Đồng chí Nguyễn Văn Chim còn có tên Nguyễn Văn Nhạn, bí danh Ba Nhạn, sinh năm 1911 tại làng Kim Sơn, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước.
Năm 1931, đồng chí Nguyễn Văn Chim giác ngộ cách mạng, làm công tác liên lạc và rải truyền đơn, là hội viên rồi Hội trưởng Công hội đỏ ấp Đông, xã Kim Sơn. Ngày 20/3/1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tại Chi bộ xã Kim Sơn. Năm 1938, theo sự phân công của tổ chức, đồng chí vào làm việc tại nhà ga xe lửa Mỹ Tho, nhằm xây dựng cơ sở Đảng trong giới công nhân hỏa xa. Sau đó, đồng chí được điều về quê nhà, công tác trong phong trào nông dân.
Khi cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ (11/1940), đồng chí được chỉ định phụ trách việc phát động cuộc đấu tranh của quần chúng ở các xã Kim Sơn, Song Thuận, Vĩnh Kim, Bàn Long, Phú Phong. Cuộc khởi nghĩa bị địch đàn áp đẫm máu. Do đó, đồng chí Nguyễn Văn Chim phải trốn lánh vào Đồng Tháp Mười và Châu Đốc để chờ thời cơ mới.
Đầu năm 1944, đồng chí Nguyễn Văn Chim trở về Kim Sơn, bắt được liên lạc với Đảng, đến tháng 8/1945, theo sự phân công của cấp trên, đồng chí đã lãnh đạo nhân dân các xã Kim Sơn, Long Hưng, Đông Hòa, Bình Trưng, Vĩnh Kim, Bàn Long, Phú Phong, Song Thuận, Phú Đức, Phú Túc tiến hành cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi rực rỡ. Sau đó, đồng chí được bầu làm Tỉnh ủy viên chính thức tỉnh Mỹ Tho, tham gia lãnh đạo kháng chiến chống Pháp.
Năm 1948, đồng chí Nguyễn Văn Chim được chỉ định giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy huyện Châu Thành. Với chức trách này, đồng chí đã cùng với tập thể Huyện ủy lãnh đạo và chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân huyện Châu Thành có những bước phát triển vững chắc. Năm 1950, đồng chí được bầu vào Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách công tác tổ chức và kiểm tra. Năm 1952, đồng chí là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Việt Minh - Liên Việt tỉnh Mỹ Tho. Năm 1953, đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Sau khi Hiệp định Genève (1954) được ký kết, đồng chí Nguyễn Văn Chim được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Trong thời gian này, phong trào cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho cũng như ở các địa phương khác trên toàn miền Nam bị chính quyền Sài Gòn đàn áp, khủng bố khốc liệt. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Chim vẫn kiên cường bám trụ và cùng với Tỉnh ủy đề ra phương châm đấu tranh mới để phù hợp với tình hình lúc đó. Nhờ thế, phong trào cách mạng ở tỉnh nhà vẫn được giữ vững và từng bước tiến lên.
Năm 1957, đồng chí Nguyễn Văn Chim được đề bạt làm Liên Tỉnh ủy viên Liên tỉnh Mỹ Tho - Gò Công - Tân An. Tháng 5/1959, đồng chí nhận lãnh một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đến các Tỉnh ủy Mỹ Tho, Bến Tre, Gò Công và Tân An. Sau đó, các địa phương này đã cùng với toàn miền Nam tiến hành cuộc “Đồng khởi”, đánh bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đơn phương” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng miền Nam.
Do có thành tích trong lãnh đạo và chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh, năm 1961, đồng chí được điều về Khu 8 giữ chức Phó Bí thư Khu ủy. Năm 1967-1968, đồng chí phụ trách Ban Chỉ đạo trọng điểm ở tỉnh Mỹ Tho và thành phố Mỹ Tho. Tháng 7/1970, đồng chí được Khu ủy phân công phụ trách các tỉnh Bến Tre, Gò Công, thành phố Mỹ Tho. Tháng 5/1971, đồng chí phụ trách công tác tổ chức - kiểm tra của Khu ủy và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Khu Trung Nam bộ. Với những trọng trách này, đồng chí đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đồng chí đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương khác.