinh cơ của Trương Định. Để có nước ngọt sử dụng, người dân đã đào ao trên vuông đất đó, gọi là Ao Dinh.
Ao có dạng hình chữ nhật, diện tích 12.254 m², sâu 3.5 m. Xung quanh bờ ao được trồng các loại cây, như bình bát, mãng cầu dai,... để chống sạt lỡ. Di tích có hàng rào bao quanh, một tấm bia ghi sự kiện liên quan đến ao. Đồng thời, Ngành Văn hóa cũng cử một người lo việc nhang khói, coi sóc di tích.
Đây là nơi ghi dấu sự kiện bi tráng: Anh hùng dân tộc đã anh dũng hy sinh vì nghĩa lớn cứu nước, cứu dân. Bài văn bia tại di tích Ao Dinh ghi: “Nơi đây, rạng sáng ngày 20 tháng 8 năm 1864, tên Huỳnh Văn Tấn (Đội Tấn) từng hoạt động cùng Trương Định đã phản bội, dẫn giặc Pháp về bao vây hòng bắt sống Trương Định và nghĩa quân thân cận của ông. Trương Định bị thương nặng trong cuộc tử chiến với giặc. Để không cho giặc bắt sống, ông đã rút gươm tuẫn tiết, thể hiện khí phách của người anh hùng”.
Có lẽ vì là nơi Trương Định tuẫn tiết, nên Ao Dinh còn được nhân dân địa phương gọi là Ao Vinh với nghĩa “thà chết vinh hơn sống nhục”. Di tích Ao Dinh được đông đảo du khách đến tham quan, lễ bái, nhất là vào dịp lễ giỗ của Ông.
Đền thờ Trương Định:
Đền thờ tọa lạc tại Ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, có diện tích 25.275 m².
Sau khi Trương Định hy sinh (20/8/1864), nhân dân Gia Thuận đã lập miếu bằng tre lá để thờ ông. Vào những năm đầu thế kỷ 20, Nhân dân địa phương đóng góp tiền của xây dựng lại ngôi miếu to rộng hơn. Lúc này không gọi miếu mà gọi là đình: Đình Gia Thuận. Để che mắt chính quyền thực dân Pháp, đình Gia Thuận thờ thần; nhưng thực chất là thờ Trương Định. Khi đó, đình được xây dựng bằng gỗ quí, mái lợp ngói âm dương, kèo cột theo kiểu tứ trụ chồng rường, cột kê trên táng đá xanh, nền lót gạch tàu, bó nền bằng đá tổ ong. Sau năm 1975, đình được trùng tu. Năm 2009, tỉnh Tiền Giang cho xây dựng đền thờ khang trang như hiện nay.
Cổng đền có hai câu đối: “Gò Công Trương chánh khí; Gia Thuận Định trung cang”. Khuôn viên đền thờ có trồng nhiều loại hoa kiểng và cây tạo bóng mát. Trước đền có tượng bán thân Trương Định do Tạp chí Xưa và Nay trao tặng vào năm 2009. Bức tượng nặng 120 kg, cao 80 cm do điêu khắc gia Lâm Quang Nới phác thảo dựa vào tư liệu ký họa do Pháp để lại, các nghệ nhân đúc đồng Huế thực hiện khâu kỹ thuật. Ngôi đền được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, gồm vỏ ca, chính điện và nhà khói. Bên trong chính điện có tủ thờ Gò Công, tranh vẽ chân dung Trương Định; các bộ lư, chân đèn và binh khí bằng đồng, một số di vật của nghĩa quân Trương Định, Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Hằng năm, tại đền thờ, chính quyền và Nhân dân huyện Gò Công Đông đều tổ chức lễ hội tưởng niệm ngày Trương Định hy sinh rất nghiêm trang và trọng thể trong 2 ngày 19/8 và 20/8.
Năm 2023, tỉnh Tiền Giang thực hiện dự án mở rộng đền thờ Trương Định (giai đoạn 2) với tổng diện tích 20.535,6 m2 và tổng mức đầu tư 41,876 tỷ đồng, gồm các hạng mục: phục dựng đám lá tối trời, khu trồng cây lưu niệm, nhà dịch vụ, nhà trưng bày sản phẩm và giới thiệu làng nghề, chòi nghỉ, phục chế khu căn cứ nghĩa quân, hồ nước, kênh rạch, sân trò chơi dân gian kết hợp trò chơi hiện đại mang tính giáo dục; các hạng đường giao thông nội bộ; hạ tầng kỹ thuật phục vụ dự án và công trình phụ trợ. Dự án nhằm xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho lễ hội Trương Định và các lễ hội khác, giới thiệu các loại hình làng nghề truyền thống tiêu biểu, tổ chức các khu vực vui chơi giải trí phục vụ người dân địa phương và khách du lịch.
Các địa điểm liên quan cuộc khởi nghĩa Trương Định: Đám lá tối trời - Ao Dinh - Đền thờ Trương Định được công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 66/2004/QĐ-BVHTT ngày 14/6/2004 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Trần Hoàng Diệu – Nguyễn Quang Ân (2007), Địa chí Tiền Giang (tập 2), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, trang 1002.