Đồng chí Phan Vân, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho (1910 - 21/11/1996)

Thứ ba - 12/11/2024 02:03
Đồng chí Phan Vân, tên thường dùng là Nguyễn Văn Nữ, quê xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1929, vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 6/1930, đồng chí tham gia kháng chiến, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Mặc dù đồng chí lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Mỹ Tho trong thời gian ngắn, nhưng đã góp phần làm nên những thắng lợi của quân và dân tỉnh Mỹ Tho trong những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí bị địch bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn từ năm 1931 đến tháng 12/1932. Tháng 1/1933, đồng chí ra tù, tiếp tục hoạt động và là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ. Tháng 5/1934 đến tháng 12/1946, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ 2 và giam ở các nhà lao từ Khám lớn Sài Gòn đến Nhà tù Côn Đảo, Nhà tù Bà Rá,...

Năm 1947, đồng chí ra tù và tiếp tục hoạt động cách mạng, là Ủy viên Thường vụ Khu ủy Khu Trung Nam bộ (Khu 8). Năm 1949, Pháp ráo riết đóng đồn bót dọc theo lộ Đông Dương (Quốc lộ 1), dọc sông Tiền, dọc kinh Chợ Gạo và các đường thủy - bộ đi các tỉnh; lập bộ máy kìm kẹp tại các vùng Pháp đã kiểm soát, nhất là ở Chợ Gạo và Gò Công.

Tháng 10/1949, đồng chí Mai Chí Thọ, quyền Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho được đồng chí Lê Duẩn điều đi nhận nhiệm vụ khác, chỉ định đồng chí Phan Vân làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Cùng thời điểm này, Thị đội Mỹ Tho được thành lập. Với trọng trách mới, đồng chí cùng lãnh đạo Tỉnh ủy Mỹ Tho đã tổ chức  mở chiến dịch ở Mỹ Tho vào ngày 9/11/1949, mục tiêu là đánh vào trung tâm thị xã để phá kế hoạch mở rộng phạm vi chiếm đóng của địch. Trong chiến dịch này, ta đã diệt hơn 240 tên địch, thu 427 súng các loại, phá hủy 13 xe vận tải, làm cho bọn lính Âu - Phi, ngụy quân, ngụy quyền hoang mang, lo sợ.

Trên khắp các vùng trong tỉnh Mỹ Tho, tin chiến thắng liên tiếp đưa về góp phần làm phấn chấn thêm tinh thần của chiến sĩ và nhân dân. Tỉnh ủy Mỹ Tho tiếp tục mở chiến dịch Khu 3 Châu Thành và Khu 2 Cai Lậy, đánh bót Bình Trưng (Châu Thành), đánh địch giải tỏa suốt hai ngày liền, ta diệt được hàng trăm tên địch, đánh chìm tàu và bắn rơi máy bay; án ngữ kinh Chợ Gạo, chặn đánh đoàn tàu trên sông Thiên Hộ, phá hủy 4 tàu và làm hỏng nặng một số tàu khác.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, ta đã giành được thắng lợi ở vùng căn cứ Đồng Tháp Mười, chùa Phật Đá, đập Hậu Mỹ, kinh 28,… đã nâng thế chủ động của các lực lượng ta lên một bước mới, nhất là lực lượng chủ lực. Những thắng lợi trên chiến trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân tỉnh Mỹ Tho thực hiện những bước tiếp theo nhằm đáp ứng nhu cầu mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy và Khu ủy Khu 8 về chuẩn bị mở Chiến dịch tổng phản công. Tỉnh ủy Mỹ Tho và Tỉnh ủy Gò Công tích cực thực hiện chủ trương giảm nhẹ bộ máy, tăng cường cán bộ cho cơ sở, củng cố xã đội, phát triển lực lượng du kích, xử lý những vụ gián điệp, phát động phong trào toàn dân tham gia kháng chiến.

Đầu năm 1950, các đơn vị hành chính, các huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Cai Lậy của tỉnh Mỹ Tho đã chia thành nhiều khu, hoạt động theo phương thức phối hợp giữa Đảng - quân - dân - chính để lãnh đạo phong trào kháng chiến toàn diện hơn.

Tháng 3/1950, Tỉnh ủy Mỹ Tho được củng cố lại, đồng chí Mai Chí Thọ được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phan Vân chuyển công tác và làm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh đến năm 1951. Năm 1952, đồng chí là Phó Trưởng ban Kiểm tra quân dân chính Đảng Nam bộ. Từ năm 1959 - 1962, đồng chí là Phó Giám đốc Khu Gang thép Thái Nguyên. Năm 1962 - 1965, làm việc ở  Viện Kinh tế thuộc Ủy ban Khoa  học Nhà nước. Từ năm 1975 - 1978, đồng chí công tác ở Viện Y Dược học thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 1/1979, đồng chí nghỉ hưu. Đồng chí qua đời ngày 21/11/1996.

Với công lao và sự đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng chí Phan Vân được Đảng và Nhà nước tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; Huân chương Quyết thắng hạng Nhì; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phan Vân mãi là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập405
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm349
  • Hôm nay43,912
  • Tháng hiện tại1,590,685
  • Tổng lượt truy cập39,960,061
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây